Viêm tấy lan tỏa

Viêm Tấy Lan Tỏa – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

1. Định nghĩa

Viêm tấy lan tỏa (VTLT) là tình trạng viêm cấp tính của mô tế bào với hai đặc điểm:

– Xu hướng lan tỏa mạnh, không giới hạn.

– Hoại tử các mô bị xâm nhập. Với những tiến bộ của phương pháp vô trùng và việc sử dụng kháng sinh, VTLT ngày càng ít thấy hơn và không diễn biến trầm trọng như trước đây.

2. Nguyên nhân

– Vi khuẩn gây VTLT thường là loại liên cầu (thành phần chủ yếu) và loại tụ cầu khuẩn vàng. Ngoài ra, có thể gặp những cầu khuẩn khác và những vi khuẩn kỵ khí.

– Ngõ vào của vi khuẩn có thể là:

  • Một chỗ xây xát ở da.
  • Một vết thương nhỏ bị bỏ qua không được chăm sóc.
  • Một vết thương chiến tranh có nhiều mô bị dập nát.

– VTLT phát triển được là nhờ một số yếu tố:

  • Khả năng gây bệnh của vi khuẩn
  • Bệnh nhân có những bệnh kèm theo như nghiện rượu, đái tháo đường, suy gan, suy thận, suy tim.
  • Vị trí ngõ vào ở các mô tế bào lỏng lẻo.

3. Giải phẫu bệnh

– Viêm tấy trong 2 ngày đầu không có mủ mà chỉ có một phản ứng phù nề (tiết ra một thứ dịch đục chứa bạch cầu và vi khuẩn)

– Những ngày sau xuất hiện nhiều ổ mủ nhỏ rải rác, nhưng không tích tụ thành bọng chứa. Tình trạng viêm mủ bóc tách các khoang tế bào, lan tỏa dọc theo các mạch máu, làm hoại tử nhiều mô, ngấm đầy một loại mủ màu vàng xanh.

– Sạu khi rạch tháo mủ, bắt đầu quá trình tái tạo các mô hạt và lành sẹo kéo dài, do mất nhiều các mô nên sẹo méo mó.

4. Triệu chứng và tiến triển

4.1. Viêm tấy lan tỏa

– Những triệu chứng toàn thân: rét run và sốt cao (40-41°C), mệt nhọc, buồn nôn, mất ngủ.

– Khám thấy chỗ viêm gần cửa vào của vi khuẩn sưng phồng lên và lan rộng, phù nề và đau nhức, da bóng đỏ với những đốm tái bầm.

– Chú ý đến thể trạng bệnh nhân (hỏi về bệnh mạn tính…) sức khỏe chung, tuổi tác, cơ sở để đánh giá tiên lượng và điều trị.

4.2. Những khả năng tiến triển

– Tối cấp: Bệnh nhân không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm khuẩn cao độ và nhiễm độc nặng dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ.

– Tiến tới giai đoạn hoại tử (mortification) (khả năng thường gặp nhất sau giai đoạn cấp tính). Tình trạng toàn thân ổn định dẫn tới việc các mô hoại tử rụng đi một cách tự nhiên hay được mổ và dẫn lưu.

– Có những biến chứng khác:

  • Nhiễm trùng lan ra ở bên cạnh gây viêm khớp mủ, viêm tắc tĩnh mạch.
  • Ổ mủ di căn của nhiễm khuẩn mủ huyết (viêm màng phổi mủ, viêm nội tâm mạc).
  • Nhiễm trùng huyết hay nhiễm khuẩn mủ huyết.

– Vết thương lan tỏa có thể khỏi hẳn sau một quá trình dài tái tạo, các mô bị hoại tử lành sẹo xấu.

Rate this post

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*