áp xe

Áp Xe Lạnh – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

1. Đại cương

Là một ổ mủ hình thành chậm và không có triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau.

Nguyên nhân: Đa số các trường hợp là do lao, hiếm gặp hơn là do trực khuẩn Eberth hay một số các mycélieus.

Áp xe lạnh có thể là nguyên phát của mô mềm, nhưng thường là thứ phát từ viêm lao khớp.

2. Giải phẫu bệnh

2.1. Giai đoạn đầu

Là một củ lao (tuberculome): Thể hiện là một khối u nhỏ, cứng, không đau, không có dấu hiệu viêm tấy. Khối u này có thể tồn tại nhiều tháng. Nếu không được điều trị, củ lao sẽ biến thành tổ chức bã đậu rồi thành mủ.

2.2. Giai đoạn áp xe

Ổ áp-xe gồm có:

– Ở giữa là một ổ mủ: Gồm mủ loãng lẫn với các mô hoại tử, giống như bã đậu. Cần cấy mủ trên môi trường Lowenstein, hoặc chủng vào chuột lang để phát hiện vi trùng lao gây bệnh.

– Thành của ổ mủ gồm hai lớp:

  • Lớp trong gồm các tổ chức hoại tử còn sót lại, lẫn với các mạch máu tân tạo.
  • Lớp ngoài có những thương tổn lao đang tiến triển. Như vậy, thành của áp-xe lạnh không phải là một hàng rào bảo vệ như trong trường hợp áp-xe nóng, mà là nơi thương tổn lao đang tiến triển. Do đó nếu rạch tháo mủ, vết rạch sẽ không lành mà còn mở đường cho các vi trùng xâm nhập vào ổ áp-xe.

3. Lâm sàng

3.1. Triệu chứng tại chỗ

Áp-xe lạnh tiến triển thành ba giai đoạn:

– Giai đoạn đầu có một khối u nhỏ, cứng, không đau, di động. Khối u này có thể tồn tại khá lâu trong nhiều tháng mà không biến đổi gì. Không có hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau.

– Giai đoạn có mủ: dần dần khối u mềm lại, và khám có dấu hiệu chuyển sóng. Sờ ấn không đau. Chọc dò chỗ da lành và ở điểm xa ổ áp-xe, sẽ rút ra được mủ loãng và có chất lợn cợn như bã đậu.

– Giai đoạn rò mủ: ổ mủ sẽ lan dần ra da, làm cho da trên ổ mủ trở nên tím, sau đó da bị loét và vỡ mủ ra ngoài. Khám sẽ thấy da quanh chỗ vết loét không dính vào lớp cơ bên dưới, và bờ của vết loét nham nhở màu tím nhạt.

Khi áp-xe đã vỡ mủ ra da sẽ gây nên rò mủ kéo dài và rất khó lành. Các vi trùng mưng mủ thông thường có thể xâm nhập vào ổ áp-xe gây bội nhiễm, lúc này có thể xuất hiện các hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau. Như vậy là áp-xe lạnh đã trở thành nóng. Do đó để cho một áp-xe lạnh vỡ mủ ra da là một bất lợi cho điều trị. Vì vậy cần chọc hút để phòng ngừa rò mủ, phải chọc hút từ ổ da lành và xa ổ áp-xe, để ổ áp-xe không vỡ mủ qua chỗ chọc hút.

3.2. Triệu chứng toàn thân

– Một người có áp-xe lạnh, trước tiên là một người có bệnh lao. Do đó cần khám toàn thân, phổi, xương và các hạch vùng lân cận.

– Xét nghiệm máu: tốc độ lắng máu cao.

– Phản ứng trong da với tuberculin dương tính.

– X quang phổi có thể phát hiện các ổ lao phổi.

Các trường hợp lao xương khớp hay gây ra các ổ áp-xe lạnh ở các vùng lân cận như trong trường hợp lao cột sống (bệnh Pott) hay lao khớp háng. Ngoài ra, các trường hợp lao hạch (nhất là hạch cổ) cũng thường gặp.

4. Điều trị

Chủ yếu bằng các loại thuốc chống lao. Ngoài ra, các trường hợp lao xương khớp cần có thêm các phương pháp điều trị đặc hiệu, không nên rạch tháo mủ đối với áp-xe lạnh trừ các trường hợp có chỉ định đặc biệt như trường hợp bệnh lao cột sống có áp-xe lạnh chèn ép thần kinh gây liệt chi dưới.

Ngoại Khoa Cơ Sở – Triệu Chứng Học Ngoại Khoa, NXB Y Học, 2013

Rate this post

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*