1. KHÁI NIỆM
U xơ tử cung là khối u lành tính, có nguồn gốc từ cơ trơn của tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuổi thường gặp 35-50; kích thước khối u thường gặp khoảng dưới 15cm. U xơ tử cung thường ít có triệu chứng nhưng khi khối u lớn có thể gây rối loạn kinh nguyệt, đau do chèn ép và vô sinh .
2. TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng cơ năng
– Ra huyết từ buồng tử cung: là triệu chứng chính gặp trong 60% trường hợp, thể hiện dưới dạng cường kinh, dần dần kinh nguyệt rối loạn: rong kinh kéo dài và ra nhiều máu.
– Toàn thân bị thiếu máu, xanh xao, gày sút nếu ra máu kéo dài.
– Đau vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau kiểu tức, nặng bụng dưới (40% trường hợp) do khối u chèn ép vào các tạng bên cạnh hoặc do viêm khung chậu.
– Ra khí hư loãng, hoặc ra khí hư do viêm âm đạo, viêm niêm mạc tử cung.
2.2. Triệu chứng thực thể
– Nhìn có thể thấy khối u gồ lên ở vùng hạ vị, nếu khối u to.
– Nắn bụng: có thể thấy khối u (nếu to) ở vùng hạ vị, mật độ chắc, di động liên quan đến tử cung.
– Đặt mỏ vịt: có thể thấy polip có cuống nằm ở ngoài cổ tử cung.
– Thăm âm đạo kết hợp nắn bụng thấy toàn bộ tử cung to, chắc, có khi thấy nhiều khối nổi trên mặt tử cung; di động cổ tử cung thì khối u di động theo.
2.3. Cận lâm sàng
– Siêu âm: thấy tử cung to, đo được kích thước nhân xơ, siêu âm bơm nước buồng tử cung có thể phát hiện polyp buồng tử cung.
– Soi buồng tử cung: chẩn đoán và điều trị các polip dưới niêm mạc.
– Xét nghiệm tế bào học: phát hiện các tổn thương cổ tử cung kèm theo
2.4. Chẩn đoán phân biệt
– Với tử cung có thai: hỏi bệnh, khám lâm sàng, thử thai, siêu âm.
– Khối u buồng trứng: thường có vị trí và di động biệt lập với tử cung, siêu âm
– Ung thư niêm mạc tử cung: hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm tế bào học và siêu âm.
3. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
– U xơ tử cung thường tiến triển chậm, có thể ngừng phát triển sau khi mãn kinh.
– Biến chứng:
+ Chảy máu: rong kinh, rong huyết, kéo dài gây thiếu máu.
+ Chèn ép các tạng chung quanh gây đau, táo bón, bí tiểu.
+ Thoái hóa, hoại tử vô khuẩn.
4. U XƠ TỬ CUNG VÀ THAI NGHÉN
– Chậm có thai hoặc vô sinh.
– Khi có thai:
+ Khối u xơ thường to lên.
+ U xơ có thể gây sẩy thai, đẻ non, ngôi thai bất thường.
– Gây rau tiền đạo, rau bong non.
– Khi đẻ: gây rối loạn cơn co, trở thành khối u tiền đạo, chuyển dạ kéo dài.
– Thoái hóa khối u gây đau bụng
5. XỬ TRÍ
5.1. Tuyến xã
Phát hiện ra u xơ tử cung, nếu:
– Khối u nhỏ, không ảnh hưởng đến kinh nguyệt hay không có những rối loạn khác hẹn theo dõi khám định kỳ sau 6- 12 tháng.
– U xơ tử cung băng huyết (đã loại trừ các nguyên nhân khác), tiêm bắp oxytocin 5UI x 2 ống, chuyển tuyến trên.
5.2. Tuyến huyện
– Điều trị nội khoa chỉ định đối với một số khối u nhỏ mục đích để hạn chế sự phát triển của khối u và hạn chế rong kinh rong huyết. Thuốc có thể sử dụng: Medroxyprogesteron acetat 10 mg / ngày x 10 ngày từ ngày 16 kỳ kinh hoặc dùng thuốc Danasol 200 mg / ngày x 10 ngày
– Điều trị ngoại khoa (mổ nội soi hay mổ mở):
+ U xơ có biến chứng rong kinh, rong huyết , điều trị nội khoa không kết quả.
+ U xơ phối hợp với các tổn thương khác như: u nang buồng trứng, loạn sản cổ tử cung, sa sinh dục …
+ U xơ to, gây chèn ép.
+ U xơ làm biến dạng buồng tử cung, u xơ dưới niêm mạc gây chảy máu và nhiễm khuẩn.
Tùy theo tuổi, số lần có thai, mong muốn có thai để quyết định cách xử trí: bóc nhân xơ bảo tồn tử cung, gây tắc mạch hay cắt tử cung bán phần hoặc hoàn toàn.
Leave a Reply