1. KHÁI NIỆM
U nang buồng trứng là những u có vỏ bọc ngoài, bên trong chứa dịch, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. U nang buồng trứng có thể gây rối loạn kinh nguyệt, gây khó chịu tại chỗ, làm giảm chức năng sinh sản, đôi khi gây suy nhược cơ thể hoặc có thể gây tử vong do các biến chứng: tiến triển thành ung thư, tắc ruột.
2. CÁC LOẠI U BUỒNG TRỨNG
2.1. Các nang cơ năng
2.1.1. Nang bọc noãn
Nang bọc noãn do nang De Graff không vỡ vào ngày qui định, lớn dần lên, thường từ 3-8 cm hoặc lớn hơn.
– Triệu chứng: không rõ ràng, đôi khi có ra máu, nang to có thể gây đau tiểu khung, đau khi giao hợp, có thể gây ra chu kỳ kinh dài, hoặc ngắn. Nang có thể bị xoắn hoặc vỡ gây bệnh cảnh cấp cứu.
– Chẩn đoán phân biệt với: viêm vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, nang hoàng thể, khối u khác.
– Xử trí: thường nang tự biến mất trong khoảng 60 ngày, không cần điều trị. Có thể dùng thuốc tránh thai gây vòng kinh nhân tạo.
Nếu nang tồn tại trên 60 ngày với chu kỳ kinh đều thì có khả năng không phải nang cơ năng.
2.1.2. Nang hoàng thể
Có hai loại nang hoàng thể: nang tế bào hạt và nang tế bào vỏ.
– Nang hoàng thể tế bào hạt: là nang cơ năng, gặp sau phóng noãn, các tế bào hạt trở nên hoàng thể hoá.
+ Triệu chứng: đau vùng chậu, gây vô kinh hoặc chậm kinh, dễ nhầm với chửa ngoài tử cung, có thể xoắn nang, vỡ nang gây chảy máu phải soi ổ bụng hoặc mở bụng để cầm máu.
– Nang hoàng thể tế bào vỏ: loại nang này không to, hay gặp ở hai bên buồng trứng, dịch trong nang màu vàng rơm. Loại nang này thường gặp trong buồng trứng đa nang, chửa trứng, chorio hoặc quá mẫn trong kích thích phóng noãn.
+ Xử trí: nang thường biến mất sau điều trị như nạo trứng, điều trị chorio.
– Buồng trứng đa nang (Hội chứng Stein-Leventhal):
+ Gặp ở hai bên buồng trứng, gây vô kinh, vô sinh, thiểu kinh, 50% có mọc râu và béo. Nhiều trường hợp gây vô sinh thứ phát. Những rối loạn có liên quan đến rối loạn chức năng vùng dưới đồi.
Buồng trứng đa nang có vỏ bị sừng hóa, bề mặt trắng ngà, nhiều nang nhỏ nằm dưới lớp vỏ dày giống hình con sò.
+ Xét nghiệm: 17 – ketosteroid tăng nhẹ nhưng estrogen và FSH bình thường, LH cao.
+ Chẩn đoán: dựa vào khai thác tiền sử, khám thực thể, dậy thì sớm, mất kinh kéo dài, xét nghiệm LH tăng cao, theo dõi nhiệt độ cơ thể không có biểu hiện phóng noãn. Buồng trứng to khi khám qua tiểu khung gặp trong 50% trường hợp.
+ Chẩn đoán xác định: triệu chứng lâm sàng, LH/FSH>1,5, nếu > 2 chắc chắn, siêu âm nhiều nang noãn nằm ở bề mặt vỏ buồng trứng và soi ổ bụng.
+ Điều trị: Chlomifen 50-100 mg trong 5-7 ngày kết hợp Pregnyl 5000 đơn vị gây phóng noãn, đôi khi phải cắt góc buồng trứng. Người ta thấy cắt góc buồng trứng đem lại thành công trong điều trị vô sinh.
Người bị buồng trứng đa nang thường không phóng noãn trường diễn do đó niêm mạc tử cung chịu ảnh hưởng của estrogen nên bị quá sản, có thể gặp cả quá sản không điển hình do đó cần kết hợp điều trị thêm bằng progestatif.
– Nang hoàng thể trong thai nghén
Là những nang gặp trong khi có thai, có thể cả hai bên buồng trứng, kích thước khoảng < 5cm
2.2. U nang buồng trứng thực thể
2.2.1. U nang biểu mô buồng trứng
Chiếm 60-80% tất cả các loại u nang gồm: u nang nước, u nang nhầy, lạc nội mạc tử cung, u tế bào sáng, u Brenner, u đệm buồng trứng.
– U nang nước:
Là loại u có vỏ mỏng, cuống thường dài, chứa dịch trong, kích thước thường to, có khi choán hết ổ bụng, là loại khối u lành tính, có thể có nhú ở mặt trong hoặc mặt ngoài vỏ nang. Những khối u lành tính thường có vỏ nhẵn, chứa dịch vàng nhạt. Nếu có nhú thường là ác tính.
+ Triệu chứng: gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay được phát hiện ở tuổi 20-30, cũng gặp cả ở tuổi tiền mãn kinh và sau mãn kinh.
+ Khám tiểu khung thấy khối u.
+ Xử trí: mổ cắt bỏ nang, trong khi mổ nên cắt lạnh để chẩn đoán loại trừ ung thư.
– U nang nhầy:
Chiếm khoảng 10-20% các loại khối u biểu mô, và khoảng 85% u nang nhầy là lành tính, tuổi thường gặp từ 30-50.
U nang nhầy vỏ mỏng và nhẵn, ít khi có nhú, vỏ nang gồm 2 lớp: tổ chức xơ và biểu mô trụ. U nang gồm nhiều thuỳ ngăn cách bởi các vách ngăn, trong chứa chất dịch nhày vàng, kích thước thường to nhất trong các u buồng trứng.
Xử trí: mổ cắt bỏ u nang.
– Lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng:
Thường phát hiện được qua soi ổ bụng hoặc trong phẫu thuật 10-25% do tuyến nội mạc tử cung lạc chỗ ở buồng trứng.
Cấu tạo vỏ nang mỏng, bên trong chứa dịch màu chocolate (máu kinh), khối u thường dính, dễ vỡ khi bóc tách.
Chẩn đoán: dựa vào các triệu chứng đau hạ vị, đau bụng khi hành kinh, đau khi giao hợp, khám tiểu khung và soi ổ bụng phát hiện khối u.
– Khối u tế bào sáng (Mesonephroid tumour) giống u lạc nội mạc tử cung. Chỉ chẩn đoán xác định được bằng giải phẫu bệnh.
– Khối u Brenner: 80% là lành tính, có nguồn gốc từ một nang De Graff, chiếm khoảng 1-2 % của khối u buồng trứng nguyên phát thường chỉ gặp ở một bên buồng trứng.
Khám tiểu khung: phát hiện khối u, mật độ khối u có chỗ mềm chỗ cứng, do đó dễ nhầm với u xơ tử cung, bổ ra có màu vàng hoặc trắng, kích t hước khối u không to, đường kính 5-8cm.
Xử trí: mổ cắt bỏ khối u
2.2.2. U nang bì (Dermoid cyst)
Chiếm tỷ lệ 25% khối u buồng trứng.Hay gặp là teratome, khối u chứa tổ chức phát sinh từ tế bào mầm. Trong nang chứa các tổ chức như răng, tóc, bã đậu. U nang bì thường lành tính nhưng cũng có thể trở thành ác tính. Hay được phát hiện ở lứa tuổi 20-30. Khoảng 20% phát triển ở cả hai bên buồng trứng.
– Triệu chứng: thường ít triệu chứng. Phát hiện khi mổ lấy thai hoặc chụp X- quang thấy răng trong khối u.
– Điều trị: phẫu thuật là phương pháp tối ưu. Nếu nang nhỏ nên cắt bỏ phần u, để lại phần buồng trứng lành.
3. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Nói chung các khối u nếu không được xử trí cắt bỏ sẽ lớn dần lên, gây chèn ép các tạng trong ổ bụng, có thể bị xoắn hoặc bị ung thư hóa.
Biến chứng hay gặp là:
– Xoắn nang: hay gặp ở khối u có kích thước nhỏ, cuống dài, không dính, xoắn nang có thể xảy ra khi đang mang thai (nhất là trong những tháng đầu thai nghén), hoặc sau khi đẻ. Triệu chứng: đau đột ngột, dữ dội, vã mồ hôi, choáng, nôn. Xử trí: mổ cấp cứu.
– Vỡ nang: thườngxảy ra sau khi nang bị xoắn hoặc sau chấn thương vùng bụng dưới.
– Nhiễm khuẩn nang: xảy ra khi xoắn nang. Nhiễm khuẩn làm nang to lên, dính vào các tạng xung quanh. Biểu hiện lâm sàng giống viêm nội mạc tử cung.
– Chèn ép tiểu khung: khối u đè vào trực tràng, bàng quang. Nang to, tiến triển trong nhiều năm choán hết ổ bụng, chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù, tuần hoàn bàng hệ, cổ chướng.
– Có thai kèm u nang buồng trứng:
+ Được chẩn đoán qua khám thai định kỳ hoặc qua siêu âm.
+ Có thể gặp bất kỳ loại nang nào, nhưng hay gặp là nang hoàng thể hay u nang bì, ít khi gặp nang ác tính.
+ Nếu nên mổ vào thời gian sau 13 tuần vì lúc này rau thai đã tiết đủ hocmon để nuôi dưỡng thai, nếu là nang hoàng thể thì thường giảm kích thước hoặc không phát triển nữa, có thể không cần phải mổ.
+ Nếu u phát triển to nên trong 3 tháng giữa thai kỳ, thì nên mổ ngay, trừ khi chỉ phát hiện được trong thời kỳ cuối thai nghén.
4. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
– Khi đã chẩn đoán u nang thực thể nên mổ cắt u sớm.
– Nang nước gặp ở người lớn tuổi nên cắt cả hai buồng trứng
– Nang nhầy cần cắt bỏ cả hai bên buồng trứng để tránh tái phát.
– Nang bì cắt bỏ khối u cố gắng bảo tồn nhu mô lành.
– Nếu nang buồng trứng hai bên ở người trẻ tuổi cần bảo tồn bên lành.
– Nang ở người có thai nếu có chỉ định giữ thai nên bóc nang vào tháng thứ tư.
– U nang có dấu hiệu nứt vỡ cần sinh thiết tức thì đề phòng ung thư.
– U nang to ở người già chú ý tránh làm giảm áp lực đột ngột ổ bụng.
– Nếu các u nang phát triển trong đáy dây chằng rộng, bóc tách cẩn thận đề phòng chạm niệu quản, ruột, bàng quang.
Leave a Reply