VIÊM KHỚP THOÁI HÓA BÀN TAY (HAND OSTEOARTHIRITIS)
Lần trước tôi có nói về viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) ở bàn tay (video #282), lần này tôi sẽ nói về viêm thoái hóa khớp bàn tay (Hand Osteoarthritis). Hai bệnh này tuy khác nhau hoàn toàn nhưng triệu chứng hai bệnh có thể giống nhau, khiến cho bệnh nhân và cả BS gia đình có thể bị nhầm lẫn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm vì cách chữa không đúng
1. Vì sao bị thoái hóa khớp (hand OA) ở bàn tay?
– Giữa các xương bàn tay của chúng ta có những lớp sụn bao bọc, làm khớp vận hành trơn tru, linh hoạt, và giảm shock. Khi các lớp này bị mỏng đi, làm xương tiếp xúc gần với xương, gây ra đau nhức viêm khớp do thoái hóa. Viêm khớp thoái hóa bàn tay trước kia được cho là do khớp bị mòn do tuổi tác. Ngày nay, có thêm các yếu tố khác ảnh hưởng đến tổn thương sụn giữa các xương bàn tay. Khi các lớp sụn này bắt đầu bị tổn thương, các tế bào viêm và kháng viêm khác xuất hiện, làm tổn thương thêm phần tiếp xúc giữa xương và xương.
– Nữ giới có nhiều khả năng bị đau nhức xương khớp loại này hơn nam, đơn giản là do xương của nữ giới thường mỏng hơn nam, nên lớp sụn cũng mỏng hơn. Bệnh nhân cân nặng thường bị viêm khớp thoái hóa nhiều hơn người ốm, nhất là viêm ở những khớp chịu nhiều trọng lượng, do trọng lực có thể ép lên khớp làm tổn thương lớp sụn nhanh hơn.
– Bệnh nhân bị những tổn thương về xương trước kia cũng có thể bị viêm khớp thoái hóa nhiều hơn người không bị tổn thương.
2. Làm sao phân biệt triệu chứng viêm khớp thoái hóa (OA) và viêm khớp phong thấp (RA)?
– Do lý do của hai bệnh này khác nhau nên triệu chứng cũng có thể khác nhau. Bệnh viêm thấp khớp (RA) là do hệ miễn dịch tấn công các khớp, nên đau nhức xảy ra ở tất cả các khớp nhỏ, chủ yếu là ở bàn tay/cổ tay, kèm them cổ tay, ngón tay bị cứng sau khi ngủ dậy. Các khớp đau ngón tay của RA chủ yếu ở phần dưới ngón tay, các khớp gần ngón tay và lòng bàn tay (MCP, MIP), chỗ có nhiều máu và dây thần kinh. Bệnh RA có thể kèm thêm các triệu chứng khác như mệt mỏi, thiếu máu, và đôi khi khó thở.
– Trong khi đó, viêm do OA thường xảy ra do tại các khớp cử động nhiều, ví dụ như thường đau bàn tay phải nếu quý vị thuận tay phải. Các khớp đau của OA thường ở xa các ngón tay (DIP, PIP) và có thể có những chỗ cong hay nốt cong (Heberden’s nodes). Bệnh OA thường chỉ đau nhức ở ngón tay/bàn tay mà ít khi kèm theo các triệu chứng khác như bệnh RA.
3. Chẩn đoán bệnh viêm khớp thoái hóa OA bàn tay
– BS sẽ dựa vào bệnh sử, dạng đau nhức, kèm theo xét nghiệm máu và có thể chụp hình XR. Đôi khi BS chuyên khoa xương khớp sẽ dùng siêu âm để đánh giá tổn thương sụn giữa các khớp bàn tay.
– Xét nghiệm máu cho bệnh OA sẽ thấy đôi khi chỉ số viêm (ESR/CRP) bình thường hay tăng nhẹ trong khi bệnh RA thì chỉ số viêm tăng cao. Chụp XR bàn tay cho thấy giảm sụn và hẹp khe khớp giữa các khớp, đôi khi có dấu hiệu loãng xương/xương yếu.
– BS thường do độ loãng xương bằng DEXA scan ở các bệnh nhân bị viêm thoái hóa để tìm ra dấu hiệu loãng xương sớm nếu có để bảo vệ chức năng xương.
4. Thuốc chữa trị viêm khớp bàn tay
– Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh thoái hóa khớp mà BS sẽ có cách chữa trị phù hợp. Mục tiêu chữa trị quan trọng là giảm đau, giữ khả năng vận động, ngăn ngừa thêm thoái hóa khớp, và cải thiện chức năng của bàn tay.
– BS sẽ cho quý vị thuốc xức giảm đau NSAID hay thuốc uống NSAID như Naproxen, Ibuprofen, hay Meloxicam. Trong trường hợp bệnh nặng hơn, Bs sẽ cho thuốc giảm đau thần kinh Gabapentin kết hợp với giảm đau NSAID
5. Vật lý trị liệu là cách chữa quan trọng hay bị bỏ quên
– Vật lý trị liệu là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị vì VLTL giúp các khớp linh hoạt hơn, tăng cường máu bơm về, và giảm thiểu tổn thương sụn. Tập VLTL đúng cách còn giúp các khớp khác hoạt động hỗ trợ giúp khớp bị viêm đau, dần dần cải thiện chức năng và phục hồi hoạt động của khớp. Quý vị nhớ xem video bài tập vật lý trị liệu đau nhức cho bàn tay của tôi (video số ). Tuy VLTL hiệu quả nhưng nhiều bệnh nhân hay quên…tập sau khi cơn đau đã giảm.
– Tập VLTL thường xuyên dù đã hết đau còn giúp khớp duy trì sức khỏe và tiếp tục ngăn ngừa thoái hóa sụn. Quý vị cũng kiên nhẫn khi bắt đầu tập trị liệu vì đôi khi sẽ mất vài tuần đến vài tháng mới thấy hiệu quả của vật lý trị liệu tập ờ bàn tay.
– Tập kết hợp các bài tập trị liệu khác liên quan đến cổ tay/bàn tay như tập giảm đau đau cổ, đau khuỷu tay, và đau lưng sẽ giúp cải thiện đau nhức ở bàn tay.
6. Dinh dưỡng và thể dục giúp ngăn ngừa OA
– Chế độ dinh dưỡng cho xương chắc và khỏe là bước đầu tiên giúp ngăn ngừa và cải thiện bệnh OA. Qúy vị cần kiểm tra vitamin D để cần uống bổ sung/ăn thực phẩm có vitamin D để giúp xương chắc. Chế độ dinh dưỡng cân bằng có đầy đủ vitamin B, C, và E cũng hỗ trợ xương và hệ miễn dịch. Quý vị nhớ xem các video về vitamin của tôi để biết cách ăn uống cân bằng có đầy đủ vitamin một cách tự nhiên.
– Tập thể dục đều độ, nhất là các bài tập giúp lên khớp vận động liên tục và toàn bộ như đi bộ, đạp xe, bơi lội. Các bài tập nhẹ tốt cho bệnh viêm thoái hóa khớp là tập Taichi, Yoga, và tập thể dục dưới nước.
7. Phẫu thuật có cần không?
– Trong một số hiếm trường hợp bệnh nhân bị tổn thương sụn ở ngón tay hay cổ tay quá nặng khiến bệnh nhân không thể vận động khớp hay phục hồi trong khi bị cơn đau hành hạ dữ dội, BS sẽ cho quý vị phẫu thuật để nhập các khớp lại với nhau (joint fusion). Quý vị có thể sẽ bớt đau sau khi mổ nhưng không còn khả năng vận động ở khớp viêm do các khớp bị nối với nhau lâu dài.
– Một lựa chọn khác là mổ thay khớp bị đau bằng khớp nhân tạo, tương tự như chúng ta thay khớp gối hay thay khớp háng. Thực tế, thay khớp ở bàn tay/cổ tay thường ít thực hiện hơn do khớp nhỏ hơn, có nhiều khớp bị tổn thương, và độ phức tạp khi thay khớp cổ tay/bàn tay so với thay khớp gối.
8. Tóm lại
– Bệnh viêm khớp thoái hóa bàn tay/cổ tay là do tổn thương sụn lâu dài, thường là do tuổi tác, cử động quá nhiều lên một khớp.
– Bệnh OA hoàn toàn khác với bệnh RA mặc dù có thể có triệu chứng giống nhau là viêm sưng khớp ngón tay.
Quý vị nhớ gặp BS khi đau khớp tay để có chẩn đoán đúng và chữa trị phù hợp vì hai bệnh này có cách chữa trị khác nhau.
Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
Leave a Reply