Ngoạn mục ca thay khớp háng bán phần­­­­­­ cho cụ bà 102 tuổi

Ngoạn mục ca thay khớp háng bán phần­­­­­­ cho cụ bà 102 tuổi. Các bác sĩ Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức vừa tiến hành ca thay khớp háng bán phần cho một cụ bà 102 tuổi ở Hà Nội. Đây là ca thay khớp háng cao tuổi nhất ở Bệnh viện Việt Đức từ trước tới nay.

Bệnh nhân tên là Lê Thị Tiến, 102 tuổi ở Hàng Trống, Hà Nội. Cách đây 20 ngày, Trong khi đang làm việc tại nhà, cụ Tiến không may bị ngã ở sân. Cú ngã thông thường nhưng với tư thế đập hông xuống sàn khiến cụ Tiến bị đau chân trái, gia đình tưởng cụ bị gãy chân liền gọi cấp cứu đưa cụ vào Bệnh viện Việt Đức.

Tại bệnh viện, sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ xác định cụ Tiến bị gãy cổ xương đùi ở vị trí sát chỏm.  Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ  quyết định bệnh nhân hoàn toàn đủ điều kiện để phẫu thuật thay khớp háng.

chup khop hang
Cụ Tiến được chụp Xquang kiểm tra sau 2 tuần phẫu thuật

Ths.BS Lưu Danh Huy, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đây là ca bệnh khó bởi bệnh nhân rất cao tuổi, nhưng  nếu không mổ bệnh nhân không thể đi lại hay ngồi được, không nghiêng, ngửa được, khiến cho việc chăm sóc khó khăn,  sinh nhiều biến chứng như loét tì đè, loét mông, gót chân, hoặc biến chứng  viêm phổi, viêm đường tiết niệu… Chúng tôi đã phải chuẩn bị chu đáo cả về nhân lực và trang thiết bị để phẫu thuật cho bệnh nhân.

Thách thức lớn nhất trong ca mổ cho bệnh nhân cao tuổi này là quá trình gây mê hồi sức và tai biến trong cuộc mổ có thể xảy ra như gẫy xương do bệnh nhân rất cao tuổi  nên tình trạng  loãng xương nặng, Ths Huy cho biết. Con trai trưởng của cụ Tiến-  ông Kiều Tuấn cho biết, cách đây 2 năm, mẹ ông đã từng bị gãy xương cổ tay và phải bó bột. Tuy nhiên sau thời gian điều trị, tay cụ đã hoàn toàn hồi phục.

Cảnh báo nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi

Ths BS Lưu Danh Huy cho rằng, tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi bị gãy xương trong sinh hoạt hàng ngày.  Họ chỉ cần xoay trở động tác hoặc ngã rất nhẹ cũng có thể dẫn đến gãy xương vì người cao tuổi rất hay bị loãng xương.

bs Huy1
Ths.BS Lưu Danh Huy- Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1, Bệnh viện Việt Đức

Sau 2 tuần khám lại, chúng tôi đánh giá bệnh nhân tiến triển tốt, hiện có thể co duỗi nhẹ.  Theo ThS Huy, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân giúp cơ lực đùi khỏe để bệnh nhân có thể sớm đi lại được.

Những người cao tuổi cần lưu ý phòng tránh tai nạn có thể xảy ra trong khi vận động bởi theo Ths Huy, so với những bệnh nhân trẻ, người cao tuổi cần lưu tâm nhiều vấn đề kể cả trước, trong và sau mổ như việc sử dụng thuốc, khi mổ có khả năng gặp nhiều tai biến nên cần phải có sự phối hợp đồng đều giữa bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ phục hồi chức năng.  Khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật gãy xương ở người cao tuổi là các bệnh lý kèm theo của người bệnh như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường hay teo não người già thách thức các bác sĩ gây mê. Với các phẫu thuật viên, người già thường loãng xương dễ ảnh hưởng tới chất lượng mổ cũng như khả năng liền xương của bệnh nhân.

Ths Huy khuyên, người già không chỉ cần cẩn trọng trong vận động mà cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm  các bệnh lý xương khớp như bệnh loãng xương, viêm cột sống dính khớp hay viêm đa khớp dạng thấp.

anh
Cụ Tiến cùng con trai trưởng – ông Kiều Tuấn

Chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống về bí quyết sống thọ của cụ Tiến, con trai thứ 2 của cụ – ông Kiều Tuấn cho biết, cụ sinh được 7 người con, 14 cháu và hơn chục chắt. Về bí quyết sống thọ, cụ Tiến không có bí quyết gì nhiều, mỗi bữa cụ ăn lưng bát cơm, thích uống bia, dù chỉ uống một cốc mỗi bữa, đặc biệt cụ rất ưa hoạt động. Ở tuổi này cụ vẫn có thể nấu cơm và làm việc nhà. Cụ Tiến cho biết: “Tôi muốn nhanh chóng hồi phục để còn được sang Mỹ thăm người nhà”.

Hải Yến

5/5 - (1 bình chọn)

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*