1. Tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường (theo Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới WHO 1998)
Chẩn đoán dựa vào 1 trong 3 tiêu chí sau:
a. Đường huyết đói (lấy máu tĩnh mạch) ≥ 126 mg/dl (sau 8 giờ không ăn) (đo 2 lần khác nhau)
b. Đường huyết bất kỳ ≥ 200 mg/dl và có các biểu hiện của tình trạng tăng đường huyết.
c. Đường huyết sau 2 giờ uống 75g glucose (nghiệm pháp dung nạp glucose) ≥ 200 mg/dl.
* Biểu hiện của tăng đường huyết là uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân không lý giải được.
Trong trường hợp bệnh cảnh không cấp tính hoặc không mất bù chuyển hoá, cần thực hiện lặp lại một trong 3 tiêu chí trên vào một ngày khác để xác định chẩn đoán.
Nghiệm pháp dung nạp glucose là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, nhưng không được sử dụng thường quy trên lâm sàng vì phức tạp, tính lặp lại kém.
Tiêu chí đường huyết đói là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, là phương pháp ưu tiên áp dụng trong thực hành.
(Trên phụ nữ có thai, chẩn đoán đái tháo đường dựa theo tiêu chí khác).
Năm 2010, Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA) đưa thêm một tiêu chí mới để chẩn đoán đái tháo đường: HbA1c ≥ 6 5%, với điều kiện xét nghiệm được thực hiện chính xác, tại phòng xét nghiệm có kiểm chuẩn và theo phương pháp đã chuẩn hóa (dùng trong nghiên cứu DCCT). Mặc dù xét nghiệm HbA1c có độ tin cậy cao va ít có sai lệch giữa các lần thử nhưng trong trường hơp bệnh nhân không có triệu chứng tăng đường huyết và không chẩn đoán được bằng các tiêu chuẩn khác thì nên thực hiện đo HbA1c lần thứ hai. Chẩn đoán đái tháo đường khi HbA1c ≥ 6,5%.
Tiêu chí này được ADA áp dụng từ 2010. Hiện nay, Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) đang xem xét việc áp dụng tiêu chí này.
2. Các tình trạng rối loạn đường huyết khác (còn gọi là tiền đái tháo đường) (theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ)
– Rối loạn đường huyết đói: Đường huyết tĩnh mạch khi đói từ 100 đến 125 mg/dl.
– Rối loạn dung nạp glucose: Đường huyết tĩnh mạch 2 giờ sau uống 75g glucose (khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose) trong khoảng ≥ 140mg/dl đến < 200mg/dl.
Những tình trạng rối loạn đường huyết này chưa đủ để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường (pre-diabetes).
3. Phân loại đái tháo đường
3.1. Đái tháo đường típ 1 (chiếm khoảng 10% tại vùng Châu Á Thái Bình Dương)
3.2. Đái tháo đường típ 2 (chiếm khoảng 85-90%)
3.3. Các típ đặc biệt khác:
3.3.1. Di truyền
Bệnh lý về gen, bệnh nhiễm sắc thể…
3.3.2. Bệnh lý tuyến tụy
Viêm tụy, chấn thương, u, cắt tuỵ, xơ sỏi tụy, nhiễm sắc tố sắt,…
3.3.3. Bệnh nội tiết
To đầu chi, hội chứng Cushing, u tiết glucagon, u tủy thượng thận, cường giáp…
3.3.4. Do thuốc
Interteron alpha, corticoid, thiazide, hormon giáp,…
3.3.5. Nhiễm trùng
Rubella bẩm sinh, Cytomegalovirus …
3.4. Đái tháo đường trong thai kỳ
4. Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường típ 2 (theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ)
– Tuổi > 45
– Béo phì
– Hội chứng buồng trứng đa nang
– Có bệnh tăng huyết áp (≥ 140/90 mmHg)
– Có rối loạn lipid máu: HDL-C < 35 mg/dl hoặc triglycerlde ≥ 250 mg/dl
– Tiền căn có rối loạn đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp glucose trong các lần thử trước đây
– Phụ nữ có tiền căn sinh con ≥ 4kg hoặc đái tháo đường trong thai kỳ
– Gia đình có người bị đái tháo đường (trực hệ: cha mẹ, anh chị em)
– Thuộc sắc dân nguy cơ: châu Á, người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, người thổ dân châu Mỹ
Những đối tượng có một trong số các yếu tố nguy cơ trên cần tầm soát đái tháo đường định kỳ (trung bình nếu nguy cơ cao: mỗi năm).
5. Phân biệt đái tháo đường típ 1 và típ 2
Típ 1 | Típ 2 | |
Tuổi khởi phát | Thường < 30 | Thường > 30 |
Triệu chứng tiểu nhiều, sụt cân | Đột ngột, nhanh, rầm rộ | Chậm diễn tiến kéo dài, có thể không triệu chứng |
Thể trạng | Có khuynh hướng gầy | Có khuynh hướng béo phì, thừa cân |
Kháng thể kháng tế bào beta: GAD-Ab và ICAT * | Dương tính (60-90%) | Âm tính (>90%) |
Chỉ định điều trị thuốc | Insulin (phụ thuộc insulin) | Thuốc viên hoặc insulin hoặc chỉ tiết chế, luyên tập đơn thuần |
Nguy cơ biến chứng cấp tính | Nhiễm ceton acid (lúc khởi phát hoặc ngưng insulin) | Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu (lúc khởi phát, không điều trị, hoặc không theo dõi đường huyết), cũng có thể gặp nhiễm ceton acid |
Yếu tố di truyền gia đình | Anh/chị/em bị ĐTĐ típ 1 | Gia đình có ĐTĐ típ 2 (anh/chị/em, cha mẹ) |
Khả năng cùng bị ĐTĐ ở anh chị em sinh đôi cùng trứng | 30-40% | 90-100% |
* GAD-Ab: glutamic acid decarboxylase antibody, ICA islet cell antibody
Các yếu tố trên có giá trị gợi ý trong trường hợp điển hình, chẩn đoán phân biệt (típ 1 và típ 2) dễ dàng. Một số trường hợp khó, không thể chẩn đoán xác định được típ dựa vào các yếu tố kể trên.
6. Các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường
6.1. Nhóm biến chứng mạch máu lớn
– Bệnh mạch vành: thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim
– Bệnh mạch máu não: cơn thoáng thiếu máu não, tai biến mạch máu não
– Bệnh động mạch ngoại biên: xơ vữa, hẹp, tắc động mach chi dưới (thường gặp nhất)
6.2. Nhóm biến chứng mạch máu nhỏ
– Bệnh thận đái tháo đường
– Bệnh võng mạc đái tháo đường
– Bệnh dây thần kinh ngoại biên: bệnh đa dây thần kinh, bệnh thần kinh tự chủ
6.3. Các biến chứng khác
– Nhiễm trùng da
– Nhiễm nấm âm đạo
– Đục thủy tinh thể
– Bàn chân đái tháo đường
7. Tình huống lâm sàng
Tiến hành chẩn đoán và xử trí tiếp theo:
- Một bệnh nhân nam, 15 tuổi, đang học lớp 10, đến khám vì có biểu hiện tiểu nhiều, uống nhiều. Cân nặng không đổi trong vài tháng gần đây, 68 kg. Chiều cao 1m62. Xét nghiệm đường huyết đói là 168 mg/dl và tổng phân tích nước tiểu có glucose (++) và ceton (-).
- Một bệnh nhân nữ, 32 tuổi, là công nhân xí nghiêp may, nhập viện vì mệt, khó thở. Hai tuần nay, bệnh nhân tiểu nhiều, uống nhiều, sụt cân ~ 5kg. Khám: tỉnh, thở nhanh sâu 28 lần/phút, da niêm khô, dấu véo da đàn hồi chậm, cân nặng hiện tại là 38 kg, chiều cao 1m58. Xét nghiệm đường huyết lúc nhập viện là 480mg/dl, tổng phân tích nước tiểu có glucose (++) và ceton (++).
- Một bệnh nhân nữ, 43 tuổi, đến khám sức khỏe tổng quát. Gia đình có mẹ và anh trai bị đái tháo đường, chiều cao 1m55, cân nặng 62 kg. Huyết áp 120/75mmHg. Xét nghiệm đường huyết đói 118mg/dl. Tổng phân tích nước tiểu bình thường (glucose âm tính).
Ths. BS. Trần Thế Trung – BM Nội Tiết ĐHYD TPHCM
Nguyễn Thy Khuê (2011), Sổ Tay Lâm Sàng Nội Tiết, NXB Tổng Hợp TPHCM.
Leave a Reply