Việc học lâm sàng của sinh viên

Việc học lâm sàng của sinh viên y khoa

Tuần vừa rồi một em sinh viên Y6 đi học lâm sàng tại khoa mình. Em muốn học, chăm chỉ, biết đọc sách, mình cũng cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên học. Nhưng chẳng biết sau một tuần vất vả có học được gì không. Thay vì đổ lỗi cho cơ chế, mình thử nghĩ một số giải pháp giúp các bạn sinh viên học lâm sàng hiệu quả hơn.

1. Đọc sách

Đọc sách trước rất quan trọng. Nó giúp chúng ta tự tin và hứng thú hơn với chuyên khoa sắp tới. Tốt nhất là đọc ở MedscapeeMedicine, hay Uptodate, vì thông tin rõ ràng và thiết thực. Nếu không biết đến mấy cái kia thì có thể đọc sách giáo khoa (Triệu chứng học, Bệnh học, Điều trị) hoặc tài liệu tham khảo chuyên ngành. Mỗi khoa thường có một quyển chuyên ngành, như khoa Thận là cuốn “Bệnh thận nội khoa”, Tim mạch là “Thực hành bệnh tim mạch”,… Những sách này gần tương tự sách giáo khoa, nhưng cập nhật hơn. Một ngày chủ nhật trước tuần mới dành để đọc sách là đủ. Ngoài ra trong tuần đọc thêm các vấn đề phát sinh. Đọc nhiều thì kỹ năng đọc sẽ tiến bộ, dần dần việc đọc trở nên dễ dàng hơn, tốn ít thời gian hơn.

2. Đề ra mục tiêu cần đạt

Alice nói chuyện với con mèo: “Chỉ đường cho tôi” – “Cô định đi đâu?” – “Tôi đến đâu cũng được” – “Thế thì cô đi đường nào chẳng được, như nhau cả thôi!” (Alice in Wonderland)

Trước mỗi khoa nên đề ra mục tiêu cần đạt, gồm mục tiêu về kiến thức và mục tiêu về kỹ năng.

a. Mục tiêu về kiến thức: nên thiết thực, bám sát nội dung thi và bám sát thực tế lâm sàng

VD: mục tiêu học tập của Y4 khi đi Tim mạch là tăng huyết áp, bệnh van tim, suy tim. Sau một tuần phải nắm được các vấn đề đó. Ngoài ra có thể có: bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não,…

Xây dựng mục tiêu kiến thức dựa trên (i) yêu cầu của giảng viên bộ môn, (ii) lời khuyên của những người đi trước (bác sỹ, nội trú, y lớn), (iii) những gì thu lượm được khi đọc sách, (iv) trải nghiệm (ít ỏi) của bản thân.

b. Mục tiêu về kỹ năng: nên rõ ràng và có tính định lượng

VD: “khám bệnh nhân bệnh van tim” là một mục tiêu không rõ ràng.

Mục tiêu kỹ năng có thể là: mắc được điện tâm đồ, mắc được máy khí dung, làm được 3 bệnh án, nghe được 6 tiếng thổi tâm thu, sờ được 4 cái lách to, nghe được 1 tiếng thổi động mạch cảnh, sờ được 1 lần dấu hiệu “bập bềnh xương bánh chè”, quan sát được 1 ca cấp cứu ngừng tuần hoàn, cấp cứu hạ đường huyết,…

Mục tiêu về kiến thức giúp chúng ta thi tốt, và sau này hành nghề tốt. Mục tiêu về kĩ năng, ngoài vai trò đó, còn giúp người sinh viên không trở nên vô dụng trong những đêm trực. Y tá học sinh cũng là học viên, kiến thức, thái độ còn kém hơn sinh viên Y nhiều; nhưng vì có kỹ năng, nên không vô dụng.

Khi đã có mục tiêu cần đạt thì bằng mọi giá phải thực hiện được mục tiêu đó, không bị lôi kéo theo đám đông (trừ lúc kéo nhau đi nghe giảng lâm sàng). Theo đuổi mục tiêu thì cũng đỡ phải khoanh tay đứng ở hành lang, rất vô vị và mệt mỏi.

3. Làm bệnh án

Muốn làm được bệnh án tốt, điều kiện cần là: (i) khám bệnh nhân kỹ càng, (ii) đọc sách về bệnh của bệnh nhân, (iii) có tư duy rõ ràng và mạch lạc.

Tư duy rõ ràng mạch lạc không chỉ cần thiết cho sinh viên mà còn cho mọi nhân viên y tế. Điều này đòi hỏi kỹ năng được rèn luyện.

Một số kỹ năng để làm bệnh án tốt:

  • Mục đích của bệnh án là đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị. Mọi dòng chữ không phục vụ mục đích này đều bị coi là thừa thãi.
  • Chẩn đoán của sinh viên không nhất thiết phải luôn phù hợp với chẩn đoán của bệnh phòng. Điều quan trọng là nó dựa trên cơ sở lập luận rõ ràng, qua các thông tin thu được từ hỏi bệnh, thăm khám.
  • Không cần quá trau chuốt về ngôn từ.
  • Cuối cùng, tưởng tượng mình chỉ được trình bày bệnh án trong 10 câu, khi đó sẽ bỏ câu nào và giữ lại câu nào. Chắc chắn những thông tin như “tuyến giáp không to, hạch ngoại biên không sờ thấy, tim đều, phổi rì rào phế nang rõ, không rale, bụng mềm gan lách không sờ thấy”… sẽ bị lược bỏ. “Tóm tắt bệnh án” không phải là đọc một khung có sẵn mà là “trình bày những thông tin cần thiết nhất với số chữ ít nhất”.

Với mỗi bệnh trong mục tiêu kiến thức, cố gắng làm một bệnh án. Khi đã đọc sách trước thì thời gian dành cho một bệnh án chỉ cần 30-60 phút.

4. Học được mà không tốn quá nhiều thời gian

Giờ cao điểm thì hay tắc đường, mất nhiều thời gian để đi đến đích. Nếu bạn sinh viên thực sự muốn tham khảo bệnh án hay khám một bệnh nhân thú vị, kiểu gì cũng có cách. Tránh việc phải “xếp hàng”, vừa tốn công, vừa có nguy cơ “bị đuổi”.

Những thời điểm thuận lợi cho việc tự học lâm sàng là:

  • Buổi sáng trước giờ giao ban (từ 7h-7h30). Khi đó bệnh nhân khá thoải mái, bệnh án luôn sẵn sàng
  • Buổi chiều tầm 3-5 giờ chiều, sau khi người bệnh ngủ dậy và trước lúc họ ăn tối
  • Buổi tối là thời điểm tốt để ôn lại bài giảng ban ngày và khám bệnh nhân mới, sau đó đối chiếu với phần khám của bác sỹ

5. Không trở thành người thừa trong bệnh phòng

Một sinh viên bị coi là người thừa trong bệnh phòng là sinh viên:

  • Ngồi trong phòng hành chính lấy hết chỗ của bác sỹ và y tá
  • Có thái độ hờ hững khi mọi người đang bận rộn, lo lắng, cấp cứu bệnh nhân
  • Mượn bệnh án để xem trong khi mọi người đang bận rộn
  • Trả lời người bệnh một cách thờ ơ, coi như đây không phải việc của mình
  • Cười đùa vô ý thức (ở bất cứ đâu)

Ngoài ra, nếu tham gia thêm các công việc của bệnh phòng (đo huyết áp, theo dõi bệnh nhân, chép thuốc, ghi xét nghiệm…) thì càng được hoan nghênh. Tuy nhiên điều quan trọng là phải thực hiện được mục tiêu cần đạt của mình.

Trên đây là vài suy nghĩ nhỏ, mình viết với tư cách một người trước đây không lâu còn là sinh viên (cũng muốn học nhưng vẫn hay đút tay vào túi áo lang thang vô bổ), bây giờ làm bác sỹ điều trị, cũng thỉnh thoảng được phân công đi giảng sinh viên và đi hỏi thi lâm sàng. Hy vọng có ích.

BS. Đinh Linh

5/5 - (1 bình chọn)

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*