Thế nào là một nền y tế tốt?

Thế nào là một nền y tế tốt?

Sáng nay tham dự một buổi thảo luận nho nhỏ về “Chăm sóc sức khoẻ ban đầu”, nhớ lại cái biểu đồ thú vị này nên đưa lên chia sẻ cùng mọi người. Hy vọng có thể cung cấp một cái nhìn khác về hệ thống Y tế Việt Nam (vốn thời gian qua chịu không ít đều tiếng).

Image

Đây là biểu đồ Sức khoẻ toàn cầu do nhóm Gapminder của tiến sĩ Hans Rosling (viện Karolinska, Stockholm) xây dựng dựa trên số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh hơi nhỏ, nếu cần, bạn có thể vào thẳng đường link này để ngắm nghía cho thoải mái.

Biểu đồ trông có vẻ rối rắm nhưng thực ra mọi chuyện rất đơn giản.

Trục hoành thể hiện sức mạnh kinh tế (Money), cụ thể là thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia, tính theo “Sức mua tương đương” (Purchasing Power Parity-PPP). Hiểu nôm na, PPP là một đơn vị “tiền tệ quốc tế” để so sánh sức mua ở các nước. VD: 1 USD ở Việt Nam mua được 5kg gạo, nhưng ở Thuỵ Điển chỉ mua được 0,5kg gạo; nghĩa là một người VN có 1 USD thì giàu gấp 10 lần một người Thuỵ Điển có 1 USD. Do đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo PPP năm 2001 là gần 2000 USD (mặc dù tại thời điểm đó, GDP của VN chỉ khoảng hơn 200 USD). Nhìn qua là đủ thấy VN thuộc nhóm nghèo, thua Trung Quốc, kém Thái Lan, và nằm mơ cũng không bằng được Mỹ (hơn 30.000 USD theo PPP). Cái sự Việt-Nam-chưa-giàu này thì chả có gì bất ngờ.

Trục tung thể hiện hiệu quả của một nền Y tế (Health). Có nhiều cách đánh giá một hệ thống Y tế là tốt hay chưa tốt; dựa vào tuổi thọ trung bình của người dân, dựa vào tỉ lệ mắc bệnh (như tim mạch, bệnh nhiễm khuẩn, tai nạn giao thông,…) và tử vong hàng năm; hoặc ấu trĩ hơn, dựa vào số ca ghép gan ghép thận thành công, (thậm chí, dựa vào số con dao mổ laze mà quốc gia, địa phương đó có), vv và vv… Ở đây các tác giả sử dụng chỉ số: “số trẻ sống đến 5 tuổi trong số 1000 trẻ đẻ ra sống”. Chỉ số này ở Thuỵ Điển (cái nước nằm cao nhất ấy) là 996. Nghĩa là: cứ 1000 em bé Thuỵ Điển được sinh ra (không tính thai chết lưu, hoặc thai ngạt dẫn đến tử vong ngay sau đẻ) thì chỉ có 4 em chết trước 5 tuổi, trong khi con số này ở Nam Phi là 80 em (có thể do bất cứ nguyên nhân nào, kể cả “tên bay đạn lạc”), và ở Mỹ là khoảng 9 em, Nhật là 5,5 em. Ở VN, số trẻ tử vong dưới 5 tuổi vào khoảng 35/1000 em.

Bởi vì những nguyên nhân gây tử vong dưới 5 tuổi chủ yếu là: nhiễm trùng (viêm phổi, viêm phế quản, sởi,… ), suy dinh dưỡng, tiêu chảy,…; chỉ số này loại bỏ được nhiều yếu tố nhiễu (như tai nạn giao thông chẳng hạn). Do đó, nó phản ánh khá trung thành mức độ phát triển của một nền Y tế. Nó gián tiếp cho thấy người dân có được chăm sóc sức khoẻ tốt hay không (thôi, chuyên gia của WHO đã phát biểu thế thì cứ tặc lưỡi công nhận vậy đi, đỡ phải giải thích dài dòng).

Sẽ rất logic khi suy luận rằng mức độ phát triển của hệ thống Y tế tỉ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế. Mối tương quan này được thể hiện bằng 1 phương trình đường thẳng có dạng y=ax. Những quốc gia nằm quanh đường thẳng (như Trung Quốc, Nhật Bản) được coi là có sự phát triển Y tế tương ứng với sức mạnh kinh tế. Những nước nằm phía dưới đường thẳng (như Mỹ, Nam Phi) thì hệ thống Y tế kém phát triển hơn so với nền kinh tế; và ngược lại.

Cách nhìn này đem lại cho mỗi người Việt Nam chúng ta một niềm tự hào nho nhỏ; khi mặc dù GDP kém xa Trung Quốc hay Thái Lan, nhưng hệ thống Y tế ở Việt Nam lại có phần khá khẩm hơn. Hoặc nếu so sánh với những nước có GDP tương tự (Angola, Honduras, hay Ấn Độ chẳng hạn), thì người Việt Nam rõ ràng là được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn nhiều. Tất nhiên là chẳng ai dại gì “so đọ” với Cuba – kinh tế còn eo hẹp nhưng từ lâu đã được biết đến như một trong nơi có dịch vụ y tế tốt nhất (chẳng phải Maradona hay chú gì trong phim “Die Another Day” đều đến Cuba để chữa bệnh hay sao?). Còn mấy bác Nam Phi thì khỏi nói, buôn kim cương giàu thì giàu thật, nhưng bắn giết suốt ngày, 5 người dân thì có 1 người nhiễm HIV; không thể coi là quốc gia có nền Y tế phát triển được.

Tại sao Hoa Kì lại bị xếp vào nhóm “dịch vụ y tế kém”? Có thể do tỉ lệ thất học vẫn cao, do chế độ chăm sóc sức khoẻ (chủ yếu là bảo hiểm tư nhân, ai không có tiền thì nghỉ khoẻ; khác hẳn Thuỵ Điển, Anh, hay Đức – nơi chính phủ chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ viện phí), vv và vv… Nhưng bàn đến các lý do ở đây thì lại là một vấn đề khác rồi.

Tóm lại, một điều rõ ràng là: nếu Berlusconi mổ tim thì ông ta nên đến Mỹ, nằm trong các bệnh viện xịn nhất, được phẫu thuật bởi những bàn tay khéo léo nhất và những bộ óc ưu tú nhất của nền Y học nhân loại. Nhưng nếu bạn không phải là tỉ phú mà chỉ được sinh ra trong một gia đình bình thường, thì tốt nhất bạn nên là công dân Cuba, Thuỵ Điển, hay … Việt Nam. Vì ở đó, bạn và con cái bạn sẽ được chăm sóc tốt hơn (một cách tương đối) so với thu nhập của bạn. Và dĩ nhiên, bạn càng không nên mơ đến những “thiên đường giàu có” theo kiểu Quatar, Ả Rập Saudi, hay Nam Phi – nơi dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có vẻ hơi tệ (hoặc nói trắng ra là rất tệ) so với mức độ phát triển kinh tế.

Thực ra cái đoạn trào lộng và cường điệu trên mang tính đùa vui là chính. Nói chung sống ở Quatar cũng vẫn hay, an nhàn sung sướng, tiền bạc rủng rỉnh, chăm sóc sức khoẻ yếu yếu một tẹo nhưng vẫn còn tuyệt vời hơn ối nơi khác… Chẳng qua dạo này tớ thấy địa vị của ngành Y nhà mình trong mắt dân tình sao mà thấp. Nhắc đến bệnh viện, đến việc khám chữa bệnh là người ta nhăn mặt, kêu la này nọ. Xem ra nếu có tiền thì họ chả thèm khám bác sĩ Việt Nam, ngay đến khâu vết rách da, chữa cái sổ mũi cũng nhảy vào Việt-Pháp hay bay sang Singapore cả. Mặc dù với mức GDP khiêm tốn của chúng ta, thì dịch vụ chăm sóc y tế như vậy cũng là tạm ổn rồi. Ít nhất thì trong 1000 em bé Việt Nam được sinh ra, cũng có ít hơn 35 em tử vong dưới 5 tuổi; nhờ một mạng lưới tiêm chủng mở rộng phát triển, nhờ chính sách miễn hoàn toàn viện phí cho bệnh nhân dưới 6 tuổi, nhờ kiến thức của mỗi bà mẹ, mỗi người dân về về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ ngày càng nâng cao,… (chứ không phải vì trong khoảng vài nghìn em bé bị dị dạng đường mật bẩm sinh, có 1,2 em được ghép gan và sống lay lắt nhờ miễn dịch trị liệu suốt đời).

Vài dòng loăng quăng, dành cho dân Y là chủ yếu. Hy vọng những người ngoại đạo cũng thấy “chấp nhận được”. Cám ơn mọi sự góp ý và sửa sai.

BS. Đinh Linh

Rate this post

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*