Tổng hợp kinh nghiệm học lâm sàng dành cho sinh viên Y3, Sinh viên Y mới ra trường : “Chạy” cho đúng hướng

Sinh viên Y mới ra trường : “Chạy” cho đúng hướng.

Sinh viên Y mới ra trường: “Chạy” cho đúng hướng.

Tôi còn nhớ 2 năm trước, khi tôi học Y2, cũng như sinh viên bao trường Y khác, tôi và các bạn mài nhẵn đít quần trên ghế của những giảng đường chật hẹp, nuốt từng lời giảng lâm sàng của các thầy cô. Có lần giảng đến bài “Loạn nhịp tim”, thầy lật qua cho chúng tôi từng trang về các mẫu ECG, giảng cho chúng tôi nghe phải xử lý thế nào với từng trường hợp. Cuối cùng, tới slide về “Rung thất cấp” : “Bất cứ hoạt động bất thường của cơ tim đều có thể làm ảnh hưởng đến tuần hoàn cơ tim và gây ngừng tim”. Thầy dừng lại và quay xuống hỏi cả lớp : “Nếu gặp tình huống này, các em sẽ làm gì?”

Lớp im lặng, thầy cười “ Chạy đi chứ còn gì nữa! Nhưng mà cũng có 2 hướng để chạy đấy”.

Và trong sự thoải mái của một lớp học, khi mà chỉ phải đối mặt với những bệnh nhân vô hình, tất cả chúng tôi cũng đều cười.

Phải đến Y3, tôi mới thấu hiểu những cảm xúc thực sự khi phải đối mặt với bệnh viện. Sau 2 năm gắn bó với sách giáo khoa như những người bạn, những đợt thực tế kéo chúng tôi ra khỏi những dòng chữ lý thuyết, và tôi dần cảm nhận được nỗi sợ hãi đó. Nỗi sợ hãi khiến tôi chỉ muốn quay đầu bỏ chạy. Nó như một con dốc vô hình kéo bạn xuống. Đó là một sự bất an sâu sắc, khiến cơ thể bạn tê liệt khi phải đối mặt thật sự với những bất ổn, và nguy hiểm có đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người.

“Nỗi sợ hãi khiến tôi chỉ muốn quay đầu bỏ chạy. Nó như một con dốc vô hình kéo bạn xuống”

Và tôi (chắc hẳn không phải mình tôi) hồi đó giấu những nỗi sợ hãi đó thật sâu trong lòng. Những khi đưa ra sự lựa chọn, tôi thừa nhận đôi khi đã tìm cách lẩn tránh những ca phức tạp, để cố gắng lựa chọn cho mình những bệnh nhân nhẹ hơn, mà tôi chắc chắn trong tầm kiểm soát để có thể an tâm hơn khi điều trị. Có lần, tôi đã hủy bỏ thủ tục khi gặp phải bệnh nhân khó tính vì lo sợ những câu hỏi, và chuyển cho những bác sĩ khác giàu kinh nghiệm hơn. Tôi liên tục đầu hàng trong cuộc chiến giữa mong muốn được giúp đỡ bệnh nhân và nỗi sợ hãi sâu xa có thể gây tổn thương cho bệnh nhân khi trực tiếp điều trị.

Gần như tất cả, tôi lạc trong một vòng xoáy an toàn mà luôn được đặt chế độ tự động bật để mọi việc trở nên đơn giản : “Tôi không biết”, “Tôi sẽ đi hỏi bác sĩ, Tôi chỉ là thực tập viên”.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, tôi cũng không hiểu bằng cách nào đó, từng chút một, sự tự tin của tôi lớn dần lên. Và một ngày, một ngày tôi hằng mong ước cũng đến, bằng tất cả kiến thức của mình, tôi đối mặt và vượt qua một ca phức tạp. Các phương án điều trị được tôi đưa ra, và tất cả đều tốt đẹp mà gần như không phải thay đổi gì. Tôi còn nhớ mãi cái cảm giác ấy, cảm giác ngồi cạnh giường bệnh, trao đổi về tình trạng bệnh tình của bệnh nhân, nhận được những dấu hiệu tiến triển khả quan đi cùng những lời cảm ơn chân thành của người bệnh.

Vậy là từ từ, nhưng chắc chắn, tôi cũng đã trở thành “Bác sĩ” – Nghề tôi mơ ước.

Nhưng đó vẫn chưa là tất cả, sự thực tôi vẫn chỉ là một thực tập viên, và luôn được bảo vệ – chúng tôi biết điều đó. Luôn có một người đứng sau bức màn, mọi hành động của chúng tôi luôn được một thầy cô dõi theo (dù công khai hay bí mật). Mỗi đơn thuốc, mỗi chỉ định đều phải được sự đồng ý, kiểm duyệt của ai đó, mọi phương án điều trị cũng đều phải thông qua một ai đó. Vì vậy, chúng tôi là “Bác sĩ”, nhưng là “Bác sĩ thực tập”, bị theo dõi nhưng được bảo vệ. “An toàn”. Bởi vậy chúng tôi không thể làm hại bệnh nhân.

Nhưng điều đó không kéo dài được lâu, khi mà tấm chăn sẽ từ từ được kéo xuống.

Khi thời gian thực tập gần hết, những kiểm duyệt sẽ dần thay thế bởi những câu hỏi : “Bác sĩ ơi, giờ làm gì ạ” đến từ y tá.

Bệnh nhân khó thở – Làm gì ạ?

Kali máu tăng rất cao – Làm gì ạ?

Con trai bệnh nhân hỏi về chẩn đoán và tiên lượng của Bệnh nhân – Trả lời sao được ạ?

Họ hỏi và chờ đợi một câu trả lời đến từ Bác sĩ.

Tôi nhìn quanh, tôi tìm kiếm.

Sao cơ? Tôi á?

Và vâng, Sẽ vẫn có những biện pháp an toàn. Nhưng lần này thì khác. Sẽ có những quyết định mà chúng tôi phải chịu trách nhiệm trực tiếp, và vô số những trường hợp mà chúng tôi phải đối mặt trực tiếp với những sự cố phát sinh.

Bởi vì chúng tôi đã chọn điều này – mặc dù có thể là đáng sợ, đáng buồn, thậm chí khổ sở. Chúng tôi tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ mà người bệnh phải chịu đựng hàng ngày mà cảm thấy bất lực khi không thể giúp gì cho họ, chứng kiến bệnh tật chiến thắng tất cả những nỗ lực y tế mà chúng tôi có để thấy những ca tử vong vẫn sảy ra hàng ngày, hàng giờ thật khó khăn. Chúng tôi cảm thấy áp lực nặng nề trên mỗi quyết định cá nhân trong những ca trực cuối tuần, trực nghỉ lễ hay trực đêm khi mà chúng tôi “chôn mũi” vào công việc khi mà ngoài kia cuộc sống cứ thế trôi qua mà chúng tôi như là những người bị quên lãng.

Nhưng chúng tôi đã chọn nó. Đó không phải là lý do để chúng tôi tiếp tục, mà còn bởi vì người bệnh cần chúng tôi, và bản thân chúng tôi cũng mong muốn giúp đỡ họ.

Đến giờ, đã chẳng còn ai đứng sau bức màn để nhìn theo những gì chúng tôi làm, và y tá thì họ vẫn hỏi “ Bác sĩ ơi, giờ làm gì ạ?”

Nhưng có lẽ tôi đã đủ khả năng để đưa ra những quyết định đúng, đủ hiểu biết để yêu cầu sự giúp đỡ khi tôi thấy cần thiết, và đủ can đảm để làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân của tôi.

Có lẽ, tôi đã ‘Chạy” đúng hướng.

Bài viết được dựa trên Blog của Bác sĩ Ilana Yurkiewicz – tốt nghiệp Đại Học Y Harvard Tháng 6/2015. Cô đã từng tốt nghiệp Đại học Yale chuyên ngành Sinh học, đã từng viết cho các tạp chí New England Journal of Medicine, Aeon Magazine, Science Progress, The News & Observer và đạt giải The Best Science Writing Online 2013.

Tác giả: Nguyễn Hải Đăng

Đọc thêm: Chuyện Nghề Y

4.9/5 - (9 bình chọn)

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*