Hội chứng ống cổ chân (Tarsal tunnel syndrome)
I. Định nghĩa: Hội chứng ống cổ chân là gì?
Hội chứng ống cổ chân/hội chứng đường hầm cổ chân (Tarsal tunnel syndrome) là tình trạng do áp lực lặp đi lặp lại gây nên sự tổn thương thần kinh chày sau. Thần kinh chày sau là một nhánh được tách ra từ thần kinh toạ và được thấy ở gần cổ chân.
Thần kinh chày chạy qua ống cổ chân, đây là một rãnh hẹp ở bên trong cổ chân và được tạo bởi xương và các mô mềm. Sự tổn thương thần kinh chày xảy ra đặc trưng khi thần kinh bị chèn ép với một lực liên tục.
II. Triệu chứng:
Những người bị hội chứng đường hầm cổ chân có thể cảm thấy đau, tê bì hoặc cảm giác ngứa ran kiến bò. Cảm giác đau này có thể thấy ở bất cứ vị trí nào dọc theo đường đi của dây thần kinh chày, nhưng phổ biến nhất là cảm giác đau ở lòng bàn chân hay mặt trong cổ chân. Cảm giác này có thể thấy giống như:
– Đau như đạn bắn, như bị dao đâm
– Cảm giác bị châm kim
– Cảm giác như điện giật
– Cảm giác bỏng rát
Những triệu chứng rất khác nhau phụ thuộc từng người. Một số người triệu chứng sẽ tiến triển dần dần, một số khác lại bắt đầu đột ngột.
Đau và các triệu chứng khác thường tăng lên khi hoạt động thể lực. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, một số người bệnh sẽ cảm thấy đau hoặc dị cảm vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi.
III. Nguyên nhân:
Hội chứng ống cổ chân là do sự chèn ép vào thần kinh chày , và nó thường gây ra bởi một số nguyên nhân khác nhau
Những nguyên nhân có thể gồm:
– Bàn chân bẹt nặng, bàn chân bẹt có thể làm căng thần kinh chày.
– Sự phát triển xương lành tính trong ống cổ chân.
– Giãn tĩnh mạch xung quanh thần kinh chày, gây chèn ép thần kinh.
– Sự viêm do bệnh viêm khớp tạo nên.
– Những tổn thương và những khối như các khối u hoặc u mỡ gần thần kinh chày.
– Những tổn thương hoặc chấn thương, như trật khớp cổ chân hoặc gẫy xương – viêm và sưng ở vị trí cổ chân sẽ dẫn tới hội chứng ống cổ chân.
– Bệnh đái tháo đường, làm thần kinh dễ bị tổn thương hơn khi bị chèn ép.
IV. Chẩn đoán
Việc khám cổ chân và bàn chân là quan trọng để tìm các nguyên nhân gây ra bệnh. Một số nghiệm pháp khám có thể được tiến hành (như Tinel test).
Các xét nghiệm chẩn đoán có thể được chỉ định như chụp X quang cổ bàn chân, chụp cộng hưởng từ vùng cổ chân (MRI), siêu âm cổ chân và điện chẩn thần kinh (EMG – test đánh giá các rối loạn chức năng của các dây thần kinh)
V. Biến chứng:
Nếu hội chứng ống cổ chân không được điều trị, nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn và không thể đảo ngược của thần kinh chày. Bởi vì khi thần kinh này bị tổn thương, nó ảnh hưởng đến bàn chân, gây đau hoặc khó khăn trong đi lại hoặc trong các hoạt động thường ngày.
VI. Điều trị:
Điều trị hội chứng ống cổ chân phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân cơ bản gây ra
* Điều trị tại nhà:
Bạn có thể uống các thuốc chống viêm (thuốc chống viêm không steroid) để giảm triệu chứng viêm, điều này có thể làm giảm bớt sự chèn ép thần kinh. Nghỉ ngơi, chườm đá và nâng cao chân cũng có thể làm giảm sưng và viêm.
* Điều trị tại cơ sở y tế:
Phong bế thần kinh có thể được sử dụng để làm giảm sự sưng viêm ở vùng tổn thương. Trong một số trường hợp, nẹp có thể được sử dụng để bất động bàn chân và giới hạn sự vận động gây chèn ép thần kinh. Nếu bạn có bàn chân bẹt tự nhiên, bạn có thể phải làm dầy chỉnh hình phù hợp trợ giúp cho vòm chân của riêng từng người.
** Phẫu thuật:
Trong những trường hợp nặng và kéo dài, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật để giải phóng đường hầm cổ chân. Kỹ thuật này được thực hiện với một đường rạch phía sau cổ chân vòng xuống vòm chân, sau đó bác sĩ sẽ bộc lộ dây chằng để giải phóng thần kinh. Phẫu thuật ít xâm lấn với đường rạch da nhỏ ở mặt trong cổ chân cũng có thể được sử dụng.
VII. Dự phòng:
Dùng thuốc theo chỉ định và phải báo cho bác sĩ nếu bạn có bất cứ bất thường nào sau khi dùng thuốc.
Nghỉ ngơi và nâng chân lên cao.
Mang giày vừa vặn và phù hợp với từng hoạt động.
Không chơi các môn thể thao hoặc tập luyện trong quá trình điều trị khiến cho bệnh nặng hơn.
Xem thêm: Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome)
Admin tổng hợp
Leave a Reply