Hạ kali máu là tình trạng cơ thể không giữ được lượng kali đủ để duy trì hoạt động bình thường, và có thể dẫn đến tử vong.
1. ĐẠI CƯƠNG
Hạ kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp trong khoa Hồi sức tích cực. Có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Kali được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc đường truyền tĩnh mạch, phần lớn kali được dự trữ trong tế bào và sau đó được bài tiết vào nước tiểu. Do đó giảm đưa kali vào hoặc tăng vận chuyển kali vào trong tế bào hoặc hay gặp hơn là mất qua nước tiểu, qua đường tiêu hóa hoặc qua mồ hôi dẫn đến giảm nồng độ kali máu.
Kali máu bình thường 3,5-5mmo/l và hạ khi kali máu < 3,5mmol/l.
2. NGUYÊN NHÂN
2.1. Mất qua thận
– Đái nhiều do bất cứ nguyên nhân gì.
– Đái tháo đường không kiểm soát được.
– Hạ magie máu, hạ clo máu, tăng calci máu.
– Toan ống thận typ I hoặc typ II.
– HC Fanconi, HC Bartter.
2.2. Mất qua đường tiêu hóa
– Nôn hoặc mất do dẫn lưu qua sonde dạ dày.
– Tiêu chảy (ỉa chảy).
– Dẫn lưu mật, mở thông hồi tràng, sau phẫu thuật ruột non.
– Thụt tháo hoặc dùng thuốc nhuận tràng.
2.3. Do thuốc
– Lợi tiểu thải kali (thiazid, furosemid).
– Insulin, Glucose, Natri bicarbonat.
– Cường Beta-adrenergic.
– Corticoid.
– Kháng sinh: amphotericinB, aminoglycosides, penicillin, ampicillin, rifampicin, ticarcillin, insulin.
– Kiềm máu.
– Điều trị thiếu hụt vitamin B12 và acid folic.
2.4. Lượng kali đưa vào không đủ
– Thiếu ăn, nghiện rượu, chế độ ăn kiêng.
2.5. Thừa corticoid chuyển hóa muối nước
– Cường aldosterol tiên phát (hội chứng Conn), cường aldosterol thứ phát.
– Tăng huyết áp ác tính.
– Hội chứng Cushing, ung thư thận, u tế bào cạnh cầu thận, uống nhiều cam thảo…
2.6. Thể lâm sàng đặc biệt (Liệt chu kỳ Westphal thể hạ kali máu nguyên phát)
– Thường gặp ở lứa tuổi nhỏ đến < 30 tuổi.
– Diễn biến từ vài giờ đến 1 tuần, hay gặp vào buổi sáng, tái phát nhiều lần.
– Yếu cơ từ nhẹ đến nặng.
3. TRIỆU CHỨNG
3.1. Lâm sàng
– Yếu cơ (tứ chi,cơ hô hấp…), đau cơ, co rút cơ, tiêu cơ vân.
– Mạch yếu, tiếng tim nhỏ có thể có tiếng thổi tâm thu, có khi thoáng ngất
– Bụng chướng, giảm nhu động ruột, táo bón, nôn, buồn nôn.
3.2. Cận lâm sàng
– Dấu hiệu hạ kali máu trên điện tim: thường đa dạng, có sóng U, sóng T dẹt, ST chênh xuống, QT kéo dài, dấu hiệu nặng trên điện tim loạn nhip thất (nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh).
– Xét nghiệm kali máu < 3,5 mmo/l.
– Xét nghiệm kali máu < 3,5 mmo/l.
Hình 1. Biểu hiện có sóng U trên điện tim ở người bệnh hạ kali máu
Hình 2. Hình ảnh xoắn đỉnh ở người bệnh hạ kali máu
4. CHẨN ĐOÁN
4.1. Chẩn đoán xác định
Xét nghiệm kali máu < 3,5 mmol/l.
4.2. Chẩn đoán mức độ
– Mức độ nhẹ: hạ kali máu không có triệu chứng lâm sàng và điện tâm đồ.
– Mức độ vừa: hạ kali máu có thể có chướng bụng, chuột rút, điện tâm đồ có sóng T dẹt, đoạn ST chênh xuống nhưng không có các triệu chứng nặng như rối loạn nhịp tim nặng nề, liệt thần kinh cơ.
– Mức độ nặng: hạ kalai máu có các triệu chứng nặng trên lâm sàng (rối loạn nhịp tim hoặc yếu cơ, liệt, hoặc hội chứng tiêu cơ vân cấp).
5. XỬ TRÍ
5.1. Nguyên tắc xử trí
– Mục tiêu điều trị hạ kali máu ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng của hạ kali máu (rối loạn nhịp tim, liệt cơ, tiêu cơ vân).
– Người bệnh hạ kali máu nặng kali ≤ 2,5 mmol/l (< 3 mmol/l nếu đang dùng digoxin) và có triệu chứng liệt cơ và dấu hiệu trên điện tim cần phải xử trí ngay lập tức kaliclorua 13-20 mmol/giờ (1-1,5 g) truyền qua đường tĩnh mạch.
– Tìm và điều trị nguyên nhân hạ kali máu.
5.2. Xử trí ban đầu và vận chuyển cấp cứu
– Người bệnh nghi ngờ hạ kali máu, cho uống kaliclorua 1-1,5 g.
5.3. Xử trí tại bệnh viện
a) Xét nghiệm kali ≤ 2,5 mmol/L (< 3 mmol/L nếu đang dùng digoxin)
– Có triệu chứng liệt cơ và dấu hiệu nặng trên điện tim: Kaliclorua 13-20 mmol/giờ (1 -1,5 g) tốt nhất truyền qua TMTT liên tục trong 3 giờ, sau đó xét nghiệm lại rồi quyết định tiếp.
– Không có triệu chứng nặng hoặc không có triệu chứng: uống KCl 10- 15 mmol (1-1,5 g) mỗi 3 giờ và /hoặctruyền tĩnh mạch KCl 10 mmol/giờ.
b) Xét nghiệm 2.5 < kali <3.5 và không có triệu chứng
– Uống hoặc truyền tĩnh mạch, KCl 10- 20 mmol (1-1,5 g) mỗi 6 giờ.
* Theo dõi
– Trường hợp hạ kali máu có biến đổi trên điện tim, theo dõi điện tim liên tục
trên máy theo dõi cho đến khi điện tim trở về bình thường.
– Theo dõi xét nghiệm kali máu. Hạ kali mức độ nặng 3 giờ/lần, mức độ vừa 6 giờ/lần, mức độ nhẹ 24 giờ/lần cho đến khi kali máu trở về bình thường.
* Chú ý
– Tránh truyền đường glucose ở người bệnh hạ kali máu sẽ gây tăng bài tiết insulin làm giảm kali máu.
– Nồng độ kaliclorua pha không quá 40mmol/l (3gram) nếu dùng đường truyền ngoại biên (phải bù qua đường ống thông tĩnh mạch trung tâm).
– Tốc độ bù kaliclorua không quá 26 mmol/giờ (2gram).
– pH tăng 0,1 tương đương với kali giảm 0,4 mmol/l.
– 1 gram kaliclorua có 13,6 mmol.
6. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
6.1. Tiên lượng
Người bệnh hạ kali máu tiên lượng nặng có thể gây gây tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
6.2. Biến chứng
Hạ kali máu gây biến chứng nhịp chậm, giảm sức bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh, là một trong những nguyên nhân rối loạn nhịp dẫn đến ngừng tim. Cấp cứu ngừng tuần hoàn những bệnh nhân này mà không phát hiện hạ kali máu sẽ dẫn tới thất bại.
Suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, thậm chí liệt tứ chi.
7. PHÒNG BỆNH
Bù đủ kali đường uống với những người có nguy cơ hạ kali máu. Sử dụng thực phẩm và hoa quả có nồng độ kali cao như: khoai tây, chuối, cam và đào.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Quốc Anh, Ngô Quý Châu. (2011), “Hạ kali máu”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, Nhà xuất bản y học, Tr. 147-9.
- Vũ Văn Đính (2006), “Hạ kali máu”, Cẩm nang cấp cứu, Nhà xuất bản y học, Tr 215-18.
- Society of Critical Care Medicine, Fundamental Critical Care support (Fourth Edition), hypokalemia: 21-2, 12-3.
- Usman A., Goldberg S. (2012), “Electrolyte abnormalities”, The washington Manual of critical care, Lippincott William & Wilkins, Pp. 187-90.
- Zanotti. S, Cavazzoni. (2011), “Hypokalemia”, Textbook of Critical Care, Pp. 57- 9.
Hướng Dẫn Chẩn Đoán Và Xử Trí Tích Cực Hồi Sức Tích Cực BYT 2015
Leave a Reply