Thỉnh thoảng lũ nội trú đang lảng vảng ở phòng C3 (Cấp cứu Tim mạch) lại bị bà y tá trưởng kéo vào phòng hành chính bắt làm kiểm thảo tử vong, theo đúng nguyên tắc “Cứ thấy đứa nào kí bệnh án cuối cùng thì bắt đứa đó kiểm thảo”. Phải có “nguyên tắc” vì công việc này chẳng ai muốn làm. Thay cho autopsy (khám nghiệm tử thi) vốn là điều bắt buộc, người ta yêu cầu phải điền đủ 3 trang A4 về thành phần kíp trực, diễn biến bệnh, nguyên nhân tử vong, thái độ của nhân viên y tế, vv và vv… mà thường là cuối cùng sẽ lẫn trong đống hồ sơ cũ kĩ không ai thèm đọc. Bệnh nhân không cứu lại được nữa, những vấn đề chuyên môn (và cả ngoài chuyên môn) thì tua trực cũng tự rút kinh nghiệm rồi. Ấy là chưa kể lắm bệnh nhân nặng nằm tại khoa cả tuần, mình vừa nhận trực thì tử vong, sau vài phút cấp cứu có đủ để hiểu rõ diễn biến bệnh và nguyên nhân chết? Thành ra tờ giấy kiểm thảo tử vong bỗng mang tính hình thức kinh khủng. Kết quả, ông nội trú nào cũng ngồi ngoáy vội vài dòng chung chung về diễn biến bệnh giai đoạn cuối để bà y tá mẫn cán hoàn thiện hồ sơ nộp cho phòng lưu trữ.
Hài hước nhất là phần “Thái độ của nhân viên y tế”, gồm các mục như: đón tiếp bệnh nhân thế nào, chẩn đoán bệnh thế nào, điều trị bệnh và cấp cứu ra sao, lúc bệnh nhân tử vong thì thế nào,… Phải viết về mình cũng khó ghê, không lẽ tự chê bai (có ai bắt Conrad Murray làm kiểm thảo cho cái chết của Michael Jackson)? Thế nên cứ nội trú lớn dạy nội trú bé, học thuộc khoảng 10 tính từ “đẹp đẽ” để điền vào giấy cho nhanh lẹ. Mọi biên bản đều theo cùng một khuôn. Đón tiếp người bệnh: ân cần niềm nở. Chẩn đoán bệnh: nhanh chóng, chính xác. Chăm sóc: chu đáo, tận tình. Điều trị: tích cực, đúng phác đồ. Cấp cứu: kịp thời, tận tâm. Khi bệnh nhân tử vong: cảm thông, chia sẻ. Đại khái thế. Nếu không theo mẫu mà tự ngồi “nghĩ” ra từng đó “mỹ từ”, mà lại phải khác nhau, thì chẳng đơn giản đâu nhé.
Một lần ngồi kiểm thảo tử vong, bỗng dưng hỏi nếu tất cả những gì mình viết về thái độ của nhân viên y tế là đúng, thì người bệnh có tử vong không, hay thực sự tiến trình bệnh là không thể đảo ngược dù chúng ta đã cố gắng hết sức? Nếu việc chăm sóc và điều trị hoàn hảo như thế, tại sao người bệnh vẫn chết? Lan man thêm một chút, thử chọn những “xú từ” thay cho “mỹ từ”. Như là, đón tiếp bệnh nhân: cáu kỉnh, gắt gỏng; chẩn đoán bệnh: chậm trễ; chăm sóc: lơ là, không chu đáo; điều trị: thiếu tích cực, không theo phác đồ chuẩn; cấp cứu: chậm chạp, thiếu phương tiện,… Đôi lúc thấy mấy “xú từ” này có vẻ quen quen…
Mỗi ca tử vong, dù ít dù nhiều, cũng là một thất bại của người thầy thuốc – thất bại của cả quá trình điều trị, chứ không riêng gì giai đoạn cuối. Người bệnh đến với phòng Hồi sức cấp cứu đã như ngọn nến sắp tàn, những cơ hội để được sống lâu hơn, sống tốt hơn (nếu có) đã bị bỏ lỡ rồi. Nói như cuốn Washington, “The goals of critical care medicine are to save the lives of patients with life-threatening but reversible medical or surgical conditions and to offer the dying a peaceful and dignified death” (Nhiệm vụ của bác sỹ hồi sức là cứu sống những bệnh nhân còn có thể cứu, và đem đến cho người hấp hối một cái chết yên bình và xứng đáng). Thôi thì cố gắng hoàn thành cái nghĩa vụ nhỏ nhoi đó vậy. Để người bệnh được ra đi thực sự xứng đáng, để mỗi lần ngồi kiểm thảo tử vong không phải ân hận hay dằn vặt.
Leave a Reply