Hội chứng Steven Johnson phần 1, Y Học Tổng Hợp đã cùng bạn tìm hiểu qua về các kiến thức cơ bản: định nghĩa, nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh, lâm sàng học, cận lâm sàng và cách điều trị bệnh. Sang phần 2 này, Y Học Tổng Hợp sẽ giới thiệu về nguy cơ mắc bệnh, các triệu chứng cần đi khám, tiến triển và các biến chứng của bệnh.
Nguy cơ mắc hội chứng Steven Johnson
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson, bao gồm:
– Bệnh nhiễm trùng do virus: nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson sẽ tăng cao nếu bạn mắc phải một chứng bệnh nhiễm trùng do virus gây ra như bệnh mụn giộp, bệnh viêm phổi do virus, HIV hoặc viêm gan.
– Hệ miễn dịch suy yếu: nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu, bạn sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson nhiều hơn. Hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng bởi việc cấy ghép cơ quan, bệnh HIV/AIDS và bệnh tự miễn dịch.
– Tiền sử đã từng mắc hội chứng Stevens-Johnson: nếu bạn đã từng mắc phải hội chứng này khi dùng một loại thuốc nào đó, bạn sẽ có nguy cơ bị tái phát hội chứng này nếu bạn dùng lại loại thuốc đó.
– Tiền sử gia đình mắc phải hội chứng Stevens-Johnson: Nếu một thành viên trong gia đình đã từng mắc phải hội chứng Stevens-Johnson hoặc một chứng bệnh có liên quan được gọi là hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis), bạn cũng có thể dễ bị mắc phải hội chứng Stevens-Johnson.
– Mang một loại gen đặc biệt: Nếu bạn mang một loại gen được gọi là HLA-B 1502, bạn sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Stevens Johnson nhiều hơn, đặc biệt là nếu bạn dùng các loại thuốc chuyên trị co giật hoặc bệnh thần kinh.
– Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh.
Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Các triệu chứng cần đi khám:
– Xuất hiện chứng đau da lan rộng mà không rõ nguyên nhân.
– Sưng mặt.
– Xuất hiện các vết phồng giộp ở da và niêm mạc.
– Nổi mày đay.
– Sưng lưỡi.
– Xuất hiện chứng phát ban đỏ hoặc đỏ tía ở da và có khả năng lan rộng.
– Lột da.
Tiến triển và biến chứng của hội chứng Steven Johnson
– Nếu được chẩn đoán sớm, tiên lượng tốt, thường tiến triển 2-4 tuần. Sau khi tổn thương khỏi, có thể để lại các sẹo, dát tăng hoặc mất sắc tố.
– Tỉ lệ tử vong khoảng 5%.
– Nếu không được điều trị sớm có thể có các biến chứng: viêm màng não, nhiễm khuẩn da thứ phát, nhiễm khuẩn huyết, viêm loét kết mạc, giác mạc, mù lòa, xuất huyết tiêu hóa, chít hẹp thực quản, viêm phổi, viêm cơ tim, có thể tử vong do suy đa tạng.
– Tiên lượng mức độ nặng của bệnh để đánh giá nguy cơ tử vong bằng chỉ số SCORTEN (severity-of-illness score for toxic epidermal necrolysis) được áp dụng cho cả TEN và SJS gồm 7 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn là 1 điểm, bao gồm:
1) Tuổi > 40
2) Nhịp tim > 120lần/phút
3) Có sự hiện diện của bệnh ung thư
4) Bong tách thượng bì > 10% diện tích cơ thể
5) Chỉ số BUN > 28 mg/dl (10mmol/l)
6) Glucose huyết thanh > 252 mg/dl (14mmol/l)
7) Bicacbonat huyết thanh < 20mEp/l
Theo nghiên cứu của Bastuji, những người bệnh có chỉ số SCORTEN:
+ 0-1 điểm tỉ lệ tử vong là 3,2%
+ 2 điểm tỉ lệ tử vong là ≥ 12,1%
+ 3 điểm tỉ lệ tử vong là ≥ 35,3%
+ 4 điểm tỉ lệ tử vong là ≥ 58,3%
+ Trên 5 điểm tỉ lệ tử vong là 90%.
Thói quen sinh hoạt phòng tránh hội chứng Steven Johnson
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến hội chứng Stevens-Johnson:
– Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
– Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
– Rửa tay cẩn thận: bất cứ người nào đang chăm sóc vùng da thương tổn cần phải rửa sạch tay để phòng chống bệnh nhiễm trùng.
– Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: bạn có thể ăn uống bằng chất lỏng nếu có xuất hiện chứng đau khi nuốt.
– Uống đủ nước để chống mất nước.
– Liên lạc với bác sĩ nếu bạn bị sốt cao hoặc không thể uống đủ nước hay ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý do bị mắc phải chứng tổn thương ở miệng.
Leave a Reply