Ám ảnh khủng khiếp của sinh viên y khoa – Nhật Ký Bác Sĩ

Áp lực từ ngày đầu tiên, có sinh viên quá hoảng sợ đã ngã lăn đùng trong phòng phẫu thuật xác, học viên trực cấp cứu chứng kiến những ca tai nạn máu lênh láng đã gục ngã giữa phòng.

Bài học đầu đời của sinh viên ngành y

Bất kỳ sinh viên y khoa nào cũng bắt đầu bằng một lịch trình dày đặc: sáng học lý thuyết, chiều thực hành, tối đi trực. Có thể nói, sinh viên ngành y tiếp xúc, trải nghiệm sớm nhất so với các trường khác. 6 năm học ở trường y cường độ học tập và sự trải nghiệm phải bằng 18 năm các sinh viên học ở trường khác.

Áp lực đối với họ bắt đầu từ ngày đầu tiên, có sinh viên quá hoảng sợ nên đã ngã lăn đùng trong phòng phẫu thuật xác, trường hợp học viên trực cấp cứu chứng kiến những ca tai nạn máu lênh láng… gục ngã giữa phòng không phải ít.

Bản thân sinh viên y khoa từ ngày đầu tiên ấy phải tự mình vượt qua nỗi sợ hãi khi chứng kiến một người vỡ sọ não lòi ra ngoài, chính sinh viên ấy phải dùng tay mình ép não vào trong sọ của bệnh nhân.

Không phải sinh viên nào cũng vượt qua được thử thách trong công việc, vì thế chuyện họ ngất xỉu không có gì đáng ngạc nhiên… Nhưng rồi, bản thân người sinh viên ấy vẫn phải gượng đứng dậy, vì họ hiểu trước mặt không phải là thân xác của con người bình thường mà là một người bệnh cần cứu giúp.

Những ngày đầu tiên đi trực mệt nhoài, bởi đó thực sự là làm việc và cũng là cơ hội học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Sinh viên học y phải tiếp xúc với ca nặng, ca khó ngay từ ngày trực đầu tiên. Là cơ hội, nhưng đó đồng thời cũng là thử thách vô cùng lớn với họ.

Đằng sau những vấn đề bệnh tật của người bệnh, bác sĩ trẻ phải đối mặt với rất nhiều tình huống không có trong bài giảng của các thầy: người bệnh đau đớn la hét, thậm chí chửi mắng bác sĩ, không ít trường hợp người nhà bệnh nhân “nổi khùng” xông vào đánh bác sĩ.

Vậy nên ngoài việc trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, những bác sĩ trẻ (sinh viên ngành y) còn phải có tâm lý tốt để kiểm soát được mọi tình huống ở bệnh viện nơi mình làm việc.

Tâm tư của bác sĩ thực tập

Một ngày trực cấp cứu, chứng kiến 5 cái chết với những cảnh đời khác nhau, cái mà ai cũng có thể hình thấy đó là việc cha mất con, vợ mất chồng, chồng mất vợ… Nước mắt không thể nói hết nỗi đau khi sự mất mát không gì có thể bù đắp được.

Bác sĩ cũng là người, biết bệnh nhân nguy cấp đang dần đến với cái chết mà không cứu nổi… trong lòng cũng đau xót lắm. Nhưng đó là tình huống “bất khả kháng” mọi cố gắng đều không đem lại kết quả tốt đẹp. Khi chứng kiến những cảnh đau lòng này không ít học viên bị sốc.

Có lẽ, chỉ với ngành y mới có quy định ngặt nghèo về thời gian làm việc với một ca trực kéo dài 24 tiếng đồng hồ, tiếp xúc với hàng trăm lượt bệnh nhân giải quyết nhiều tình huống khác nhau của người bệnh.

Để làm việc và sống được bằng nghề nghiệp của mình, bác sĩ phải có đủ 3 điều kiện: sức khỏe tốt, đam mê nghề nghiệp và sống có kỷ luật, biết chịu trách nhiệm với công việc.

Trung bình mỗi ngày các bác sĩ ngoại khoa phải đứng mổ từ 7h30 sáng đến 22 -23h, vì thế dù yêu nghề đến mấy nếu không có sức khỏe ngã lăn bên bàn mổ thì không thể làm việc. Còn nếu không có niềm đam mê với nghề nghiệp, bác sĩ chắc chắn không thể vượt qua những stress cực lớn khi bệnh nhân chết ngay trên bàn mổ, dẫn tới sự suy sụp và bỏ nghề…

Để làm việc ở một môi trường căng thẳng với đầy rẫy biến cố, đòi hỏi người bác sĩ phải biết chịu trách nhiệm với công việc. Nhiều trường hợp bác sĩ đã hết ca trực, nhưng bệnh nhân do mình phụ trách có “biến cố” thì dù đã rời khỏi nơi làm việc, họ vẫn phải quay trở lại.

Thời gian đi thực tập tại những bệnh viện lớn, chứng kiến sức làm việc “khủng khiếp” của các thầy, các học viên đều lắc đầu bái phục.

Học viên Phạm Văn T. chia sẻ: “sự thật cho tôi thấy rằng, để trở thành một bác sĩ giỏi, yêu nghề như các thầy, thì từng ngày từng giờ những sinh viên chúng tôi phải không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng và tôi luyện trí tuệ của mình…Vẫn biết y đức là cao quý, nhưng không biết bản thân tôi có vượt qua những áp lực… đó không nữa?”.

5/5 - (3 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment