Bệnh nhân tái khám là chuyện bình thường, ngày nào cũng có bệnh nhân tái khám. Bệnh nhân hôm nay tái khám được mổ đã 16 năm, không tái khám từ hơn 15 năm nay, nên tôi không còn nhớ về ông. Hồ sơ lưu cho những bệnh nhân ở phòng mạch không có tên ông. Sau khi bệnh nhân ra về, tôi tìm thấy bệnh án của ông trong hồ sơ lưu những ca nặng đặc biệt khi tôi còn làm ở bệnh viện Chợ rẫy.
16 năm trước, bệnh nhân yếu dần và liệt tứ chi, đi khám nhiều nơi không phát hiện bệnh gì. Đến khi khó thở thì người con mới kể cho bạn bè nghe. Một người cháu họ tôi là bạn với con bệnh nhân mới giới thiệu cậu mình, mong muốn cậu giúp, chỉ cho chỗ điều trị, không biết rằng cậu mình làm ngay trong chuyên khoa đó.
Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, nhồi máu và nhũn tủy tiến triển, liệt hoàn toàn, bắt đầu có dấu hiệu suy hô hấp. Ở giai đoạn này, các bác sĩ rất ngại đụng vào bệnh nhân. Không bác sĩ nào muốn mình trở thành giọt nước chót của ly nước đầy cả.
Nếu mổ thì khả năng hồi phục rất thấp, may mắn lắm thì cũng phải chống gậy hoặc ngồi xe lăn. Đồng thời, chỉ cần một tác động tưởng như không có ý nghĩa gì đối với những ca khác, hoặc một sơ suất rất nhỏ nhặt, thì bệnh nhân sẽ đi luôn, đồng nghĩa với sự day dứt và bao nhiêu phiền toái khác. Nhưng nếu không mổ thì bệnh nhân sẽ chết.
Bệnh nhân may mắn hơn dự kiến, hồi phục ngoạn mục sau mổ. Cách nay vài tháng, bệnh nhân thấy tay tê tăng lên mới đi tìm thì tôi đã nghỉ ở bệnh viện Chợ rẫy, cháu tôi lại đã xuất cảnh. Bệnh nhân đi khám ở một bệnh viện khác, bác sĩ khám đã cho cả số điện thoại và địa chỉ để bệnh nhân đến gặp tôi.
Bệnh nhân đi vào gặp tôi bình thường như người không bị bệnh, bắt và siết tay tôi thật chặt, mừng rỡ. Bệnh nhân bị thêm một khối thoát vị ở trên chỗ tôi đã mổ, nhưng hiện chưa có chỉ định mổ. Ra về, bệnh nhân lại bắt tay, siết chặt tay tôi lần nữa.
Khi đó, tôi không cảm nhận được hết giá trị của những bước đi, của động tác bắt tay, siết chặt tay của bệnh nhân vì chưa nắm rõ được tình trạng trước đây của bệnh nhân. Phải sau khi bệnh nhân rời khỏi, ngồi mở lại các hồ sơ bệnh nặng đặc biệt mà tôi lưu lại từ khi còn làm ở Chợ rẫy, tôi mới hiểu rằng, đó là điều kì diệu.
Trong những ngày tôi đang chao đảo vì vụ kiện và những bài báo đầy ác ý, một bệnh nhân của tôi đã gởi cho tôi bài viết của cô ấy được đăng báo trước đó. Bài viết nói về trường hợp của cô, bị một khối u ở vùng chẩm cổ, chèn ép rất nặng. Cô được mổ khi đã không còn tự thở được. Sau đó là cuộc vật lộn giữa sự sống và cái chết trong vòng vài tháng, để rồi cô hồi phục lại, gần như một người bình thường.
Cô gái đó đã trở lại tái khám, đúng vào lúc tôi đang chao đảo mạnh. Khối u tái phát nhưng chưa lớn, chưa đủ gây triệu chứng chèn ép. Không biết khi tái khám, cô có thực sự đến với tôi để tái khám hay chỉ muốn động viên tôi trong những giây phút khó khăn. Nhưng dù cô đến tái khám với mục đích gì thì đó cũng là lời động viên vô cùng quí báu đối với tôi.
Tôi không dám chắc bệnh nhân nghĩ như thế nào về bác sĩ, về những người đã từng chữa bệnh cho mình. Những gì thể hiện gần đây cho thấy, nhiều bệnh nhân đến với các thầy thuốc với một định kiến có sẵn, rằng các thầy thuốc không chú ý đến chữa bệnh mà chỉ tìm cách làm tiền. Tôi biết nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh thì cho rằng mình khỏi bệnh vì phong bì, vì nghệ thuật ngọt nhạt giả tạo của họ dành cho các thầy thuốc. Người ít “bạc” hơn thì cho rằng vì họ được ơn trên phù hộ độ trì, hoặc do tích phước ở kiếp nào đó mà ra.
Nhưng tôi chắc một điều, sự phục hồi của mọi người bệnh, đặc biệt là những ca vượt qua được bệnh tật như một phép màu, là những lời động viên vô giá với các thầy thuốc, là động lực để các thầy thuốc bước đi tiếp trên con đường tràn ngập nỗi đau và sự khổ hạnh của mình.
Leave a Comment