Hiện nay có rất nhiều biện pháp khác nhau được dùng để kiểm soát đau sau sinh. Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AFP) đã cùng nhau phát triển một hướng dẫn nhằm mục đích cải thiện và tiêu chuẩn hóa việc kiểm soát đau sau sinh trong thực hành.
1. Các khuyến cáo của AFP
– Hướng dẫn mới nhấn mạnh việc tối ưu hóa biện pháp dùng thuốc không opioid để kiểm soát đau trong giai đoạn sớm sau sinh.
– Khuyến khích lựa chọn những biện pháp không dùng thuốc nếu có thể
- Căng tức sữa: chườm lạnh, cho trẻ bú thường xuyên hơn
- Đau đầu vú: bôi sữa mẹ quanh đầu vú, sử dụng núm vú hỗ trợ
- Đau do co thắt tử cung: chườm nóng
- Đau vùng đáy chậu: chườm đá hoặc túi gel lạnh
– Đẩy mạnh việc sử dụng NSAID và paracetamol
– Chỉ kê các thuốc opioid trong trường hợp liều cao nhất cho phép của NSAID (ví dụ: ibuprofen 400 mg mỗi 4 giờ, tối đa 3200 mg/ngày) và paracetamol (650 mg mỗi 4 giờ, tối đa 3250 mg/ngày) không có hiệu quả giảm đau đầy đủ.
– Cân nhắc chuyển đổi NSAID và paracetamol mỗi 4 giờ
– Mặc dù ketorolac tiêm tĩnh mạch (30 mg mỗi 6 giờ) có hiệu quả, tuy nhiên không nên dùng cho những phụ nữ bị dị ứng với ketorolac hoặc aspirin, người suy giảm chức năng thận, thể tạng dễ chảy máu.
– Trong trường hợp các thuốc opioid được kê khi xuất viện, cần giới hạn số liều sử dụng và hướng dẫn bệnh nhân cách xử lý an toàn những viên thuốc không sử dụng.
– FDA khuyến cáo không nên kê các thuốc codein hoặc tramadol cho những phụ nữ đang cho con bú. Sự khác nhau về dược lý di truyền của CYP2D6 có thể thúc đẩy sự chuyển hóa các thuốc này nhanh chóng thành morphin và tiết một lượng quá mức vào sữa mẹ.
2. Các khuyến cáo của ACOG
– Cơn đau có thể gây khó khăn cho bà mẹ trong việc chăm sóc bản thân và trẻ nhỏ. Các liệu pháp dùng thuốc và không dùng thuốc rất quan trọng trong quản lý đau sau sinh.
– Do sự đa dạng về loại đau và mức độ nặng của cơn đau trong giai đoạn sớm sau sinh ở sản phụ, cùng với lo ngại về nguy cơ cứ 300 người chưa từng sử dụng sẽ có 1 người liên tục sử dụng opioid sau mổ lấy thai, biện pháp tiếp cận từng bước sử dụng kết hợp nhiều tác nhân giảm đau có cơ chế khác nhau (giảm đau đa mô thức) giúp cá thể hóa quản lý đau ở phụ nữ sau sinh.
– Đối với giảm đau sau phẫu thuật mổ lấy thai, các thuốc giảm đau tiêu chuẩn đường uống và đường tĩnh mạch bao gồm paracetamol, NSAID, opioid và các chế phẩm phối hợp opioid với paracetamol hoặc NSAID.
– Các opioid đường uống và đường tĩnh mạch chỉ nên được dùng để điều trị cơn đau đột phát khi hiệu quả của liệu pháp giảm đau kết hợp các opioid tác động trục thần kinh và các thuốc bổ trợ khác opioid không đầy đủ.
– Cách tiếp cận chia sẻ quyết định kê đơn opioid khi xuất viện sau sinh có thể giúp tối ưu hóa kiểm soát đau và giảm lượng opioid không cần thiết. Nếu chế phẩm có chứa codeine được lựa chọn để kiểm soát đau sau sinh, lợi ích và nguy cơ của thuốc bao gồm tư vấn về các dấu hiệu độc tính ở trẻ sơ sinh cần được thảo luận và xem xét với người nhà bệnh nhân.
– Thận trọng khi tư vấn cho sản phụ được kê đơn opioid về nguy cơ ức chế thần kinh trung ương ở mẹ và ở trẻ. Sử dụng opioid trong thời gian ngắn nhất có hiệu quả để điều trị cơn đau cấp.
3. Bình luận
– Trong một nghiên cứu lớn về những phụ nữ mổ lấy thai và chưa từng sử dụng opioid cho thấy, cứ 300 người sẽ có 1 người liên tục sử dụng opioid trong suốt một năm đầu sau sinh. Những yếu tố làm tăng nguy cơ này bao gồm: tiền sử sử dụng cocaine hoặc các chất gây nghiện khác, tiền sử bị đau lưng hoặc đau nửa đầu, sử dụng các thuốc chống trầm cảm hoặc benzodiazepine (Am J Obstet Gynecol 2016; 215:353.e1).
– Dễ dàng nhận thấy việc chỉ định không cần thiết opioid cho giảm đau sau sinh là một thiếu sót nghiêm trọng trong thực hành lâm sàng.
– Có rất ít bằng chứng thu thập từ các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) cho thấy opioid vượt trội hơn NSAID trong việc giảm đau sau sinh.
Tài liệu tham khảo
- American College of Obstetricians and Gynecologists. ACOG Committee Opinion No. 742: Postpartum pain management. Obstet Gynecol 2018 May 17. Link
- NEJM Journal Watch, Women’s health, 1/6/2018, Robert L. Barbieri MD, Staying on Top of Postpartum Pain, ngày truy cập 12/6/2018. Link
Nguồn: thongtinthuoc.com
Leave a Comment