I. ĐẠI CƯƠNG
Chứng đau thần kinh tọa là mọi dạng đau hay các triệu chứng thần kinh khác được cảm nhận dọc theo dây thần kinh ngồi (trước đây được dịch là thần kinh hông) phân nhánh từ vùng thắt lưng xuyên qua háng và mông xuống cẳng chân và bàn chân. Chứng đau này thường xảy ra nhiều nhất khi bị thoát vị đĩa đệm, gai xương đốt sống hay do hẹp ống sống chèn ép vào thần kinh ngồi gây ra viêm, đau và tê một bên chi bị bệnh. Đĩa đệm là một “tấm đệm” nằm giữa hai thân đốt sống, có tác dụng như “lò xo giảm chấn” hấp thụ lực tác động lên cột sống, được cấu tạo bên ngoài là vòng xơ và bên trong là nhân nhầy. Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý thường gặp trong dân số, thường do đĩa đệm bị hư và lồi vào trong ống sống chèn ép rễ thần kinh gây đau, tê chân, yếu chân và các triệu chứng khác.Thần kinh ngồi là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể người, giữ vai trò hết sức quan trọng nối kết tủy sốngvới các cơ của cẳng chân và bàn chân.
Đau thần kinh tọa có thể nặng nhưng số đông có thể chữa khỏi không cần phẫu thuật. Những người bị yếu nặng các cơ cẳng chân hay có những thay đổi của ruột và bàng quang thì mới có chỉ định phẫu thuật.
II. NGUYÊN NHÂN
– Đau thần kinh tọa thường do chèn ép thần kinh tủy sống ở vùng thắt lưng. Tên y học của đau thần kinh tọa là bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng, cho thấy các triệu chứng xuất phát từ rễ thần kinh của tủy sống. Các triệu chứng đặc hiệu khác nhau tùy thuộc vào rễ thần kinh nào bị ảnh hưởng và mức độ chèn ép nhiều ít ra sao. Hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm thắt lưng do đĩa đệm bị thoái hóa theo tuổi tác. Đĩa đệm khi đó bị mất nước, mất đi độ đàn hồi, trở nên giòn hơn và dễ vỡ, nhân nhầy bên trong đĩa đệm chứa một số protein bị viêm gây ra tình trạng kích thích của dây thần kinh.
– Đau thần kinh tọa cũng thường gặp do té ngã hay do các lỗi về tư thế như khom cúi, khiêng vác nặng, mất thăng bằng…
– Một số bệnh lý khác của thắt lưng cũng có thể đưa đến chứng thần kinh tọa: trượt đốt sống, hẹp ống sống, gai xương cột sống hay viêm khớp cột sống. Hiếm hơn là thần kinh bị chèn ép do khối u hay bị tổn thương do các bệnh toàn thân ví dụ như đái tháo đường.
III. TRIỆU CHỨNG
– Gặp một bên chân (rất hiếm gặp hai bên).
– Điển hình là bắt đầu đau từ phần thắt lưng hay mông, đau lan xuống phía sau đùi và phần dưới cẳng chân và/hay bàn chân.
– Một số người bị dị cảm: đau kiểu tê bì, đau như châm kim, bỏng rát, có cảm giác kiến bò hay đôi khi đau như điện giật theo đường đi của các rễ thần kinh thắt lưng-cùng.
– Nặng hơn: yếu cơ ở cẳng chân hay bàn chân, đi lại khó khăn. Đôi khi có rối loạn tiêu, tiểu.
– Đau tăng lên khi đứng hay ngồi lâu, đi nhiều, leo gác… Đỡ hơn khi nằm hoặc đi lại nhẹ nhàng.
IV. CÁC KIỂU ĐAU KHÁC NHAU DỌC THEO DÂY THẦN KINH HÔNG
Có thể lần theo vùng đau và có triệu chứng lên tới nơi xuất phát của rễ thần kinh bị tổn thương hay bị kích thích ở vùng thắt lưng. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
– Chứng đau thần kinh tọa từ rễ TL4 (đốt sống thắt lưng số 4). Đau hay tê bắt đầu từ ngang mức TL3-TL4 xuống đến giữa phần thấp cẳng chân và bàn chân; yếu cơ không thể nâng cao bàn chân (cần tập đi trên gót chân, giữ các ngón nhìn ra phía trước nhưng phải nâng khỏi mặt đất). Có thể giảm phản xạ đầu gối.
– Chứng đau thần kinh tọa từ rễ TL5. Khi đoạn TL4-TL5 bị tác động, khó nâng phần trước của bàn chân, khi đi lại dễ bị kéo lê phần trước bàn chân trên mặt đất (gọi là bàn chân rơi). Duỗi ngón chân cái có thể yếu. Có thể bị đau hay tê các ngón, đặc biệt là phần da giữa ngón cái và ngón thứ hai.
– Chứng đau thần kinh tọa từ rễ Cùng 1(xương Cùng số 1). Các dấu hiệu bắt nguồn ở mức TL5-Cùng 1. Đau hay tê ở phía ngoài bàn chân; yếu không thể nhấc gót khỏi mặt đất hay đi lại trên các ngón chân. Có thể giảm phản xạ gân gót.
V. YẾU TỐ NGUY CƠ
– Tuổi. Các thay đổi theo tuổi của cột sống, ví dụ thoát vị đĩa đệm và các gai xương, là các nguyên nhân gặp nhiều nhất.
– Tăng cân, béo phì làm tăng áp lực lên trên cột sống và đĩa đệm.
– Nghề nghiệp. Một số người làm các công việc có động tác khom cúi, kéo, đẩy, nghiêng hoặc vặn xoắn cột sống lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Ngồi lâu hay chế độ làm việc tĩnh tại.
– Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh.
– Di truyền.
VI. CÁC BIẾN CHỨNG
– Khi bệnh diễn tiến mà không được điều trị đúng cách sẽ có thể dẫn đến đau hay tê ngày càng nặng, teo cơ, yếu chân, đi lại khó khăn.
– Có thể bị hội chứng chùm đuôi ngựa (Chùm đuôi ngựa là một bó các rễ thần kinh bắt đầu từ ngang mức TL1 hay TL2, gồm có khoảng 10 dây: 3-5 đôi dây thần kinh thắt lưng, 5 đôi dây thần kinh cùng và 1 dây thần kinh cụt) khi chùm này bị chèn ép nặng, với các triệu chứng: đau vùng thắt lưng và tầng sinh môn, yếu liệt chi dưới một hay hai bên, đứng hay đi lại khó khăn, giảm cảm giác hoặc tê “vùng yên” (là vùng của cơ thể tiếp xúc với yên ngựa khi ta cưỡi ngựa, bao gồm vùng háng, các mông, phần trên-trong của hai đùi), các rối loạn đường tiểu và cơ vòng hậu môn, bất lực sinh dục.
– Mất cảm giác của chi bị ảnh hưởng.
– Yếu cẳng chân.
– Mất chức năng của ruột hay bàng quang.
VII. CHẨN ĐOÁN
Khi có các triệu chứng nêu trên, nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa để có được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm, đúng cách. Các bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng cảm giác, vận động, các phản xạ, sức cơ và thực hiện một số các nghiệm pháp khác để chẩn đoán. Ngoài ra còn phải làm thêm một số khám nghiệm để chẩn đoán:
– Chụp X quang cột sống thắt lưng ở các tư thế thẳng, nghiêng, cúi, ngửa để đánh giá hình dạng và độ vững cột sống.
– Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng: được cho là xét nghiệm hình ảnh học tốt nhất để khảo sát cột sống, đĩa đệm và các rễ thần kinh.
– Đo điện cơ: Cho phép xác định rễ thần kinh nào bị tổn thương và cũng để chẩn đoán một số bệnh lý thần kinh khác ngoài thoát vị.
– Chụp cắt lớp tủy đồ có tiêm chất cản quang vào khoang dưới nhện.
VIII. ĐIỀU TRỊ
Sử dụng các thuốc: kháng viêm, giãn cơ, gây ngủ, chống động kinh, các thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants).
– Vật lý trị liệu
Khi triệu chứng đau cấp cải thiện, tập chương trình phục hồi để dự phòng các tổn thương về sau. Bao gồm các bài tập để điều chỉnh tư thế, làm khỏe các cơ nâng đỡ cho lưng và cải thiện tính mềm dẻo uyển chuyển.
– Tiêm steroid
Trong một số trường hợp có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc hay tiêm steroid ngoài màng cứng để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép. Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng C-arm. Mỗi lần thực hiện có thể có hiệu quả trong 3 – 4 tháng.
– Phẫu thuật
Dành cho các trường hợp mà chèn ép thần kinh gây ra yếu cơ, mất kiểm soát ruột và bàng quang, khi đau nặng dần hoặc khi không cải thiện với các điều trị khác. Phẫu thuật giúp loại bỏ gai xương hay phần thoát vị của đĩa đệm chèn ép lên dây thần kinh.
Mổ mở cắt nửa bản sống đi vào trong ống sống lấy bỏ nhân thoát vị. Hoặc mổ nội soi cột sống: mở một lỗ nhỏ qua bản sống hoặc vào lỗ liên hợp để lấy bỏ nhân thoát vị. Cả hai kỹ thuật mổ trên đều cho kết quả tốt khá cao, trên 90%.
ThS.BS. Nguyễn Thành Nhân – BV ĐHYD TP. HCM
Leave a Comment