Nên sử dụng huyết thanh hay huyết tương trong xét nghiệm sinh hóa?

Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao xét nghiệm này lại khuyến cáo dùng trên huyết thanh, xét nghiệm kia lại sử dụng trên huyết tương. Lúc sinh viên, tôi cũng đã hỏi nhiều anh/chị đã đi làm về vấn đề này và nhận lại được nhiều trả lời “truyền miệng” khác nhau. Sau này, khi đi giảng cũng có nhiều đồng nghiệp, bạn bè, sinh viên đặt ra cho tôi câu hỏi này. Điều đó quả thực là nguồn động lực thôi thúc, để tôi đi tìm câu trả lời xem trên thế giới ra sao và ở Việt Nam như thế nào để đối chiếu. Nhưng đáng tiếc, nguồn tài liệu ở Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế và chưa thực sự giải thích kỹ càng.

Trước đây, huyết thanh là được ưu tiên sử dụng để xác định nồng độ của các thành phần trong máu. Ngày nay huyết tương được ưa dùng hơn bởi các phòng xét nghiệm (nhưng không phải tất cả). Vì các thành phần trong huyết tương phản ánh tình trạng bệnh lý bệnh nhân tốt hơn trong huyết thanh.
Tuy nhiên, việc dùng huyết thanh hay huyết tương cho các xét nghiệm sinh hóa không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả xét nghiệm, nếu mẫu đó không nhằm mục đích lưu trữ. Tùy vào mỗi Labo mà việc lựa chọn, sử dụng huyết thanh hay huyết tương là chính. Mẫu huyết thanh được khuyến cáo sử dụng khi mục đích lưu trữ hơn là mẫu huyết tương (Theo 1 nghiên cứu cho thấy, với cùng 1 mẫu máu, được tiến hành trên huyết thanh và huyết tương, thì sau 120 giờ, các kết quả trên mẫu huyết tương sai khác nhiều hơn so với mẫu huyết thanh.

Việc dùng mẫu huyết tương có nhiều lợi ích hơn huyết thanh, bởi các lý do sau:

1. Tiết kiệm thời gian: mẫu huyết tương có thể ly tâm ngay mà không cần đợi sau 30 phút như huyết thanh.
2. Năng suất hơn: Với cùng 1 lượng máu, thì việc lấy được huyết tương sẽ nhiều hơn huyết thanh là 15-20%.
3. Tránh được ảnh hưởng của hiện tượng đông máu gây ra: Các cục máu đông trong ống huyết thanh đã được ly tâm có thể làm tắc kim hút nếu sử dụng cả ống máu mà không tách riêng ra cuvet (cóng). Điều này có thể được ngăn ngừa, nếu mẫu dùng là huyết tương, có chất chống đông máu.
4. Phòng chống sự thay đổi do quá trình đông máu gây ra: Quá trình đông máu có thể làm thay đổi nồng độ của nhiều thành phần trong máu bào vượt quá giới hạn tối đa cho phép. Những thay đổi xảy ra bởi các cơ chế sau:
  • Tăng nồng độ các thành phần trong huyết thanh so với huyết tương, ví dụ như: Kali, Phospho, AST, LDH, serotonin, kẽm. Phát hành amid-NH3 từ quá trình ổn định Fibrin của yếu tố XIII.
  • Giảm nồng độ của các thành phần trong huyết thanh do quá trình trao đổi chất của tế bào và quá trình đông máu: glucose, protein toàn phần.
  • Kích hoạt ly giải hồng cầu, bạch cầu trong máu không chống đông, điều này có thể giải phóng Hemoglobin.
5. Một số xét nghiệm chỉ được làm trên huyết tương: elolase, serotonin, amoniac

Nhược điểm của việc dùng huyết tương so với huyết thanh:

1. Bị nhiễu kết quả nếu thực hiện xét nghiệm các cation: NH4+, Li+( chống đông liti-heparin).
2. Chất chống đông có liên kết với một chất phân tích có thể làm giảm giá trị đo được của nó trong huyết tương (Burkhard và Meyer, 1995).
3. Sự có mặt của Fibrinogen ảnh hưởng đến xét nghiệm miễn dịch và việc dùng huyết thanh có thể ngăn ngừa điều này.
4. Trong điện di và phân tích protein, huyết thanh được khuyến cáo hơn là huyết tương (Guder, 2001).
5. Lưu ý: chỉ dùng huyết thanh để theo dõi điều trị thuốc hoặc phân tích độc tính.
Lê Văn Công, Labnotes123 Take Knowledge Away
5/5 - (4 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment