Bs. Trương Tấn Minh Vũ
1. TỔNG QUAN
– Sẹo là vùng mô xơ thay thế mô bình thường sau tổn thương, là một phần của quá trình lành thương tự nhiên.
– Có hai loại quá trình lành thương: tái tạo và sửa chữa.
– Lớp biểu bì lành thương bằng cách tái tạo, nhân bản các tế bào để khôi phục cấu trúc ban đầu, loại lành thương này không để lại sẹo.
– Lớp bì của da lành thương bằng cách sửa chữa, lắng đọng mô sợi để duy trì sự liên tục của các mô, quá trình sửa chữa này dẫn đến sự hình thành sẹo. Sự hình thành sẹo có thể bị teo khi mất mô, hoặc phì đại với mô dư thừa.
– Mụn trứng cá không viêm chỉ có comedones sẽ không để lại sẹo. Khi mụn trứng cá không viêm tiến triển thành tổn thương viêm, các cơ chế chữa lành vết thương được kích hoạt, kết quả để lại sẹo. Các loại sẹo khác nhau trong mụn trứng cá là kết quả của quá trình lành thương tùy theo mức độ viêm, độ sâu tổn thương và phản ứng miễn dịch quá mức ở những người dễ bị sẹo.
– Do đó KIỂM SOÁT MỤN VIÊM SỚM là mấu chốt để ngăn ngừa hoặc giảm sẹo trong mụn trứng cá.
2. PHÂN LOẠI
*Sẹo mụn có thể được chia thành ba loại
– Sẹo phẳng (Erythematous, Hyperpigmented).
– Sẹo lõm (Icepick scar, Boxcar scar, Rolling scar, Linear scar)
– Sẹo lồi (Hypertrophic scar, Papular scar, Bridging scar, Keloidal scar).
Các vết sẹo lõm là phổ biến nhất, tiếp theo sau sẹo phẳng, sẹo lồi ít phổ biến hơn.
3. PHÂN ĐỘ
– Có nhiều tiêu chí để phân độ sẹo mụn, phổ biến nhất là Thang đo của Goodman và Barron dựa trên hình thái sẹo và có thể được che bằng cách trang điểm hoặc tạo mẫu tóc, được phân thành bốn loại:
+ Độ 1: Sẹo phẳng.
+ Độ 2: Sẹo lõm nhẹ hoặc sẹo phì đại có thể thấy không rõ ở 50 cm hoặc lớn hơn và có thể được che bằng cách trang điểm hoặc mẫu tóc.
+ Độ 3: Sẹo lõm vừa hoặc phì đại vừa phải được thấy rõ ở khoảng cách giao tiếp xã hội và không dễ bị che lấp.
+ Độ 4: Sẹo lõm nặng hoặc phì đại.
4. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SẸO MỤN PHỔ BIẾN
4.1. LĂN KIM (Microneedling)
– Microneedling sử dụng kim nhỏ tạo ra nhiều vết thương nhỏ trên da. Các vết thương kích hoạt quá trình lành thương, tăng tiết các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi, yếu tố tăng trưởng tiểu cầu và biến đổi các yếu tố tăng trưởng alpha và beta, dẫn đến việc sản xuất nhiều collagen và elastin bởi các nguyên bào sợi. Quá trình lành thương làm đầy sẹo.
4.2. CROSS TCA
– CROSS TCA là kỹ thuật sử dụng axit trichloroacetic (TCA) nồng độ cao trên các vết sẹo lõm. Trichloroacetic acid là một chất phá huỷ bề mặt tạo độ sâu tổn thương thay đổi tùy theo nồng độ. TCA tự trung hòa và không được hấp thụ vào tuần hoàn nên an toàn nếu được sử với các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
– TCA gây ra sự kết tủa protein và hoại tử các tế bào trong lớp biểu bì và hoại tử collagen trong lớp nhú đến lớp bì trên. Sự gia tăng thể tích da là kết quả của việc tăng sản xuất collagen, elastin.
– Việc sửa chữa collagen trong da tiếp tục trong vài tháng sau đó, tái tạo collagen liên tục với khối lượng tăng lên giúp tái tạo da và lấp đầy mô sẹo.
4.3. CẮT ĐÁY SẸO (SUBCISION)
– Kỹ thuật này dùng một cây kim sắc nhọn được đưa vào da ngay dưới vết sẹo, có tác dụng như dao mổ, cắt các dải xơ dưới da làm giảm sẹo. Sự phá vỡ các dải xơ làm bề mặt sẹo được giải phóng khỏi các phần đính kèm bên dưới, giúp nâng vết sẹo.
– Vết thương này đồng thời gây ra sự hình thành mô liên kết bên dưới để nâng đỡ vết sẹo mà không làm tổn thương bề mặt da.
– Cắt đáy sẹo cần cẩn thận ở các vị trí nguy hiểm.
4.4. CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC
– Bên cạnh các phương pháp đơn giản ở trên thì còn rất nhiều phương pháp để điều trị sẹo mụn như Laser fractional Co2, Laser Er Yag, Laser Nd YAG, Needle RF, Dermabrasion, Filler, mỡ tự thân, punch, hoặc mới hơn như sử dụng nguyên bào sợi tự thân tiêm trong da.
**Các phương pháp điều trị sẹo ở trên nếu được phối hợp với PRP hoặc các serum có yếu tố tăng trưởng sẽ cho kết quả tốt hơn.
5. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐƠN GIẢN PHÙ HỢP CHO TỪNG LOẠI SẸO
5.1. SẸO PHẲNG
– Đỏ da sau mụn (Erythematous) do tăng sinh mạch máu trong quá trình viêm, các mạch máu sẽ tự thoái triển sau vài tháng khi sẹo trưởng thành, dùng Long-pulse Laser hoặc IPL sẽ cho kết quả điều trị nhanh hơn.
– Tăng sắc tố sau mụn (Hyperpigmented) hay thường gọi là thâm sau mụn, sắc tố sẽ tự mờ dần sau 3-6 tháng, có thể được điều trị bằng thuốc bôi, peel, IPL, Laser..
5.2. SẸO ĐÁY NHỌN (Icepick Scar)
– Là sẹo phổ biến nhất trong sẹo mụn trứng cá và cũng khó điều trị nhất. Sẹo đáy nhọn có những vùng biểu mô sâu, hẹp và được xác định rõ, kéo dài theo chiều dọc đến lớp bì sâu hoặc mô dưới da, phần mở bề mặt rộng hơn phần sâu hình chữ “V”, giống như da bị chích bằng đá sắc nhọn. Gặp nhiều ở má, vùng glabellar và mũi.
++ Điều trị: sử dụng CROSS TCA là hiệu quả nhất. Có thể hình dung sẹo đáy nhọn như hình nón ngược, TCA có thể làm tổn thương toàn bộ diện tích bên trong sẹo nên quá trình lành thương sẽ diễn ra theo cả 2 chiều đứng và ngang, sẹo được lấp đầy tốt hơn các phương pháp khác.
– Laser CO2 pinpoint bắn trực tiếp đáy sẹo cũng cho kết quả tốt. Hiệu quả của lăn kim và laser fractional Co2 đối với sẹo đáy nhọn rất hạn chế.
5.3. SẸO ĐÁY VUÔNG (Boxcar scar)
– Là những vết sẹo hình tròn, hình bầu dục hoặc không đều được xác định rõ ràng với các cạnh thẳng đứng, hình ảnh như sẹo thủy đậu. Gặp nhiều trên thái dương và má.
++ Điều trị: boxcar scar nên được điều trị bằng cắt đáy sẹo trước để làm đầy sẹo, sau đó là tái tạo bề mặt bằng Laser fractional Co2 hoặc microneedling. Nếu chỉ lăn kim hoặc Laser fractional Co2 thì sẹo cải thiện khá chậm.
5.4. SẸO ĐÁY TRÒN (Rolling scar)
– Sẹo đáy tròn được gây ra do bề mặt da bị co kéo bởi các dải xơ bên dưới, tương đối dễ điều trị. Gặp nhiều ở vùng dưới má, hàm dưới và xấu đi theo tuổi tác.
++ Điều trị: cắt đáy sẹo cho kết quả tốt, có thể phối hợp tái tạo bề mặt sau đó bằng Laser fractional Co2 hoặc lăn kim.
5.5. SẸO PHÌ ĐẠI (HYPERTROPHIC SCAR)
– Sẹo phì đại có thể tự cải thiện trong quá trình trưởng thành của sẹo, nếu phối hợp các biện pháp khác ( tiêm steroid, silicon, áp lạnh, Pulse dye laser…) có thể đẩy nhanh quá trình cải thiện sẹo.
5.6. Các loại sẹo khác ít phổ biến, điều trị với nguyên lý cũng giống như các loại trên.
Bs. Trương Tấn Minh Vũ
Leave a Comment