Hậu Bối – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

1. Đại cương

Hậu bối là một cụm nhọt tập trung ở một nơi, không bắt buộc chỉ có ở lưng. Loại vi trùng thường gặp là tụ cầu khuẩn vàng.

– Hậu bối hay xảy ra ở người tiểu đường hoặc ở những người suy dinh dưỡng.

2. Giải phẫu bệnh

– Khác với nhọt, hậu bối gây ra một vùng nung mủ rộng hơn, đường kính có thể từ vài cm đến hơn 10 cm.

– Ở giữa là ổ nhiễm trùng, nơi tập hợp các ngòi. Ngòi là do các tuyến, da và các tổ chức tế bào lân cận bị hoại tử.

– Xung quanh ổ nhiễm có những ổ áp-xe nhỏ và thường có một ổ áp-xe ở bên dưới hậu bối.

3. Triệu chứng

3.1. Triệu chứng cơ năng:

– Ngứa hoặc căng nhức.

– Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, sốt nhẹ.

– Thực thể: xuất hiện một mảng cứng, nóng, đỏ, đau.

3.2. Toàn phát

– Triệu chứng cơ năng: đau nhức nhiều, chảy nước mắt, mất ngủ, cử động khó khăn.

– Thực thể.

+ Nhìn: thấy một mảng tím đỏ, to nhỏ khác nhau, ở giữa mảng này thấy:

  • Giai đoạn nốt bỏng: có các nốt bỏng chứa nước màu hồng, các nốt bỏng này bao quanh chân sợi lông.
  • Giai đoạn loét: trong vòng vài ngày sau, các nốt bỏng vỡ ra để lại những loét tròn nhỏ, rải đều như một tổ ong hay một hoa sen.
  • Giai đoạn vỡ ngòi: khi các ổ loét thành hình, những cầu da còn lại giữa các ổ loét bị phá hủy dần phơi bày ra một ổ loét to như miệng núi lửa, chứa đầy những đám ngòi.

+ Sờ: có cảm giác nóng, đau, da dày cộm lên và cứng.

+ Nếu vùng cứng của mạng hậu bối có ranh giới rõ rệt, đó là dấu hiệu tốt vì loại này không có khuynh hướng lan rộng.

3.3. Toàn thân

Sốt, nhức đầu, đôi khi có rét run, chán ăn. Cần phải tìm đường trong nước tiểu hay thử đường huyết vì đôi khi hậu bối là triệu chứng đầu tiên giúp khám phá ra bệnh tiểu đường của bệnh nhân.

4. Tiến triển

– Hậu bối tiến triển chậm, phải mất độ khoảng 10 ngày các ngòi hậu bối mới hoàn toàn vỡ hết và tiêu đi. Da còn bị nhiễm cứng và bầm tím một thời gian lâu. Sẹo sẽ thành hình trong 1 – 3 tuần hay lâu hơn.

– Ở những trường hợp hậu bối lan rộng, lớp da bị tách rời và để lại lớp cơ hoặc lớp xương bên dưới.

5. Thể lâm sàng

Thể nặng: đó là hậu bối lan rộng hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường.

– Triệu chứng toàn thân: sốt cao, mạch nhanh, nhức đầu vật vã, nói nhảm.

– Thực thể:

+ Mảng cứng không có ranh giới rõ ràng xung quanh bị phù nề, đau, viêm bạch mạch.

+ Thường chiếm cả vùng rộng như: gáy, mông, lưng…

– Tiên lượng nặng, dễ tử vong do hôn mê do toan chuyển hóa ở bệnh nhân tiểu đường, hoặc nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm khuẩn mủ huyết.

Ngoại Khoa Cơ Sở – Triệu Chứng Học Ngoại Khoa, NXB Y Học, 2013

Rate this post
admin:
Related Post
Leave a Comment