Nhọt – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

1. Nguyên nhân – giải phẫu bệnh

Nhọt là bệnh nhiễm khuẩn phát triển từ chân lông, loại vi khuẩn thường gặp là tụ cầu khuẩn vàng.

– Nhiễm khuẩn lan từ vùng chân lông sang ống quanh chân lông và từ đó sang một phần biểu bì xung quanh tạo ra một đám tổ chức hoại tử gọi là ngòi. Như vậy ngòi gồm có tụ cầu khuẩn, bạch cầu và những mảnh tổ chức liên kết hay biểu bì.

2. Triệu chứng – tiến triển

– Cơ địa: nhọt hay xảy ra ở người yếu, làm việc quá sức hoặc bị bệnh tiểu đường.

– Khởi đầu: là một nốt đỏ nổi lên dưới một chân lông, nốt đỏ hơi ngứa.

– Về sau: nốt đỏ to lên rất nhanh, lan rộng và càng lớn càng đau, cảm giác đau và nhức buốt rất khó chịu làm cho bệnh nhân khó cử động, khó đi lại nếu nhọt ở cổ, nách, bẹn.

– Ngày thứ 3: nhọt thành hình, nổi rõ trên mặt da, màu đỏ tía, nóng, cứng, rất đau. Ở trung tâm và cũng là nơi cao nhất, có một điểm màu vàng. Sau đó điểm vàng này bị hoại tử và chảy ra một giọt mủ trắng. Miệng nhọt bị vỡ, ở dưới đáy trông rít rõ ngòi màụ vàng xanh theo mủ chảy ra, trong vòng một tuần lễ sau sẽ sạch mủ mụn nhỏ đi còn lại một vết sẹo thâm về sau dần dần nhợt đi.

– Nhọt có thể trở đi trở lại nhiều lần do vi khuẩn theo đường máu, đường bạch huyết hoặc do gãi, do xây xát ngoài da.

3. Biến chứng

Bình thường từ khi khởi bệnh đến khi lành sẹo kéo dài khoảng 10 ngày. Đôi khi kéo dài lâu hơn vì các biến chứng sau:

– Áp-xe nóng quanh nơi bị nhọt.

– Hoại thư.

– Viêm bạch mạch hay viêm hạch khu vực.

– Nhiễm khuẩn huyết.

– Viêm tắc tĩnh mạch, đặc biệt đối với nhọt mặt, mà nhất là ở môi trên (đinh râu), cần phải chú ý đến viêm tắc tĩnh mạch gốc, tĩnh mạch mắt, đặc biệt là tĩnh mạch xoang hang. Biến chứng này có thể gây tử vong.

Ngoại Khoa Cơ Sở – Triệu Chứng Học Ngoại Khoa, NXB Y Học, 2013

Rate this post
admin:
Related Post
Leave a Comment