Đèn không hắt bóng
Dzunichi Watanabe
Chương 9
Nôrikô Simura gặp kỹ thuật viên X – quang Sawađa vào ngày thứ bảy, tức bốn ngày sau cuộc phẫu thuật làm cho Đzyunkô Hanađzyô.
Dù là ngày thứ bảy thì trong bệnh viện vẫn rất nhiều việc, bệnh nhân vẫn đông, cho nên buổi gặp gỡ mãi đến năm giờ mới thành. Nôrikô yêu cầu Sawađa đến gặp cô ở một tiệm trà nhỏ tên là “Pôni”. Quán trà nằm ở quãng giữa đường đi Đôghenđzakaa, và Nôrikô cũng đã nhiều lần gặp Naôê ở đây.
Hai người ra khỏi bệnh viện vào những lúc khác nhau, nhưng ngồi chưa đến năm phút Nôrikô đã thấy Sawađa tới phòng trà.
– Anh uống cái gì nhé… – Nôrikô hỏi.
– Có lẽ cô cho tôi uống trà.
– Xin chén trà có chanh – Nôrikô nói với cô hầu bàn rồi quay về phía Sawađa – có ai trông thấy anh không…
– Ờ, hình như không có ai.
– Thế thì tốt.
Nôrikô thở dài nhẹ nhõm, rồi lấy trong xắc ra một bao “Highlight”, châm thuốc hút. Cô biết hút thuốc lá là do Naôê. Trong bệnh viện có nhiều nữ y tá hút thuốc, ngay cả cô Kaôru Unô trẻ thế mà đôi khi cũng hút. Sau một phẫu thuật khó khăn hay một đêm trực, cởi bỏ chiếc blouse va hút một điếu thuốc lá cũng thật dễ chịu…
Nôrikô nhìn các cô khác hút thuốc, cũng đã từng thử hút vài lần. Nhưng hút đến hơi thứ ba cô đã thấy khó chịu và cô không tài nào hiểu nổi người ta tìm thấy cái gì trong thuốc lá. Naôê vừa mới quen cô đã bắt đầu nài cô hút. Có một lần đang nằm trong giường ông ta nói với cô: “Khi một người đàn bà hút thuốc lá loại sang, nhìn thật thích mắt! ” Chính từ ngày ấy Nôrikô bắt đầu hút thuốc thực sự.
Khi thấy Nôrikô ngạt thở vì khói thuốc lá và ho sặc sụa, Naôê cười ngất. “Môi hơi đưa ra phía trước một chút, và phải thở khói ra thong thả như thế này này, trông mới đẹp”. Dưới sự hướng dẫn của Naôê chẳng bao lâu cô đã có thói quen hút thuốc lá, tuy không nghiện đến mức phải khổ sở khi không có gì hút. Mỗi ngày cô hút khoảng bốn năm điếu.
Sawađa ngạc nhiên nhìn Nôrikô hút thuốc lá, rồi hỏi:
– Vậy cô muốn nói chuyện với tôi về việc gì…
Tối hôm qua Nôrikô có yêu cầu ông ta đến đây để nói một câu chuyện quan trọng.
Dạo ấy cứ tối tối Sawađa còn đi học lớp kỹ thuật X – quang và chưa có quyền chính thức làm việc với máy chiếu. Chỉ có các bác sĩ mới được phép chụp phim. Nhưng trong bệnh viện Oriental, cũng như trong nhiều bệnh viện tư khác, chính kỹ thuật viên làm tất cả.
– Câu chuyện tôi sẽ nói với anh hơi bất thường…
Nôrikô gảy tàn thuốc lá rồi nhìn Sawađa có ý dò xét.
– Tôi nghe cô.
Sawađa thua Nôrikô ba tuổi cho nên trước mặt cô anh có phần e dè.
– Anh thử nói tôi nghe… Naôê vẫn đến anh chụp phim đấy à…
Một bên má Sawađa khẽ giật giật vì ngạc nhiên.
– Có điều là anh không được dối tôi. Tôi biết hết rồi.
Sawađa lúng búng cái gì trong miệng.
– Cứ khoảng mười ngày một lần. Đúng không…
Sawađa rõ ràng là luống cuống. Nôrikô hiểu rằng mình đã đi đúng đường.
– Vậy thì tôi muốn hỏi anh… Ông ấy chụp phim để làm gì thế… Anh nói thật với tôi đi. Tôi cŨng đã trông thấy mấy tấm phim ấy rồi.
– Không thể thế được! – Sawađa thốt lên.
– Sao vậy… Anh lấy làm lạ ư…
– Cô thấy những tấm phim ấy ở đâu…
– Không quan trọng. Chỉ biết là tôi đã trông thấy thế thôi.
Nôrikô tuyệt nhiên không có ý định thú nhận rằng mình đã trông thấy mấy tấm phim ấy trong cái tủ ở nhà Naôê.
– Tôi không hiểu…
– Cái gì…
– Cô làm thế nào mà biết được việc này…
– Dù sao sự thật vẫn cứ là sự thật.
– Chẳng lẽ chính bác sĩ Naôê nói cho cô biết… – Sawađa uống một hơi hết chén trà rồi lại nhìn Nôrikô một cách ngờ vực. – Ông ấy đã yêu cầu tôi cất thật kỹ, sao cho đừng ai có thể trông thấy.
– Anh đừng lo. Tôi trông thấy nó không phải ở chỗ anh.
– Lạ thật. – Sawađa lắc lư cái đầu.
– Anh yên tâm đi, và nói cho trung thực: Naôê chụp để làm một công trình khoa học, hay là… ông ấy bị bệnh…
Sawađa lặng thinh.
– Tôi van anh. – Nôrikô chắp hai tay lên ngực.
– Thôi được, – Sawađa mủi lòng. – Nhưng đừng nói với ai…
– Tôi thề với anh!
– Cô cần biết rằng ông ấy đã cấm tôi không được nói với ai…
– Vâng, dĩ nhiên, tôi hiểu.
– Số là ông ấy đang tiến hành một cuộc nghiên cứu khoa học.
– Nghiên cứu khoa học ư… – Bây giờ đến lượt Nôrikô nhìn Sawađa một cách ngờ vực.
– Chính ông ấy nói với tôi như vậy, thành thử cô có thể tin chắc rằng đó là sự thật.
– Nhưng tại sao ông ấy lại chỉ nghiên cứu cột xương sống của chính mình mà thôi…
– Không phải. Cả xương sườn, cả xương tay, xương chân nữa.
– Anh không dối tôi đấy chứ…
– Tôi nói dối làm gì… Chính tôi chụp mà.
– Một cuộc nghiên cứu khá lạ lùng.
– Bác sĩ nói rằng vấn đề này thú vị kinh khủng!
“Chụp xương sống của mình thì có cái gì mà thú vị… Nôrikô nghĩ thầm. – Không thể nào hiểu nổi… “
– Cứ mười ngày ông ấy lại đến anh à…
– Vâng.
– Và cứ mỗi lần như thế lại chụp cả một loạt hình à…
Sawađa gật đầu.
– Chẳng lẽ ở bệnh viện người ta cho phép sử dụng ngần ấy tấm phim cho những công trình nghiên cứu khoa học sao…
– Chính bác sĩ trả tiền số phim ấy.
– Thế à… Ông ấy trả bằng tiền riêng à…
– Tôi mua riêng phim cho ông ấy. Mua sỉ. Mua thẳng của hãng sản xuất phim.
“Nếu đây chỉ là một công trình khoa học thì Naôê bỏ tiền ra như vậy có phải là vì quá mê mải không…… ” – Nôrikô nghĩ.
– Vậy anh chụp cho ông ấy vào những lúc nào…
– Vào những ngày chủ nhật hoặc vào những buổi tối ông ấy phải trực.
– Sao, ngay trong phiên trực à… Thế mà tôi không biết.
– Chúng tôi bao giờ cũng khóa trái cửa lại để đừng có ai vào.
– Bây giờ tôi mới hiểu tại sao có những tối ông ấy biến đi đằng nào không hay…
– Thường thường thì ông ấy bảo là đi uống rượu, – Sawađa cười.
– Nhưng cũng có khi ông ấy đi uống rượu thật! Ngoài bar ấy.
– Vâng. Nhưng vào phòng X – quang vẫn nhiều hơn.
– Ai mà ngờ được!…
Trong lòng Nôrikô có những cảm xúc trái ngược dằng co nhau. Cô không biết là nên nổi giận hay nên thở ra nhẹ nhõm. Câu chuyện cũng thật kỳ dị.
– Nhưng tôi tha thiết xin cô đừng nói với ai. Lần nào ông ấy cũng nhắc lại là tôi phải im lặng.
– Được rồi.
Nôrikô cầm chén cà phê đã nguội đưa lên môi.
Những bài phóng sự tường thuật các sự việc đã xảy ra với Đzyunkô mãi đến ngày thứ năm, sau khi cô vào nằm bệnh viện, mới bắt đầu xuất hiện trên các báo chí.
“Một ngôi sao rơi xuống”. “Một cơn viêm ruột thừa đột ngột. Một cuộc phẫu thuật khẩn cấp”. “Cuộc họp báo bị gián đoạn vì minh tinh ngất”. “Khi con bướm ngã xuống bất tỉnh”…
Có một số báo chí chỉ thông báo vắn tắt rằng Đzyunkô bị ngất vì làm việc quá sức, một số báo khác có đăng những tấm ảnh chụp Đzyunkô đang nằm mê man bất tỉnh, song tất cả các phóng viên đều gặp nhau ở một điểm: Trong buổi họp báo Đzyunkô Hanađzyô đã đột nhiên ngất xỉu và được đưa vào bệnh viện mổ ruột thừa. Chỉ có tờ tuần báo phụ nữ “Syukan lady” điểm một âm thanh lạc điệu trong bản hợp xướng hài hòa.
“Cơn đau khả nghi của đzyunkô Hanađzyô. Phải chăng là một cơn viêm ruột thừa… “
“Chúng tôi đã kể lại để các bạn đọc biết rõ tình trạng của Đzyunkô Hanađzyô sau khi nàng ngất ở khách sạn R. và được đua vào bệnh viện Oriental. Song cách thuyết minh của bác sĩ N. lại khác một cách đáng kể với lời tuyên bố của bác sĩ K. Qua những lời lẽ của vị lương y này chúng tôi đã kết luận đươc. rằng bệnh tình của Đzyunkô Hanađzyô không phải do một cơn đau ruột thừa gây nên như đã từng nói trước đây, mà… “
Tiếp theo sau, tờ tạp chí thuật lại chi tiết nội dung cuộc nói chuyện với Kôbasi. Mọi người trong bệnh viện đều biết rằng N. là Naôê và K. là Kôbasi. Số tạp chí “Syukan lady” ra được một ngày thì Naôê được đọc bài báo nói trên: Ông bầu của Hanađzyô đã chìa tờ báo ra cho ông ta coi khi ông ta đến phòng cô ca sĩ trong buổi đi thăm bệnh nhân thường lệ ban sáng.
– Bác sĩ Kôbasi có thể tuyên bố như vậy thật ư… – Những khi cái ông bầu này tức giận, ông ta thường nói lắp bắp rất khó nghe, nuốt bớt nhiều chữ trong câu.
Naôê mở tờ tạp chí, đưa mắt rất nhanh đọc qua bài báo tai quái ấy.
– Lẽ nào một người thầy thuốc có thể tự cho phép mình làm như vậy… Bây giờ biết làm thế nào…
– Ở đây có một sự lầm lẫn gì đấy.
– Bác sĩ lấy gì cắt nghĩa được sự việc này…
– Tôi sẽ làm cho ra nhẽ, – Naôê vỗ về ông bầu.
Trong khi hai người nói chuyện, Đzyunkô nhìn ra cửa sổ, vẻ mặt lầm lầm, không nói một câu.
Sau buổi đi thăm các phòng bệnh nhân, ghi xong các chỉ định vào bệnh án của các bệnh nhân mới nhập viện, Naôê mời Kôbasi vào phòng điều hành.
– Chắc anh biết chuyện rồi chứ gì… Tờ Syukan lady có dẫn lời của anh ra đấy.
– Vâng, các nữ y tá đã nói với tôi rồi, – Kôbasi đáp, giọng vô tư lự.
– Làm sao nó lại ra như thế…
Naôê đứng dậy, đến cạnh cửa sổ nhìn xuống khoảnh sân sau nhỏ hẹp bị chèn giữa bốn bức tường đá.
– Tối hôm ấy có một người nào đó gọi điện vào bệnh viện tự xưng là người quen thân Hanađzyô…
– Và anh đã nói hết cho người ấy biết…
– Dĩ nhiên không phải là hết nhưng… – Kôbasi cúi mặt.
– Chẳng lẽ anh không biết rằng những chuyện như thế không thể nói qua điện thoại… Chỉ có thể nói riêng trước mặt nhau mà thôi. Đó là một sơ xuất không thể tha thứ được.
Kôbasi im lặng.
– Đó là một việc chưa từng thấy: Một người thầy thuốc mà lại để lộ một điều bí mật nghề nghiệp của y học!
– Nhưng… – Kôbasi ngẩng đầu lên, – tôi chỉ nói sự thật. Tôi không bịa đặt gì hết.
Naôê quay ngoắt lại đo lường Kôbasi bằng một cái nhìn không chút thiện cảm.
– Theo anh thì người thầy thuốc có quyền nói toạc ra tất cả những gì mình biết…
– Sao lại thế… – Kôbasi bác lại. – Nhưng lừa dối bệnh nhân và người nhà của họ như tiên sinh vẫn làm là điều không thể chấp nhận được.
– Anh muốn ám chỉ cái gì…
– Thì như chuyện ông cụ Isikura đấy, chẳng hạn.
– Anh Kôbasi, bệnh ung thư là một trường hợp đặc biệt. Không thể đánh ngang bằng Isikura với Hanađzyô.
– Có lẽ thế.
– Nhưng mỗi bệnh nhân có quyền giữ bí mật về bệnh trạng của mình, và bổn phận thiêng liêng của người thầy thuốc là không để lộ điều bí mật ấy ra.
Kôbasi cúi đầu im lặng.
– Hanađzyô không phải là một người thường. Cô ta là một nghệ sĩ, một ngôi sao. Có hàng triệu con mắt tò mò theo dõi cô ta. Cần phải thấy trước rằng bọn nhà báo không dễ gì bằng lòng với những thông báo chính thức của bệnh viện.
– Có thể. Nhưng… nếu việc này quan trọng như vậy, tại sao tiên sinh không cho tôi biết trước…
– Việc gì…
– Việc cô ấy bị “viêm ruột thừa” ấy. Giá tôi được nghe cách thuyết minh này, dù chỉ là phong phanh thôi…
Naôê không quay lại, chuyển sang góc bên kia của khung cửa sổ.
– Ngay đến các nữ y tá cũng được thông báo. Thế mà tôi thì không hề! Nếu tôi được thông báo thì đời nào tôi lại lỡ lời như vậy…
Naôê đến bây giờ mới ngoảnh lại nhìn thẳng vào mắt Kôbasi.
– Anh có nhận thức được rằng anh là thầy thuốc hay không…
– Dĩ nhiên.
– Anh không phải là một cô bé đến thực tập hay một cô hộ lý, mà là một bác sĩ. Anh hiểu không – một bác sĩ! Người ta phó thác cho anh những điều bí mật của bệnh nhân. Chẳng lẽ anh không đủ sức tự mình suy xét xem cái gì có thể nó ra được, cái gì không hay sao…
– Tôi… à – à…
– Vả chăng đó cũng là một nét đặc biệt của nghề nghiệp chúng ta.
– Tôi đồng ý – mãi bây giờ Kôbasi mới nói được – Nhưng o bế một bệnh nhân đến như vậy chỉ vì cô ta là một ngôi sao thì theo tôi là không đúng.
– Anh không đúng.
– Ở chỗ nào…
– Vấn đề không phải ở chỗ bệnh nhân là ngôi sao hay là người thường. Người thầy thuốc có bổn phận giữ bí mật cho tất cả các bệnh nhân, ai cũng như ai. Tôi không muốn nhắc lại cho anh nghe những sự thật đã nhàm nhưng… – Naôê rời khung cửa sổ ngồi xuống chiếc ghế đặt trước mặt Kôbasi – Anh đã bao giờ có dịp đọc “Luật lương y” chưa…
Kôbasi nhăn trán, vẻ bỡ ngỡ. Nói cho đúng ra, anh mới chỉ nghe nói vềtài liệu này, nhưng chưa bao giờ có dịp cầm đến nó.
– Trong các trường đại học, các giáo sư và các bác sĩ chỉ quan tâm đến những bài vở và công trình nghiên cứu khoa học, còn “Luật lương y” hay “Luật bảo hiểm bệnh tật” thì chẳng thèm nhìn ngó tới. Anh cũng chưa đọc chứ gì…
Naôê đã nhắm trúng điểm. Kôbasi bối rối dấu đôi mắt.
– Giữ bí mật cho bệnh nhân là nền tảng cơ bản nhất của bộ luật ấy.
Kôbasi không còn biết lấy gì để chống chế nữa, nhưng anh chưa có thói quen hạ vũ khí nhanh như vậy. Xét về nguyên tắc, Naôê nói đúng. Nhưng đây là chuyện của một cô gái nào đó chưa quá hai mươi tuổi được bao nhiêu. Cô ta hát được mấy bài hát nghe cũng dễ thương như thế thì đã sao… Đã có gì ghê gớm lắm chưa… Như thế đã thành được một minh tinh rồi ư…… Có thể một bí mật y học quan trọng thật, nhưng việc gì phải làm ầm lên như vậy vì một cô đào hát nào đấy… Kôbasi khó nhọc trấn áp nỗi bực tức của mình.
– Thôi, nói chung là như thế, – Naôê nói, giọng khô khan, – từ rày có ai hỏi gì về Hanađzyô, anh hãy thận trọng hơn.
– Rõ. – Kôbasi đã ngấy đến tận cổ vì câu chuyện này rồi.
– Còn về bài báo thì ta sẽ nói rằng gã phóng viên hình như tự đánh hơi thấy điều gì cho nên đã cố gắng moi của anh những chi tiết giật gân, còn anh thì đã trả lời qua loa cho xong chuyện.
– Chẳng lẽ chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy mà phát sinh những vấn đề phiền phức hay sao… – Kôbasi không ghìm nổi.
– Ở bệnh viện Oriental có nhiều nhân vật danh tiếng nằm điều trị. Nếu có tin đồn đại rằng các bác sĩ của bệnh viện không biết giữ bí mật cho bệnh nhân thì họ ngãng ra hết.
– Các nhân vật danh tiếng kia quan trọng đối với bệnh viện thế kia ư…
– Họ nằm những phòng đắt tiền nhất. Mà những phòng như thế lại chiếm đa số trong bệnh viện. Cho nên các nhân vật danh tiếng là những vị khách đáng mong muốn nhất của bệnh viện.
– Tôi phản đối một sự phân biệt đối xử như vậy. – Trong đôi mắt Kôbasi nhấp nháy những đốm lửa hằn học. – Tôi ghê tởm cái tinh thần vụ lợi mà bác sĩ trưởng đã gieo rắc trong bệnh viện này,
Naôê kéo cái gạt tàn đặt ở giữa bàn về phía mình và gảy tàn thuốc lá vào đấy.
– Trong những điều anh nói có một vài điều không đúng. Bác sĩ trưởng quả nhiên có xu hướng muốn tăn thu nhập, nhưng ông ta không phải là thủ phạm trong sự tồn tại của một cơ chế như thế này.
– Tại sao thế… Chẳng phải chính ông ta ra lệnh biến đại bộ phận các phòng bệnh nhân thành phòng thượng hạng đó sao…!
– Chính ông ta. Nhưng nếu chỉ một mình ông ta muốn thế thôi thì chưa đủ để gây nên cái tình trạng làm cho anh khó chịu.
– Nghĩa là thế nào…
– Sự cung ứng là do nhu cầu tiêu thụ sản sinh ra: Cái cung sinh ra từ cái cầu. Trong xã hội có một nhu cầu nằm phòng thượng hạng. Có những con người sẵn sàng trả mười lăm ngàn yên một ngày, không chút đắn đó, để có được một căn phòng tốt hơn những người khác.
Kôbasi không còn biết trả lời sao nữa.
– Khi các giáo sư làm ở bệnh viện của các trường đại học cầm lấy những món tiền mà bệnh nhân bỏ vào phong bì giúi vào tay họ, thì có lỗi ở đây trước hết chính là các bệnh nhân: Họ vốn sẵn lòng trả bất cứ số tiền nào để được một “ngôi sao sáng của nền y học” chữa cho. Thành thử trong trường họp này cả hai bên đều có lỗi.
– Về các giáo sư thì tôi không thể phán đoán gì.
– Sở dĩ như vậy vì hiện nay anh còn là một con số không. Anh lội chỗ nước cạn thì làm sao biết được…
Kôbasi cảm thấy cổ khô lại vì công phẫn.
– Vậy ra cả tiên sinh nữa, hồi còn làm việc ở trường đại học…
– Cả tôi nữa chớ sao, – Naôê vui vẻ thú nhận – Người ta đưa thì tôi lấy.
Răng cắn điếu thuốc lá, ông ta cười phá lên.
– Thế… nếu khi mổ ông không nhận được một số “thù lao” bổ sung thì sao…
– Thì tôi cũng chẳng phiền lòng cho lắm.
Naôê phun khói ra.
– Dù sao cũng bất công quá chừng! Đâu đâu cũng tiền, chỉ có tiền và tiền. Chỉ có tiền mới làm cho người ta có được một bác sĩ giỏi chữa cho, mới có được một phòng hạng nhất mà nằm, mới được điều trị theo phương pháp tối ưu.
– Khổ thế đấy, – Naôê cười.
– Tôi nói thế không đúng hay sao… Người nghèo hay người giàu thì tính mạng cũng có giá trị như nhau. Chẳng lẽ có thể chữa bệnh theo hai cách khách nhau chỉ vì một đằng có tiềng, một đằng không có… Cứ như là ở một thời trong thế kỷ nào đó, Mêiđzi hay là Êđô gì đấy. Thậm chí còn tệ hơn.
– Anh nói hơi quá rồi đấy… Chẳng việc gì, phải đi sâu vào lịch sử như vậy. Ngay đến gần đây, chẳng hạn như vào đầu thời kỳ Syôwa, người nghèo cũng không thể kén chọn thầy thuốc giỏi hay thầy thuốc tồi. Hắn không hề có thầy thuốc nào chữa cho hết. Nếu thầy thuốc đến với hắn một lần thôi trong cả đời hắn – tức khi hắn hấp hối – thì cũng đã tốt lắm rồi. Bây giờ thì khác.
Kôbasi im lặng, vẻ mặt chán chường.
– Anh thấy không, đối với anh vấn đề không phải chỉ ở chỗ người ta có chữa hay không chữa người bệnh. Anh bận tâm đến một cái gì khác kia: Thầy thuốc giỏi hay kém, phòng nằm tốt hay xấu. Anh muốn rằng xung quanh bệnh nhân phải có sự tiện nghi. Nghĩa là anh lo lắng đến phẩm chất của việc phục vụ y tế.
– Đúng.
– Quả tình ở ta hãy còn vùng nông thôn chưa tổ chức được mạng lưới y tế, nhưng nếu loại những trường hợp cá biệt thì nói chung ở nước Nhật Bản ngày nay bất kỳ ai cũng có thể tìm được một bác sĩ.
– Nhưng loại bác sĩ nào…
– Đặt vấn đề như vậy hoàn toàn đúng. Dĩ nhiên được một bác sĩ có kinh nghiệm hay một anh chàng non choẹt mới tốt nghiệp đại học ra chữa cho tuyệt nhiên không giống nhau chút nào. Nhưng chế độ bảo hiểm không xét tới những sự sai biệt tinh vi như vậy.
– Tức là ngay cả việc điều trị trong hai trường hợp này cũng sẽ khác nhau…
– Lẽ tự nhiên.
Naôê ngồi, sườn quay ra phía cửa sổ, và ánh sáng bên ngoài xuyên qua tấm cửa kính chỉ soi sáng cửa bên phải mặt ông.
– Người ta chỉ bảo đảm được cái tối thiểu thiết yếu nhất. Tất cả phần còn lại lệ thuộc vào người bệnh. Người nào có tiền thì nằm phòng thượng hạng và được một giáo sư điều trị cho, còn những ai không có tiền thì đành phải nằm phòng chung và được một bác sĩ kiểu như anh điều trị cho.
Kôbasi bứt rứt vặn người trên chiếc ghế.
– Áo quần, thức ăn, nhà cửa đều phải có tiền mới mong có chất lượng tốt, và ở đây chẳng ai thay đổi gì được. Xã hội của ta là xã hội tư bản.
– Nhưng tôi cho rằng khi vấn đề đặt ra là tính mạng và sức khỏe của con người, thì điều kiện phải như nhau đối với mọi người, ở đây mọi người phải được bình đẳng.
– Bình đẳng ư…… – Naôê bĩu môi khinh bỉ. – Anh đề nghị đáng ngang bằng những người từ thời trẻ đã lao động cật lực với những người suốt ngày say rượu và ăn không ngồi rồi hay sao…
– Con người vẫn là con người!
– Dĩ nhiên. Về phương diện giải phẫu mọi người đều như nhau, – Naôê cười.
– Sao…
– Lục phủ ngũ tạng của ai cũng thế cả.
– Tôi không muốn nói đến chuyện đó. Tôi muốn nói rằng tính mạng của bất kỳ người nào cũng đều quý! – Kôbasi cãi lại.
– Thế… thôi được. Ví dụ trong bệnh viện có mười bệnh nhân cần mổ. Mà bác sĩ thì chỉ có hai người, anh và tôi. Bây giờ nếu cả mười bệnh nhân đều muốn tôi mổ cho, thì làm thế nào…
– Phải chọn những bệnh nhân nặng nhất cho mổ trước.
– Ví dụ họ đều nặng như nhau.
– Nếu thế thì…
– Thì sao nào…
Kôbasi buồn rầu không đáp.
– Sẽ phải bắt đầu bằng bệnh nhân trả nhiều tiền hơn chứ sao!
– Nhưng…
– Còn những bệnh nhân không có tiền thì dù họ có phản đối bao nhiêu, họ cũng phải chịu để cho một anh thầy thuốc học hành chưa đến nơi đến chốn như anh mổ.
Bị hạ nhục, Kôbasi mặt nóng bừng bừng. Nhưng trong trí anh không tìm ra được lý lẽ nào có thể bác lại Naôê.
– Nhưng mà thôi. Câu chuyện giữa chúng ta nãy giờ đã trở thành kỳ quặc. – Naôê đứng bật dậy. Đồng hồ trên tường chỉ mười giờ. – Nếu ông bầu của Hanađzyô có hỏi gì anh, anh cứ nói là anh không biết chút gì hết.
– Vì tôi là nguyên nhân đầu tiên của tất cả những chuyện phiền phức này, tôi sẽ gặp phóng viên tuần báo “Syukan lady” và chính thức cải chính chuyện kia, – Kôbasi trả lời với một giọng cố làm ra khô khan.
– Không được đâu. – Naôê so đồng hồ tay của ông với đồng hồ treo tường. – Chính là bọn họ đang mong như thế đấy. Một cái bẫy thông thường.
– Nhưng nếu cứ để nguyên như vậy thì trách nhiệm sẽ trút hết lên tôi.
– Người ta chỉ yêu cầu anh một điều: im lặng.
– Không, tôi…
– Đã trót nói hở ra rồi thì bây giờ còn nói chuyện trách nhiệm làm gì… Đừng đóng vai ông thánh tuẫn đạo.
– Nhưng…
– Bệnh nhân đang chờ dưới phòng khám kia kìa, – Naôê cắt ngang, giọng gần như dàn hòa, và đi ra cửa.
Hôm sau, khi Naôê đã mổ xong một bệnh nhân toét dạ dày và trở về phòng y tá, ông bầu của Đzyunkô đến xin gặp ông. Lúc bấy giờ là vào khoảng năm giờ, các nữ y tá làm việc ban ngày đang giao ban cho các nữ y tá trực đêm. Để khỏi làm phiền các cô, Naôê mời ông bầu ngồi ở chiếc đi – văng đặt ở góc trong cùng.
– Vì cái bài báo đăng trong “Syukan lady”, suốt ngày hôm nay tôi đứng ngồi không yên. – Cái mặt béo phị của ông bầu để lộ một sự bất bình cực độ. – Trên tờ báo ấy có viết rành rành là phóng viên của báo có nói chuyện riêng với bác sĩ Kôbasi và Kôbasi cứ một mực “Tôi không biết gì cả “, ngoài ra không moi thêm được một chữ nào.
– Tôi cũng nghĩ rằng ông ta không thể nói gì với các phóng viên hết.
Ông bầu nhìn Naôê một cách ngờ vực.
– Phải tin các thầy thuốc.
– Sao… Hóa ra gã phóng viên kia bịa đặt hết…
– Có thể là mấy cô y tá hay hộ lý nào đó đã vì nhẹ dạ mà nói bậy cái gì đấy. Chúng tôi sẽ cho kiểm chứng lại, và nếu quả như vậy thì chúng tôi sẽ thi hành những biện pháp thật nghiêm khắc.
– Muộn rồi. Tin này đã thấu đến giới báo chí.
– Hiện nay mới chỉ có một tờ báo duy nhất.
– Chỉ cần một tờ khởi xướng la tất cả những tỡ khác đều sẽ họa theo. Họ sẽ tới tấp gọi điện đến làm khổ tôi.
– Chúng tôi sẽ cảnh cáo một lần nữa tất cả những nhân viên của bệnh viện để đừng bao giờ một việc như thế xảy ra lần nữa.
– Trước đây tôi hoàn toàn tin rằng ở bệnh viện các ngài người ta biết giữ bí mật. Vì ở đây có bao nhiêu nhân vật có tên tuổi nằm điều trị…
– Ông muốn nói rằng bây giờ ông không tin tôi nữa…
– Không, riêng về phần ông thì tôi…
Bối rối trước giọng nói gay gắt của Naôê, ông bầu im bặt, vẻ ăn năn.
– Với tư cách là bác sĩ phụ trách, tôi xin tuyên bố với ông rằng việc đó không thể xảy ra được. Và ta sẽ coi như vấn đề nay được xếp lại.
– Vâng, vâng.
– Còn hễ có ai gọi điện thì ông đừng trả lời. Ông tuyệt đối đừng bao giờ cầm ống máy lên.
– Chúng tôi sẽ làm đúng như thế, nhưng những người hâm mộ cứ xông thẳng và phòng bệnh nhân.
– Nếu có gì xin ông liên hệ với tôi. Tôi sẽ thân hành nói chuyện với họ. Và không việc gì phải lo lắng. Mọi người đều biết rằng tờ “Syukan lady” thích thu thập những tin đồn nhảm. Sẽ không có ai tin câu chuyện họ tung ra đâu. Người ta sẽ kết luận rằng đây là một trong những tin vịt mà báo này vẫn thường tung ra, thế thôi.
– Nếu được thế thì tốt quá, – ông bầu thở dài buồn bã.
– Ông đừng quan trọng hóa việc này.
Ông bầu gật gật tỏ ý tán thành, nhưng trong đôi mắt ti hí của ông vẫn còn che giấu nỗi lo âu.
– À vừa rồi tôi có khám Hanađzyô – san, và tôi thấy cần phải nói với ông rằng tôi hết sức lo ngại về những chỗ giãn tĩnh mạch của cô.
– Vâng, hôm qua Đzyunkô có nói với tôi. Có nghiêm trọng đến thế không ạ…
– Chỉ có thể ái ngại cho cô ấy mà thôi.
– Thành thực mà nói, cái đó đã làm cho chúng tôi lo lắng từ lâu.
– Vậy thì tại sao không tìm đến các bác sĩ…
– Chúng tôi… – cũng như mọi khi mỗi lần bị dồn vào chân tường, ông bầu lại xoa xoa đôi bàn tay đặt trên đùi.
– Nếu không chăm sóc cẩn thận đến cái chứng này, Hanađzyô – san có thể bị nặng hơn.
Bằng một cách nào đó không thể nào hiểu được, ông bầu một phút trước đây hãy còn buộc tội Naôê mà bây giờ đã lâm vào tình thế của người bị cáo.
– Chúng tôi đã nói chuyện với ông chủ tịch công ty truyền hình là nên tìm cách nào bố trí một thời gian để cho Đzyunkô chữ bệnh.
– Vậy bây giờ việc đó đã đến đâu rồi…
– Bác sĩ có nói với cô ấy là chỉ có mổ mới khỏi được phải không…
– Vâng.
– Vậy cần bao nhiêu thời giờ…
– Điều trị cơ bản có lẽ sẽ phải hết một tháng.
– Lâu thế ạ… Nằm bệnh viện lâu như vậy rất nguy hiểm.
– Nguy hiểm ư…
– Chính thế.
Ông bầu toan nói thêm điều gì nữa, nhưng đến đây Nôrikô cầm tờ ghi nhiệt độ bước tới.
– Uênô ở phòng 312 lại sốt.
– Đo nhiệt độ chưa…
– Ông ấy run quá không sao đặt nhiệt kế được.
– Bác sĩ Kôbasi ở phòng điều hành ấy, sang hỏi ông ấy đi.
Nôrikô lấy danh sách điện thoại nội bộ đi ra máy.
– Bác sĩ ạ, lòng hâm mộ đối với nữ ca sĩ là một cái gì rất mong manh. Chỉ cần sơ hở một chút là hỏng hết.
– À ra ông muốn nói cái chuyệy ấy…
– Nếu một ca sĩ không lên sân khấu trong hơn một tháng, không xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, thì cô ta có nguy cơ bị quên lãng.
– Chỉ một tháng thôi mà đã có thể tiêu ma ư…
– Dĩ nhiên cũng không hoàn toàn tiêu ma, nhưng nếu vắng mặt lâu thì điều đó lập tức sẽ có ảnh hưởng đến lòng hâm mộ của công chúng.
– Ngay đối với một ca sĩ như Hanađzyô – san cũng vậy ư…
– Đối với Hanađzyô thì tôi nghĩ là hiện nay chưa có gì đáng sợ. Bây giờ cô ấy đang ở tột đỉnh của danh vọng, nhưng…
– Thế ra cô ấy sẽ không bao giờ có thể có được thì giờ để lo cho sức khỏe của bản thân…
– Biết làm thế nào được… – Ông bầu như gù lưng xuống. – Nói chung người ta cho rằng thời hạn công chúng ham thích một tiết mục chỉ kéo dài được tối đa là ba tháng. Không có một bài “hit” nào giữ được vị trí thời thượng lâu hơn. Mà kể từ khi Đzyunkô hát bài “Mùa bướm” cho đến nay đã hơn hai tháng rồi.
– Và bây giờ cô ấy cần gấp một bài hát mới phải không…
– Vâng. – Ông bầu rầu rĩ thở dài.
– Nhưng không thể tiếp tục như thế này mãi được đâu. Ông thử nhìn mà xem cô ấy xanh xao như thế nào. Và rất có thể tình trạng xuất huyết của cô ấy là do thiếu máu mà ra.
– Sao, mãi cho đến bây giờ ư…
– Vâng. Không sao chấm dứt được.
– Gay quá nhỉ…
Ông bầu bứt rứt rung rung cái đùi béo phì.
– Thế không có cách điều trị nào đơn giản hơn một chút sao…
– Có thể chỉ cắt bỏ những hạch giãn tĩnh mạch, nhưng làm như thế chưa giải quyết được vấn đề.
– Nhưng có đỡ không…
– Có, nhưng không được lâu.
– Cần bao nhiêu thời gian…
– Tôi nghĩ độ hai tuần là đủ.
Ông bầu ngước mắt lên nhìn trần.
– Thế thì có lẽ nên chữa tận gốc cho dứt điểm hẳn một lúc đi nhỉ…
– Có lẽ thế…
– Nếu là phẫu thuật ngay từ bây giờ, thì… thì.. cô ấy sẽ nằm viện cả thảy là ba tuần phải không ạ…
– Hoàn toàn đúng.
– Ba tuần… Thế thì sẽ không còn ai tin vào cái bài báo đăng trên tờ “Syukan lady”!
Vừa lúc ấy Kôbasi bước nhanh vào phòng. Ông đưa mắt nhìn qua hai người, cầm lấy cái ống tăng âm rồi lập tức đi ra. Nôrikô vội vàng ra theo.
– Tôi sẽ lập tức đem tất cả câu chuyện này bàn với ông chủ của chúng tôi và với Hanađzyô.
– Dĩ nhiên tiếnh hành một cuộc điều trị cơ bản thì tốt hơn. Còn nếu không có cách gì làm được như vậy thì đành bằng lòng với một phẫu thuật tối giản. Dù sao cũng còn hơn không làm gì.
– Khoan đã. Thế bây giờ ta sẽ nghĩ ra cách nào để giải thích đây… Bệnh gì… Vì chỉ cần nhắc đến cái danh từ “bệnh trĩ” cũng có thể phá tan tành ánh hào quang huyền thoại về nàng Hanađzyô kiều diễm.
– Chà, bệnh nhân gì mà chỉ toàn gây ra những chuyện rắc rối!
– Xin bác sĩ lượng thứ – Ông bầu nhẫn nhục cúi đầu.
– Chúng ta sẽ không thay đổi chút gì trong cách thuyết minh chính thức của chúng ta.
– Nghĩa là…
– Cắt bỏ ruột thừa. Nhưng vì đã bỏ lỡ thời gian, nên phúc mạc bắt đầu phát viêm, và quá trình thành sẹo diễn ra chậm. Tôi nghĩ rằng cách giải thích đó sẽ làm cho mọi người hài lòng.
– Dù sao tôi vẫn phải bàn với ông chủ, và cả với chính Đzyunkô nữa.
– Vâng, ông cứ bàn. Nhưng phải nhanh lên. Chúng tôi cũng có kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi phải biết trước.
– Dĩ nhiên.
Ông bâu đứng dậy, cảm tạ Naôê, rồi ra khỏi phòng.
Màn đêm đã bắt đầu phủ lên bầu trời thu. Naôê đứng cạnh cửa sổ nhìn theo những đám mây màu đỏ đục đang trôi trên nền trời. Bóng ông nổi bật thành một khối đen trên nền khung cửa sổ, toát ra một nỗi mệt nhọc khủng khiếp.
Mãi hồi lâu, khi ông ngoảnh lại nhìn vào phía trong, trong phòng y ta còn Akikô Takaghi. Các nữ y tá khác đã về từ lâu.
– Hôm nay cô trực à…
– Vâng ạ.
Hai bàn tay Akikô đang sắp xếp các thứ giấy tờ ngưng lại trong chốc lát. Cô đưa mắt nhìn Naôê như chờ đợi điều gì, hoặc như có điều gì chưa dám nói ra.
– Tôi muốn…
– Cái gì…
– Tôi muốn xin lỗi bác sĩ về tất cả những chuyện phiền hà…
– Lại những chuyện phiền hà gì nữa…
– Dĩ nhiên là bác sĩ Kôbasi đã sơ xuất để xảy ra một việc kinh khủng…
– Nhưng cô có dính líu gì vào đấy đâu…
– Tối hôm ấy chính tôi nghe điện thoại trước. Lẽ ra từ đầu tôi phải hỏi cho ra người gọi điện là ai. Nếu thế thì đã không có việc gì xảy ra, – Akikô nói một hơi. – Thành thử không phải chỉ có bác sĩ Kôbasi có lỗi trong việc này.
– Tôi hiểu…
– Bác sĩ Kôbasi thì xưa nay cái gì cũng hơi quan trọng hóa.
– Không sao đâu, thôi cô đừng xúc động như thế.
– Vậy tôi có thể hỏi bác sĩ một điều không…
– Cô hỏi đi.
– Tôi muốn hỏi về Tôđa.
– Tôđa ư…… – Naôê băn khoăn nhắc lại.
– Vâng. Cái gã du đãng bị đập chai vào đầu ấy. Chính bác sĩ đã khâu cho hắn.
– À… Thế thì sao…
– Hôm trước bác sĩ muốn cho hắn xuất viện vì hắn không trả tiền, nhưng bác sĩ Kôbasi thì nói hắn chưa xuất viện được và đúng ra đảm đương mọi khoản chi phí…
– Sao, anh ta trả viện phí cho hắn thật à…
– Anh ấy cho hắn vay tạm ba mươi ngàn trong khi chờ đợi bố mẹ hắn gửi tiền đến. Nhưng khó lòng có thể tin được rằng rồi đây món tiền ấy sẽ được hoàn trả.
Naôê lặng thinh chờ Akikô nói tiếp.
– Đến bây giờ món tiền ba mươi nghìn đã hết và bác sĩ Kobasi lại định cho hắn vay thêm.
– Bây giờ Tôda hoàn toàn có thể ra viện.
– Hắn khẳng định rằng ngay cả điều trị ngoại thú hắn cũng không biết lấy gì mà trả.
– Kôbasi định trả cả khoản này nữa à…
– Anh ấy nói: “Phải trả, vì không còn cách nào khác… “
– Mời các vị ra ăn tối! – Giọng bà cấp dưỡng vang lên ngoài hành lang.
– Đây là việc của Vụ phúc lợi hay của Hội đồng kiểm soát phúc lợi xã hội, chứ tuyệt nhiên không phải là việc của các bác sĩ.
– Tôi cũng nói với anh ấy như vậy, nhưng anh ấy không chịu nghe.
– Thế cô muốn gì ở tôi…
– Có lẽ tiên sinh có thể nói với bác sĩ Kôbasi để anh ấy đừng làm vậy.
Ngoài hành lang các bệnh nhân đang kéo nhau đi ăn bữa tối.
– Vô ích. Anh ấy cũng chẳng nghe tôi đâu.
– Sao tiên sinh nói thế… Anh ấy rất kính nể tiên sinh.
– Chỉ có thể làm những gì có thể làm được.
– Tiên sinh…
Naôê quay phắt đi và ra khỏi phòng.
Quay về với phòng điều hành, Naôê chưa kịp ngồi xuống đi – văng và châm thuốc hút thì đã thấy Kôbasi vội vã bước vào.
– Bệnh nhân Uênô ra sao rồi…
– Sau cơn rét bây giờ lại bắt đầu sốt nóng. Nhiệt độ hiện nay là ba mươi tám độ hai.
– Rõ.
– Ông già xanh lắm, nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy da phơn phớt vàng. Những kết quả xét nghiệm chức năng gan cho thấy lượng bilirubin tăng.
– Còn kết quả phân tích máu…
– Huyết cầu tố tám mươi: không phải là thấp lắm nhưng hồng cầu thì thấp hơn chuẩn khá rõ. Tình trạng thiếu máu rõ ràng.
– Những cái này tôi đã đọc trong bệnh án rồi. Công thức máu ra sao…
– Hiện nay chưa nhận được trả lời dứt khoát. Nhưng hồng cầu hơi bị biến dạng. Chúng tôi đã gửi máu của bệnh nhân tơi phòng thí nghiệm trung ương của trường đại học, ở đấy họ sẽ phân tích chính xác.
– Có còn gì nữa không…
– Bắt đầu có tình trạng viêm miệng.
– Thế…
– Bà vợ có nói rằng trước kia ông ta đã mấy lần ngất xỉu. Có hai lần ngất vì chóng mặt và vì nhức đầu dữ dội.
Naôê gác hai chân lên ghế, gật đầu có ý thỏa mãn.
– Anh dự đoán thế nào…
– Tôi nghĩ… – Kôbasi nhìn ra cửa sổ – Nếu căn cứ vào màu da phơn phớt vàng, có thể nghĩ đến bệnh viêm gan.
– Thế anh giải thích tình trạng thiếu máu bằng cách nào…
– Vâng… Quả thật có số hồng cầu giảm quá nhiều, thành thử khó lòng có thể đổ hết cho bệnh hoàng đản, cho nên…
Kôbasi không nói tiếp được. Anh rất muốn hỏi ý kiến Naôê, nhưng sau cuộc xung đột vừa qua anh thấy bất tiện thế nào ấy.
– Cần xác định công thức máu chính xác hơn nữa.
Naôê vê vê điếu thuốc lá trong mấy ngón tay.
– Tôi nghĩ rằng đây là bệnh thiếu máu ác tính.
– Sao ạ…
– Aplastische Anemie (Bệnh thiếu máu không tái tạo) – Naôê nói bằng tiếng Đức.
– Aplastische Anemie… – Kôbasi ngẩng lên nói theo. – Thế thì sao ạ…
– Trên nguyên tắc bệnh này không thể chữa được.
– Nhưng…
– Dĩ nhiên phải kiểm tra thật cẩn thận một lần nữa rồi sau đó mới có thể nói chắc được.
Kôbasi cố nhớ lại tất cả những điều đã được nghe trong các buổi giảng ở trường đại học, tất cả những điều anh đã từng nhẩm đi nhẩm lại trước những cuộc sát hạch và những kỳ thi quốc gia về các chứng thiếu máu ác tính. Đúng thật, ở đây có đủ các triệu chứng chủ yếu: Viêm miệng, thiếu máu và biến dạng hồng cầu…
– Nếu là thiếu máu thì sẽ điều trị ra sao…
– Người ta thường khuyên nên cho bệnh nhân ăn gan sống, nhưng tôi cho rằng cách đó chẳng có được bao nhiêu kết quả. Phương pháp công hiệu nhất là truyền máu.
– Truyền máu ạ…
– Vâng. Mỗi ngày bốn trăm phân khối.
– Thế ạ, – Kôbasi nói, giọng thấp hẳn xuống. Kiếm được bốn trăm phân khối máu một ngày chẳng phải đơn giản, đấy là chưa nói đến giá tiền… Tất cả những điều này chẳng lạc quan một chút nào. – Không có phương pháp nào khác ạ…
– Không.
– Nhưng ông ta chỉ sống bằng tiền trợ cấp.
– Không sao.
– Mà thời gian điều trị sẽ kéo dài phải không ạ…
– Đương nhiên.
– Thành thật mà nói, hôm trước tôi đã bị bác sĩ trưởng trách mắng vì đã nhận một bệnh nhân không có đủ tiền trả số chênh lệnh về hạng phòng…
– Và anh đã trả lời ông ta thế nào…
– Tôi đã trả lời rằng tôi nhận thức được tất cả.
– Thế thì tốt.
– Nhưng…
– Ông ấy đã nghe thấy, như thế là được rồi.
Naôê với tay lấy tờ báo ra buổi chiều đặt trên bàn và lại gác hai chân lên ghế.
List truyện Đèn Không Hắt Bóng:
Leave a Comment