Đèn không hắt bóng
Dzunichi Watanabe
Chương 21
Mùng bảy tháng giêng ngày thứ hai. Sau một tuần nghỉ Tết, Nôrikô lại đến bệnh viện làm việc.
Những ngày hội hè đã kết thúc. Hôm nay mọi người đều tề tựu ở bệnh viện. Ông bác sĩ trưởng mời các nhân viên vào phòng làm việc và đọc một bài diễn văn. Ông chúc mừng năm mới rồi kêu gọi mọi người làm việc chăm chỉ hơn nữa. Để kết luân, ông tỏ ý mong muốn rằng mọi người sẽ có thái đô “quan tâm thường xuyên” đối với nhau.
Nôrikô nghe ông ta nói một cách lơ đãng. Chỉ có lúc ông ta nói đến sự quan tâm cô mới bất giác giật mình: có phải ông ta nghĩ đến Naôê không…
Từ ngày thứ hai bắt đầu những công việc bình thường, nhưng Naôê vẫn chưa thấy đến.
Sau một thời gian gián đoạn dài, công việc rất nhiều; từ ságn sớm trong phòng tiếp bệnh nhân ngoại trú đã đông nghịt.
Bà Sêkiguichi ghé mắt vào phòng các nữ y tá.
– Có ai biết bác sĩ Naôê hiện nay ở đâu không…
Bà ta hỏi mọi người, nhưng Nôrikô có cảm giác là bà ta hỏi chính mình.
– Bao nhiêu là bệnh nhân đang chờ, mà bác sĩ Kôbasi thì không thể ra khỏi các phòng nằm lấy một giây… Tôi cũng chẳng biết làm thế nào bây giờ, – bà Sêkiguchi càu nhàu.
Quả nhiên bác sĩ Kôbasi luôn luôn phải túc trực bên cạnh ông già Kôkichi Uênô. Anh mới ghé vào phòng họp một chút thì đã có một cô y tá chạy đến gọi anh về phòng bệnh nhân.
Kể từ mồng ba tháng giêng, Kôbasi, theo đúng lời khuyên của Naôê, đã chấm dứt việc truyền máu. Ngay tối hôm ấy Uênô bắt đầu sốt; trong hai ngày kế theo nhiệt độ tăng vọt lên, và đến ngày mùng sáu thì ngay từ sáng đã lên quá ba mươi tám độ. Da bệnh nhân lại vàng ra.
Đến chiều bệnh nhân bắt đầu sốt thực sự. Mặt ông đỏ bừng và ông thở một cách khó nhọc. Cái chết có thể đến bất cứ phút nào, như Naôê đã nói trước, trong ngày thứ năm sau khi thôi truyền máu.
“Có lẽ phải gọi điện đến nhà Naôê chăng… ” – Nôrikô nghĩ. Cô có cảm giác là mọi người đều chờ đợi cô làm như vậy.
Naôê có nói rằng anh sẽ ở lại Sappôrô chừng hai ngày là cùng. Đến mồng bảy hay mồng tám anh sẽ trở lại đi làm. Hay là anh đã quyết định ở với mẹ thêm số ngày mà Nôrikô đã lấy mất của anh… bây giờ Nôrikô cứ tự trách mình là ích kỷ.
Bà Sêkiguchi lại dòm vào phòng y tá.
– Hình như bác sĩ Naôê về Hôkkaiđô nghĩ Tết có phải không… – Bây giờ bà ta hỏi thẳng Nôrikô.
– Vâng, tôi cũng có nghe như vậy…
– Tôi đã gọi điện đến nhà ông. Bà gác cổng nói rằng ông ấy chưa về.
– Có lẽ ông ấy có việc gì giữ lại ở Sappôrô…
– Nhưng ông ấy thừa biết là phải có mặt hôm nay!
Bản thân Nôrikô cũng đã mấy lần gọi điện cho Naôê, nhưng không có kết qua… Thành thử những lời bà y tá trưởng nói không hề làm cho cô ngạc nhiên chút nào, nhưng không hiểu tại sao nghe bà nói, cô vẫn thấy lo sợ.
– Có lẽ ông ấy định đi chuyến máy bay buổi sáng chắng… Rồi từ phi trường về thẳng đây… – Bà Sêkiguchi phỏng đoán.
– Phải, phải dĩ nhiên là như thế, – Nôrikô lúng búng. – Dù sao, nếu định về chậm ôgn ấy cũng phải báo trước.
– Mong sao ông ấy về cho sớm…
Từ phòng ngoại trú cứ năm phút lại có điện gọi lên hỏi xem Naôê đã đến chưa. Kôbasi không thể tiếp bệnh nhân được, vì buổi đi thăm bệnh nhân chưa kết thúc, mà cũng khôgn thể rời cụ Uênô lâu được.
Ngoài của có tiếng gót giầy lóc cóc, và Kawai chạy vào phòng.
– Bệnh nhân Uênô ra sao rồi… – Sêkiguchi hỏi.
– Lại sốt, – Kawai vừ trả lời vừa chạy vào, hối hả lấy cái gối oxy rồi chạy ra ngay.
– Lạ thật. Rất lạ… – Sêkiguchi băn khoăn nhắc đi nhắc lại và xem đồng hồ không biết đến lần thứ mấy.
Cảm nhận được ý trách móc, Nôrikô cúi đầu rửa mấy cái ống tiêm.
Mãi đến mười một giờ Kôbasi mới xuống phòng khám ngoại trú. Một số bệnh nhân đợi mãi không thấy bác sĩ đến đã ra về, nhưng vẫn còn khoảng ba mươi người kiên nhẫn ngồi lại ở phòng khám.
Kôbasi im lặng làm việc. Anh thấy giận Naôê kinh khủng, nhưng không nói ra, vì cho rằng làm như vậy là quá thấp hèn đối với phẩm giá của anh: nỗi công phẫn của anh chỉ được thể hiện bằng sự im lặng.
Nôrikô trực bên giường Uênô. Chỉ có một lần cô vắng mặt một phút để gọi điện cho Naôê, nhưng chỉ nghe những tiếng tuýt tuýt kéo dài.
“Chẳng lẽ lại tiêm ma túy rồi ngủ say quá không nghe chuông điện thoại hay sao… ” Nỗi lo sợ lại tràn vào lòng cô. Nhưng anh ấy đã hứa là không dùng nữa. Cái đêm bên hồ bây giờ như một giấc mơ thần kỳ, và Naôê không thể nào tin được rằng tất cả những cảnh ấy đã diễn ra thật…
Hình như bác sĩ trưởng cũng đã được báo rằng Naôê không đến làm việc; ông bước vào phòng y tá, gắt: “Chả còn biết làm ăn thế nào với cái ông này! ” – và ghé tai bà y tá trưởng nói thì thầm cái gì không rõ. Bà này ngơ ngác nhìn ông rồi đến tủ đựng phiếu bắt đàu giở xem tất cả các bệnh án bắt đầu từ chữ A.
Kôkichi Uênô mỗi lúc một nặng. Buổi sáng ông già lên cơn run, rồi sau đó lại đỡ, nhưng đến chiều ông lại bắt đầu run dữ dội hơn. Ông ta hãy còn tỉnh. Khi gọi tên ông, ông hơi mở mắt, nhưng hình như không nhận mặt được ai.
Kôbasi rất khổ sở vì bị lương tâm cắn rứt: ngay trước ma9’t anh, một con người đang hấp hối, và anh phải chịu trách nhiệm về cái chết này. Kôbasi đặt bình tiếp nước, tiêm thuốc an thần, nói tóm lại, anh làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng lòng anh vẫn nặng trĩu. Từ sáng sớm anh đã chạy khi thì vào phòng bệnh nhân, khi thì vào phòng các nữ y tá.
Đến ba giờ chiều Nôrikô lại xuống phòng khám ngoại trú quay số điện thọai. Một tiếng tuýt dài. Lại một tiếng nữa. “Bây giờ anh ấy sẽ cầm ống máy lên đây”. Nhưng không, vẫn những tiếng tuýt, chỉ có những tiếng tuýt mà thôi. Hình như anh ấy vẫn chưa về…
Nôrikô đang bước chậm chậm trên cầu thang thì bỗng thấy buồn nôn. Cô áp hai bàn tay lên ngực, thở vào mấy lần thật sau, nhưng dạ dày vẫn co thắt một cách đau đớn. Cô lấy bàn tay bịt chặt miệng rồi chạy vào toa – lét. Nôrikô no6n hầu như trên ngưỡng của toa – lét: có cảm giác như cơ thể bị lộn trái ra. Nôrikô đợi cho đến khi hết những cơn co thắt; ngực cô như bị ép giữ một đôi gọng kìm.
Cuối cùng cô bắt đầu thấy đỡ. Rửa mặt xong, Nôrikô từ từ ngước mắt lên tấm gương. Ở hai khóe mắt cô những giọt lệ đọng lại.
Nôrikô ngẫm nghĩ. Xưa nay cô chưa bao giờ đau dạ dày, những thức ăn hôm nay đều tươi, cơn buồn nôn ập đến cũng một cách đột ngột như khi nó mất đi, – những hiện tượng như vậy ở cô chưa bao giờ thấy có.
“Mình ốm nghén rồi”, – Nôrikô kết luận. Cô thấy người bải hoải. Nhìn thấy gương mặt phờ phạc của mình trong gương, cô nhớ đến Naôê.
Trong phòng y tá Kôbasi đang nói chuyện với bà y tá trưởng.
– Ông ấy sẽ chết tối nay hoặc đêm nay.
– Ai sẽ trực đêm nay… – Bà y tá trưởng đến cạnh bản trực treo trên tường. – À, Simura và Kawai.
– Em lúc nào cũng xui! – Kawai phụng phịu.
– Thế sao, Naôê tiên sinh vẫn chưa đến ạ… – Kôbasi ngạc nhiên.
– Cách đây một giờ tôi có gọi điện. Không có nhà.
– Tiên sinh trọ tại khách sạn nào ở Sappôrô… Hình như ở khách sạn G…. – Giá có thể nói chuyện điện thọai một chút nếu tiên sinh còn ở đấy…
– Bác sĩ cần nói chuyện với tiên sinh…
– Rất cần. Tôi muốn hỏi ý kiến tiên sinh về ông Uênô. Có lẽ nên cho ôgn ta uống prednin chăng…
– Ta thử gọi điện nữa đi. – Sêkiguchi đề nghị…
Tim Nôrikô nhó lên: “Khách sạn G. “… Năm ngày trước đây cô còn ở đấy với Naôê. Còn đứng bên cửa sổ nhìn ra thành phố phủ tuyết. Naôê ôm lấy cô… Mới năm ngày mà tưởng chừng như đã lâu lắm rồi.
Sappôrô trả lời ngay. Đó cũng là chuyện bình thường, nhưng không hiểu sao Nôrikô hết sức kinh ngạc.
– Allô, allô… – Bà y tá trưởng hét vào máy – Sappôrô phải không… Khách sạn G. phải không…
Tay vẫn không ngừng quấn tăm bông, Nôrikô cố hết sức lắng tai nghe.
– Na – ô – ê… vâng – vâng… đúng rồi.. ông Naôê Kyôsukê ở Tôkyô…
Bà y tá trưởng nhìn ra Kôbasi lúc bấy giờ đang đứng ở cửa.
“Nếu anh ấy còn ở khách sạn, lát nữa mình cũng sẽ kín đám gọi điện cho anh”, Nôrikô nghĩ thầm.
– Thế ạ… Rõ… – Bà y tá trưởng nói trong ống máy.
Nôrikô nín thở.
– Vâng – vâng, tôi hiểu rồi, cám ơn nhiều lắm.
Đặt ống máy xuống, Sêkiguichi quay về phía Kôbasi:
– Cách đây ba ngày ông ấy đã rời khách sạn.
– Đi đâu…
– Ông ấy nói rằng gia đình ông có nhà ở thành phố. Có lẽ ông đã về ở với gia đình.
– Không biết được số điện thọai của gia đình ông ấy à…
– M – m – m… không rõ tên người chủ nhà. Tôi sẽ thử hỏi, nhưng…
– Có thể là ông ấy cũng không còn ở nhà gia đình nữa.
– Vâng – vâng, ông ấy sẽ bay giờ đây ngày mai…
– Thôi được, không cần. Tôi sẽ tự lo liệu.
– May ra ngày mai ông ấy sẽ đến làm việc, – bà y tá trưởng nói.
– Mai thì chậm mất rồi… – giẫu môi ra phía trước, Kôbasi đứng lại một lát rồi ra khỏi phòng.
Đến năm giờ chiều Uênô bất tỉnh. Có thể thấy rõ rằng ông ta sắp chết đến nơi, và Kôbasi quyết định đổi phiên cho bác sĩ nội khoa Kawahara để ở lại trực đêm.
Chất Glucôza nhuộm đỏ được truyền vào người Uênô một cách chu đáo, nhưng khôgn dem lại một sự thuyên giảm nào.
Từ hôm qua Kôbasi đã bảo bà vợ Uênô mời những người thân thuộc đến, nhưng bà cụ vẫn ngồi một mình bên giường chồng.
Đến năm giờ kém năm, ông Uênô thở hắt ra lần cuối cùng và nhắm mắt lại. Ông đã vật vã trong cơn mê sảng suốt ba ngày, nhưng lại tắt nghỉ một cách nhẹ nhàng êm ả.
Ba cụ Chiyô không khóc bên xác chồng – hình như buổi nói chuyện với Naôê đã chuẩn bị tinh thần cho bà. Bà chỉ đi đi lại lại, hai tay long ngóng không biết để đâu.
Người ta rửa ráy thi hài, thông báo cho chính quyền biết. Ban đầu người ta định chở xác ông cụ về nhà, nhưng rồi lại quyết định rằng sáng mai bà Chiyô cùng với người công chức ở ban cứu trợ xã hội sẽ đưa thẳng thi hài người quá cố vào lò thiêu.
Kôbasi và các nữ y ta đều quên khuấy cả bữa ăn. Mãi đến khuya, khi mọi việc đều đã xong xuôi họ mới nhắc nhau đi ăn bữa tối.
Bữa ăn có canh đậu phụ, cá rán, dưa chuột dầm giấm. Nôrikô không thấy muốn ăn chút nào, cô chỉ lấy mấy quả dưa chuột và mua thêm mấy quả quít ở cửa hiệu bên cạnh. Cô tự an ủi rằng Kawai hãy còn trẻ con nên sẽ không hiểu cái chứng bệnh của mình. Sau bữa ăn tối, Kôbasi đến chỗ các nữ y tá và ngồi lên đi – văng.
– Đấy, thế là hết, – anh buồn bã thở dài.
Trông anh hốc hác hẳn đi, những nỗi khó nhọc của ngày vừa qua đã để lại những dấu vết rõ rệt.
Thở phào như được trút bỏ gánh nặng sau cái chết của một bệnh nhân là điều phản tự nhiên. Nhưng đối với các bác sĩ và y tá thì đây chỉ là sinh hoạt hàng ngày, là sự vụ, cho nên bây giờ họ tận hưởng sự yên tĩnh vừa đạt được.
– Tôi cứ sợ bà cụ đoán ra được sự dối trá… – Kôbasi nói.
– Khổ thật đấy tiên sinh ạ, hai cái chết liền nhau… Hết cụ Isikura lại đến cụ Uênô.
– Lạy trời, như vậy cũng đủ lắm rồi.
– Tiên sinh, có mặt ở đâu là có tử vong ở đấy. Từ rày em không trực với tiên sinh nữa đâu. – Kawai nói.
– Chính cô mang nó kè kè bên lưng thì có, – Kôbasi đùa, giọng không vui.
Đột nhiên Nôrikô có cảm giác là ngoài cửa có ai đang đứng.
– Ai đấy… – Cô mở cửa ra và trông thấy bà cụ Chiyô.
– Xin phép vào một chút có được không…
– Bà cần gặp bác sĩ ạ…
Bà cụ khẽ gật đầu.
– Bà tìm tôi ạ… – Kôbasi đứng dậy đi ra cửa.
Bà cụ cúi chào, đưa ra một cái gói và một cái hộp.
– Gì thế ạ…
– Vì chúng tôi mà tiên sinh phải chịu bao nhiêu khó nhọc…
– Bà cụ làm gì lạ thế…! – Kôbasi gạt bàn tay cầm tặng phẩm. – Giá chúng tôi có thể cứu được ông nhà…
– Sao lại không cứu… Các vị truyền cho bao nhiêu là máu! Các vị đã hết sức hết lòng…
– Không nên.
– Ông nhà tôi biết ơn các vị quá! Mà vợ chồng tôi lại chẳng có tiền trả… Đội ơn các vị. – Bà cụ cúi mình trước Kôbasi, rồi trước Nôrikô và đặt cái gói với cái hộp lên bàn.
– Kìa bà cụ, đừng làm thế! Bà cụ phải hiểu cho, làm như thế không được! Chẳng có gì mà phải thế… – Kôbasi nói hối hả, chỉ thiếu chút nữa anh đã khóc òa lên.
Để tặng phẩm lại, bà cụ Chiyô lúp xúp bước ra cửa, nhưng đến ngưỡng của bà đứng lại lần nữa:
– Cám ơn các vị.
Trông theo cái bóng dáng bé nhỏ khô cằn của bà cụ cho đến khi khuất hẳn, Kôbasi và Nôrikô cùng nhìn lên bàn.
– Bà cụ đã cố chạy đi mua mấy thứ này về… – Nôrikô thở dài.
Trong gói có mấy quả hồng và mấy quả quít, trong hộp có một chai whisky. Chắc hoa quả là để tặng các cô y tá, con chai rượu là để tặng Kôbasi.
– Rốt cuộc đâm ra dở quá, – Kôbasi nhìn chai rượu nói, mặt sa sầm xuống. – Chúng ta nào có cứu giúp gì được ông già cho cam.
– Món này đối với bà cụ không phải là nhỏ, – Nôrikô nhận xét.
– Nhận quà biếu của bà cụ thật là xấu hổ.
– Bà cụ thiết tha quá, chỉ cố sao làm cho chúng ta vui lòng. Không, không thể khước từ được. – Nôrikô nghĩ rằng nếu có Naôê ở đây, hẳn anh sẽ không từ chối.
Kôbasi châm điếu thuốc lá rồi lẩm bẩm một mình:
– Có lẽ mình làm theo lời Naôê thế mà đúng.
Lúc bấy giờ đã gần chín giờ. Nôrikô chuẩn bị đi tắt đèn ở các phòng. Ngoài cửa sổ bầu trời tối sẫm chi chít những vì sao. Trời đang lại trở lạnh.
Một hồi chuông điện thoại xé tan sự im lặng trong phòng. Nôrikô lúc bấy giờ đứng gần máy nhất. Cô cầm máy lên.
– Allô, Tôkyô phải không… Bệnh viện Oriental phải không… – Bên kia đường dây có tiếng một người đàn bà đứng tuổi.
– Vâng.
– Tôi gọi điện từ Sappôrô. Họ tôi là Naôê…
– Sao…
– Tôi là chị của Kyôsukê Naôê.
– Tôi nghe bà đây… – Tim Nôrikô chỉ chực vỡ tung. – Có việc gì xảy ra thế ạ…
– Hôm qua… Kyôsukê đã từ trần…
– Sao…! – Nôrikô lạnh toát cả người.
– Kyôsukê chết rồi.
– Chết rồi…
Kôbasi và Kawai kinh hãi đứng phắt dậy.
– Ai…
– Kyôsukê đã tự sát.
Nôrikô nghe mà không sao thốt ra được nửa lời.
– Em tôi đã trầm mình ở hồ Sikôtsu…
Nôrikô đánh rơi ống máy điện thọai và áp hai lòng bàn tay lên mặt. Rồi cô từ từ, như trong một đọan phim quay chậm, rơi phịch xuống sàn. Ống máy điện thoại tuột ra khỏi bàn tay và đung đưa từ bên này sang bên kia.
List truyện Đèn Không Hắt Bóng:
Leave a Comment