Dấu hiệu, triệu chứng, hội chứng mang tên riêng thường gặp trong y khoa – Phần 1
Dấu hiệu Aaron
(Aaron Charles Dettie, người Mỹ)
Dấu viêm ruột thừa mạn tính: khi ép vào điểm McBurney gây đau ở thượng vị hoặc trước tim.
Dấu hiệu Abadie
(Abadie Jean A., nhà thần kinh học Pháp)
Dấu hiệu tổn thương tủy sống: bóp mạnh vào gân Achiil không cảm thấy đau.
Dấu hiệu Abadie II
(Abadie Jean Marie Charles, nhà nhãn khoa Pháp) Co thắt cơ nâng mi trên trong nhiễm độc giáp trạng.
Abrahams I
(Abrahams Robert, người Mỹ)
Trong giai đoạn sớm của bệnh lao cấp tính, đôi khi nghe thấy tiếng thở yếu và ran ẩm ở trên xương đòn.
Abrahams II
Dấu hiệu sỏi tiết niệu: ấn gây đau ở điểm giữa của đường nối giữa rốn với xương sườn số 9 phía bên phải.
Dấu hiệu Achelis-Wenckebach
(Wenckebach Karl Frederick 1864-1940, bác sỹ người Hà lan)
Dấu hiệu X quang của viêm dính màng ngoài tim: giảm độ di động của cơ hoành khi hít vào.
Dấu hiệu Adson
(Adson Alfred, nhà ngoại khoa Mỹ)
Biểu hiện của chèn ép bó mạch thần kinh ở khu vực cơ thang: khi bệnh nhân nâng cao cánh tay lên và nghiêng đầu sang cùng bên thì mất mạch quay.
Dấu hiệu Ahlfeld
(Ahlfeld Friedrich 1843-1929, nhà sản khoa người Đức)
Dấu hiệu dấu hiệu bóc tách nhau thai: dây rốn thòi ra hơn 10 cm
Dấu hiệu Akerlund
(Akerlund Ake Olof 1885-1958, bác sỹ X quang người Thụy điển)
Dấu hiệu X quang của loét hành tá tràng: ấn lõm bờ cong lớn của dạ dày dạng ngón tay, có thể là biểu hiện của ổ loét.
Dấu hiệu Aleksandrov
(Aleksandrov Leontij Petrovitch 1857-1929, nhà phẫu thuật người Nga)
Dấu hiệu của viêm khớp do lao: dày các nếp gấp da ở chân bị bệnh, ngay cả khi bệnh đã lui cũng vẫn còn.
Dấu hiệu Aleksejev-Schramm
Yếu rõ rệt cơ thắt trong bàng quang trong chứng đái dầm khi tiến hành soi bàng quang.
Dấu hiệu Alexander
(Alexander Gustav 1873-1932, bác sỹ Tai-Mũi-Họng người Áo)
Biểu hiện của khối u tiểu não hoặc ápxe tai trong giai đoạn sớm: khi xoay người sang phải hoặc sang trái, bệnh nhân bị loạng choạng
Dấu hiệu Allis
(Allis Oscar Huntington 1836-1931, nhà phẫu thuật người Mỹ)
Dấu hiệu gẫy cổ xương đùi: màng cân nối giữa mấu chuyển lớn và mào xương chậu bị lỏng lẻo ra.
Dấu hiệu Amat
Dấu hiệu xuất tiết màng phổi trái: ranh giới của vùng gõ đục ở tư thế ngồi sẽ dịch chuyển sang khu vực tim khi bệnh nhân nằm ngiêng sang phải.
Dấu hiệu Amoss
(Amoss Harold L. 1886-?, bác sỹ người Mỹ)
Dấu hiệu viêm rễ thắt lưng: bệnh nhân khi nằm cố ngồi dậy thì phải chống tay xuống giường phía sau lưng.
Dấu hiệu Andral
(Andral Gabriel 1797-1876, bác sỹ người Pháp).
Dấu hiệu bắt đầu viêm màng phổi: bệnh nhân nằm nghiêng sang bên lành.
Dấu hiệu Anghelescu
(Anghelescu Constantin 1869-?, nhà phẫu thuật người Rumani)
Khi bị lao cột sống bệnh nhân không thể ưỡn cong lưng trong khi đang nằm được.
Dấu hiệu Anschutz
(Anschutz Willy 1870-1954, nhà phẫu thuật người Đức)
Dấu hiệu tắc nghẽn đại tràng: trướng bụng cục bộ rõ rệt, thường hay gặp nhất ở khu vực manh tràng.
Dấu hiệu Anton
(Anton Gabriel 1858-1933, nhà thần kinh học và tâm thần học người Đức) (Còn gọi là chứng mất nhận thức bệnh – anosognosia).
Dấu hiệu bệnh lý thực thể của não: bệnh nhân không nhận cảm được kích thích đau.
Dấu hiệu Arias-Stell
(Arias-Stell Javier, bác sỹ người Mỹ)
Khi bị hỏng thai hoặc khi phá thai, các tế bào biểu mô của nội mạc tử cung có nhân to ra gấp 4-5 lần so với bình thường.
Dấu hiệu Arroyo
(Arroyo Carlos F. 1892-1928, bác sỹ người Mỹ)
(Còn gọi là dấu hiệu suy nhược mống mắt – asthenocoria).
Trong suy tuyến thượng thận, đôi khi phản ứng đồng tử với ánh sáng bị chậm lại.
Dấu hiệu Aschaffenburg
(Aschaffenburg Gustav 1866-1944), nhà tâm thần học người Đức)
Dấu hiệu của mê sảng do rượu: bệnh nhân đàm thoại với một người tưởng tượng nào đó qua một điện thoại đã bị ngắt mạch, hoặc qua một vật nào đó có hình dáng giống một cái điện thoại.
Dấu hiệu Aschner
(Aschner Bernhard 1883-1960, nhà phụ khoa người Áo)
Dấu hiệu kích thích dây thần kinh số 10: khi ấn nhẹ lên nhãn cầu, mạch sẽ chậm lại sau 20- 30 giây.
Dấu hiệu Astrov
Trong u nang bào sán, khi sờ thành ngực ở khu vực nang sán sát gần thành ngực, ta thấy phổi đập theo mạch rõ rệt. Tại đó ta cũng có thể nghe được tiếng tim. Triệu chứng này chỉ có khi nang sán khá lớn và nằm ở phía bên trái của lồng ngực.
Dấu hiệu Athanassi
(Còn gọi là dấu Argyll Robertson đảo ngược). Trong bệnh loạn thần hưng – trầm cảm, đồng tử có phản ứng với ánh sáng, nhưng lại không có phản ứng với điều tiết và hội tụ.
Dấu hiệu Auenbrugger
(Auenbrugger Joseph Leopold 1722-1809, bác sỹ người Áo) (Còn gọi là dấu hiệu Corvisart).
Trong viêm màng ngoài tim tiết dịch (exudate pericarditis), hẹp van hai lá hoặc suy yếu van ba lá, thành ngực ở vùng tim và mũi ức bị cong vồng lên rõ rệt.
Dấu hiệu Avcyn-Chiari
(Avcyn Alexandr Pavlovitch 1908-?, nhà bệnh lý học người Nga;Chiari Rudolph 1890-?, nhà nhãn khoa người Áo)
(Còn gọi là dấu hiệu Chiari).
Trong bệnh sốt Rikettsia đôi khi thấy tràn máu vào kết mạc.
Dấu hiệu Babchin
(Babchin Isaak Savelievich, nhà phẫu thuật thần kinh Nga)
Biểu hiện X quang của khối u não trên lều: mờ đường viền bờ sau của lỗ chẩm lớn và tiêu loãng xương ở xung quanh.
Dấu hiệu Babes
(Babes Victor, nhà bệnh lý học Rumani)
Túi phồng động mạch chủ bụng: cứng cơ và tăng cảm ở phía trên chỗ động mạch lá lách (tỳ). Babinski I(Babinski Joseph Francois Félix, nhà thần kinh học Pháp)
Dấu hiệu tổn thương bó tháp: khi kích thích gan bàn chân ngón chân cái sẽ nâng lên, đồng thời các ngón chân khác xoè ra như cái quạt (ở người bình thường thì tất cả các ngón cụp lại).
Dấu hiệu Babinski II
Tổn thương dây thính: nếu cho dòng điện truyền từ tai này sang tai kia thì đầu sẽ nghiêng về bên tổn thương.
Dấu hiệu Babinski III
Giảm hoặc mất phản xạ gót trong tổn thương dây thần kinh tọa.
Dấu hiệu Babinski IV
Trong liệt nửa người: các cơ dưới da vùng cổ bên lành co nhiều hơn, thấy rõ khi bệnh nhân há miệng, thổi gió hoặc huýt sáo.
Dấu hiệu Babinski V
Dấu hiệu của bại nửa người: khi bệnh nhân nằm, khoanh 2 tay trước ngực, cố ngồi dậy, thì bên liệt sẽ co gấp khớp háng lại và gót chân giơ cao lên.
Dấu hiệu Babinski VI
Dấu hiệu tổn thương thực thể hệ thần kinh trung ương: khi bệnh nhân ngửa 2 bàn tay lên, bên bại sẽ từ từ tự quay sấp.
Dấu hiệu Babinski VII
Dấu hiệu của chứng giữ nguyên thế (catalepsy): bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa có thể giữ rất lâu chân ở tư thế giơ lên cao, co khớp háng và gối.
Dấu hiệu Babinski VIII
Dấu hiệu tổn thương bán cầu đại não hoặc tổn thương tiểu não: không có khả năng thực hiện các động tác luân phiên nhanh, ví dụ như luân phiên sấp ngửa bàn tay.
Dấu hiệu Bacelli
(Bacelli Guido 1832-1916, nhà nội khoa và bệnh lý học người Italia)
Trong chứng tràn dịch màng phổi, ta nghe rõ được tiếng nói thầm của bệnh nhân.
Dấu hiệu Ballance
(Ballance Charles 1856-1936, nhà phẫu thuật người Anh)
Khi bị vỡ lách, nếu để bệnh nhân nằm nghiêng sang trái, ta gõ vang ở phía bụng bên phải.
Dấu hiệu Ballet
(Ballet Gilbert 1853-1916, nhà thần kinh học người Pháp)
Dấu hiệu nhiễm độc giáp trạng và bệnh Hysteria: mất di động chủ ý của nhãn cầu, nhưng phản ứng đồng tử và các cử động tự động của nhãn cầu vẫn còn.
Dấu hiệu Bamberger I
(Bamberger Heindrich 1822-1888, nhà nội khoa người Áo) Các tĩnh mạch cổ đập mạnh trong chứng suy van ba lá.
Dấu hiệu Bamberger II
Dấu hiệu viêm màng ngoài tim tiết dịch (exudate pericarditis): vùng gõ đục ở bờ dưới xương bả vai, khi cúi thì mất vùng gõ đục.
Dấu hiệu Bamberger III
(Còn gọi là chứng đối cảm – allocheiria). Trong tổn thương tủy sống, đôi khi đâm kim vào tay bên này lại gây đau ở tay bên kia.
Dấu hiệu Bárány I
(Bárány Robert 1876-1936, bác sỹ Tai Mũi Họng người Áo)
Dấu hiệu tổn thương bộ máy tiền đình: tư thế của đầu có ảnh hưởng lên hướng của ngã.
Dấu hiệu Bárány II
Dấu hiệu tổn thương mê đạo: dùng nước nóng (43-48 độ) kích thích tai bên lành sẽ gây ra rung giật nhãn cầu xoay ở cùng bên; Khi dùng nước lạnh thì gây ra rung giật nhãn cầu xoay ở bên đối diện. Khi tổn thương mê đạo thì không thể phát hiện ra rung giật nhãn cầu.
Dấu hiệu Bárány III
Rối loạn về hướng: khi để chĩa thẳng, ngón tay sẽ lệch dần sang bên có tổn thương tiểu não.
Dấu hiệu Bard
(Bard Louis 1857-1936, nhà nội khoa người Pháp)
Phân biệt giữa rung giật nhãn cầu thực thể với rung giật nhãn cầu chức năng: trong quá trình khám xét rung giật nhãn cầu do căn nguyên thực thể sẽ tăng mạnh hơn, trong khi rung giật nhãn cầu chức năng thì mất đi.
Dấu hiệu Barlow
(Barlow Thomas 1845-1945, bác sỹ Nhi khoa người Anh)
Dấu hiệu ápxe dưới cơ hoành của viêm màng phổi biến chứng: khi gõ từ trên xuống dưới ta thấy âm sắc biến đổi dần từ vang rõ tới đục dần rồi mất hẳn.
Dấu hiệu Baron
Dấu hiệu viêm ruột thừa mạn tính:tăng nhậy cảm khi ấn vào cơ thắt lưng (m.psoas) bên phải.
Dấu hiệu Barré I
(Barré Jean Alexandre 1880-?, nhà thần kinh học người Pháp)
Dấu hiệu bại nhẹ cẳng chân: khi nằm ngửa, cho bệnh nhân giơ chân thẳng đứng đùi lên, với đầu gối gấp tạo thành góc vuông, bệnh nhân sẽ không thể giữ nguyên chân lâu được.
Dấu hiệu Barré II
Dấu hiệu bắt đầu có bại các chi trên: bảo bệnh nhân nhắm mắt, giơ thẳng hai tay ra trước, gan bàn tay úp vào trong. Nếu có tổn thương nhẹ thì tay bên đó sẽ co các khớp khuỷu và cổ tay lại và tay sẽ hạ thấp xuống.
Dấu hiệu Barré III
Dấu hiệu tổn thương bó tháp : bênh nhân chắp 2 tay lại với nhau và bó thật mạnh , sau 3-4 giây có biểu hiện liệt ngoại vi dây quay (n.radialis)
Dấu hiệu Barré IV
Dấu hiệu bại nửa người: bệnh nhân giơ thẳng hai tay ra trước, các ngón tay dạng rộng như nan quạt, thì bên bị bệnh sẽ không dạng rộng bằng bên lành.
Dấu hiệu Bartomier-Michelson
(Michelson Abram Iosifovitch 1902-1971, nhà phẫu thuật Nga)
Dấu hiệu viêm ruột thừa cấp: ấn đau ở khu vực manh tràng sẽ tăng lên khi bệnh nhân nằm nghiêng sang bên trái.
Dấu hiệu Baruch
(Baruch Simon 1840-1920, bác sỹ người Mỹ)
Dấu hiệu có thể có trong bệnh thương hàn: nhiệt độ trong hậu môn vẫn tăng cao sau khi cho bệnh nhân ngâm (tắm) trong nước mát 26 độ C.
Dấu hiệu Bassler
(Bassler Anthony 1874-1959, bác sỹ người Mỹ)
Dấu hiệu của viêm ruột thừa: khi ấn vào điểm McBurney và hướng về phía bên phải bệnh nhân sẽ cảm thấy đau chói.
Dấu hiệu Bastedo
(Bastedo Walter Arthur 1873-1952, bác sỹ người Mỹ)
Dấu hiệu của viêm ruột thừa: nếu ta bơm một ít không khí vào trong trực tràng, bệnh nhân cảm thấy đau và căng ở vùng hồi manh tràng.
Dấu hiệu Bastian
(Bastian Henry Charlton 1837-1915, nhà thần kinh học người Anh)
Dấu hiệu tổn thương tủy sống cắt ngang cấp tính: mất phản xạ gân xương ở khu vực tương ứng tầm thương tổn.
Dấu hiệu Battle
(Battle William Henry 1855-1936, nhà phẫu thuật người Anh) Dấu hiệu vỡ nền sọ: biến mầu da ở khu vực mỏm chũm.
Dấu hiệu Baumès
(Baumès Jean Baptist Timothée 1756-1828, bác sỹ người Pháp) Dấu hiệu của cơn đau thắt ngực (angina pectoris): đau sau xương ức.
Dấu hiệu Bechterev I
(Bechterev Vladimir Mikhailovitch 1857-1927, nhà thần kinh học và tâm thần học người Nga)
Trong chứng viêm rễ thắt lưng cùng, khi thực hiện thao tác Lasègue ở bên lành có thể gây đau ở bên bệnh.
Dấu hiệu Bechterev II
Khi màng não bị kích thích, nếu ta gõ lên đường khớp dọc (sagittal suture) sẽ gây đau đầu và co các cơ mặt.
Dấu hiệu Bechterev III
Khi gõ búa phản xạ vào bờ trong của xương bả vai, ở người khoẻ mạnh sẽ gây ra xoay vai ra ngoài. Nếu tổn thương tủy sống ở khu vực C5-C6 thì sẽ không có hiện tượng này.
Dấu hiệu Bechterev IV
Dấu hiệu đau dây thần kinh tọa: khi kéo thẳng chân bên bị bệnh ra thì sẽ gây đau cả chân bên lành.
Dấu hiệu Bechterev V
Dấu hiệu tổn thương não nặng nề: khi thử cử động chi thể bên liệt, ta thấy chi thể bên lành cũng có những cử động tương ứng.
Dấu hiệu Bechterev VI
(Còn gọi là chứng parasymbolia).
Rối loạn chức năng nói trong tổn thương thần kinh trung ương: bệnh nhân hiểu lời nói và tự mình nói một cách mất phối hợp.
Dấu hiệu Bechterev VII
Phản ứng bị kích thích trong chứng tetany (chứng co cứng cơ): một dòng điện yếu cũng có thể gây ra co cơ rõ ràng. Nếu ta liên tiếp lặp đi lặp lại dòng điện đó thì co cơ sẽ tăng mạnh dần lên, cho tới mức co cứng cơ (tetany)
Dấu hiệu Bechterev VIII
(Còn gọi là chứng dị cảm chi ảo – pseudomelia paraesthetica).
Rối loạn cảm giác ở bệnh nhân liệt nửa người: cảm thấy có cử động ở những chi thể đã bị liệt.
Dấu hiệu Bechterev IX
Dấu hiệu bại nửa người thực thể: các ngón tay bị co cứng, khi ta bẻ cho các ngón 2-4 thẳng ra, thì ngón cái sẽ co và khép lại. Khi ta làm ngược lại thì ngón cái sẽ duỗi thẳng và dạng ra.
Dấu hiệu Bechterev X
(Còn gọi là dấu Pagnicz, chứng đỏ da đầu chi – acroerythrosis).
Biểu hiện của nhiều bệnh căn khác nhau: da chân và tay đỏ lên và không đau.
Dấu hiệu Bechterev XI
Rối loạn tính tự động của các cơ mặt trong một loạt các bệnh lý khác nhau của hệ thần kinh trung ương: nét mặt trở nên đờ đẫn không biểu cảm trong khi vẫn có khả năng co các cơ mặt theo ý muốn.
Bechterev XII
(Còn gọi là phản xạ tai -mí mắt: auropalpebral reflex).
Kích thích bằng âm thanh (ít nhất là 45 decibel) gây ra nháy mắt
Dấu hiệu Bechterev – Mendel
(Mendel Kurt 1874-?, nhà thần kinh học người Đức)
Dấu hiệu tổn thương bó tháp: gõ búa phản xạ vào xương hộp (os cuboideum) gây duỗi các ngón chân lên trên (phía mu chân).
Dấu hiệu Becker
(Becker Otto Heinrich 1828-1890, bác sỹ nhãn khoa người Đức) Mạch máu võng mạc tăng đập trong chứng nhiễm độc giáp trạng.
Dấu hiệu Béclard
(Béclard Pierre Auguste 1785-1825, nhà giải phẫu học người Pháp) Nhân cốt hóa của đầu dưới xương đùi là dấu hiệu đã đủ tuổi thai.
Dấu hiệu Beevor
(Beevor Charles Edward 1854-1908, nhà thần kinh học người Anh) Khi liệt phần dưới của cơ bụng thẳng rốn sẽ bị kéo lên trên.
Dấu hiệu Béhier-Hardy
(Béhier Louis Jules 1813-1876 và Hardy Louis Philippe Alfred 1811-1893, các bác sỹ người Pháp)
Mất tiếng (aphonia) là dấu hiệu thường có trong chứng hoại thư (gangrene) phổi.
Behr (Behr Carl, bác sỹ nhãn khoa người Đức). Dấu hiệu tổn thương bó thị giác: bán manh và giãn đồng tử bên đối diện.
Dấu hiệu Beisman
Đôi khi thấy có trong bệnh nhiễm độc giáp trạng: bảo bệnh nhân nhắm mắt lại, nghe trên mi mắt thấy có tiếng thổi nhẹ.
Dấu hiệu Bell
(Bell Charles, nhà giải phẫu học, sinh lý và phẫu thuật người Scotlen) (Còn gọi là liệt Bell, liệt mặt tự phát) Liệt dây thần kinh mặt ngoại vi.
Dấu hiệu Benedikt
(Benedikt Moritz, nhà thần kinh học người Đức) (Còn gọi là bệnh Benedikt, hội chứng trung não)
Liệt giao bên trong tổn thương nhân đỏ: tăng động ngoại tháp cùng bên, liệt các dây vận nhãn, tăng trương lực cơ toàn thân, tăng phản xạ gân xương bên liệt. Thất điều cùng bên và run chi dưới bên đối diện
Dấu hiệu Claude- Bernard-Horner
(Bernard Claude, nhà sinh lý học người Pháp; Horner Johann Friedrich, bác sỹ nhãn khoa người Thụy sỹ)
(Còn gọi là tam chứng Horner, hội chứng Hutchinson, hội chứng Mitchell)
Phản xạ đồng tử khi tổn thương các hạch giao cảm khu vực C8-D2, bao gồm cả hạch sao. Xuất hiện co đồng tử, sụp mi và lõm mắt. Thường cũng có rối loạn tiết nước mắt, ra mồ hôi, hạ nhãn áp, đôi khi có pha tạp mầu sắc ở mống mắt.
Dấu hiệu Biermer
(Còn gọi là thiếu máu Biermer…)
Thiếu máu do thiếu Vitamin B12. Bản chất là do niêm mạc dạ dày thiếu yếu tố nội trong dịch tiết, nên niêm mạc dạ dày không có khả năng hấp thu B12. Da mầu vàng nhợt nhạt, móng chân tay và tóc dễ bị gẫy, biếng ăn, tê lưỡi, về sau có viêm lưỡi Hunter. Thường có thiếu nhũ chấp đề kháng với Histamin. Trường hợp nặng có rối loạn chức năng tủy sống. Trong máu có thiếu máu tế bào khổng lồ tăng sắc, hồng cầu không đều, hồng cầu biến dạng, biến đổi nồng độ huyết cầu tố. Trong tủy xương có nhiều tế bào khổng lồ, máu ngoại vi có chấm ưa bazơ của hồng cầu, hạ bạch cầu. Cũng còn thấy rõ các tế bào tạo máu ngoài tủy, chủ yếu trong gan và lách, tăng bilirubin máu, tăng cholesterol máu. Thường ở người cao tuổi.
Dấu hiệu Bouveret
(Bouveret Léon, bác sỹ người Pháp)
Nhịp tim nhanh kịch phát kèm hạ huyết áp trong cơn, bồn chồn và cảm giác sợ hãi, đôi khi chóng mặt. Trạng thái ngất xỉu, đôi khi buồn nôn và nôn. Ngày nay nó thuộc về hội chứng WPW và CLC, hay là hội chứng P-Q ngắn.
Dấu hiệu Brown-Séquard
(Brown-Séquard Charles, nhà sinh lý học người Pháp)
Dấu hiệu tổn thương tủy sống một bên theo chiều ngang: liệt cứng kèm rối loạn cảm giác sâu ở cùng bên tổn thương, giảm cảm giác nhiệt và đau ở bên kia.
Bệnh Budd-Chiari
(Budd George, bác sỹ người Anh; Chiari Hans, nhà bệnh lý học Đức)
Tắc nghẽn các tĩnh mạch gan: trường hợp cấp tính có buồn nôn và nôn ói ra máu, đôi khi thậm chí hôn mê gan; Trường hợp mạn tính có đau bụng trên tăng dần, gan to và đôi khi cả lách to. Nhanh chóng có cổ trướng. dần dần có rối loạn chức năng gan, vàng da nhẹ cáh hồi. Tăng cholesterol máu. Các biến thể lâm sàng phụ thuộc vào định khu tổn thương của các tĩnh mạch gan.
Dấu hiệu Caplan
(Caplan Anthony, bác sỹ người Anh)
Phối hợp viêm đa khớp dạng thấp với bệnh bụi phổi silic.
Chứng khập khiễng cách hồi Charcot
(Charcot Jean Martin, nhà lâm sàng học Pháp)
(Còn gọi là chứng khập khiễng cách hồi, viêm nội mạc động mạch tắc nghẽn – endarteriitis obliterans)
Rối loạn về đi: khập khiễng cách hồi (từng lúc rồi hết) và đau ở bắp chân, nguyên nhân là thiếu tưới máu đầy đủ cho các bắp thịt khi đi lại. Chân trở nên trắng nhợt, da lạnh và các ngón xanh tím. Mạch ngoại vi bị yếu. Về sau có thể hoại tử các đoạn bị bệnh. Đa số bệnh nhân là đàn ông và nghiện thuốc lá. Hội chứng Buerger: người trẻ tuổi dưới 40, nguyên nhân do viêm và cần làm xét nghiệm tổ chức học. Người trên 40 là vữa xơ động mạch.
Bệnh xơ cột bên teo cơ Charcot
(Còn gọi là bệnh Charcot, bệnh xơ cột bên teo cơ)
Thoái hóa các neuron vận động trung ương và ngoại vi gây ra liệt cơ: khởi đầu yếu và teo các cơ nhỏ bàn tay, sau đó teo các cơ cẳng tay và cánh tay. Đồng thời có các dấu hiệu co cứng và tăng phản xạ gân xương kèm dấu hiệu tháp ở hai chân. Hai chân thường có dị cảm, cảm giác
lạnh, đau và các co giật cơ. Bệnh tiến triển không ngừng. Dần dần các cơ cổ – mặt bị tổn thương và bệnh nhân không thể nhấc đầu, mất biểu lộ cảm xúc, rối loạn nuốt và tiểu tiện.
Bệnh thoái hóa tiến triển xương khớp Charcot
(Cũng còn gọi là bệnh Charcot)
Bệnh lý thoái hóa tiển triển xương và khớp: thoái hóa sụn, phì đại các phần riêng lẻ của các khờp, gai xương và gẫy xương tự phát. Thường có khi bị các bệnh lý thoái hóa tủy sống, rỗng tủy và bệnh tiểu đường.
Tam chứng Charcot
Tam chứng cơ bản của bệnh xơ rải rác: run khi chủ ý, giọng nói kiểu bùng nổ, rung giật nhãn cầu.
Bệnh Charcot-Marie
(Marie Pierre, nhà thần kinh học Pháp)
(Còn gọi là bệnh Charcot-Marie-Tooth. bệnh teo cơ tiến triển do dây thần kinh)
Bệnh di truyền trội theo nhiễm sắc thể thân, cũng có (ít hơn) di truyền lặn. Là bệnh teo cơ do thần kinh: bệnh thường bắt đầu trước khi dậy thì, teo các cơ nhỏ ở bàn chân và ống chân cân đối 2 bên, tạo nên bàn chân ngựa vẹo vào (pes equinovarus). tại khu vực bị bệnh mất phản xạ gân xương. Về sau cũng có thể cả các cơ tay bị teo. Hiếm khi teo cơ lan lên trên đầu gối hoặc trên khớp khuỷu tay. Có run chủ ý. Một số trường hợp có tăng hồng cầu, liệt các cơ ổ mắt, lồi mắt và teo mắt. Tiếp theo có gù lưng và vẹo lưng. Bệnh mạn tính, thường đàn ông bị nhiều hơn.
Bệnh Conn
(Conn Jerome W., bác sỹ người Anh) (Còn gọi là cường aldosteron nguyên phát)
Cường aldosteron nguyên phát thường khi có khối u tăng sản vỏ thượng thận: mệt mỏi toàn thân, tiêu chảy, yếu cơ theo chu kỳ, thậm chí hoàn toàn bất động, tê bì, các dấu hiệu của tetany trong khi Ca trong máu bình thường. Cao huyết áp, tiểu albumin, tăng Kali niệu, giảm Na và Cl trong nước tiểu, tiểu nhiều, phản ứng kiềm của phân. Thường không phù. Tăng aldosteron trong máu và nước tiểu. Nếu bệnh khởi phát ở trẻ em, thì thường ngừng lớn và phát triển nói chung. Một số thể bệnh đáp ứng tốt với dexamethason.
Bệnh Crohn
(Crohn Burrill, bác sỹ Mỹ)
Viêm theo phân đoạn mạn tính đoạn cuối của hồi tràng: bệnh thường khởi đầu tuổi 15-35 và thường ở đàn ông. Biểu hiện bằng tam chứng đặc trưng sau: đau ở nửa bên phải của bụng,tiêu chảy tái đi tái lại hoặc trường diễn, kiệt sức rõ. Đôi khi trong đợt kịch phát cấp tính có các dấu hiệu giống như trong viêm ruột thừa cấp. ở đoạn ruột tương ứng ta thấy các vết sẹo với những vùng viêm nằm xung quanh, do vậy từ từ dẫn tới hẹp ống ruột non. Trong ta thấy bạch cầu chuyển trái trong giai đoạn tăng bạch cầu cấp, tăng tiểu cầu, thường có thiếu máu nhược sắc. Tăng tốc độ máu lắng, giảm hoạt tính prothrombin, giảm Na và Ca trong máu. Phân nhiễm mỡ. Bệnh nhân có thể bị biến chứng viêm tích mủ tại chỗ, có lỗ dò, thủng, và hẹp nặng.
Dấu hiệu Cushing
(Cushing Harvey W., nhà phẫu thuật thần kinh người Mỹ)
Dấu hiệu có khối u ở góc cầu tiểu não: liệt các dây sọ V, VI, VII, VIII, IX cùng bên với tổn thương. Các dấu hiệu tiểu não và dấu hiệu chèn ép vào tiểu não.
U màng não xương bướm Cushing
Các dấu hiệu do khối u ở phần giữa của xương bướm: liệt mắt, dị cảm vùng trên ổ mắt, lồi mắt một bên, teo dây thị nguyên phát ở cùng bên tổn thương, ảo giác thính giác và khứu giác do chèn ép vào hồi hải mã. Thay đổi cá tính.
Dấu hiệu Cushing III
Các dấu hiệu do có khối u tiểu não ác tính ở trẻ em: nhanh chóng xuất hiện não úng thủy do tắc nghẽn. Thường có di căn vào tủy sống gây liệt chân tay. Trong giai đoạn cuối sẽ có hội chứng tổn thương tủy cắt ngang hoàn toàn.
Bệnh Cushing
Phức bộ các triệu chứng cường vỏ thượng thận nguyên phát hoặc thứ phát: béo phệ với thân mình to lớn và chân tay nhỏ bé, mặt tròn như mặt trăng, các vết rạn ở da (chủ yếu da bụng), tăng hồng cầu, xanh tím đầu chi, tăng đường huyết kèm theo tiểu đường, hạ Calci máu và tiêu loãng xương. Còn có yếu mệt toàn thân, teo các tuyến sinh dục, vô kinh và liệt dương.
Phần 2: Dấu hiệu, triệu chứng, hội chứng mang tên riêng thường gặp trong y khoa – Phần 2
Phần 3: Dấu hiệu, triệu chứng, hội chứng mang tên riêng thường gặp trong y khoa – Phần 3
Leave a Comment