Choáng Chấn Thương Trong Gãy Xương – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

Choáng chấn thường trong gãy xương, đây là biến chứng thường gặp nhất và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nạn nhân nếu không được chấn đoán và xử trí kịp thời.

1. Tại sao choáng chấn thương thường gặp trong gãy xương?

Hai yếu tố thường xuyên gặp trong gãy xương là căn nguyên gây ra choáng chấn thương:

– Chảy mất máu: trong gãy hở, máu theo vết thương chảy ra ngoài, trong gãy kín máu không chảy ra ngoài nhưng đọng lại thành ổ máu tụ. Lượng máu này không còn tham gia lưu thông tuần hoàn nên xem như đã mất di. Sự mất máu này làm mất cả hồng cầu và huyết tương, làm giảm thể tích máu nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nhanh chóng đến hệ tuần hoàn; tim phải đập nhanh hơn và huyết áp tâm thu bị tụt.

– Đau: gãy xương không di lệch cũng đau, xương gãy di lệch nhiều thì càng đau hơn nếu không được bất động và khi xử trí thô bạo xương gãy.

Khi xác định có gãy xương, phải luôn xem xét liệu có bị choáng chấn thuơng không?

2. Tiên lượng khả năng một gãy xương có thể bị choáng

Dựa trên hai điểm sau đây:

a) Mức độ trầm trọng của xương gãy, bao gồm các tình trạng sau đây:

– Gãy một xương lớn (gãy xuơng đùi, gãy khung chậu)

– Gãy nhiều xương

– Gãy xương có tổn thương mô mềm nhiều (gãy xương độ III)

– Nạn nhân nhiều thương tích.

Đây là các yếu tố nguy cơ cần lưu ý vì có nhiều khả năng gây ra choáng.

b) Các dấu hiệu sau đây cho phép phát hiện sớm choáng chấn thương (do mất máu):

– Mạch nhanh

– Huyết áp tụt

– Chỉ số choáng > 1: CSC là tỉ số giữa số nhịp mạch trong 1 phút chia cho số huyết áp tâm thu (tính bằng mmHg), chỉ số này có giá trị ở từng thời điểm và được dùng để theo dõi tình trạng choáng của bệnh nhân. Theo một nghiên cứu của Allgoxver khảo sát các trường hợp choáng do mất máu cấp do chấn thương ở người lớn, khi lượng máu mất 30% thì chỉ số này = 1. Chỉ số càng lớn thì mức độ choáng càng nặng, các chỉ số gần với 1 thì nên cảnh giác, (không nên nghĩ rằng 0,99 là nhỏ hơn 1 thì không choáng còn 1,01 là lớn hơn 1 thì có choáng).

MẠCH/phút ÷ Huyết áp tâm thu (mmHg)

bình thường = 0,5; có choáng ≥ 1

– Dấu hiệu bấm móng tay: hồng trở lại muộn trên 2 giây sau khi thôi bấm

– Niêm mạc nhạt, da xanh xao, tay chân tạnh, mũi lạnh.

3. Vị trí của choáng chấn thương trong gãy xương

– Là biến chứng thấy thường xuyên nhất trong các biến chứng của gãy xương.

– Có ảnh hưởng xấu đến một số biến chứng khác:

+ Nạn nhân gãy xương có choáng chấn thương nặng dễ gây ra biến chứng tắc mạch máu do mỡ

+ Hai nạn nhân bị gãy xương có cùng tình trạng bị chèn ép khoang như nhau (cùng áp lực cao tương đương), người bị choáng chấn thương có tiên lượng trầm trọng hơn người không có choáng.

+ Nạn nhân gãy xương hở có choáng nặng thì khả năng chống nhiễm trùng kém

4. Điều trị choáng chấn thương trong gãy xương

– Điều trị choáng càng sớm càng dễ có hiệu quả. Dự phòng sớm choáng chấn thương là tốt nhất. (Do đó tiên lượng khả năng bị choáng sớm là quan trọng).

– Điều trị theo phác đồ chung của choáng chấn thương: bù lại đầy đủ máu và các chất điện giải, oxy, …

– Riêng đối với choáng chấn thương của nạn nhân gãy xương cần chú ý giải quyết sớm:

+ Cầm chảy máu bằng bất động sớm xương gãy

+ Chống đau bằng:

  • Gây tê ổ gãy xương: dùng novocaine dung dịch 1% – 2% (Nếu gãy xương hở thì phong bế gốc chi bằng dung dịch novocaine loãng 1/400 (= 0,25%)
  • Bất động sớm xương gãy

– Nhất thiết không vận chuyển nạn nhân khi đang có choáng nặng hoặc có nhiều nguy cơ đe dọa có choáng.

5. Dự phòng choáng chấn thương trong gãy xương

Thực hiện thật sớm (tốt nhất ngay sau khi bị gãy xương):

– Gây tê ổ gãy xương

– Bất động tốt vùng gãy xương

– Chưa vận chuyển bệnh nhân nếu chưa làm xong hai biện pháp phòng choáng nói trên.

5/5 - (1 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment