Cách dùng thuốc cho trẻ em

1. Đặc điểm giải phẫu, sinh lý của cơ thể trẻ em liên quan đến việc dùng thuốc điều trị

– Thuốc dùng cho trẻ em với liều lượng tương đối cao hơn so với người lớn, vì:

+ Chuyển hoá cơ bản của trẻ em mạnh hơn so với người lớn.

+ Tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ em nói chung và tỷ lệ nước ngoài tế bào  nói riêng cao hơn so với người lớn.

+ Diện tích da của trẻ em tương đối rộng hơn so với người lớn.

– Một số thuốc có độc tính cao đối với trẻ em phải được dùng với liều lượng tương đối thấp hơn so với người lớn, vì:

+ Chức năng khử độc của gan chưa hoàn thiện đầ y đủ.

+ Thuốc dễ bị tích luỹ do chức năng lọc của thận còn yếu.

+ Khả năng liên kết protein với thuốc trong máu của trẻ còn kém.

– Không được dùng hoặc phải rất thận trọng khi dùng  cho trẻ những loại thuốc gây ảnh hưởng  xấu đến sự phát triển của cơ thể, vì trẻ em là những cơ thể đang  phát triển.

2. Các nguyên tắc chung về dùng thuốc cho trẻ em

2.1. Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định

– Dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng.

– Dùng Vitamin khi có nguy cơ hoặc biểu hiện thiếu Vitamin.

– Bồi phụ nước và điện giải khi có nguy cơ hoặc có biểu hiện mất nước, mất điện giải.

– Dùng thuốc hạ sốt, khi thân nhiệt của trẻ > 38,5OC.

– Dùng thuốc hạ HA, khi trẻ có tăng HA.

2.2. Trước khi cho trẻ dùng thuốc phải hiểu rõ

– Tác dụng của thuốc.

– Liều lượng thuốc.

– Tác dụng phụ của thuốc.

– Đường đưa thuốc vào cơ thể.

– Thời điểm uống thuốc: lúc mấy giờ, trước, sau hay trong khi ăn.

– Không được pha trộn các loại thuốc với nhau một cách tuỳ tiện.

2.3. Theo dõi tác dụng của thuốc

Trong và sau khi dùng  thuốc, phải theo dõi tác dụng của thuốc, kể cả tác dụng phụ. Một số trường  hợp, có thể hướng dẫn để các bà mẹ cùng phối hợp với điều dưỡng viên theo dõi tác dụng của thuốc.

2.4. Cất giữ bảo quản thuốc

Phải hướng dẫn cho bà mẹ cất thuốc cẩn thận, để xa tầm với của trẻ, không để cho trẻ tự ý lấy thuốc dùng, đề phòng ngộ độc thuốc.

3. Cách tính liều lượng thuốc cho trẻ em

Có rất nhiều cách tính liều lượng thuốc cho trẻ em:

– Tính liều lượng thuốc theo cân nặng thường được áp dụng rộng rãi nhất:

+ Liều lượng thuốc trẻ em = LLT người lớn x cân nặng của trẻ (kg) / 70(kg)

– Có thể tính liều lượng thuốc theo tuổi:

+ Liều lượng thuốc trẻ em = LLT người lớn  x  tuổi của trẻ (năm) / (tuổi của trẻ + 12)

– Cách tính liều lượng thuốc theo diện tích da tương đối chính xác hơn các phương pháp trên:

+ Liều lượng thuốc trẻ em = LLT người lớn x diện tích da của trẻ (m2)/1,73 m2

– Ngoài ra người  ta có thể tính liều lượng thuốc cho trẻ em theo chuyển hoá cơ bản hoặc theo chuyển hoá nước. Phương pháp này tuy chính xác nhưng  rất phức tạp, nên chỉ áp dụng trong các phòng thí nghiệm  hoặc ở các viện nghiên cứu về ứng dụng thuốc.

– Có thể tính liều lượng thuốc cho trẻ em theo liều của người lớn (bảng 1) Liều lượng thuốc dùng cho trẻ em:

Tuổi Cân nặng Diện tích da So với liều người lớn
1 tháng 3,4 kg 0,23 m2 1/8 12,5%
2 tháng 4,2 kg 0,26 m2 1/7 14,5%
3 tháng 5,6 kg 0,32 m2 1/6 18,0%
6 tháng 7,7 kg 0,40 m2 1/5 22,0%
1 tuổi 10 kg 0,47 m2 1/4 25,0%
3 tuổi 14 kg 0,62 m2 1/3 33,0%
7 tuổi 23 kg 0,88 m2 1/2 50,0%
12 tuổi 37 kg 1,25 m2 3/4 75,0%
Người lớn 68 kg 1,73 m2 1 100%

4. Đường đưa thuốc vào cơ thể

4.1. Đường uống

Uống là cách đưa thuốc vào cơ thể sinh lý nhất, vì ruột là hàng rào lý -hoá ngăn cản được nhiều tác nhân có hại cho cơ thể, kể cả vi khuẩn. Mặt khác, khả năng hấp thu của ruột rất tốt, uống thuốc không gây đau đớn cho trẻ, lại kinh tế và ít gây tai biến.

Khi cho trẻ uống thuốc cần chú ý:

Thời điểm uống thuốc: uống vào lúc đói, lúc no hay xa bữa ăn:

+ Nhiều loại thuốc uống bị thức ăn gây cản trở quá trình hấp thu tại ruột. Do vậy, chúng phải được uống vào lúc đói: uống trước bữa ăn 1 giờ.

+ Một số thuốc có tác dụng gây kích ứng dạ dày và sự hấp thu của chúng không bị ảnh hưởng  bởi thức ăn thì phải cho uống vào lúc no: uống sau bữa ăn hoặc giữa bữa ăn.

+ Có một số thuốc có thể cho uống lúc no hay đói đều được, vì chúng không gây kích ứng dạ dày và không bị thức ăn làm cản trở hấp thu.

– Nghiền nát thuốc có ảnh hưởng gì không?

Trước khi cho trẻ uống thuốc, chúng ta phải biết nên  nghiền nát hoặc nhai nát thuốc hay phải nuốt chửng, bởi vì:

+ Một số thuốc không được nhai, không được nghiền nát như men tuyến tuỵ, thuốc nhuận tràng (ở dạng viên), Aspirin pH8, vì chúng được bảo vệ bằng một lớp màng mỏng để không bị phá huỷ bởi môi trường acid ở dạ dày. Khi xuống ruột, với môi trường kiềm, lớp màng mỏng sẽ bị phân  huỷ, thuốc sẽ  bắt đầu phát huy tác dụng. Đối với trẻ nhỏ, việc nuốt chửng cả viên thuốc là không thể thực hiện được. Do vậy, các loại thuốc này không nên chỉ định dùng cho trẻ nhỏ.

+ Ngược lại,  một số khác lại phải nhai nát trước khi uống như  Aspirin, vì nếu áp sát vào niêm mạc dạ dày, chúng sẽ gây kích ứng rất mạnh: phù nề, giãn  mạch, xung huyết và có thể gây chảy máu dạ dày.

– Thành phần thức ăn, nước uống có ảnh hưởng đến thuốc không?

+ Một số thuốc bị giảm hấp thu nếu uống cùng  với sữa, với nước chè hoặc mất tác dụng khi dùng với dung dịch kiềm vv…

Nhược điểm cơ bản của thuốc uống là có thể làm cho trẻ nôn, vì thuốc thường  có vị đắng hoặc vì trẻ sợ uống thuốc. Do vậy, việc động viên hướng dẫn cẩn thận trước khi cho trẻ uống thuốc là rất quan trọng. Những hành vi tỏ ra quan trọng hoá việc uống thuốc đôi khi lại gây ra tác dụng không tốt, làm cho trẻ sợ hoặc từ chối uống thuốc, uống vào dễ nôn. Do vậy, trên thị trường đã xuất hiện những lọ thuốc uống có thêm vị ngọt và mùi thơm (kể cả thuốc kháng sinh) để dùng cho trẻ em.

4.2. Tiêm bắp, tiêm dưới da

Chỉ nên sử dụng khi không có thuốc uống. Nhược điểm của tiêm bắp là gây đau, có thể gây xơ hoá tổ chức, áp xe, đâm vào giây thần kinh, teo cơ. Ngoài ra, khi tiêm cần phải có đầy đủ phương tiện như vô khuẩn, cấp cứu choáng… Một nhược điểm rất phổ biến là làm cho trẻ sợ hãi không những trong khi tiêm mà còn kéo dài trong nhiều năm sau, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về tinh thần của trẻ.

4.3. Tiêm tĩnh mạch

Đây là biện pháp đưa thuốc vào cơ thể một cách nhanh nhất, đạt nồng độ cao tức thì, nhưng đòi hỏi phải có sự thận trọng về khâu bào chế thuốc và phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn trong khi tiến hành tiêm. Ngoài ra, tiêm tĩnh mạch thường gây tốn kém cho gia đình bệnh nhi và đòi hỏi người điều dưỡng phải có tay nghề cao.

Một điều cần chú ý là nhiều loại  thuốc chỉ  dùng  để  tiêm bắp, tuyệt đối không dùng để tiêm tĩnh mạch. Ngược lại, một số thuốc chỉ dùng  để  tiêm  tĩnh mạch, không thể dùng để tiêm bắp. Hầu hết các loại thuốc tiêm sẽ bị phân  huỷ trong đường tiêu hoá hoặc không hấp thu được, nếu cho bệnh nhân uống.

4.4. Các đường khác

Ngoài ra, có thể đưa thuốc vào cơ thể bằng các đường khác như đặt hậu môn, ngậm, xịt họng, khí dung, bôi hoặc dán trên da vv… Các phương pháp này ít  áp dụng cho trẻ nhỏ, nhất là phương pháp ngậm, xịt họng và bôi trên da.

5. Một số thuốc không nên dùng hoặc phải thận trọng khi dùng cho trẻ em

5.1. Kháng sinh

– Streptomycin: dễ gây điếc vĩnh viễn và do vậy có thể dẫn đến câm, nếu dùng cho trẻ nhỏ.

– Tetracyclin: ảnh hưởng  xấu đến các mô đang phát triển như răng, xương. Do vậy không dùng  cho các bà mẹ có thai, những người  cho con bú và trẻ em dưới 8  – 12 tuổi.

– Enteroseptol: gây nhược cơ ở trẻ em.

– Các loại kháng sinh tác động ở mức phân chia ADN của vi khuẩn như Tarivid không dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi và các bà mẹ có thai, những người cho con bú.

5.2. Nhóm dẫn xuất Opium (thuốc phiện)

Nhiều loại thuốc trên thị trường có chứa thuốc phiện:

– Các thuốc giảm đau: Dolacgan, mocphin.

– Thuốc ho: ho long đờm, Terpicod, ho giảm thống.

– Thuốc cầm ỉa: Xái thuốc phiện, viên rửa (Opizoic)…

Các loại thuốc trên không dùng  cho trẻ em dưới 5 tuổi vì có thể gây ngừng thở dẫn đến tử vong do ức chế trung tâm hô hấp.

5.3. Vitamin

– Các loại Vitamin tan trong dầu: Vitamin A, Vitamin D, Vitamin K, Vitamin E dễ tích luỹ trong cơ thể và gây ngộ độc. Do vậy chỉ dùng  khi có chỉ định và  không dùng kéo dài.

– Không dùng quá liều quy định đối với Vitamin PP vì gây giãn mạch, đỏ da, tụt huyết áp.

– Các loại Vitamin khác như B1, B2, B6, B12, C, P…  nếu   dùng   liều cao kéo dài cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn.

5.4. Corticoid

– Không dùng  loại Corticoid thải trừ chậm như Kcort, Retacort…vì chúng sẽ gây teo cơ tại chỗ tiêm, loãng xương, giảm sức đề kháng của cơ thể.

– Các loại khác như: Prednisolon, Dexamethazon phải dùng đúng liều, đúng lúc, đủ thời gian; không nên lạm dụng dùng kéo dài gây nhiều tác dụng phụ có hại  như loãng xương, suy tuyến thượng thận, giữ Na, giữ nước, gây tăng đường huyết, giảm sức đề  kháng,  tăng  đào  thải K… Phụ thuộc vào mục đích sử dụng: Chống viêm, ức chế miễn dịch hay điều trị thay thế mà liều lượng và thời gian sử dụng các loại corticoid rất khác nhau. Điểm chung nhất là tất cả các loại corticoid đều phải uống vào buổi sáng, sau bữa ăn.

6. Tương tác và tương kỵ giữa các loại thuốc

6.1. Tương kỵ

Phản ứng lý – hoá xảy ra giữa các thuốc khi trộn lẫn vào nhau gọi là tương kỵ thuốc.

Ví dụ Ampicilin không được trộn với Dd Glucose, Dextran, Lactat, Natri bicarbonat, Vitam in nhóm B, Vitamin C, kháng sinh nhóm aminoglycosid.

Các thuốc gốc acid không được trộn với các thuốc có tính chất kiềm. Ví dụ: Khi tiêm truyền không được cho Depersolon vào với dung dịch  Natrihydrocarbonat.

Như vậy, tương kỵ thuốc thường  xảy ra do điều dưỡng viên trộn lẫn các loại thuốc vào với nhau một cách tuỳ tiện. Do đó, để đề phòng phản ứng lý  – hoá có thể xảy ra, khi tiêm hoặc khi uống không nên trộn lẫn các loại thuốc vào với nhau.

6.2. Tương tác.

Tương tác thuốc là sự tác động qua lại trong cơ thể giữa các loại thuốc, khi chúng được dùng chung với nhau và kết quả là làm tăng tác dụng (và tăng độc tính) hoặc làm giảm tác dụng, đôi khi có thể làm mất tác dụng của thuốc.

Ví dụ: Erythromycin làm giảm độ thanh thải của Theophylin, Diaphylin, Cafein, do đó sẽ làm cho độc tính của các thuốc này tăng lên, nhất là đối với trẻ nhỏ. Cũng chính Erythromycin, nếu dùng phối hợp với các thuốc kháng Histamin thế hệ II là Terfenadin, Astemizol có thể gây độc với tim như xoắn đỉnh, nhịp tim nhanh thất và có thể gây tử vong.

Với cơ chế  tương  tác  thuốc, kháng  sinh Nystatin bị  mất  tác  dụng kháng  nấm Candida albicans khi dùng đồng thời với Vitamin B2.

Khi kết hợp thuốc trong điều trị, nhất là kết hợp kháng sinh, thày thuốc cần phải xét đến sự tương tác thuốc trong cơ thể. Về nguyên tắc, không được kết hợp kháng sinh diệt khuẩn với kháng sinh kìm khuẩn. Tuy vậy, đôi khi cũng không thể kết hợp 2 thuốc kháng sinh có cùng  cơ chế tác dụng đối với vi khuẩn. Ví dụ: Clorocid và Erythromycin đều  là kháng  sinh kìm  khuẩn, nhưng  chúng lại  cùng  gắn với  tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn, nên làm giảm tác dụng của nhau.

Khi kết hợp kháng sinh, thày thuốc thường chọn tác dụng hiệp đồng giữa một loại diệt được (hoặc kìm hãm sinh sản) vi khuẩn gram (+) với loại khác diệt được (hoặc kìm hãm sinh sản) vi khuẩn gram (-) nhằm mở rộng phổ tác dụng hoặc kháng sinh này sẽ tạo điều kiện để loại kháng sinh khác diệt vi khuẩn hay kết hợp giữa loại kháng sinh bị phá huỷ bởi men do vi khuẩn tiết ra với lọai kháng sinh bền vững với men đó.

7. Tác dụng, liều lượng và cách dùng một số thuốc thông thường cho trẻ em

7.1. Thuốc hạ sốt

– Paracetamol:

+ Tác  dụng: là thuốc hạ  sốt, giảm đau và chống viêm trong nhóm Para – aminophenol. Tuy tác dụng hạ sốt và giảm đau không hơn gì các loại khác cùng  nhóm, nhưng  Paracetamol có lợi thế hơn là rẻ  tiền. Với liều uống, Paracetamol hấp thu gần như hoàn toàn vào máu. Tuy vậy, nếu uống cùng  với thức ăn giàu glucid thì quá trình hấp thu có chậm hơn. Thời gian tác dụng: 6  – 8 tiếng.

+ Dạng thuốc:

* Viên nén, gói bột: 0,1g; 0,2g; 0,5g.

Viên nang trụ: 0,4g; 0,5g.

* Viên đạn: 0,1g, 0,2g, 0,5g.

+ Liều dùng: 10 – 15mg/kg/lần, ngày dùng 1 – 4 lần.

+ Cách dùng: Khi sốt cao trên 38,50C thì cho trẻ uống viên nén, gói bột hoặc đặt hậu môn viên đạn.

+ Chú ý: Trong trường  hợp trẻ sốt cao, chân tay lạnh Paracetamol thường tỏ ra kém hiệu quả, do vậy nên dùng loại thuốc hạ sốt khác.

– Analgin:

+  Tác  dụng: là thuốc hạ sốt, giảm đau và chống viêm trong nhóm Pyrazolon; là thuốc có tác dụng mạnh nhất trong nhóm, nhưng cũng có nhược điểm là hay gây dị ứng và choáng phản vệ, nhất là khi dùng bằng đường tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch.

+ Dạng thuốc:

* Viên, gói bột:     0,1g, 0,5g.

* Viên đạn: 0.1g; 0,2g; 0,5g

* ống tiêm:  25%; 50%; 1ml; 2ml; 5ml.

* Lọ để uống: 50% – 10ml (1ml = 20 giọt = 0,5g).

+ Liều lượng: 8 – 10mg/kg/lần x 1 – 4 lần/ngày.

+ Chú ý: Analgin tỏ ra có hiệu quả tốt trong những trường hợp sốt cao, chân tay lạnh và thất bại khi đã dùng Paracetamol.

– Aspirin:

+ Tác  dụng: Là thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt trong nhóm Acid Acetylsalicylic.

+ Dạng thuốc:

* Viên nén: 0,1g; 0,2g; 0,25g; 0,325g, 0,5g.

* Viên bao (Aspirin pH8): 60mg; 500 mg.

+ Liều lượng :

* Trẻ dưới 3 tuổi: 0,1g/tuổi/lần; ngày uống 1 – 3 lần.

* Trẻ 3-5 tuổi: 0,075g/tuổi/lần; ngày uống 1 – 3 lần.

* Trẻ 6-10 tuổi: 0,05g/tuổi/lần; ngày uống 1 – 3 lần.

* Trong thấp tim: 60 – 100mg/kg/ngày theo phác đồ.

+ Cách dùng:

* Viên nén: Nhai nát hoặc nghiền nát rồi uống với nhiều nước sau bữa ăn (lúc no). Aspirin ít  dùng  để  hạ sốt vì phải uống vào lúc no và hay gây kích ứng dạ dày.

* Viên bao (Aspirin pH8): Không được bẻ, không được nghiền nát, không được nhai nát, không được uống với dung dịch kiềm. Phải nuốt chửng cả viên. Do vậy, loại thuốc này ít được dùng cho trẻ em.

7.2. Thuốc ức chế thần kinh trung ương

– Gardenal; Phenobarbital

+ Tác dụng: An thần, gây ngủ, chống co giật.

+ Dạng thuốc:

* Viên: 0,01g; 0,1g

* ống tiêm: 0,2g

+ Liều dùng để an thần: 0,01g/tuổi/lần đối với trẻ dưới 10 tuổi. Trẻ từ 10 tuổi trở lên dùng như người lớn 0,1g/lần.

+ Cách dùng:

* Uống: Dùng  1 lần trước khi đi ngủ hay rải đều trong ngày theo chỉ định của thầy thuốc.

* Tiêm: Chỉ dùng khi trẻ đang co giật (vì không thể cho uống trong lúc trẻ đang co giật).

– Seduxen (Diazepam, Valium).

+ Tác dụng: An thần, giãn cơ, chống co giật, gây ngủ.

Dạng thuốc:

* Viên: 5mg, 10mg.

* Ống: 10mg.

+ Liều dùng: 0,5 – 1mg/kg/ngày.

+ Cách dùng:

* Thường cho trẻ uống rải đều trong ngày với mục đích chống co giật.

* Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch khi trẻ đang bị co giật .

7.3. Thuốc cường giao cảm

Thuốc cường giao cảm có tác  dụng giãn cơ phế  quản, giãn các mạch  máu  ở những cơ quan quan trọng như  não, tim, phổi thận và gây co các mạch máu ở  mạc treo, ruột, da. Chúng được sử dụng trong trường hợp trẻ khó thở cò cử do co thắt cơ phế quản, gặp trong bệnh hen phế quản, viêm phế quản co thắt. Nhóm thuốc này thường uống theo giờ, không liên quan đến no, đói.

Trong nhi khoa thường dùng:

– Ephedrin: 1 – 2mg/kg/ngày chia 3 lần.

– Theophilin: 10mg/kg/ngày chia 3 lần.

– Diaphilin (Theophillin 80% và Ethylendiamin 20%): 10mg/kg/ngày.

– Salbutamol: 0,3 – 0,4mg/kg/ngày.

7.4. Thuốc chống dị ứng

Trong nhóm này có loại gây ngủ và loại không gây ngủ:

– Loại gây ngủ (kháng Histamin thế  hệ I) có Dimedron, Promethazin (uống 1 – 2mg/kg/ngày), Clopheniramin, Peritol, Suprastin, Tavegin, Ketotifen, Cimetidin. Trong các loại thuốc trên đây, chỉ có Promethazin là nên uống sau bữa ăn, số còn lại thường uống trước khi đi ngủ (đói) hoặc giữa bữa ăn.

– Loại không gây ngủ (kháng Histamin thế hệ II) là l oại thuốc mới được sản xuất như Clarytin (Loratadin), Terfenadin, Certirizin, Astemizol…

7.5. Kháng sinh

Kháng sinh (antibiotic) là các chất có khả năng diệt vi khuẩn hoặc ức chế quá trình sinh sản của vi sinh vật. Khi chỉ định dùng  kháng sinh cần hiểu rõ loại vi khuẩn gây bệnh và phổ tác dụng của kháng sinh. Ngoài ra còn phải nắm chắc khả năng phân bố thuốc trong các cơ quan khác nhau. Chống chỉ định, tác dụng phụ và đường đưa thuốc vào cơ thể cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, cho nên cần phải quan tâm đến.

7.5.1. Nhóm Penicilin (lactamin)

Penicilin là loại  kháng  sinh được  nấm tạo  ra. Nó có tác  dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp màng tế bào vi khuẩn trong giai đoạn sinh sản. Sự khác nhau của các thuốc trong nhóm này là phương pháp chế tạo. Penicilin lấy từ nấm, có phổ tác dụng hẹp, diệt được các loại  cầu khuẩn gram (+) và không thể diệt được  các loại vi khuẩn tạo ra men Penicilinase như tụ cầu vàng. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người ta đã chế tạo  Penicilin bằng phương pháp bán  tổng hợp để  tạo  ra các loại  Penicilin không bị phá huỷ bởi men Penicilinase như Methicilin, Oxacilin và các loại có phổ tác dụng rộng hơn như  Ampicilin, Amoxicilin hoặc các loại có thời gian tồn tại  lâu hơn trong cơ thể như Extancilin.

Về tác dụng, Penicillin có khả năng diệt các loại  cầu khuẩn gram (+) như  liên cầu, phế cầu và một số loại tụ cầu không tạo men Penicilinase. Ngoài ra, nhóm này còn có tác dụng tốt với xoắn khuẩn giang mai và một số cầu khuẩn gram (-) như lậu cầu, màng não cầu. Sự khác biệt của từng loại thuốc trong nhóm Penicilin là sự hấp thu qua ống tiêu  hoá, thời gian tồn tại trong cơ thể, nồng độ thuốc ở các cơ quan và phổ tác dụng. Nhóm Penicilin được sử dụng khá phổ biến, tuy vậy chúng lại là nhóm thuốc hay gây nên các phản ứng dị ứng, nhất là sốc phản vệ.

Một số loại thuốc trong nhóm Penicilin:

– Penicilin V (Phenoxymethylpenicilin).

+  Phổ tác  dụng:  Chủ  yếu   các  cầu  khuẩn gram  (+)  không  tạo  men

Penicilinase, xoắn khuẩn giang mai và vi khuẩn gram ( -) như lậu cầu.

+ Dạng thuốc: Viên nén 200.000 đv, 400.000 đv, và 1.000.000 đv.

+ Liều dùng:         50.000 – 100.000 đv/kg/ngày.

+ Cách dùng:        Uống lúc đói, trước bữa ăn 1 giờ.

– Penicilin G:

+ Phổ tác  dụng:  Chủ  yếu   các  cầu  khuẩn gram  (+)  không  tạo  men Penicilinase, xoắn khuẩn giang mai và một số vi khuẩn gram ( -) như lậu cầu, màng não cầu.

+ Dạng thuốc: Có 2 muối là Na (Benzylpenicillinum Natrium hay Sodium) và  K  (Benzylpenicilinum kalium  hay  Potasium)  đóng ở  lọ  hay  ống  200.000  đv, 500.000 đv và 1.000.000 đv.

+ Liều dùng: 50.000 – 200.000 đv/kg/ngày.

+ Cách dùng: Tiêm  bắp  hoặc  tiêm  tĩnh  mạch chậm dùng  2 lần  trong ngày. Trước khi tiêm phải thử phản ứng.

+ Chú ý: Loại Penicilin muối Kali không được tiêm tĩnh mạch vì mỗi lọ có chứa 17,5mg Kali. Penicilin G bị phá hủy ở môi trường  acid và kiềm, do vậy không được dùng để uống.

– Penicilin – Procain.

+ Là Penicilin thải trừ chậm. Sau 1 lần tiêm, thuốc tồn tại trong cơ thể từ 12 – 24 giờ.

+  Phổ tác  dụng:  Chủ  yếu   các  cầu  khuẩn gram  (+)  không  tạo  men Penicilinase, xoắn khuẩn giang mai và vi khuẩn gram ( -) như lậu cầu.

+ Dạng thuốc:      Lọ 300.000 đv; 4 00.000 đv và 600.000 đv.

+ Liều dùng:         50.000 đv/kg/ngày.

+ Cách dùng:        Chỉ tiêm bắp, ngày 1 lần vào giờ cố định.

– Benzathin Penicilin (Retapen; Extancilin).

+ Là Penicilin thải trừ rất chậm.  Sau mỗi lần tiêm, thuốc tồn tại trong cơ thể từ 3 đến 4 tuần.

Phổ tác  dụng:  Chủ  yếu   các  cầu  khuẩn gram  (+)  không  tạo  men Penicilinase, xoắn khuẩn giang mai và vi khuẩn gram ( -) như lậu cầu.

+ Dạng thuốc: Lọ 600.000, 1.200.000, 2.400.000 và 4.800.000 đv.

Liều dùng: Trẻ dưới 7 tuổi: 600.000 đv/lần/3 – 4 tuần.

Trẻ từ 7 tuổi trở lên: 1.200.000 đv/lần/3  – 4 tuần.

+ Cách dùng: Chỉ  tiêm  mông (tiêm  bắp  sâu)  3 hoặc  4 tuần tiêm  1 lần trong trường  hợp điều trị phòng tái phát bệnh thấp tim, và tiêm 1 mũi trong trường  hợp viêm họng do liên cầu.

+  Chú ý:  Nếu  trẻ  bị  dị  ứng  Penicilin  thì  không  được  dùng   Benzathin Penicilin.

Ampicilin:

+ Tác dụng: Có phổ tác dụng rộng hơn Penicilin, diệt được các loại vi khuẩn gram (+) như Penicilin và một số vi khuẩn gram ( -) như E.coli, Shigella, Salmonella.

+ Dạng thuốc: Viên nén, nhộn g 250mg; 500mg; 1000mg.

Lọ tiêm 500mg; 1000mg.

+ Liều lượng:Uống:  50 – 200 mg/kg/ngày.Tiêm:  25 – 200mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Uống lúc đói, trước bữa ăn 30 phút – 1 giờ. Hấp thu từ ruột vào máu  kém. Do vậy không nên sử dụng Ampicilin viên  trong điều  trị  các bệnh ngoài đường tiêu hoá. Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm ngấm qua màng não tuỷ tốt. Do vậy có thể sử dụng trong điều trị bệnh viêm màng não mủ do các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc.

– Amoxycilin:

+ Có phổ tác dụng như Ampicilin, nhưng k hả năng hấp thu từ ống tiêu hoá tốt hơn Ampicilin tới 2 – 3 lần.

+ Dạng thuốc: Viên nén hoặc nhộng 250mg; 500mg.

+ Liều dùng: 20-40mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Uống lúc đói, trước bữa ăn 1 giờ.

– Methicilin:

+ Phổ tác dụng: Diệt  được  các loại  vi khuẩn  gr am (+) và không bị  phá huỷ bởi men Penicilinase. Do đó, nó thường được sử dụng để điều trị các bệnh nguy hiểm do tụ cầu vàng như mụn, nhọt, áp xe cơ, nhiễm trùng máu, tràn dịch  màng phổi…

+ Dạng thuốc: lọ 500mg, 1000mg.

+ Liều dùng: 100mg-200mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Tiêm bắp.

– Oxacilin, Dicloxacilin.

+ Tác dụng: Có phổ tác dụng như Methicilin, nhưng có khả năng hấp thu tốt từ ống tiêu hoá.

+ Dạng thuốc: Viên nén:          250mg; 500mg. Lọ tiêm: 125mg; 250mg; 500mg.

+ Liều lượng: 100-200 mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Uống lúc đói, trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ.

Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm.

– Azlocilin, Mezlocilin:

Là kháng sinh thế hệ thứ 3, có phổ tác dụng rộng, ngấm rất tốt vào dịch não tuỷ, thường  được chỉ định dùng  trong những trường hợp  nặng như nhiễm trùng  máu, viêm màng não mủ (dùng đường tĩnh mạch).

7.5.2. Nhóm Cephalosporin

– Tác dụng: Có tác dụng diệt khuẩn đối với các loại vi khuẩn gram (+) và gram ( -) kể cả các loại vi khuẩn tạo ra men Penicilinase (tụ cầu vàng).

– Trong nhóm này bao gồm Cefalosporin:

+ Thế hệ thứ I (Cefadroxil, Cefalexin, Cefalotin, Cefazolin, Cefradin, Cefapirin…).

+ Thế hệ thứ II (Cefamandol, Cefuroxim…).

+ Thế hệ thứ III (Cefoperazon, Cefotaxim, Cefodoxim, Ceftazidim, Ceftriazon..).

+ Thế hệ thứ IV (Cefapim, Cefpirom …).

So với thế hệ I, II, các loại thuốc thuộc thế hệ III có tác dụng với các vi khuẩn gram (-) mạnh hơn, nhưng lại tỏ ra ít  hiệu quả hơn đối với các vi khuẩn gram (+); còn các loại thuốc thuộc thế hệ IV có tác dụng rất tốt nên thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh nặng.

– Các loại thuốc viên trong nhóm này, khi uống vào sẽ được hấp thu 100% vào máu, nhưng tốc độ hấp thu có liên quan đến thức ăn, cho nên có lời khuyên là nên uống vào lúc đói. Tuy vậy, một số ít  trong nhóm này lại hấp thu tốt nhất khi được uống vào lúc no như Cefuroxim. Do vậy, khi sử dụng thuốc uống trong nhóm này, chúng ta phải đọc kỹ hướng dẫn để cho bệnh nhân dùng có hiệu quả.

– Cefalexin:

* Dạng thuốc: Viên: 250mg; 500mg.Lọ tiêm: 500mg; 1000mg.

* Liều lượng: 25-50mg/kg/ngày.

* Cách dùng: Thuốc hấp thu hoàn toàn vào máu nên uống lúc đói trước bữa ăn 1 giờ hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

– Claforan (Cefotaxim):

* Là Cephalosporin thế hệ thứ 3 có phổ tác dụng rộng hơn và có khả năng ngấm qua màng não -tuỷ tốt hơn, nhưng đối với tụ cầu thì có tác dụng kém hơn Cefalexin.

* Dạng thuốc: Lọ tiêm: 0,5g; 1g; 2g.

* Liều lượng: 1 – 3g/ngày.

* Cách dùng: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

7.5.3. Nhóm Aminoglycozid

– Neomycin, Monomycin, Kanamycin.

+ Tác dụng: có phổ tác dụng rộng, diệt các loại vi khuẩn gram (-) và các vi khuẩn gram (+). Có tác dụng phụ là gây độc với thận và giây thần kinh thính giác. Riêng Kanamycin thì hầu như không hấp thu vào máu nếu dùng bằng đường uống. Các loại thuốc trong nhóm này có thể uống vào lúc no hay đói đều được.

+ Dạng thuốc: Viên nén: 125mg, 250mg. Lọ 250mg, 500mg.

+ Liều dùng: 7-15mg/kg/ngày phụ thuộc vào loại thuốc.

+ Cách dùng: Tiêm bắp 1-2 lần/ngày vào buổi chiều, tối.

Gentamycin:

+ Tác dụng: Diệt khuẩn đối với các vi khuẩn gram (-) và các vi khuẩn gram (+). Có tác dụng phụ là gây độc với thận và giây thần kinh thính giác.

+ Dạng thuốc: ống, lọ 20mg; 40mg; 80mg; 100mg và 200mg.

+ Liều dùng: 2-5mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 1 lần/ngày vào buổi chiều, tối (Tiêm vào buổi chiều tối sẽ giảm được 2 – 3 lần độc tính của thuốc so với tiêm vào buổi sáng) .

Amikacin:

Tác dụng: Là Aminoglycozid thế hệ thứ 3 có tác dụng mạnh hơn và ít độc hơn so với Gentamycin.

+ Dạng thuốc: 100mg; 200mg; 500mg.

+ Liều lượng: 10-20mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp ngày 1 -2 lần.

7.5.4. Nhóm Macrolid

Thuốc trong nhóm này có tác dụng kìm khuẩn (ức chế quá trình sinh sản của vi khuẩn) và có phổ  hẹp đối với các loại  vi khuẩn gram (+). Nhược điểm lớn nhất của nhóm này là nếu dùng không đủ liều thì nhanh chóng gây kháng thuốc và gây kháng chéo, nghĩa là tạo nên những chủng vi khuẩn kháng cả với các kháng sinh khác. Ngoài việc gây ra các phản ứng di ứng, nhóm kháng sinh này còn có tác dụng phụ là gây vàng da, ảnh hưởng  đến chức năng gan. Vì vậy, chúng được xếp vào nhóm kháng sinh dự trữ, nghĩa là chỉ dùng  khi thật cần thiết và hạn chế dùng  cho trẻ em. Thuốc trong nhóm này gồm Oleandomycin, Oletetrin (kết hợp Oleandomycin với Tetracyclin trong tỷ lệ (1:1) cho uống lúc no, chia đều 3 lần trong ngày. Riêng đối với Erythromycin thì cần cho uống vào lúc đói, trước bữa ăn 30 – 60 phút.

Cần lưu ý:

– Không được  dùng  kết  hợp  với  thuốc  kháng  Histamin thế  hệ  II (Terfendin, Astemizol), vì gây độc với tim, dẫn đến nhịp nhanh thất, tử vong.

– Không được dùng  kết hợp với Theophylin, Diaphilin, Cafein, vì gây giảm đào thải và làm tăng độc tính của 3 thuốc cuối.

7.5.5. Nhóm Laevomycetin

Trong nhóm này có Laevomycetin (Clorocid) rất đắng và Laevomycetin stearas không đắng . Chúng là loại kháng sinh kìm khuẩn và có phổ tác dụng rộng đối với các loại vi khuẩn gram (+), gram (-) và một số virus. Khi sử dụng thuốc viên, cho trẻ uống lúc đói, trước bữa ăn 20 – 30 phút hoặc sau bữa ăn 1 giờ. Chỉ tiêm tĩnh mạch trong trường  hợp nặng. Không kết  hợp  các loại  thuốc  trong nhóm  này với  nhóm macrolid (Erythromycin), vì chúng sẽ làm giảm tác dụng của nhau.

7.5.6. Nhóm Rifamycin

Trong nhóm này bao gồm các kháng sinh được tạo ra bằng phương pháp bán tổng hợp từ nấm tia (Streptomyces mediter anei). Chúng có tác dụng diệt khuẩn với phổ tác dụng rộng đối với các vi khuẩn gram (+), gram (-) và với trực khuẩn lao. Trong thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân đái nước tiểu có màu đỏ.

– Rifamycin sv:

+ Tác dụng: Các nhiễm trùng do tụ cầu vàng và cầu khuẩn gram (+), lao.

+ Dạng thuốc: ống 1,5ml =125mg, 3ml =250mg để tiêm bắp. Lọ 10ml = 500mg để tiêm tĩnh mạch.

+ Liều dùng: 10-30mg/kg/ngày.

– Rifampicin:

+ Tác dụng: Lao, hủi và các nhiễm trùng khác.

+ Dạng thuốc: Viên nhộng 50mg, 150mg, 300mg.

+ Liều dùng: 8-10mg/kg/ngày, uống 1 lần, lúc đói, trước bữa ăn sáng 30 – 60 phút.

7.5.7. Nhóm sulfanylamid

Tất cả các thuốc trong nhóm này đều được tạo ra bằng phương pháp tổng hợp. Với cơ chế kìm khuẩn, gây rối loạn quá trình chuyển  hoá bằng cách chiếm chỗ acid para-aminobenzoic của vi khuẩn, các sulffamid có tác dụng với phần lớn  các vi khuẩn Gram (+), Gram (-) và phần lớn các loại thuốc trong nhóm này (trừ Ganidan) hấp thu rất tốt từ ống tiêu hoá, đào thải qua thận hầu như ở dạng còn nguyên vẹn.

– Co-trimoxazol (Trimazol; Biseptol; Aseptrim; Potesept; Sumetrolim…) Gồm  2 chất là Sulfamethoxazol và Trimetoprim với tỷ lệ 1/5:

+ Viên 120mg (100mg Sulfometoxazol và 20mg Trimetoprim).

+ Viên 240mg (200mg Sulfometoxazol và 40mg Trimetoprim).

+ Viên 480mg (400m g Sulfometoxazol và 80mg Trimetoprim).

+ Viên 960mg (800mg Sulfometoxazol và 160mg Trimetoprim).

+ Ống tiêm 480mg để truyền  tĩnh mạch (ít dùng).

Dù uống hay tiêm đều hấp thu rất tốt vào máu, tập trung với nồng độ cao ở phổi, tai – mũi – họng, đường tiết n iệu. Nên cho trẻ uống vào lúc no.

– Streptocid

Chỉ có tác dụng với liên cầu, uống hấp thu rất tốt. Cần lưu ý để  tránh nhầm lẫn thuốc này với một loại thuốc điều trị lao có tên gần giống là streptomycin!

– Sulfaguanidin (Ganidan): Không hấp thu qua ruột, hiện nay ít dùng.

7.6. Men tiêu hoá

7.6.1. Men tiêu hoá chất đạm  (men tiêu hoá thực sự).

Đây là các loại men tiêu hoá lấy từ tuyến tụy, hoặc niêm mạc dạ dày gia súc. Ví dụ Pancreatin lấy từ tụy bò, Pepsin lấy từ dạ dày lợn  dùng để  tiêu hoá đạm. Các loại men này được uống ngay trước bữa ăn 10 – 15 phút. Riêng Pepsin nên dùng cùng  với dung dịch acid clohydric 1%, còn Pancreatin thì uống cùng  với nước và thuốc muối (Natri hydrocarbonat). Các loại thuốc này thường dùng  cho người già và những người đã cắt dạ dày.

7.6.2. Men tiêu hoá có nguồn gốc từ vi sinh vật

Đây là các loại vi sinh vật có mặt ở ruột già. Nhờ chúng mà các chất dư  thừa, không thể tiêu hoá được ở dạ dày và ruột non sẽ được phân huỷ ở ruột già, tạo cho phân “chín” và có mùi thối do sinh ra khí sunfua hydro (H2S). Khi trẻ dùng kháng sinh kéo dài, các loại  vi sinh vật trong ruột già bị  tiêu  diệt hết, trẻ sẽ ỉa  phân  “sống”. Trong trường hợp này có chỉ định dùng men tiêu hoá có nguồn  gốc từ vi sinh vật như Biolactyl, Subtylis, Neolactyl…Mỗi gói hoặc mỗi nang có chứa 1 – 2 tỷ vi sinh vật.

Điều đáng chú ý là không dùng kháng sinh trong thời gian cho trẻ uống các loại men vi sinh vật này. Việc sử dụng các loại thuốc này trong bệnh tiêu chảy cấp là không có cơ sở, gây tốn kém cho gia đình bệnh  nhi.

7.7. Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu được sử dụng rộng rãi trong các chứng phù suy thận, suy tim, tăng huyết áp, vì bản chất của chúng là ức chế tái hấp thu Na ở ống thận, nghĩa là tăng đào thải Na kéo theo tăng đào thải nước ra khỏi cơ thể.

– Hypothiazid (Hydroclot hiazid): Là thuốc lợi tiểu ức chế tái hấp thu Na và K chủ yếu ở ống lượn gần.

+ Dạng thuốc: Viên nén: 0,025g; 0,1g

+ Liều lượng: 2 – 4mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Uống ngày 1 – 2 lần vào buổi sáng, lúc no. Mỗi đợt thường dùng 3 – 5 ngày, nghỉ 3 – 4 ngày.

– Furocemid (Lasic, Lasilic, Trofurit): Furocemid là thuốc lợi tiểu mạnh, ức chế tái hấp thu Na, K ở ống lượn gần, ống lượn xa và đoạn lên của quai Henle.

+ Dạng thuốc: Viên nén:          0,04g; ống: 0,01g; 0,02g

+ Liều lượng: 1 – 3mg/kg/ngày.

+ Cách dùng: Uống ngày 1 lần vào buổi sáng, lúc no. Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp trong trường hợp nặng, nhiều lần/ngày (20 – 500mg/ngày).

Nguồn: dieutri.vn

5/5 - (1 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment