Bất kì môn khoa học nào cũng có ít nhiều các từ ngữ chuyên ngành riêng. Đối với riêng ngành Y, các danh từ giải phẫu học có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó chiếm tới 2/3 tổng số danh từ của ngành. Ngày nay, khi chúng ta càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với y văn thế giới hơn thì việc thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành, trong đó bao gồm các thuật ngữ y khoa quốc tế, sẽ là lợi thế lớn để các bạn phát triển nghề nghiệp chuyên môn.
Thực tế có đến hàng trăm ngàn thuật ngữ y khoa, sẽ rất khó để có thể thuộc lòng tất cả. Tuy nhiên luôn có những nguyên tắc cơ bản giúp cho việc ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn. Trong bài viết dưới đây, các bạn sẽ tìm thấy những cấu trúc và thuật ngữ phổ biến được tổng hợp và trình bày theo một hệ thống, mà thiết nghĩ, sẽ giúp các bạn dễ nắm bắt nhất.
KIẾN THỨC NỀN TẢNG VỀ THUẬT NGỮ Y HỌC
Phần lớn các thuật ngữ y học bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp và Latin. Vì vậy, khi học những thuật ngữ này, thực chất bạn đang tiếp thu một lượng từ vựng ngôn ngữ khác, chứ không chỉ là tiếng Anh nữa. Thật rắc rối phải không? May mắn là mọi thuật ngữ đều được hình thành theo một cấu trúc chặt chẽ. Khi hiểu rõ nguyên tắc đằng sau cấu trúc này, các thuật ngữ y khoa sẽ không còn quá “đáng sợ” như bạn nghĩ nữa. Thậm chí, khi gặp một từ mới, bạn còn nhanh chóng đoán được nghĩa tương đối chính xác.
A. Cấu trúc từ
Hầu hết các thuật ngữ y học thường kết hợp từ 2 cụm (term) trở lên.
Cụm + Cụm + … = thuật ngữ y khoa
Thông thường, một thuật ngữ y khoa gồm một (hoặc đôi khi là hai, ba) cụm chính (root) chỉ bộ phận cơ thể người, kết hợp với các cụm tiền tố (prefix) và hậu tố (suffix) chỉ một tình trạng bệnh lý, một thuộc tính (màu sắc, kích thước, vị trí…), hay một thủ thuật, xét nghiệm y học v.v… Để hiểu nghĩa một thuật ngữ bất kỳ, các bạn cần:
- Chia nhỏ từ đó ra thành các cụm
- Phân tích từng cụm
- Kết hợp nghĩa từng cụm thành nghĩa chung.
Ví dụ:
Pericarditis
Peri = vòng quanh; card = tim; itis = viêm nhiễm
Định nghĩa: Viêm màng ngoài tim (hoặc viêm ngoại tâm mạc).
Oncology
Onco = khối u, bướu; logy = ngành khoa học, chuyên khoa nghiên cứu
Định nghĩa: Ung thư học (ngành nghiên cứu về các khối u).
B. Cụm (term)
Cụm được chia làm 5 loại chính:
1. Tiền tố (prefix) – bắt đầu một từ (ví dụ: pre- ; post- ).
Thường có một cụm khác đi sau cụm tiền tố này.
2. Hậu tố (suffix) – đứng cuối từ (ví dụ: -stomy; -itis).
Thường có một cụm khác đi trước cụm hậu tố này.
3. Cụm chính (root) – nền tảng của một từ (ví dụ: hepat; gastr).
4. Các nguyên âm kết hợp – các nguyên âm (thường là “o”) thêm vào đằng sau cụm chính (Ví dụ: gastro).
Thường có nguyên âm thêm vào cụm chính nếu:
a. Hai cụm chính đứng kế nhau (ví dụ: gastrohepatitis)
b. Từ được bắt đầu bằng cụm chính, sau đó nối tiếp bởi một hậu tố bắt đầu bằng phụ âm (Ví dụ: cardiomegaly).
5. Thể kết hợp = cụm chính + nguyên âm (ví dụ: hepat/o; gastr/o)
Có “/” giữa cụm chính và nguyên âm (hoặc đôi khi các bạn sẽ thấy nguyên âm kết hợp được viết trong dấu ngoặc đơn).
Ví dụ: Hyperleukocytosis
- hyper (tiền tố) = quá, thừa, tăng
- leuko (thể kết hợp) = trắng
- cyt (cụm chính) = tế bào
- osis (hậu tố) = tình trạng
Định nghĩa: Tình trạng tăng bạch cầu máu
CÁC CỤM CHÍNH (ROOT) CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI
Những cụm chính chỉ bộ phận cơ thể người là nền tảng cơ bản của kho từ vựng y khoa mà các bạn cần phải ghi nhớ.
Đôi khi, đối với một bộ phận, cả từ gốc Hi Lạp và từ gốc Latin đều được sử dụng trong y văn quốc tế tùy từng trường hợp.
Để diễn tả “thận”, người ta có thể dùng từ Nephr(o)- (Hi Lạp) hay Ren(o)- (Latin). Chẳng hạn bác sĩ chuyên khoa thận là “nephrologist”, nhưng xét nghiệm chức năng thận lại là “renal function test”.
Nhưng thông thường, các cụm chính gốc Hi Lạp sẽ chỉ đi với các tiền tố và hậu tố gốc Hi Lạp, tương tự cho cụm chính gốc Latin.
Bảng sau liệt kê một số cụm chính chỉ bộ phận cơ thể người quan trọng.
CÁC TIỀN TỐ (PREFIX)
Hầu hết các tiền tố gốc Hi Lạp và Latin cũng có mặt trong từ vựng tiếng Anh thông thường, không chỉ riêng cho thuật ngữ y khoa. Tuy nhiên, một số tiền tố có tần số xuất hiện khá cao trong lĩnh vực này, và học thuộc chúng là một bước quan trọng để mở rộng vốn từ chuyên ngành của bạn. Các tiền tố trong thuật ngữ y khoa thường dùng để chỉ số lượng, vị trí, kích thước, v.v…
CÁC HẬU TỐ (SUFFIX)
Các hậu tố trong thuật ngữ y khoa chỉ ra trạng thái của cụm chính, hoặc một hành động tác động đến cụm chính đó. Các hậu tố có thể được chia thành nhóm như sau:
Hậu tố chỉ chứng rối loạn, bệnh tật:
Hậu tố chỉ thủ thuật y khoa:
Các hậu tố khác:
CÁC THUẬT NGỮ GIẢI PHẪU HỌC (ANATOMICAL TERMINOLOGY)
Trong y khoa không có chỗ cho những sai sót. Vì vậy, thay vì sử dụng các từ thông thường như front, back, top và bottom – thuật ngữ y học sử dụng các từ cụ thể để chỉ các vị trí trên cơ thể người. Những thuật ngữ này như một quy ước giúp các bác sĩ phẫu thuật trao đổi với nhau và xác định chính xác đâu là mặt trước, đâu là mặt sau… tránh sự nhầm lẫn, dù cơ thể bệnh nhân được đặt ở tư thế nào, hay bác sĩ đang đứng ở vị trí nào so với bệnh nhân.
A. CÁC THÀNH PHẦN CẤU TẠO
Cell (tế bào) – tissue (mô) – organ (cơ quan) – system (hệ) – organism (cơ thể)
1. Cell (tế bào):
Các thành phần chính gồm
a. Cell membrane: Màng tế bào
b. Cytoplasm: Tế bào chất
c. Nucleus: Nhân tế bào
2. Tissue (mô):
Các loại chính gồm
a. Connective: Mô liên kết
b. Epithelium: Mô biểu mô
c. Muscle: Mô cơ
d. Nervous: Mô thần kinh
3. Organ (cơ quan):
a. Cấu tạo gồm 2 hoặc nhiều mô khác nhau
b. Có chức năng cụ thể
4. System (hệ):
Các cơ quan có chức năng liên quan đến nhau
5. Organism (cơ thể):
Một thực thể sống
B. CÁC KHOANG (CAVITIES)
Là những không gian chứa các cơ quan
1. Dorsal: Phía lưng
a. Cranial: Khoang sọ
b. Spinal: Khoang cột sống
2. Ventral: Phía bụng
a. Abdominal: Khoang bụng
b. Pelvic: Khoang chậu
c. Thoracic: Khoang ngực
C. CÁC MẶT PHẲNG GIẢI PHẪU (PLANES)
Là những mặt phẳng tưởng tượng được vẽ vuông góc với cơ thể người, chia cơ thể ra làm nhiều phần khác nhau.
1. Frontal:
Mặt phẳng đứng ngang – chia cơ thể là làm 2 phần anterior (trước) và posterior (sau)
2. Sagittal:
Mặt phẳng đứng dọc – chia cơ thể là làm 2 phần right (phải) và left (trái)
3. Transverse:
Mặt phẳng nằm ngang – chia cơ thể là làm 2 phần upper (trên) và lower (dưới)
D. CÁC VỊ TRÍ (POSITIONS)
Gồm các từ dùng để định vị trên cơ thể
1. Anterior/Ventral: Phía trước/Phía bụng – mặt trước của cơ thể
Posterior/Dorsal: Phía sau/Phía lưng – mặt sau của cơ thể
2. Deep: Sâu – xa khỏi bề mặt
Superficial: Nông – trên bề mặt
3. Interior: Dưới – nằm ở phần dưới
Superior: Trên – nằm ở phần trên
4. Lateral: Ngoài – nằm về phía 2 bên cơ thể
Medial: Trong – nằm về phía giữa cơ thể
5. Proximal: Đầu gần – nằm gần điểm gốc của cơ quan
Distal: Đầu xa – nằm về phía xa điểm gốc của cơ quan
E. CÁC CHUYỂN ĐỘNG (MOVEMENTS)
1. Flexion: Gấp – Chuyển động làm giảm góc giữa 2 xương nối với nhau tại điểm khớp. Extension: Duỗi – Chuyển động làm tăng góc giữa 2 xương nối với nhau tại điểm khớp.
2. Abduction: Dạng – Dịch chuyển chi xa ra khỏi trục giữa cơ thể.
Adduction: Khép – Dịch chuyển chi về phía gần trục giữa cơ thể.
Mẹo ghi nhớ là:
Chế ra chữ Mad Lab để nhớ: M[edial] Ad[duction] (khép là đưa về trục giữa) và L[ateral] Ab[duction] (dạng là đưa ra bên ngoài.)
Thay vì tra tự điển chỉ cần nhẩm hai chữ này thôi.
3. Pronation: Sấp
Supination: Ngửa
Mẹo ghi nhớ là: “Supination là tư thế bạn cầm chén súp”.
4. Elevation: Nâng lên
Depression: Hạ xuống
5. Medial rotation: Xoay trong
Lateral rotation: Xoay ngoài
Tạm kết: Qua một bài viết ngắn không thể trình bày và phân tích hết được các thuật ngữ y khoa thông dụng. Tuy nhiên, mình hi vọng đã đem lại cho các bạn một cái nhìn tổng quan, tạo nền tảng giúp các bạn tự học và trau dồi kiến thức. Một “tác dụng phụ” nho nhỏ của việc học các thuật ngữ y khoa này đó là: ngoài việc mở rộng vốn từ chuyên ngành, các bạn cũng sẽ áp dụng được các gốc từ Hi Lạp và Latin để ghi nhớ từ vựng tiếng Anh thông thường đấy ^^!
Chúc các bạn học tốt 😀
Tham khảo: CIPPS
Leave a Comment