Âm thanh của phòng cấp cứu tim mạch C3 – Nhật ký bác sĩ

Phòng cấp cứu tim mạch C3. Một trong những đêm trực cọc ba cuối cùng. Tôi dậy khám bệnh nhân và khi về giường không muốn ngủ tiếp nữa. 4 giờ 30 sáng, tôi nằm yên lắng nghe những âm thanh của C3.

Bạn có nghĩ rằng mỗi khoa phòng trong bệnh viện đều có điểm đặc trưng hay không, tựa như mỗi người  chúng ta có một “cá tính riêng”? Rất khó mô tả “cá tính” ấy, chỉ biết rằng với những bệnh phòng “cá tính” mạnh, ngay khi bạn bước chân vào, thì mọi thứ thuộc về bệnh phòng ấy sẽ đồng thời ập đến với bạn trong chưa đầy 10 giây đồng hồ. Tất cả thấm vào từng giác quan, len lỏi vào bộ não bạn, tác động đến suy nghĩ của bạn, khiến bạn dù nhắm mắt vẫn biết được mình đang ở đâu. Tôi nhớ khoa điều trị tích cực (ICU) ở Bạch Mai, với những tiếng “tít tít” của máy thở đã đi vào giấc mơ của tôi trong các đêm trực thời sinh viên. Bây giờ khi xem T.V, nghe tiếng “tít tít” quen thuộc ấy, là tôi biết ngay truyền hình đang chiếu về khoa ICU. Tôi nhớ phòng khám cấp cứu ngoại Việt Đức, với mùi vị không thể nhầm lẫn của phòng lưu; nó là hỗn hợp của mùi máu, mùi xăng dầu, mùi đất cát dính trên người bệnh nhân tai nạn giao thông, và mùi mồ hôi của gần 1000 con người vào ra mỗi ngày (tính cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà). Tôi nhớ cả khoa sơ sinh ở viện Nhi Trung ương, với tiếng máy lạnh chạy ro ro, tiếng bước chân của các chị y tá thoăn thoắt mà không ồn ào, cùng tiếng trẻ sơ sinh oe oe nhè nhẹ trong từng lồng kính chiếu ánh sáng trắng vàng,…

Thế vào lúc 4 giờ 30 sáng, bạn có thể cảm nhận được gì từ “cá tính” của nơi mình đã gắn bó hơn 100 buổi trực? Đêm khuya tĩnh lặng, tôi nghe từng âm thanh riêng lẻ, hình dung nó phát ra từ đâu, hình dung ra cả bệnh nhân đang nằm cạnh đó.

Đầu tiên là những tiếng tít kéo dài của bơm tiêm điện báo sắp hết thuốc, có lẽ phát ra từ giường số 3, nơi một bệnh nhân được truyền dobutamine ngày này qua ngày khác. Chị y tá dường như cũng đã nghe thấy tiếng tít ấy – một âm thanh chẳng dễ chịu với chị chút nào. Lát nữa thôi chị sẽ ngao ngán ra thay thuốc và tự hỏi bao giờ thì quy trình truyền thuốc – hết thuốc – thay thuốc này mới kết thúc. Khi người bệnh ra viện, hay khi người bệnh tử vong?

Một âm thanh khác, đều đều buồn tẻ, là tiếng “tíc tíc” của máy monitor theo dõi. Máy khá mới (so với những thiết bị khác của C3), nhưng đã kịp mắc một bệnh mạn tính là luôn luôn bị nhiễu khi cắm điện. Muốn tìm sóng P trên monitor, muốn phân tích cơn tim nhanh là nhanh thất hay nhanh trên thất, muốn tìm hiểu những sóng kì quái xuất hiện trên màn hình là do nhiễu hay do … rung thất,… chỉ có cách duy nhất là rút phích cắm ra để máy chạy bằng pin. Tuy nhiên, điều quan trọng là máy vẫn sốc điện tốt. Trong đêm trực này, tôi đã sốc điện hai lần cho bệnh nhân rối loạn nhịp thất giường số 14. Người bệnh đang được truyền duy trì amiodarone. Tiếng “tíc tíc” đều đều cho biết nhịp tim của ông vẫn ổn.

Máy móc của C3 rất dễ kêu, vì một nguyên nhân nào đó. Máy thở của bệnh nhân giường số 7 đang phát ra những chuỗi “tít tít tít te” tẻ ngắt. Suốt buổi tối, tôi đã cố gắng tắt âm thanh đó đi mà không được. Có thể đường ống dẫn khí bị rò, có thể bộ phận làm ẩm bị hỏng, có thể tôi không biết cách cài đặt thông số hợp lý. Dù sao thì bệnh nhân vẫn nằm yên. Đã thở máy hơn 2 tuần, đã thử rút ống rồi phải đặt ống lại, đã mở khí quản, dường như người bệnh (Glassgow 14 điểm) tạm hài lòng với chiếc máy cùng các âm thanh đã trở thành quen thuộc kia. Chỉ có thầy thuốc là bất lực.

Tôi nghe tiếng lăn trở của những bệnh nhân khó ngủ. Âm thanh rất gần, chắc phát ra từ giường 21, nơi hai bệnh nhân già đang nằm “úp thìa” trong đống ngổn ngang chăn bông và gối. Một bệnh nhân phình tách động mạch chủ ngực, đã được truyền 3g Perfalgan chỉ trong ngày hôm nay. Có thể chỉ ít phút nữa thôi, sẽ xuất hiện âm thanh tôi không muốn nghe, tiếng rên vì đau của người bệnh. Cùng với đó là tiếng vỗ nhè nhẹ của bà vợ lên ngực bệnh nhân – tiếng vỗ mà chúng ta “cảm nhận” nhiều hơn là “nghe thấy”.

Còn gì nữa? Đêm nay chắc phòng khám cấp cứu ít bệnh nhân, nên tôi không được nghe tiếng xe điện chuyển bệnh nhân từ khoa A9 vào. Có lần nội trú đã bình bầu đấy là âm thanh đáng sợ nhất trong mỗi đêm trực. Nó đến vào lúc nửa đêm, khi mờ sáng, giữa lúc bạn đang mệt mỏi nhất, không muốn làm việc nhất. Mắt díp lại, nhịp tim chậm, hoạt động trao đổi chất ở mức tối thiểu… Mặc kệ thôi, sớm muộn gì thì bạn cũng phải lồm cồm bò dậy, bởi sau tiếng xe điện sẽ là tiếng lách cách của cáng chạy trên nền gạch, cùng với hàng loạt âm thanh nhốn nháo khác mà phòng khám “nhân tiện” chuyển vào. Bạn mở mắt, hình dung cảnh các em sinh viên đang đẩy bệnh nhân trên cáng, theo sau là người nhà bệnh nhân, lo âu, căng thẳng. Y tá thì tất tả chạy đi đặt đường truyền. Đố ai tiếp tục ngủ được!

Phòng C3 tim mạch là một nơi lạ kì, bởi bên cạnh những phút cấp cứu căng thẳng tột độ, đôi lúc nó đem lại cho chúng ta cảm giác “lao xao” của các phiên chợ sớm. Vài bệnh nhân bắt đầu thức giấc, chuyện trò nho nhỏ. Những tiếng ngáp, vươn vai uể oải. Tiếng dép khua loẹt quẹt của người nhà đưa bệnh nhân đi vệ sinh. Tiềng xầm xì buôn chuyện phát ra từ dãy giường xếp kê dọc hành lang. Vài tiếng thở dài thưa thớt… 30 phút nữa, có thể nghe được tiếng rao vặt bán nước sôi, bán trứng luộc, bán bánh mì hay xôi nóng… Mọi người sẽ ùn ùn kéo ra mua. Trong khi bác sỹ trực bụng đói cắm cúi bên máy tính hoàn thành báo cáo giao ban…

* * *

Với tôi, mỗi âm thanh ở phòng C3 ít nhiều gì cũng đem lại cảm giác “bất an”. Nhưng  nếu C3 êm đềm cả đêm như khoa Cơ Xương Khớp, liệu nó có thân thiết và gắn bó với nội trú tim mạch đến thế?

4 giờ 30 sáng. Tôi nghe từng âm thanh nhỏ nhất, và biết mình đang ở C3, phòng C3 của chúng tôi, chứ chắc chắn không phải một nơi nào khác.

BS. Đinh Linh

5/5 - (1 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment