Việt Nam lần đầu đăng cai hội nghị kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế

Hàng nghìn chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn từ hơn 20 quốc gia sẽ có mặt tại Đà Nẵng vào tháng 3/2019 để tham dự Hội nghị kiểm soát nhiễm khuẩn (APSIC) lần đầu được Việt Nam đăng cai.

Tại buổi họp trù bị chiều 10/5, PGS.TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP.HCM, Chủ tịch hội nghị APSIC 2019 cho biết, đây là sự kiện quốc tế quan trọng nhất về kiểm soát nhiễm khuẩn mà Việt Nam lần đầu vinh hạnh được tổ chức.

Theo bà Thư, APSIC tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 tại Singapore chỉ với khoảng 500 đại biểu đến từ các nước tham dự. Những năm sau đó hội nghị lần lượt được tổ chức tại Malaysia, Trung Quốc, Australia, Đài Loan, Thái Lan với số đại biểu tăng dần.
 “Việt Nam lần đầu đấu thầu năm 2015 và được đồng ý cho đăng cai từ 19/3 đến 22/3/2019 và dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu tham dự, trong đó nửa số đại biểu là các bác sĩ, chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ hơn 20 quốc gia”, chủ tịch APSIC 2019 nói.

Diễn ra trên sân nhà, đại diện ban tổ chức cho rằng điều này giúp nhiều bác sĩ trong nước có cơ hội tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, trước đây khi tổ chức ở các nước khác, do chi phí cao và điều kiện không thuận lợi, Việt Nam chỉ có khoảng 50 người tham gia.

Ngoài việc tích lũy kinh nghiệm, APSIC 2019 được kỳ vọng là dịp khẳng định vị thế của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của Việt Nam với thế giới. Hội nghị tổ chức tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng là cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch với bạn bè các nước.

Nội dung chính của hội nghị xoay quanh các chủ đề chính gồm nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn mới nổi… APSIC 2019 có tổng cộng 160 báo cáo xoay quanh nội dung kiểm soát nhiễm khuẩn, 60 báo cáo nghiên cứu khoa học và 16 hội thảo vệ tinh.

Đồng hành cùng hội nghị là sự có mặt của rất nhiều công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe và chống nhiễm khuẩn. Các chuyên gia trong nước muốn tham gia sẽ đóng lệ phí từ 300 đến 400 USD tùy theo thời gian đăng ký và số lượng.

Thiên Chương
5/5 - (3 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment