TRẢI NGHIỆM ÔN THI BÁC SĨ NỘI TRÚ
Dr.Ruby
Đây là trải nghiệm ôn thi đến từ một tân bác sĩ nội trú, tuy mỗi người sẽ có một phương pháp học, một cách tiếp cận vấn đề khác nhau nhưng hi vọng qua bài viết chia sẻ này sẽ đem lại cho các bạn chuẩn bị bước vào kì thi nội trú những kinh nghiệm thú vị.
Kì thi nội trú của trường Đại học Y Hà Nội hiện nay bao gồm 9 môn học chia làm 4 bài thi. Nội-Nhi thi chung 1 bài thi, Ngoại-Sản thi chung 1 bài thi, 4 môn cơ sở: Giải phẫu, Sinh lý, Hóa sinh, Sinh học thi chung 1 bài thi, cuối cùng là ngoại ngữ. Các bài thi có số câu hỏi dao động từ 160 đến 180 câu thi trong 90 phút với 2 dạng câu hỏi đúng sai và MCQ, riêng môn ngoại ngữ là từ 80 đến 100 câu trong 90 phút.
I. Nội khoa
1. Tài liệu
– Bệnh học nội khoa tập 1, tập 2 của trường Đại học Y Hà Nội. Hiện có 2 bản, xuất bản năm 2012 và 2017. Sách năm 2017 được thay đổi và bổ sung thêm một số bài trong chương Tim mạch, Cơ xương khớp và Nội tiết (đặc biệt là chương Tim mạch), các chương còn lại không thay đổi.
– Sổ tay tiêu hóa của PGS Hồng. Học 2 bài Crohn và Viêm đại tràng chảy máu.
– Slide, bài giảng bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội.
– Trắc nghiệm bệnh học nội khoa của anh Đình Đông. Quyển này không phải là mẫu câu hỏi chuẩn của bộ môn nhưng hỏi sát từng chữ một trong sách, giúp bạn nhớ, ôn luyện được nội dung trong sách giáo trình. Chú ý: khi làm có khả năng gây ức chế cao độ.
– Tổng hợp đề thi y4, y6 nội thi hết môn các năm. Mua ngoài quán
2. Kinh nghiệm
– Nguyên tắc “NẮM CHẮC KIẾN THỨC TRONG SÁCH”
– Học theo mục tiêu chương trình học y4, y6 của bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội.
– Môn Nội khoa là môn có số lượng kiến thức phải học lớn nhất trong tất cả các môn và trải dài tất cả các chuyên Để ôn thi hiệu quả đòi hỏi các bạn phải nắm chắc kiến thức cơ bản ( các khái niệm, bệnh học, chẩn đoán bệnh, nguyên tắc điều trị, thậm chí đôi khi là liều một số thuốc quan trọng).
– Quá trình học: trong thời gian y6 có 3 giai đoạn:
+ Trước thi tốt nghiệp : Học theo chương trình học trên lớp. Học xong bài nào làm luôn test Đình Đông để nhớ kiến thức. Cố gắng học hết 1 lượt trong thời gian này. Làm hết tất cả các test đề thi hết môn ở ngoài quán photo, vừa giúp thi hết môn, vừa học được một lượt test. Nhưng thường thì học nội đi trực nhiều và vất vả, kiến thức nội lại nhiều nên đến lúc thi hết môn không kịp học hết.
+ Trong khi ôn thi tốt nghiệp : Học theo mục tiêu thi tốt nghiệp. Thường thì nội dung ôn thi đã chiếm gần ½ mục tiêu thi nội trú. Thế là trong thời gian khoảng 5 tuần ôn thi tốt nghiệp bạn phải học được ½ nội. Nhớ là không đỗ tốt nghiệp thì bạn sẽ được miễn thi nội trú năm đó , nên đừng coi nhẹ thi tốt nghiệp nhé!
+ Sau khi thi tốt nghiệp: Đây là thời gian bạn học được nhiều nhất, vì chẳng có việc gì ngoài học nữa. Năm nay mình có 2 tháng cho khoảng thời gian này (từ 7/6 đến 7/8). Khoảng thời gian này mình học nốt ½ mục tiêu còn lại của nội và học thêm 1 lượt nữa cho đến lúc thi. Chi tiết hơn mình sẽ viết vào phần cuối cùng của bài viết.
II. Nhi khoa
1. Tài liệu
– Bài giảng Nhi khoa tập 1, tập 2 của trường Đại học Y Hà Nội, xuất bản năm 2013. Hình như có sách mới, các bạn có thể cập nhật lại.
– Slide bộ môn Nhi của trường Đại học Y Hà Nội.
– Ghi âm bài giảng Nhi. Đặc biệt bài giảng tim mạch, tiêu hóa, hô hấp (có rất nhiều kiến thức mới không có trong sách giáo trình).
– Tổng hợp đề thi hết môn Y4, Y6 các năm ngoài quán photo, các test Nhi tổng hợp khác.
2. Kinh nghiệm
– Học theo mục tiêu Y4, Y6.
– Nguyên tắc “HỌC THUỘC TỪNG CHỮ TRONG SÁCH VÀ TRONG SLIDE.”
– Nói rằng phải học thuộc từng chữ có vẻ hơi quá nhưng thật sự môn Nhi có đặc điểm là đề thi hỏi tỉ mỉ, chi tiết. Có nhiều câu hỏi số liệu ( đôi khi số liệu sách và slide khác nhau), ngoài kiến thức trong sách đòi hỏi phải đọc và nắm rõ kiến thức trong slide. Cách học về cơ bản giống nội khoa nhưng lưu ý những đặc điểm khác nhau giữa các độ tuổi và với người lớn.
– Qúa trình học:
+ Trước khi thi tốt nghiệp: Giống nội.
+ Trong khi thi tốt nghiệp: Mục tiêu nhi thi tốt nghiệp chỉ có 5 bài. Sắp xếp được thì bạn hãy cố học nhiều hơn.
+ Sau khi thi tốt nghiệp: chi tiết ở phần cuối.
III. Ngoại khoa
1. Tài liệu
– Bài giảng ngoại khoa y4, y6 của trường Đại học Y Hà Nội.
– Slide của bộ môn ngoại trường Đại học Y Hà Nội.
– Cấp cứu ngoại tập 1, tập
– Tài liệu ngoại sau đại học.
2. Kinh nghiệm
– Nguyên tắc: “ĐỪNG NÊN HỌC THUỘC TỪNG CHỮ TRONG SÁCH MÀ PHẢI HIỂU”
– Như mình đã nói, đọc ngoại thấy rất hay nhưng trôi tuồn tuột, chẳng đọng lại gì mấy. Các câu hỏi ngoại khoa ngoài kiến thức trong giáo trình còn đòi hỏi vận dụng kiến thức lâm sàng, thực tế và một chút suy luận.
– Quá trình học: Giống nội. Sẽ bổ sung ở phần cuối.
IV. Sản khoa
1. Tài liệu
– Sản Huế. Mình chẳng thấy ghi chữ Huế nào mà ai cũng gọi vậy nên cứ gọi vậy đi.
– Bài giảng sản khoa tập 1,tập 2 của trường Đại học Y Hà Nội.
– Test sản 3000 câu ngoài quán
– Test 8 trường, làm thêm, khá giống 3000 câu.
2. Kinh nghiệm
– Nguyên tắc: “PHẢI LÀM TEST 3000 CÂU”
– Đọc sách nắm kiến thức và làm test 3000 câu ( nắm chắc và hiểu kiến thức tại sao lại chọn đáp án đó chứ nếu học mà để nhớ đáp án sẽ nhanh quên và không đem lại kiến thức thật sự cho bản thân) cũng đủ giúp các bạn có một lượng kiến thức để suy luận và làm bài trong lúc đi thi rồi.
– Học theo mục tiêu Y4, Y6.
– Quá trình học: Giống nhi. Sẽ bổ sung
V. Sinh học
1. Tài liệu
– Sách Sinh học của Bộ Y tế- Trường Đại học Y Hà Nội- Môn này được dạy năm nhất.
– Test sinh học hết môn các năm ở quán
– Test sinh học của anh Hà Thiệu ngoài quán photo. Hỏi khó, giúp nhớ rất tốt.
2. Kinh nghiệm
– Nguyên tắc: “ĐỪNG THẤY DỄ MÀ ĐỂ ĐẾN CUỐI MỚI HỌC”
– Có lẽ đây là môn dễ trong 4 môn cơ sở nhưng nếu chủ quan không ôn thì cũng thành môn khó nhằn.
– Rất nhiều bạn nói với mình không kịp học hết sinh học. Mình thấy như thế là quá phí hoài. So với 3 môn cơ sở còn lại thì sinh học là dễ thở nhất rồi. Với mình thì sinh học là thế mạnh, học đến 4 lần mà vào phòng thi có những câu vẫn ngớ người ra không trả lời được. Vẫn có nhiều câu dễ chịu để bạn làm được nếu bạn không coi nhẹ nó. Hãy học nó sớm một chút dù lúc mới bắt đầu đọc hơi ức chế một chút. Và tư duy sinh học là thừa nhận những điều đã được chứng minh, nên khi đọc sách cố gắng đừng thắc mắc “sao lại thế?” nhé !
– Quá trình học:
+ Trước khi thi tốt nghiệp: nếu quá khó khăn để nhớ, bạn hãy đọc như kiểu đọc truyện, mỗi ngày thơ thẩn vài trang nhưng phải xong một lượt trước khi thi tốt nghiệp.
+ Trong khi thi tốt nghiệp: thường sẽ không có thời gian học sinh trong thời gian này.
+ Sau khi thi tốt nghiệp: mình dành 4h/ngày trong 2 tuần để đọc hết 1 lượt sách. Sau đấy 2h/ngày cách nhật để đọc sách và làm test. Cụ thể ở phần cuối cùng.
VI. Hóa sinh
1. Tài liệu
– Sách giáo trình Hóa sinh- Đại học Y Hà Nội
– Đề cương hóa sinh của anh Hà Thiệu. Anh ấy đã tóm tắt hết những nội dung quan trọng trong quyển này. Đọc rất hay và dễ nhớ.
– Test hóa sinh của anh Hà Thiệu. Rất khó và chi tiết nhưng sẽ nhớ được nhiều.
– Test 6 đề ngoài quán
– Có thể làm thêm test Hóa sinh của trường Y dược Thành phố Hồ Chí
2. Kinh nghiệm
– Hóa sinh là môn đòi hỏi phải nhớ được các kiến thức cơ bản. Đọc test 6 đề là có thể hình dung ra cách hỏi để có cách học hiệu quả. Môn này nếu dành thời gian nghiên cứu các bạn có thể hiểu bản chất vấn đề và từ đó giúp dễ nhớ hơn.
– Với mình thì thấy học thêm có thể giúp dễ hiểu hơn và lấy tinh thần học tập.
– Quá trình học: mình cũng học như sinh học.
VII. Giải phẫu
-
Tài liệu
– Sách giáo trình Giải phẫu của trường Đại học Y Hà Nội chú ý phần test sau sách.
– Sách giải phẫu 3 bộ của thầy Trịnh Văn
– Test sau quyển atlas giải phẫu của thầy
– Các test giải phẫu ngoài quán
2. Kinh nghiệm
– Nguyên tắc “ HỌC LIÊN TỤC HẰNG NGÀY NHƯ BẠN ĂN CƠM VẬY”
– Đây là môn khó khăn nhất với mình và nhiều người bạn của mình cũng nói vậy. Vì là môn học thiên về mô tả nên có nhiều chi tiết, thuật ngữ mới mà mình gọi vui là một ngoại ngữ mới, do đó nên khó nhớ, khó tưởng tượng. Bài mà 1 tuần trước mình thuộc lòng như cháo chảy đến tuần sau mình đã như mới rồi. Vì vậy phải học liên tục. Mà học càng sớm quên càng nhanh. Mình nghĩ là chỉ nên học giải phẫu 2- 3 tháng cuối thôi (dĩ nhiên là đã học 1 lượt nắm chắc hồi y5 rồi),và học liên tục, mỗi ngày 2h. Và làm test, làm càng nhiều càng tốt để nhớ kiến thức, đặc biệt là những test mình viết trên kia.
– Ngoài ra nếu có thời gian nên đọc thêm sách giải phẫu của thầy Trịnh Văn Minh, xem các video, atlas mô tả giải phẫu để dễ nhớ hơn.
– Nhiều bạn đi ôn giải phẫu các lớp của bộ môn tổ chức đều nhận xét hay và có hiệu quả.
VIII. Sinh lý
1. Tài liệu
– Sách giáo trình Sinh lý của trường Đại học Y Hà Nội. Đọc hiểu thôi, không cần nhớ từng chữ.
– Sách Guyton đọc được thì tốt quá.
– Test Guyton bản 2,3: bắt buộc phải đọc. Đọc để biết mức độ đề và cũng thêm nhiều kiến thức
– Test Y học trực tuyến : năm nay vẫn trúng vài câu.
– Nếu bạn có khả năng ngoại ngữ có thể đọc thêm sách BRS Physiology, Pre-test Physiology, Lange QA USMLE Step 1…
2. Kinh nghiệm
– Môn sinh lý đòi hỏi phải nắm chắc kiến thức, hiểu rõ bản chất về các hoạt động trong cơ thể. Các câu hỏi thi không chỉ đơn thuần là nhớ kiến thức mà đòi hỏi vận dụng kiến thức, đặc biệt là trong các tình huống lâm sàng.
– Quá trình học: Sinh lý mình học từ y5 rồi. Đến y6 chỉ đọc khi học nội nhi, không học liên tục lắm. Đến thời gian cuối thì chỉ học test Guyton và Y học trực tuyến. Với những bạn tư duy logic, nắm chắc kiến thức thì sinh lý chắc không khó khăn đâu.
IX. Ngoại ngữ
– Nguyên tắc “PHẢI ĐƯỢC MIỄN THI, PHẢI ĐƯỢC MIỄN THI, PHẢI ĐƯỢC MIỄN THI”.
– Nếu được miễn thi rõ ràng bạn có thời gian dành cho các môn khác hơn.
– Điều kiện miễn thi đã có trong thông báo
X. Thời gian 2 tháng cuối cùng
1. Những vấn nạn thường gặp và cách khắc phục
– Mất tập trung khi học : Vì mình ôn thi tại gia nên mình gặp vấn đề này gấp 10 lần các bạn học ở giảng đường. Nên mình nghĩ tốt nhất là các bạn ra giảng đường mà học cho tập trung. 4 phía của bạn là các chiến hữu đang cày, đang học phát điên, bạn cũng sẽ phải học thôi. Còn nếu bạn không thể chịu nổi chốn ấy, bạn hãy:
+ Viết nhật kí khi bạn mất tập trung. Viết hết tất cả những thứ đang làm bạn rối trí. Viết ra rồi thì sẽ đỡ nghĩ đến nó hơn.
+ Xả xì trét bằng cách xem 1 bộ phim ngắn hoặc nghe nhạc để đầu óc được thư giãn một chút.
+ Nghĩ rằng : “Nếu không đỗ thì mấy kế hoạch bạn đang vẽ ra trong đầu cũng không thực hiện được đâu”.
+ “Học ngay đi trước khi mọi điều dần tồi tệ hơn” :3
– Cảm thấy không có động lực để học: Bạn nghĩ rằng mình không có khả năng đỗ được vì các bạn xung quanh chăm chỉ quá, giỏi quá, blab la… Cơ hội này chỉ có 1 lần duy nhất, khi bạn cố gắng hết sức, đỗ thì quá mừng rồi, nhưng khi không đỗ, kiến thức vẫn là của bạn. Đừng bỏ cuộc trước khi bắt đầu. Không có cuộc chiến nào khó khăn hơn chiến đấu với bản thân đâu.
– Không tỉnh táo được để học : Mình bị cường giao cảm nên không dùng café được. Nếu bạn giống mình thì có thể uống trà túi lọc buổi sáng cũng khá ổn. Nhưng theo mình café cũng không nên dùng quá nhiều vì giúp bạn tỉnh táo một lúc thôi chứ sau khi hết tác dụng bạn sẽ rất mệt.
– Ăn uống không đúng giờ giấc, ăn vô tội vạ : Sức khỏe của bạn là quan trọng nhất. Ăn đúng giờ,đủ bữa mới chiến đấu đến cùng được. Nhiều bạn căng thẳng quá, đến cuối còn tự điều trị mấy lượt PPI. Mình kể vậy để bạn biết sự khốc liệt của ôn thi nội trú thôi. Các bạn hãy nhìn những vận động viên chuyên nghiệp là một ví dụ, để chuẩn bị cho một trận đấu, họ tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng rất bài bản. Càng các đội tuyển đầu tư nhiều cho các yếu tố trên thì khi thi đấu thành tích càng cao. Nói như vậy để các bạn thấy được tầm quan trọng của ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ.
– Bạn chẳng được ai cho tài liệu cả: học thuộc sách đi và nắm chắc kiến thức đi. Đây mới là vũ khí giúp bạn chiến đấu với kì thi. Đừng sân si trong cuộc chiến tài liệu này.
– Nếu bạn được cho quá nhiều tài liệu: HÃY CẨN THẬN! Nếu còn thời gian hãy kiểm tra so sánh tài liệu với giáo trình để biết mức độ chính xác của kiến thức trong tài liệu, dù sao đề thi cũng được xây dựng dựa trên giáo trình mà.
– Thời gian cuối test tràn lan, rầm rộ,làm hoang mang lòng người luôn. Năm của mình thì 1 tuần cuối thì test ngập tràn các quán photo với đủ chủng loại. Mình đã quyết định không làm luôn để tránh hoang mang tư tưởng. Mình nghĩ thời gian cuối để dành ôn lại những thứ bạn đã học thì hơn là nạp thêm kiến thức mới.
2. Quá trình cụ thể:
– Mình thường lập thời gian biểu rõ ràng và chi tiết cho mỗi tuần. Mình không thức khuya dậy sớm được, vì rất mệt và sức khỏe của mình không tốt lắm nên một ngày mình chỉ học từ 5h30 đến 23h45 (cái này thì tùy từng bạn nhé, có những bạn học từ 7h30-8h đến 23h30 cũng vẫn ok).
– Trong quá trình học mình áp dụng chiến thuật cứ học khoảng 25-30 phút sẽ dành 5 phút nghỉ, sau khoảng 2, 3 lượt như thế sẽ nghỉ 10-15 phút hoặc dài hơn để tránh cảm giác chán nản.
– Trong 2 tuần đầu tiên, mình học hết 1 lượt nội,nhi, giải phẫu, sinh lý. Lịch cụ thể như sau:
– Trong 2 tuần tiếp, mình học hết 1 lượt ngoại,sản,sinh học, hóa sinh. Lịch tương tự như 2 tuần đầu tiên.
– 3 tuần tiếp theo, mình học 6 môn/ngày. Lịch xen kẽ như sau:
– Mình cố gắng xếp lịch học theo đúng thời gian thi trong lịch thi ( năm mình nội nhi thi sáng, ngoại sản thi buổi chiều) ( trừ cơ sở). Đến tuần cuối sẽ không học theo lịch xen kẽ được nữa mà học kiểu 2 ngày 1 môn. Đến lúc đấy rồi thì bạn sẽ tự tìm được đường riêng để học thôi.
– Thời gian biểu của mình còn rất nhiều thời gian trống vì mình phải nấu cơm dọn dẹp nhà cửa. Nếu bạn học ở giảng đường hoặc có mẹ chăm thì bạn hãy cố gắng học nhiều hơn mình nhé !
* LỜI KẾT:
Tất cả những gì mình viết đều là ý kiến chủ quan của mình, đặc biệt phần phân bổ thời gian học, mỗi người phụ thuộc vào khả năng của mình mà sẽ có chiến thuật phù hợp, mình tin cái này mỗi người mỗi khác. Hãy tham khảo nhiều hơn ở những người giỏi hơn mình, các anh chị nội trú khóa trước để tìm ra cách học hiệu quả, phù hợp với bản thân. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc. Mong sẽ giúp ích cho bạn. Cố gắng lên, may mắn chỉ đến với những trí tuệ chuyên cần!
Xem thêm:
Leave a Comment