1. KHÁI NIỆM
Da phủ vùng âm hộ là một tập hợp các tế bào biểu mô sinh dục, trải rộng từ phần ngoài cùng của âm đạo tới vùng tầng sinh môn và quanh lỗ hậu môn. Tăng sinh non (neoplasia) ở vùng da âm hộ thường đi kèm với nhiều vị trí loạn sản ở đường sinh dục thấp.
2. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN
Bệnh diễn biến âm thầm mà không có triệu chứng gì nổi trội, phần lớn người bệnh VIN có triệu chứng ngứa (chiếm 60%), do vậy việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào sự quan sát kỹ bằng mắt và qua soi âm hộ nhằm phát hiện ra những vị trí tổn thương nghi ngờ để sinh thiết.
Chẩn đoán tổn thương tiền ung thư: khoảng 1-2% phụ nữ trẻ có loạn sản cổ tử cung thì cũng có nhiều tổn thương bệnh lý phát triển ở 1/3 trên âm đạo, âm hộ, vùng da tầng sinh môn và xung quanh hậu môn. Các tổn thương này có thể chỉ là các loạn sản trung bình cho đến ung thư tại chỗ với hình ảnh điển hình là tổn thương màu trắng, sừng hoá, nhưng cũng có thể có màu sắc bất thường khác như màu xanh xám, hồng, hoặc nâu. Đôi khi cũng có thể thấy xuất hiện mạch máu bất thường tại âm hộ và khi đó thường đi kèm với tổn thương loạn sản nặng hay ung thư. Sinh thiết để khẳng định chẩn đoán là tiêu chuẩn vàng.
3. ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG TIỀN UNG THƯ
– Bao gồm cắt bỏ rộng tổn thương, kèm theo đốt bỏ bằng laser những tổn thương nhỏ, bôi 5-fluorouracil (5-FU). Ở những phụ nữ trẻ đôi khi tổn thương có thể tự thoái triển.
– Các trường hợp VIN III (ung thư tại chỗ) có khoảng 10- 22% là ở giai đoạn ung thư vi xâm nhập, những trường hợp này điều trị tốt nhất là cắt âm hộ, nhất là ở những phụ nữ lớn tuổi.
– Người bệnh cần được theo dõi sau điều trị ít nhất trong vòng 2 năm, cứ 6 tháng khám lại một lần kết hợp với soi âm hộ.
Leave a Comment