1. Bộ nhớ tế bào
Bộ nhớ tế bào (Cellular Memory) là một giả thuyết gây tranh cãi, rằng cơ thể con người tự nó có khả năng lưu trữ những ký ức chứ không chỉ riêng gì não bộ. Nhiều người cho rằng điều này không có thật, chỉ là “thuyết âm mưu”, hay liên kết tới nỗi đau chấn thương trong quá khứ. Nhóm chuyên gia ở Đại học Hawai (UoH) Mỹ vừa hoàn thành nghiên cứu ở nhóm người nhận ghép tạng, họ thường có những thay đổi nhân cách sau khi được cấy ghép. Nghiên cứu thực hiện ở 10 bệnh nhân, mỗi người có từ 2 – 5 thay đổi sau khi cấy ghép tim và những thay đổi này liên quan đến người hiến tặng, như thực phẩm, nghệ thuật, giải trí, nghề nghiệp và cả tình dục. Một trường hợp khá nổi tiếng được y văn thế giới nhắc đến là nữ bệnh người Mỹ có tên Claire Sylvia, đã được ghép tim từ một người đàn ông 18 tuổi chết trong một tai nạn giao thông. Thức dậy sau giải phẫu, Sylvia đã có một ham muốn rất lạ, thích uống bia và thịt gà, những thứ mà trước đây Sylvia hoàn toàn không bao giờ nghĩ đến.
Và quan trọng hơn, Claire Sylvia tiếp tục có những giấc mơ mang tính định kỳ về một người có tên Tim L. Sau thời gian tìm kiếm, Sylvia đã khám phá thấy trái tim mà Sylvia hiện mang là của một người đàn ông tên là Tim, và các món ăn mà Sylvia thèm đều có nguồn gốc từ người đàn ông này. Theo một nghiên cứu khác do Đại học Tufts thực hiện, các nhà khoa học đã tạo ra một con sâu, sau đó loại bỏ phần đầu và não, cơ thể nó co lại còn 1/279 kích thước thực ban đầu. Con sâu sau đó được tái sinh trong phòng thí nghiệm và vẫn cho thấy những dấu hiệu của quá khứ. Nghiên cứu về bộ nhớ tế bào cho thấy, hiện tượng trên được chứng minh là có thật, song đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết nên cho có những giải thích chưa mang tính thuyết phục, đặc biệt là liên quan đến trường hợp cấy ghép tạng.
2. Hiện tượng Lazarus
Lazarus hay Hội chứng Lazarus (LS) được định nghĩa là hiện tượng hệ tuần hoàn hoạt động trở lại một cách tự phát sau khi các nỗ lực hồi sức cấp cứu bất thành. Hội chứng này được đề cập từ năm 1982, y văn thế giới đã ghi nhận 38 trường hợp mắc hội chứng này. Nó là hiện tượng hiếm gặp, nên y học vẫn chưa hiểu rõ. Vì vậy có nhiều giả thiết được đưa ra, chẳng hạn như do tích tụ áp suất trong lồng ngực hồi sức tim phổi (CPR). Việc thư giãn áp lực sau khi các nỗ lực hồi sức đã kết thúc được cho là giúp tim mở rộng, kích hoạt các xung điện và cho nhịp tim khởi động lại. Các yếu tố khác có thể là sự tăng kali máu hoặc dùng epinephrine liều cao.
Ca bệnh LS ở BV Hospital da Restauracao ở Brazil đã sống trở lại hồi năm 2016
Một trong những ca bệnh LS nổi tiếng ở Mỹ là bé gái 11 tháng được nhận vào điều trị tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester (URMC). Bé gái được tuyên bố là đã chết sau khi hồi sức tim phổi (CPR), được tiêm 7 liều epinephrine, truyền hai túi dịch, và 4 lần shock ngực. Sau hai phút bị liệt, thời gian chính thức được gọi là chết lúc là 1h 58 phút chiều. Gia đình bé gái hết sức đau lòng và chấp nhận sự ra đi của con gái. Mười lăm phút sau khi được tuyên bố là đã chết, người ta mới chính thức rút ống thở ra. Đột nhiên, cô gái bắt đầu hít thở tự nhiên, tim bắt đầu đập trở lại, màu sắc da hồi sinh, tiếp đến là phản xạ ở miệng xuất hiện. Các bác sĩ trực và điều trị cho bé cho hay, họ chưa từng thấy hiện tượng này bao giờ. Giải thích cho khả năng kỳ diệu nói trên hiện chưa có hồi kết. Một số nhà khoa học cho rằng, có nhiều cơ chế cùng khởi động, chẳng hạn như sự hoạt hóa thuốc chậm hoặc làm lượng kali cao…, song tất cả những giả thiết này đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
3. Hiện tượng Chemo brain
Nhiều người sống sót sau ung thư thường sử dụng thuật ngữ có tên Chemo Brain (Não sau hóa tri liệu hay Rối loạn chức năng não) để mô tả các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ xảy ra sau khi qua hóa trị liệu. Các triệu chứng có thể khác nhau giữa người này với người kia, từ khó tập trung nhớ hoặc khó thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc. Thông thường, hệ thần kinh trung ương kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và sự phối hợp giữa các phần cơ thể. Nhưng sau khi hóa trị liệu, thuốc hóa trị có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ, hoặc làm người trong cuộc khó tập trung hoặc khó suy nghĩ rõ ràng hơn. Triệu chứng này thường được gọi là chemo fog hoặc chemo brain. Việc suy giảm nhận thức có thể biến mất sau quá trình điều trị nhưng cũng có thể sẽ kéo dài một vài năm. Nặng hơn có thể dẫn đến lo âu và căng thẳng.
Tuy nhiên do Chemo brain trở nên phổ biến, nên các bác sĩ cho rằng đây là hiện tượng có thực và gây suy nhược. Hiện, không có sự đồng thuận về những gì ảnh hưởng đến rối loạn chức năng não sau hóa trị liệu. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra nguồn gốc của hiện tượng này song đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
4. Hội chứng sinh viên y khoa
Hội chứng sinh viên y khoa (Medical Student Syndrome hay Second Year Syndrome hoặc Intern’s Syndrome), gọi ngắn MSS, là tình trạng sinh viên y khoa tự cảm thấy mình trải qua những triệu chứng của một căn bệnh mà họ đang nghiên cứu. Ví dụ, khi nghiên cứu bệnh Hodgkin, một sinh viên y khoa cảm thấy phía sau tai hoặc cổ của anh ta có các hạch bạch huyết nhỏ giống như mắc bệnh Hodgkin nhưng thực tế chẳng có gì. Một số giả thiết cho rằng MSS phải được gọi là nomophobia (chứng sợ hãi) chứ không phải là hypochondriasis (hoang tưởng). Các tài liệu tham khảo cho thấy, tình trạng này có liên quan đến mối bận tâm tức thời của các triệu chứng nghi ngờ, làm cho các sinh viên nhận thức quá mức về các rối loạn chức năng tâm lý và sinh lý bình thường. Đây chỉ là yếu tố ngẫu nhiên liên quan đến quá trình học tập và kinh nghiệm của họ.
Bệnh nhân mắc hội chứng MSS
Trên thực tế, hội chứng sinh viên y khoa không chỉ giới hạn ở sinh viên y khoa mà có thể ở bất cứ ai. Nguyên nhân xảy ra hội chứng này là khi ai đó đọc hay tìm hiểu về một căn bệnh hoặc rối loạn và từ đây bắt đầu tin rằng mình đang bị bệnh hay rối loạn ấy. Không rõ chính xác tại sao lại xảy ra căn bệnh này, các nhà nghiên cứu tin rằng các sinh viên y khoa tạo ra một giản đồ tinh thần khi họ tìm hiểu về căn bệnh và một số bắt đầu nhận ra rằng những cảm giác của cơ thể như là một phần của giản đồ này. Một nghiên cứu khác cho thấy 78,8 % sinh viên y khoa mắc một dạng của hội chứng MSS. Ở một số người, sự lo lắng về bệnh có thể làm suy nhược cơ thể, dẫn đến việc kê đơn, điều trị y tế không cần thiết.
5. Hội chứng KTS
Hội chứng KTS (Klippel-Trenaunay Syndrome) là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp được mô tả lần đầu tiên vào năm 1900. Với ba triệu chứng chính: Một, phì đại mô mềm ở ngọn chi, giãn tĩnh mạch; hai, u mạch máu ở da; và ba, u mạch bạch huyết. Có tới hơn 90% trường hợp KTS xuất hiện ở chi dưới. Nguyên thủy, KTS từng được gọi là hội chứng Klippel-Trenaunay-Weber, nhưng từ Weber đã được lược bỏ để tránh nhầm với hội chứng Parkes -Weber. Hội chứng Parkes -Weber đặc trưng bởi một hoặc nhiều dị dạng động tĩnh mạch có vài biểu hiện tương tự như KTS nhưng lại trầm trọng hơn vì Hội chứng KTS không có dị tật động tĩnh mạch.
Người mắc Hội chứng KTS
Hội chứng KTS có thể chẩn đoán qua bệnh sử và khám thực thể. Siêu âm Doppler và chụp cộng hưởng từ MRI có thể đánh giá được tình trạng hệ thống tĩnh mạch sâu. MRI cũng có ích trong bệnh cảnh phì đại mô mềm. Điều trị KTS phụ thuộc vào triệu chứng của mỗi bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân vẫn có tuổi thọ như người bình thường, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dị tật và biến chứng. Khoảng 10% bệnh nhân có thể xuất hiện bệnh lý tắc mạch phổi. Một trong những trường hợp điển hình mắc KTS là Billy Corgan (ca sĩ),và Matthias Schlitte, một đô vật chuyên nghiệp. Đáng chú ý, Schlitte được biết đến với cánh tay phải giống như nhân vật Popeye, nó cho phép Schlitte trở thành một đô vật cực kỳ thành công. Tình trạng của Schlitte khiến xương cánh tay phải lớn hơn 33% so với cẳng tay trái.
BS. BÍCH KIM
(Theo Listverse.com- 4/2018
Leave a Comment