Biết dùng từ gì để tả những đêm trực thời sinh viên?
Tôi không thể nói rằng “bổ ích và thú vị”. Tất nhiên là nó rất bổ ích – theo một khía cạnh nào đó – và đôi khi thú vị nữa; nhưng tôi không muốn các bạn hiểu nhầm rằng tôi mong chờ những đêm trực, rằng trước mỗi tua trực lòng tôi dấy lên một niềm hứng khởi dạt dào như một cậu bé nghĩ đến việc chơi game, như một cô bé nghĩ đến thú nhồi bông, như một quí bà nghĩ đến việc đi shopping, vv và vv,…
Tôi cũng không thể suốt ngày kêu ca là “mệt mỏi”. Một số đêm trực rất rất rất mệt mỏi, nhưng cũng có nhiều đêm thật nhàn nhã và sung sướng. Bạn hãy nghĩ một cách logic thế này: nền y tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện (tôi có khá nhiều số liệu để chứng minh điều đó). Do vậy, sẽ là vô lý nếu ta cho rằng các khoa phòng lúc nào cũng kín đặc những bệnh nhân thập tử nhất sinh, những người mà chỉ cần ta lơ là một chút thôi thì họ sẽ lên một cơn XYZ nào đó (tôi dùng chữ “XYZ” thay cho các thuật ngữ chuyên môn để bạn đỡ thấy rối rắm) và rơi vào tình trạng nguy kịch. Vài bệnh nhân có thể mất ngủ (vì đau, vì mệt, vì lo lắng), nhưng nhiều người ngủ ngon trong bệnh viện, một số thậm chí còn sinh hoạt điều độ hơn khi ở nhà (không thức khuya quá, không xem bóng đá ban đêm, giải trí nhẹ nhàng, không to tiếng hay cãi vã, rượu và thuốc lá đương nhiên là bỏ). Nói chung, trong một đêm trực yên bình, nhiệm vụ của sinh viên chỉ là khám các bệnh nhân mới, ghi vài dòng theo dõi vào bệnh án, xử lý vài tình huống lặt vặt.
Thế thì “vui vẻ” vậy? Trời ơi, đi trực mà còn thấy vui? Bạn bè rủ đi chơi – “Tối nay tao bận trực rồi”. Và trong lúc chúng nó tung tăng chơi bời ở đâu đó, nhảy múa và ca hát, mút chùn chụt từng que kem mát lạnh hay xuýt xoa với đĩa nem chua nướng thơm lừng, thì người sinh viên Y chăm chỉ (không chăm thì sẽ bị kỉ luật) cặm cụi bên chồng hồ sơ bệnh án, hoặc ngồi gà gật đọc vài trang báo nhạt nhẽo để giết thời giờ. Có sinh viên Y nào không nhớ Viện Nhi Trung Ương với dãy hành lang vừa dài vừa tối, với căn phòng giao ban trống trải ánh điện mù mờ, với sự cô đơn đến não nề khi lê bước leo 8 tầng thang gác không một bóng người (thang máy hỏng, các bạn ạ). Hai khái niệm “đi trực” và “vui vẻ” ít khi song hành cùng nhau.
Này, nhưng đừng vội phán là “buồn tẻ” đấy nhé. Trong ba năm học lâm sàng ngắn ngủi của mình, tôi đã trải qua hai cái Tết ở bệnh viện. Năm thứ tư: trực cả ngày mùng 1 (24/24h), năm thứ sáu: trực đêm 30. Cứ nghĩ xa nhà là sẽ buồn, nhưng tua trực thân quen và gần gũi cũng làm lòng ta ấm lên chút ít. Đêm 30 Tết vừa rồi, cả tua trực vào phòng bác sĩ liên hoan tất niên. “Bệnh nhân cấp cứu thì cũng phải chờ một chút để chúng ta chúc mừng năm mới nhau cái đã”. Có thịt gà, có bánh chưng, giò lụa, canh bóng nấu với măng, và vui hơn, có những giai thoại trường Y vừa kì dị, vừa độc đáo, vừa hài hước, ai đã nghe qua một lần sẽ chẳng thể nào quên. Năm Y4 thậm chí còn thấy tiếc một chút vì không được trực đêm 30, trực đêm 30 ở phòng khám Ngoại Việt Đức là sẽ được thày Bách đến chúc Tết và mừng tuổi. Nghe kể lại: bác sĩ cọc I được 2k, cọc II 5k, sinh viên nhỏ nhất, không biết có được đến 20k không? – Tiếc thay đó cũng là cái Tết cuối cùng của thày.
À, mà đang nói về những đêm-trực-không-buồn-tẻ, phải không nhỉ? Còn gì thú vị hơn khi được gặp một anh nội trú “hợp giơ”, nghe anh kể lại những kinh nghiệm lâm sàng, chia sẻ những tâm tư, trăn trở. Còn gì vui hơn khi mình trực cùng tua với đứa bạn thân, hẹn nhau vào một thời điểm rỗi rãi nào đó (bạn biết đấy, có khá nhiều lúc rỗi rãi) rồi cùng nhau đi ăn tối và buôn chuyện? Tôi nhớ đêm Quốc khánh vừa rồi (2/9/2005), ba đứa sinh viên bên cạnh việc trực khoa Sản Bạch Mai còn kịp tổ chức cho mình một bữa kỉ niệm ra trò với đủ cả thức uống và đồ nhắm (cụ thể là gì thì xin phép không nói ra). Hay như tuần trước trực Ngoại Việt Đức, đêm trực cuối cùng của thời sinh viên, cả tổ góp tiền lại làm một buổi liên hoan xôm tụ, mời tất cả bác sĩ y tá cùng tham dự. Lại thêm một lần “Cứ tiến hành cấp cứu bệnh nhân, nhưng sau đó lên liên hoan với các em Y6, nếu phải mổ mai mổ bù đến trưa cũng được” (thày Hưng 1B mà còn phát biểu như thế, đố bác sĩ nào “không dám” lên chung vui?)
***
Bạn thân mến, bạn thật đáng yêu khi kiên nhẫn đọc tới dòng cuối cùng này. Tôi đã viết quá dài, đã quá xa cái mục đích ban đầu của mình (chịu không hiểu nổi ban đầu mình định viết gì về các đêm trực nữa). Nhưng có một điều chắc chắn là: dù tôi không thể nhớ hết từng đêm trực, nhưng tôi nhớ khá nhiều, và khá rõ đến từng chi tiết. Thế là đời sinh viên đã trôi qua, sắp đến lúc “rũ bùn đứng dậy sáng loà” (bác sĩ thì phải oai hơn sinh viên nhiều chứ, phải không?), nhưng sao vẫn nhớ những kỉ niệm thời còn là sinh viên đi trực đến thế? Nhớ từ những ngày Y3 đầu tiên lơ ngơ nhận trực, hăng hái làm mọi việc cỏn con vặt vãnh nhất, nhớ đến lúc Y6 “đầu có sỏi”, vừa trực vừa tranh thủ … đè đầu cưỡi cổ bọn Y3. Tôi sẽ còn nhiều, rất nhiều đêm trực nữa trong đời, và những trải nghiệm 3 năm qua mới chỉ là màn dạo đầu ngắn ngủi. Nhưng dù thế nào thì đêm trực thời sinh viên vẫn có những đặc điểm riêng đáng nhớ. Uh, có thể bổ ích hay vô vị, có thể mệt mỏi hay nhàn nhã, buồn chán hay vui vẻ và thú vị, nhưng chắc chắn là rất “đáng nhớ”.
Leave a Comment