1. Đại cương
– Vết thương được hiểu là vết mổ của cuộc phẫu thuật hay vết thương do sang chấn gây ra.
– Nhiễm trùng vết thương tỉ lệ thuận với tình trạng sạch, nhiễm của vết thương. Nếu vết thương sạch, nhiễm trùng khoảng 1,5% – 3,9%. Nếu vết thương bẩn, tỉ lệ nhiễm trùng khoảng 28% – 40%.
– Khi nhiễm trùng vết thương ở trên lớp cân, được gọi là nhiễm trùng nông. Khi nhiễm trùng ở dưới lớp cân, gọi là nhiễm trùng sâu.
2. Nguồn gốc vi khuẩn
Vi khuẩn xâm nhập vết thương từ một ưong hai nguồn gốc sau đây:
– Có sẵn trong cơ thể: thường gặp nhất là các vi khuẩn có ở bề mặt của da, hay thường trú ở lớp niêm mạc.
– Từ cơ quan bị nhiễm trùng, ví dụ nhiễm trùng vết mổ của viêm ruột thừa. Vi khuẩn tìm thấy ở ruột thừa là nguyên nhân nhiễm trùng vết mổ.
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm trùng vết thương
3.1. Nông
Nhiễm trùng xảy ra trong vòng 30 ngày sau khi bị vết thương của lớp da hay lớp dưới da nằm trên cân được biểu hiện bằng:
– Mủ chảy ra từ vết thương hay nơi dẫn lưu.
– Vết thương được đóng kín, nhưng trong dịch tiết có vi khuẩn (khi cấy).
– Phẫu thuật viên phải mở vết thương dù cấy dịch của vết thương không có vi khuẩn.
3.2. Sâu
– Nhiễm trùng nông ăn lan xuống dưới lớp cân của mô mềm.
+ Trong vòng 30 ngày nếu không có mảnh ghép.
+ Trong vòng 1 năm nếu có mảnh ghép.
– Được biểu hiện như sau:
+ Phải mở vết thương (trước đó đã may kín) vì bệnh nhân sốt hay có dấu hiệu sưng, đau (dù cấy dịch không có vi khuẩn mọc).
+ Có ổ áp-xe hay biểu hiện nhiễm trùng khi khám, khi mổ hay xét nghiệm mô học.
– Để dễ dàng cho việc phân loại và điều trị, có thể chia nhiễm trùng vết thương làm bốn mức độ:
+ Độ 1: Sưng, nóng, đỏ, đau tại vết thương. Có thể có chảy dịch (có hay không có vi trùng) từ vết thương.
+ Độ 2: Có mủ ở lớp mỡ.
+ Độ 3: Có mủ ở lớp mỡ và lớp cơ. Hay chỉ có mủ ở lớp cơ.
+ Độ 4: Khi có tình trạng viêm tấy lan rộng xung quanh vết thương.
4. Phòng ngừa
– Môi trường trong phòng mổ phải sạch. Ngoài các biện pháp khử trùng phòng mổ bằng formol, dùng tia cực tím. Phải giảm số người vào phòng mổ, giới hạn nói chuyện và nhất là phải lọc không khí trong phòng mổ, để giảm thiểu tối đa số lượng vi khuẩn trong không khí.
– Dụng cụ và khăn trải vùng mổ phải vô trùng và chống thấm, nếu được khử trùng tốt thì không phải là nguồn nhiễm trùng. Khi khăn trải bị ướt sẽ không ngăn cản được vi khuẩn từ dưới lên trên xâm nhập vào vùng mổ. Tốt hơn là dùng loại khăn trải bằng chất dẻo không thấm nước ở dưới trước khi phủ lên loại khăn trải bằng vải.
– Rửa tay sạch: có nhiều loại xà bông sát trùng: hexachlorophene, povidone iodine, chlorhexidine được dùng để rửa tay cho kết quả rất tốt, làm giảm số lượng vi khuẩn ở da của tay người tham gia cuộc mổ. Vì vậy chỉ cần 5 phút thay vì 10 phút để rửa tay phẫu thuật viên trong các cuộc mổ thông thường.
– Găng: không được thủng. Cuộc mổ càng kéo dài hoặc găng tay bị thủng, phải được thay ngay.
– Giảm thời gian nằm viện trước mổ: Vì bệnh nhân nằm trong bệnh viện càng lâu càng đễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, vi khuẩn trong bệnh viện bao giờ cũng có độc tính cao hơn và có tỉ lệ kháng thuốc cao.
– Vệ sinh lông ở vùng mổ gần với lúc đi mổ thay vì 2 -3 ngày trước đó. Khi cạo lông phải tránh làm trầy da. Trước đây người ta hay dùng lưỡi lam, ngày nay hay dùng tông đơ (của thợ hớt tóc) để cắt lông.
– Chuẩn bị sạch da vùng mổ bằng các dung dịch sát trùng: rửa vùng mổ từ 5-10 phút bằng xà bông sát trùng sau đổ bôi lên vùng mổ dung dịch iodine, hay chlorhexidine hay povidone-iodine. Hiện nay, có thể cho bệnh nhân tắm trước khi xuống phòng mổ, chuẩn bị da chỉ còn bôi dung dịch sát trùng trước khi mổ.
– Tăng sức đề kháng cơ thể: Nuôi dưỡng tốt bệnh nhân trước mổ, nếu bệnh nhân mập cần phải giảm cân nặng trước mổ, điều chỉnh những rối loạn do xơ gan, suy thận, tiểu đường, bệnh phổi phải được điều trị trước mổ chương trình. Bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá trước mổ.
– Kỹ thuật mổ: Đường mổ đủ dài. Hạn chế gây sang chấn cho các tổ chức lân cận. Cầm máu tốt, đảm bảo dẫn lưu hoạt động tốt.
– Kháng sinh dự phòng: có thể giảm tỉ lệ NT cho những cuộc mổ chương trình. Lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào: loại phẫu thuật, cơ địa của bệnh nhân…
Ngoại Khoa Cơ Sở – Triệu Chứng Học Ngoại Khoa, NXB Y Học, 2013
Leave a Comment