Nghề Y sướng hay khổ? – Chuyện Nghề Y

Tuy nhiên, nghĩ kỹ, cũng không khổ đến thế.

Tớ thử liệt kê vài lý do “tự sướng”.

1. Tuổi nghề dài

Luận điểm quen thuộc nhất là “Bằng giờ này bạn bè đã có nhà lầu xe hơi rồi!” Tớ không phủ nhận, học nội trú đồng nghĩa với đến gần 30 mới tự nuôi được bản thân. Nhưng tuổi thọ của nghề Y lại dài hơn hẳn. Cầu thủ bóng đá và ca-ve giải nghệ sau tuổi 30. Ca sĩ giảm chạy sô sau tuổi 50. Quan chức về vườn sau tuổi 60. Còn mấy ông bác sĩ cứ như giống hoa lan nở muộn lâu tàn, đến ngoài 70 vẫn sống tốt. Tự cổ chí kim, đó là chân lý. Dù rằng vào tuổi 70, đồng tiền kiếm được có lẽ không nhiều giá trị với bản thân như đồng tiền ở tuổi 30. Nhưng ít nhất, chúng ta sẽ không sợ “về hưu”.

2. Sức khoẻ được đảm bảo

Sống ở Việt Nam rất nhục!!! (Vâng, đúng thế). Cái gì không thuộc chuyên môn của mình là có nguy cơ bị lừa rất cao (động từ này hơi nhẹ). Cụ thể: đi chợ thì bị “bóp”, gửi xe máy thì bị “chém”, oánh phỏm thì bị “thịt”, lo thủ tục hành chính thì bị “hành”, vv và vv… Các thầy thuốc nhà ta có thể yên tâm, dù ngày ngày vẫn đối mặt với nguy cơ bị cảnh sát giao thông chặn đường thu tiền vô lối, dù mỗi dịp thu về vẫn phải đạp cổng trường nộp đơn xin học cho con,… thì khi ốm đau bệnh tật, chúng ta và người thân đàng hoàng có cơ hội được hưởng chất lượng chăm sóc tối ưu nhất trong phạm vi tài chính của bản thân và năng lực của nền y tế nước nhà. Mà sức khoẻ là quan trọng nhất, bao giờ chả thế, mãi mãi như thế!

3. Sự ổn định của thu nhập

Trong môi trường mà ba cách làm giàu nhanh nhất là “tham nhũng”, “buôn lậu” và “đầu cơ”, hiển nhiên bác sĩ làm giàu không dễ. Nhưng tớ tin không bác sĩ nào chết đói cả. Thời buổi khủng hoảng này, kiếm tiền tậu nhà, mua ôtô, đánh “gôn” thì khó; chứ để mua cái máy ảnh bèo, mua điện thoại lướt Phây-búc, mua giấy gấp origami, đi hát và thu âm giọng hát, hay cà phê chém gió thì dư sức. Hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ, bong bóng bất động sản sẽ vỡ hoặc không, giá xăng giảm và giá điện tăng,… thầy thuốc nhà ta vẫn ung dung làm việc trong ốc đảo bệnh viện của mình, với thu nhập không lên xuống thất thường như chỉ số chứng khoán. Còn tại sao một người học hành 10 năm – trong đó 4 năm cuối làm việc trung bình 10-14 giờ một ngày, 6-7 ngày trong tuần – lại chỉ có đồng lương bằng một người học 4 năm nhàn nhã, thì không phải là điều nên thắc mắc.

4. Vầng hào quang vẫn luôn luôn toả sáng lung linh

Đó là một ảo giác khó diễn tả bằng lời. Nó đến từ những quan niệm rất đẹp của xã hội Việt Nam về người thầy thuốc, hay từ những hình ảnh hoành tráng trong bộ phim“Anh em nhà bác sĩ”. Khi tự giới thiệu mình học Y, 95% trường hợp bạn sẽ nhận được lời hỏi thăm thân thiện và ánh nhìn trìu mến. Bất chấp tất cả hiện thực phũ phàng, bất chấp bao nhiêu phàn nàn ném đá trên Vnexpress, điểm thi vào trường Y vẫn luôn cao nhất nhì cả nước. Còn nữa, với mặc định nền tảng kiến thức xã hội cực thấp “sáu năm biết mấy kỳ thi, tốt nghiệp đại học còn gì là xuân!”, bạn dường như dễ được cộng đồng ưu ái hơn. “Nhà báo viết blog thì nói làm gì, bác sĩ viết blog mới thật là một bất ngờ nho nhỏ đáng yêu” (hoặc “Không thể ngờ bác sĩ mà lại có cảm xúc như thế”, “Ai bảo bác sĩ chỉ chúi đầu vào bệnh viện nào?”, “bác sĩ mà cũng biết chụp ảnh hay làm việc này việc nọ”… vv và vv) Dù xã hội đôi khi đánh đập tơi bời, nhìn chung nó vẫn dành cho các thầy thuốc nhà ta rất nhiều ve vuốt ngọt ngào. Dẫu nói một cách chân thành, sau mỗi đêm trực, khi môi khô khốc và lòng trống rỗng, những kẻ trong nghề chẳng bao giờ nhớ tới sự vuốt ve ấy, mà chỉ muốn … về nhà đi ngủ.

BS. Đinh Linh

5/5 - (1 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment