Nghe tim – nghệ thuật bị quên lãng

– Chúng ta đã làm điện tâm đồ, chụp XQ, siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ, chụp CT sọ não,… cho bệnh nhân, và vẫn chưa chẩn đoán được bệnh!
– Có lẽ ta nên thử nghe tim bệnh nhân xem sao?

Tìm lại nghệ thuật bị quên lãng

Mặc dù có truyền thống lâu dài và giữ vị trí trang trọng trong lịch sử y khoa lâm sàng, nghe tim – nghệ thuật đã được vinh danh qua thời gian – đang nhanh chóng trở thành “nghệ thuật bị quên lãng”. Hầu hết các thày thuốc lâm sàng ngày nay đều gặp khó khăn khi phải phân biệt tiếng tim bình thường hay bất thường, và ít nhiều bối rối trước một người bệnh có tiếng thổi ở tim. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, như sự thiếu vắng các giảng viên lâm sàng giỏi với kĩ năng nghe tim tốt, thói quen phụ thuộc ngày càng nhiều vào những kĩ thuật hiện đại và tốn kém, một hệ thống y tế bị chi phối bởi đồng tiền không có danh mục chi trả cho thời gian nghe tim của bác sỹ. Cùng với đó là một môi trường làm việc dễ bị kiện cáo luôn đầy nhân viên y tế vào thế “phòng thủ”, trong khi lại sẵn có hàng loạt xét nghiệm cận lâm sàng tốn thời gian, không cần thiết, đôi khi có hại.

Trong quá khứ, chiếc ống nghe từng được coi như một biểu tượng danh giá của ngành Y, nhưng thời thế đã đổi thay. Trong kỉ nguyên của những kĩ thuật hiện đại và tinh vi ngày nay, ống nghe trở thành vật dụng ít được nhớ đến. Dù chúng ta vẫn gặp nhiều bác sỹ đeo ống nghe trên cổ hay vắt qua vai, trông thật đẹp và hoành tráng, nó có vẻ gần với một đồ trang sức sành điệu hơn là một phương tiện chẩn đoán. Thực tế, có những bác sỹ tim mạch can thiệp thậm chí còn không mang ống nghe theo mình.

Trong thế giới Y học “hi-tech” này, ngày càng nhiều sinh viên và bác sỹ trẻ nhầm lẫn khi cho rằng nghe tim là cũ kĩ và lỗi thời. Những thày thuốc “tân thời” ấy thường hoài nghi về giá trị của chiếc ống nghe và cho việc khám tim bệnh nhân là phí thời gian khi có sẵn máy siêu âm tim bên cạnh. Tuy nhiên, đầu dò siêu âm không thể thay thế cho chiếc ống nghe và có thể dẫn đến các chẩn đoán sai lầm; ví dụ như tạo ra “bệnh tim theo siêu âm” (echocardiographic heart disease) ở người bệnh không có tiếng thổi hoặc chỉ có thổi sinh lý, nhưng lại có hở van tim rất nhẹ trên siêu âm Doppler màu.

Đừng để nghe tim trở thành một nghệ thuật bị quên lãng, cũng như chiếc ống nghe trở thành di vật của ngành Y. Bất chấp vai trò của các kĩ thuật hiện đại, thăm khám bệnh nhân với ống nghe vẫn là kĩ năng lâm sàng có giá trị và ít tốn kém, giúp bác sỹ chẩn đoán, xác định nguyên nhân và đánh giá tình trạng bệnh. Đây là nền tảng cho những thăm dò không xâm nhập và xâm nhập sâu hơn. Nó cũng đặt các kết quả xét nghiệm thu được vào một bệnh cảnh lâm sàng phù hợp.

Giờ đây, khi mà sự thú vị trong thực hành lâm sàng đang dần mất đi, nghe tim trả lại cho người thày thuốc cảm giác thỏa mãn của trí óc khi có được chẩn đoán nhanh và chính xác chỉ nhờ vào giác quan và kinh nghiệm của bản thân. Bên cạnh đó, với những thao tác thân mật đặc trưng, nghe tim là sợi dây liên kết đầu tiên, làm cơ sở cho sự gần gũi, tin cậy và tin tưởng, vốn là đặc quyền của mối quan hệ thày thuốc – người bệnh.

Dịch từ: “Cardiac Auscultation: Rediscovering the Lost Art”, Michael A. Chizner, MD. Curr Probl Cardiol 2008;33:326-408

BS. Đinh Linh

5/5 - (2 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment