Nghề bác sĩ và 05 lầm tưởng của nhiều người – làm bác sĩ sướng không?

05 LẦM TƯỞNG CỦA NHIỀU NGƯỜI VỀ NGHỀ BÁC SĨ – LÀM BÁC SĨ SƯỚNG KHÔNG?

Nhiều người có con em, bạn bè làm bác sĩ cứ nghĩ làm bác sĩ thích lắm, sướng lắm, nhưng họ đâu có biết nghề gì cũng có tính rủi ro và khó khăn của riêng nó cả.
Dưới đây là những điều mà người thân thường hay lầm tưởng về nghề bác sĩ.

1. Làm bác sĩ dễ xin việc

Sự thật không phải thế. Để trở thành bác sĩ mỗi người phải học tập, rèn luyện rất lâu, lâu gấp đôi gấp ba những nghề nghiệp khác mới mong có được một vị trí ổn định, có tương lai ở một bệnh viện nào đó. Việc bác sĩ “nhảy việc” là chuyện bình thường, và đôi khi cũng chẳng biết nên đi đâu về đâu.

2. Làm bác sĩ rất giàu

Theo Nghị định 204 năm 2004 và sửa đổi đến năm 2020 của Chính phủ, mức lương cơ bản của bác sĩ cao cấp bậc 1 mới có… 9.920.000 đồng. Để có được mức lương này, những người làm ngành nghề khác chỉ tốn 2-3 năm là có thể đạt được. Nhưng để làm được một bác sĩ cao cấp thì quả thực vô cùng khó, cần có rất nhiều năm kinh nghiệm công tác trong ngành.
Nhiều người cũng nghĩ, làm bác sĩ có thể… ăn thêm từ tiền biếu tặng của bệnh nhân và gia đình. Nhưng việc chữa bệnh là trách nhiệm và tâm huyết của bác sĩ, không ai vì để nhận những đồng tiền “đi cửa sau” mà chọn nghề bác sĩ đâu.

3. Bác sĩ chữa bách bệnh
Ngay từ những ngày mới bắt đầu học y, rất nhiều người thân bạn bè hễ có vấn đề sức khỏe gì đều tìm hỏi đây là bệnh gì, chữa nó ra sao? Rồi thì nếu bạn bảo không biết, không rõ sẽ nhận ngay lại câu “mày học y mà mày không biết hả?”. Và sau khi đã đi làm là… “mày làm bác sĩ mà không biết chữa thế nào hả?”
Ơ, khoan đã. Bác sĩ thì cũng có chuyên khoa này chuyên khoa nọ, có phải cứ làm bác sĩ là trở thành từ điển bách khoa chữa được bách bệnh đâu ạ. Không biết thì nói là không biết, còn hơn chữa lợn què thành lợn què nặng hơn.

4. Bác sĩ không bị bệnh
Là những người có trách nhiệm chữa trị cho cộng đồng, nhưng không có nghĩa chữa được bệnh thì không bị bệnh. Thậm chí, bác sĩ còn là nghề dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn bất kỳ ngành nghề nào khác: ví dụ như phải trực đêm quá nhiều ảnh hưởng sức khỏe, các ca mổ kéo dài căng thẳng, các đợt dịch bệnh gây ra áp lực lớn về tâm lý (như dịch Covid-19 chẳng hạn),… Thêm vào đó là nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị, các phương pháp bảo hộ không đảm bảo an toàn 100%.

5. Làm bác sĩ cơ bản là… nhàn
Mọi người sẽ nghĩ, nếu không có nhiều bệnh nhân thì về cơ bản làm bác sĩ khá nhàn. Nhưng không, làm bác sĩ là phải không ngừng học, học và học. Hễ rảnh ra là phải học thêm những thứ mới, cập nhật kiến thức y học, từ tài liệu trong nước cho tới tài liệu nước ngoài. Bởi vì các loại bệnh sẽ có những biến thể nhất định, không thể bê nguyên một phương pháp trị liệu áp dụng cho tất cả bệnh nhân từ năm này qua năm khác, hoặc áp dụng mãi một phương pháp chữa trị đã xuất hiện nhiều mặt hạn chế.

Làm bác sĩ cũng giống như những nghề khác thôi, nếu bạn không tự cố gắng và làm giàu kiến thức của bản thân thì sớm muộn cũng bị lứa trẻ lấn lướt, không theo kịp sự thay đổi của y học hiện đại…
Nguồn: Dr Lê Vũ Duy 

 

Rate this post
Hussein Tan:
Related Post
Leave a Comment