1. Tổng quan:
Hiện tượng Ashman (Ashman Phenomenon) là một dẫn truyền thất lệch hướng do sự thay đổi về độ dài chu kỳ QRS. Năm 1947, Gouaux và Ashman báo cáo rằng trong rung nhĩ, khi chu kỳ tương đối dài được theo sau bởi một chu kỳ tương đối ngắn, beat với chu kỳ ngắn thường có dạng block nhánh phải (RBBB). Điều này dễ gây chẩn đoán nhầm với ngoại tâm thu thất (PVC). Nếu một chu kỳ QRS kéo dài đột ngột xảy ra, xung động sau đó với độ dài chu kỳ bình thường hoặc ngắn hơn có thể dẫn truyền lệch hướng.
2. Cơ chế:
Hiện tượng Ashman là một bất thường dẫn truyền nội thất do sự thay đổi tần số tim. Điều này phụ thuộc vào ảnh hưởng của tần số lên các tính chất điện sinh lý của tim và có thể chịu ảnh hưởng của các bất thường về chuyển hoá và điện giải cũng như tác dụng thuốc.
Dẫn truyền lệch hướng phụ thuộc vào thời kỳ trơ tương đối của các thành phần của hệ thống dẫn truyền. Thời kỳ trơ phụ thuộc vào tần số tim. Thời gian điện thế động (thời kỳ trơ) thay đổi với khoảng R-R của chu kỳ trước; thời gian điện thế động ngắn hơn liên quan với khoảng R-R ngắn và thời gian điện thế động kéo dài sẽ có khoảng R-R dài. Chu kỳ dài hơn kéo dài thời kỳ trơ sau đó, và, nếu chu kỳ tiếp theo ngắn hơn, beat cuối cùng có thể dẫn truyền lệch hướng.
Dẫn truyền lệch hướng xảy ra khi một xung động trên thất dẫn truyền đến hệ thống His-Purkinje trong khi một trong các nhánh của nó vẫn còn trong thời kỳ trơ tương đối hoặc tuyệt đối. Điều này dẫn đến việc dẫn truyền qua nhánh này chậm hoặc bị block và trì hoãn khử cực khối cơ thất, gây ra dạng block nhánh (tức là phức bộ QRS rộng) trên ECG bề mặt. Dạng RBBB thường gặp hơn block nhánh trái (LBBB) vì thời gian trơ của nhánh phải dài hơn.
3. Nguyên nhân:
Các nguyên nhân gây ra sự thay đổi thời gian trơ của các nhánh hoặc mô thất có thể gây ra hiện tượng Ashman. Tình trạng này thường được quan sát thấy trong rung nhĩ, nhịp nhanh nhĩ, và ngoại tâm thu nhĩ.
4. Chẩn đoán:
– Hiểu được hiện tượng Ashman rất hữu ích trong việc phân biệt rối loạn nhịp phức bộ QRS rộng có nguồn gốc từ tâm thất với rối loạn nhịp trên thất có dẫn truyền lệch hướng do tiên lượng và điều trị khác nhau.
– Một xung động trên thất dẫn truyền lệch hướng có thể nhầm lẫn với một PVC, và một loạt các xung động dẫn truyền lệch hướng liên tiếp có thể biểu hiện như là nhịp nhanh thất.
– Kích thích sớm, như trong hội chứng Wolf-Parkinson-White, cũng nên được xem xét trong chẩn đoán phân biệt với hiện tượng Ashman.
– Điều quan trọng là phải chẩn đoán và điều trị thích hợp các bệnh lý nền liên quan đến hiện tượng Ashman cũng như không bỏ sót chẩn đoán nhịp nhanh thất.
5. Điều trị:
Không cần điều trị cho các phức bộ riêng lẻ. Điều trị bệnh lý tim nền là thích hợp.
References:
1. Gouaux JL, Ashman R. Auricular fibrillation with aberration stimulating ventricular paroxysmal tachycardia. Am Heart J. 1947. 34:366.
2. Sardar MR, Khaji A, Robert J, et al. Abstract 10380: The Ashman Phenomenon in Patients With Atrial fibrillation Treated With an IKr Blocker, Dofetilide. Circulation. 2013.
3. Fisch C. Electrocardiography of arrhythmias: from deductive analysis to laboratory confirmation–twenty-five years of progress. J Am Coll Cardiol. 1983 Jan. 1(1):306-16.
4. Marriott HJL, Sandler JA. Criteria, old and new, for differentiating between ectopic ventricular beats and aberrant ventricular conduction in the presence of atrial fibrillation. Prog Cardiovasc Dis. 1966. 9:18.
5. Gulamhusein S, Yee R, Ko PT, Klein GJ. Electrocardiographic criteria for differentiating aberrancy and ventricular extrasystole in chronic atrial fibrillation: validation by intracardiac recordings. J Electrocardiol. 1985 Jan. 18(1):41-50.
Nguyễn Phúc Thiện
Leave a Comment