Gây tê ngoài màng cứng: sự thật và những hiểu lầm

Ngày càng có nhiều sản phụ được áp dụng phương pháp “Đẻ không đau” thông qua thủ thuật gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong khi sinh. Tuy nhiên, lại có rất nhiều hiểu lầm về thủ thuật này.

Gây tê ngoài màng cứng: sự thật và những hiểu lầm

Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau liên tục tại phần dưới cơ thể trong khi mẹ bầu vẫn tỉnh táo và có ý thức với toàn bộ cơ thể mình. Nó gây ức chế cảm giác tại vùng cần giảm đau nhưng không làm bà mẹ trở nên tê liệt toàn bộ cơ thể. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng ngày nay được sử dụng phổ biến trong nhiều loại phẫu thuật lớn nhỏ cần gây tê cục bộ và được áp dụng phổ biến trong sản khoa, cho cả phương pháp sinh thường và sinh mổ. Thuốc gây tê được truyền qua ống thông (rất mảnh và linh hoạt) nối vào khoang ngoài màng cứng bao quanh màng cứng của cột sống. Bà mẹ sẽ được giảm đau hầu như trong suốt quá trình sinh đẻ.

Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống là một phương pháp

Sự thật: Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng bao gồm việc tiêm thuốc giảm đau vào vùng giữa các đốt sống và dịch tủy sống (hay còn gọi là khoang màng cứng). Thuốc thường có hiệu quả sau 15 phút và có tác dụng kéo dài. Gây tê tủy sống sẽ tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào tủy sống và sẽ có tác dụng ngay sau 5 phút. Với cả 2 thủ thuật này, ống thông để đưa thuốc vào khoang màng cứng sẽ được để lại trong suốt quá trình sinh nở cho đến khi em bé chào đời để có thể thường xuyên tiêm thuốc vào, nếu cần.

Tuy nhiên, tiêm loại thuốc nào, tiêm bao nhiêu thuốc và tiêm thuốc trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân cũng như từng bệnh viện. Mỗi liều thuốc và kỹ thuật khác nhau sẽ đem lại những kết quả, cùng với những nguy cơ khác nhau. Do vậy, hiểu biết về các thủ thuật này trước khi sinh cùng với việc hỏi ý kiến bác sỹ sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định phù hợp cho mình.

Hiểu lầm: Ống tiêm sử dụng khi gây tê ngoài màng cứng rất lớn và bạn sẽ bị đau khi đưa ống tiêm vào tủy sống

Sự thật: Các ống kim gây tê ngoài màng cứng chỉ được đặt tại chỗ tiêm trong vòng 1-2 phút, đủ dài để đưa một ống thông dài, mỏng và đàn hồi vào, có kích thước như một chiếc bút chì vào khoang màng cứng. Ống kim gây tê tủy sống thậm chí còn nhỏ hơn, chỉ như một sợi tóc.

Nhưng trước khi thủ thuật này diễn ra, vùng được tiêm sẽ được gây tê cục bộ bằng một mũi tiêm rất nhanh và nhỏ, trong khoảng 10 giây. Và khi tiến hành thủ thuật gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống, bạn sẽ cảm thấy có áp lực, nhưng sẽ không cảm thấy đau nữa.

Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng sẽ làm việc rặn đẻ khó khăn hơn
Sự thật: Một trong số các ưu điểm của việc phối hợp gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng là bạn sẽ phải dùng ít thuốc hơn so với gây tê ngoài màng cứng thông thường. Thuốc liều thấp sẽ làm việc rặn đẻ dễ dàng hơn so với việc dùng thuốc liều cao, và làm giảm nguy cơ phải sử dụng forcep hay giác hút.
Hiểu lầm: Thuốc gây tê dùng trong thủ thuật có thể gây hại cho em bé

 

Sự thật: Bất kỳ loại thuốc nào bạn sử dụng để giảm đau trong quá trình chuyển dạ, sinh con cũng có thể có tác động đến em bé. Tuy nhiên, với thủ thuật gây tê ngoài màng cứng, lượng thuốc đi vào dòng máu của bạn là khá nhỏ và với thủ thuật gây tê tủy sống, lượng thuốc còn ít hơn nữa.

Cần có nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này, nhưng hiện tại vẫn chưa có bằng chứng rằng một lượng nhỏ thuốc mà em bé hấp thu vào cơ thể có thể gây hại cho em bé.

Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng có nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng.

Sự thật là gây tê ngoài màng cứng rất an toàn trong hầu hết các trường hợp. Nếu biến chứng có xảy ra, thì có thể ảnh hưởng ngắn hạn, làm bạn khó chịu, và rất hiếm khi gây đe dọa tính mạng.

Phản ứng phụ phổ biến nhất là tụt huyết áp, thường xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê liều cao và có thể ảnh hưởng đến em bé. Nhưng nếu được điều trị kịp thời, việc tụt huyết áp sẽ không có ảnh hưởng gì đến cả mẹ và em bé.

Một phản ứng phụ khác, cũng thường gặp và có thể điều trị được là buồn nôn, ảnh hưởng đến 20-30% số phụ nữ thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng. Ngứa là phản ứng phụ có thể gặp ở 30-50% số trường hợp.

Một tình huống khác là mẹ có thể sẽ bị sốt trong khi chuyển dạ và thường xảy ra với khoảng 20% số trường hợp. Chưa có giải thích chính xác cho vấn đề này, nhưng một giả thiết cho rằng do bạn không cảm thấy đau nên cũng bớt gắng sức và ít đổ mồ hôi hơn, do vậy cơ thể khó thoát nhiệt hơn. Vấn đề này không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của em bé, nhưng do hiện tượng sốt chưa rõ ràng và nghi vấn nhiễm trùng của trẻ sơ sinh nên nhiều bà mẹ và em bé có xu hướng phải sử dụng thuốc kháng sinh.

Một biến chứng khác, rất hiếm gặp, chỉ xảy ra với 1% số bệnh nhân là đau vùng cột sống, kéo dài trong vài ngày và làm bạn cảm thấy vô cùng khó chịu.

Những biến chứng rất hiếm gặp bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, thở chậm hoặc ngừng thở, co giật, thậm chí tử vong nếu thuốc được tiêm đột ngột vào dòng máu. Tuy nhiên, các bác sỹ gây mê thường đã được đào tạo và sẽ không bao giờ để tình huống này xảy ra.

Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng có thể sẽ không có tác dụng giảm đau

Sự thật: Sau khi được gây tê ngoài màng cứng, chỉ có dưới 5% số phụ nữ cảm thấy không giảm đau. Nguyên nhân có thể là do vị trí và tư thế của em bé hoặc đôi khi là do cần phải tiêm nhiều thuốc hơn. Đôi khi, thuốc chỉ có tác dụng giảm đau ở một bên cơ thể, bởi vì ống đưa thuốc được đặt sai vị trí, bị tắc hoặc do người mẹ nằm trong một tư thế quá lâu. Tuy nhiên, vấn đề này rất dễ khắc phục.

Nguồn: Viện Y Học Ứng Dụng Việt Nam

5/5 - (2 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment