Dưới chân dốc – Nhật ký bác sĩ

Dạo này đêm nào cũng nằm lẩm nhẩm “It’s Been A Hard Day’s Night” nên ít thời gian viết lách hay ngồi kể lể dông dài. Hôm nay gặp một bệnh nhân quen quen, thấy chìa ra giấy hẹn “Về nhà uống thuốc đều theo đơn. Ăn nhạt. Một tháng sau đến khám lại, kiểm tra PT, INR”. Đúng nét chữ của mình . Công nhận bệnh nhân thật “ngoan” và có trách nhiệm với sức khoẻ. Ah, mà thế nghĩa là đã đi viện được hơn một tháng rồi!

Thôi, ngồi kể vài ba chuyện nho nhỏ về cái tháng đầu tiên này, nhân một ngày cuối tuần…

1. Ca shock điện đầu tiên

Chiều hôm trước chị Cẩn Nội trú 28 nói đùa “Tối nay về nhớ rửa tay thật sạch vài lần nhé”. “Thằng bé” chả hiểu gì (chắc là vì thế nên hình như cả tối không thèm … rửa tay) . Sáng hôm sau cho thuốc xong xuôi, chú Hùng trưởng khoa và chị Cẩn gọi mình vào phòng thủ thuật để làm shock điện phá rung nhĩ. Lần đầu tiên khá hồi hộp, ấn mạnh tay quá thì sợ bệnh nhân bị điện đốt bỏng da, mà nhẹ quá e không đủ cường độ. Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, có tiền sử bệnh van tim. Trước khi gây mê, mình nắm lấy tay cô ý để an ủi, tự cảm thấy bản thân còn lo lắng hơn. 3-2-1, “bụp” một phát, thế là xong! Bệnh nhân chỉ hơi nảy người một chút chứ không “bay” lên khỏi giường như trong phim xi-nê . Monitor hiện kết quả: vẫn còn rung nhĩ, shock điện thất bại. Coi như người bệnh sẽ phải chung sống với tình trạng loạn nhịp tim cả đời. “Sư phụ” Cẩn an ủi “Ca này khó, chị đoán shock điện 90% là thất bại nên mới dí cho em làm”. Thôi, lần sau nhớ rửa tay thật kĩ cho nó “son”!

2. Lần đầu tiên “biết sợ”

Chuyện này nói ra hơi “xấu hổ” . Hình như là tuần lễ thứ hai. Mình vẫn ngu ngơ và nói chung, khá là tinh tướng . Hôm đó vừa học được “võ” cho thuốc điều trị bệnh mạch vành. Cả chiều “thằng bé” ngồi mần mò sách vở, articles,… rất lấy làm hãnh diện . 19h, đảo qua C2, gặp ngay một bệnh nhân đau ngực mới nhập viện, mình chẩn đoán sơ bộ là cơn đau do bệnh mạch vành (nói chung, ở Viện Tim mạch này, 80% bệnh nhân đau ngực là do mạch vành). Bác sĩ trực đã khám nhưng … chưa cho thuốc , thế là “thằng bé” định “nện” ngay thuốc chống đông (Aspegic, Plavix) theo đúng guidelines (tự tin ghê gớm ). Ra phòng hành chính thấy anh Văn (bác sĩ trực) đang trầm ngâm đắn đo. Anh bảo ca này hơi mơ hồ, vẫn còn băn khoăn không biết là bệnh mạch vành hay phình tách động mạch chủ; bây giờ tốt nhất phải cho chụp CT Scanner để chẩn đoán xác định (nếu đúng phình tách ĐMC thì chống chỉ định với thuốc chống đông ). “Thằng bé” sợ xanh mắt mèo , chả dám ho he gì, đành ngồi đến tận 23h chờ phim CT. Kết quả: “Phình động mạch chủ ngực từ chỗ tách của động mạch dưới đòn trái đến ngang mức chia động mạch thận”.

Hú vía! Mặc dù nếu gặp đề thi “Chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân đau ngực” thì sinh viên Y6 nhắm mắt cũng đọc làu làu nào là: do bệnh mạch vành, do phình tách ĐMC, do tràn dịch màng tim, do viêm cơ tim, do đau thần kinh liên sườn, vv và vv… Nhưng thực tế mới thấy rõ tư duy của mình cứng nhắc đến mức nào. Đúng thật, “Mọi lý thuyết đều chỉ là màu xám – Và lâm sàng vĩnh viễn xanh tươi!”

3. Nỗi buồn đầu tiên

Do vài nguyên nhân khách quan mà một đứa mới tập toẹ như mình cũng được phân công điều trị cả một phòng 4 giường bệnh (khoảng 10-15 bệnh nhân, chừng đó đủ tưởng tượng bệnh nhân “nằm ngồi” ra sao ). Tất nhiên là vẫn có chú Hùng đi theo “bảo kê”, nhưng nói chung trách nhiệm của “thằng bé” là rất lớn. Hôm nhận phòng, mình chú ý ngay bệnh nhân T., 24 tuổi, vì tập bệnh án dày cộp (chứng tỏ nằm viện đã lâu). Cậu ta là sinh viên Đại học Bách khoa năm cuối, người cao ráo, đẹp giai. Có điều phát hiện bệnh muộn nên chức năng tim đã giảm nhiều. Cách khả dĩ nhất là mổ thay van tim, nhưng nặng thế này cũng chả phẫu thuật viên nào dám “sờ” vào. Hơn nữa thay van tim mất 30-40 triệu, bệnh nhân không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) nên không đủ tiền. Cô y tá trưởng cứ trách mãi (chắc là vừa giận vừa thương) tại sao lại không mua BHYT để bây giờ phải khổ. Mình lạ gì, sinh viên có đứa nào thèm để ý chuyện bảo hiểm đâu .

Có một lần bà mẹ sụt sịt đến xin cái giấy chứng nhận tình trạng sức khoẻ để T. được hoãn bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Mình viết giấy mà còn thấy cay đắng, không hiểu cha mẹ bệnh nhân nghĩ gì

Khoảng 1 tuần sau hôm xin giấy ấy, gia đình bệnh nhân xin về. Lý do chính là hết tiền (khi đó vẫn nợ viện khoảng 3-4 triệu). Kể ra thể trạng bệnh nhân chưa nặng (vẫn đi lại, cười nói được, tối tối lũ bạn đại học vẫn kéo vào cười đùa ầm cả bệnh phòng), nhưng cái bệnh này chỉ có tệ dần đi chứ không thể tiến triển được . Trước đó mình dùng một đợt vận mạch thật “trâu bò”, nhất thời cải thiện được tình trạng suy tim chút ít; khi ra viện tạm coi là “có đỡ”. Cảm giác bất lực, thôi đành “khuất mắt trông coi” vậy. Không biết hiện giờ bệnh nhân ra sao.

* * *

Còn mấy mẩu chuyện mang màu sắc tươi sáng và “hoành tráng” hơn, nhưng mệt rồi nên hôm khác ngồi gõ tiếp vậy. Có thể chỉ vài tháng nữa, mình đọc lại mấy dòng này và thấy “buồn cười” cho cảm xúc của những ngày đầu tiên ấy . Nhưng cứ coi entry này như một cách lưu giữ thời gian. Bởi vì một tháng qua ở bệnh viện vẫn là vui, ít nhất còn thấy kiến thức mình học gần gụi và “có ích”. Còn đêm về hát lầm nhẩm đôi chút, có sao đâu…

It’s been a hard day’s night, and I’ve been working like a dog
It’s been a hard day’s night, I should be sleeping like a log

BS. Đinh Linh

1/5 - (1 bình chọn)
admin:
Related Post
Leave a Comment