DA NHẠY CẢM
I. TỔNG QUÁT
– Da nhạy cảm là một hội chứng được xác định bởi sự xuất hiện của các cảm giác khó chịu (cảm giác châm chích, bỏng rát, đau, ngứa và ngứa ran) khi đáp ứng với các kích thích mà thông thường sẽ không gây ra những cảm giác này.
II. NGUYÊN NHÂN
*** CHỨC NĂNG HÀNG RÀO DA
– Hàng rào bảo vệ da có nhiều chức năng và bảo vệ chúng ta khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài như hóa chất, tác nhân lây nhiễm và chất gây dị ứng.
– Người ta còn biết rất ít về làn da nhạy cảm và mối liên quan của nó với chức năng hàng rào bảo vệ da. Có thể giả định rằng da nhạy cảm có thể liên quan đến, ví dụ: tăng tính thấm của hàng rào bảo vệ da, khô da, bị cản trở chức năng bởi các bệnh ngoài da như viêm da dị ứng (AD) và bệnh trứng cá đỏ, hoặc có thể liên quan đến tăng mất nước qua biểu bì (TEWL) và giảm lượng yếu tố giữ ẩm tự nhiên.
*** VAI TRÒ CỦA LỚP SỪNG
– Các đối tượng có làn da nhạy cảm đã được báo cáo là có lớp sừng mỏng hơn với giảm số lượng tế bào sừng hoá gây ra sự xâm nhập qua da cao hơn của các hóa chất tan trong nước.
– Có một lớp sừng mỏng dễ thấm, khiến những đối tượng này dễ bị kích ứng với hóa chất hơn. Hơn nữa, chức năng hàng rào bị suy giảm ở da nhạy cảm đã được báo cáo là do sự mất cân bằng của các lipid gian bào của lớp sừng
*** LIÊN QUAN VỚI VIÊM DA VÀ CƠ ĐỊA DỊ ỨNG
– Một tỷ lệ lớn người lớn có da nhạy cảm đã báo cáo bị AD trong tiền sử bệnh của họ trong thời thơ ấu (gợi ý cho các yếu tố chung giữa da nhạy cảm và AD). Da nhạy cảm cũng được báo cáo là thường xuất hiện trong AD mắc phải và tương quan với các dấu hiệu mức độ nghiêm trọng của bệnh.
*** CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG
– Vai trò của các yếu tố môi trường đối với da nhạy cảm chủ yếu được đánh giá theo chủ quan của bệnh nhân, chưa có bằng chứng về sự liên quan của các yếu tố này và cần có các nghiên cứu sâu hơn.
*** VAI TRÒ SINH HOÁ CỦA CÁC PROTEIN CẢM GIÁC
– Sự kích hoạt của da nhạy cảm bởi vật lý, hóa học hoặc hóa lý có thể được giải thích là do sự hoạt hóa hay đúng hơn là sự tăng hoạt hóa của các protein hiện diện trên bề mặt của tế bào sừng và các đầu mút thần kinh trong biểu bì.
– Ở da nhạy cảm, các protein cảm giác như TRPV1 và ASIC3 đã được báo cáo là có biểu hiện quá mức.
*** VAI TRÒ ĐẦU MÚT THẦN KINH Ở BIỂU BÌ
– Do da nhạy cảm chủ yếu có nhiều triệu chứng cảm giác khác nhau, nên có khả năng rối loạn chức năng thần kinh trên da là một trong những cơ chế bệnh lý của da nhạy cảm.
*** VAI TRÒ CỦA HỆ MẠCH
– Thử nghiệm độ giãn mạch của da có thể là một cách tiếp cận khách quan để kiểm tra da nhạy cảm. Tăng phản ứng mạch máu với methyl nicotinate đã được báo cáo ở những người có da nhạy cảm so với những người bình thường.
*** VAI TRÒ STRESS
– Stress đóng một vai trò quan trọng đối với làn da, có bằng chứng rõ ràng rằng triệu chứng ngứa có thể được kích hoạt chỉ với những cảm xúc tiêu cực như sau khi xem một bộ phim kinh dị.
*** HIỆU ỨNG NOCEBO (kỳ vọng tiêu cực)
– Ở da nhạy cảm, có bằng chứng tương đối nhất quán về mức độ ảnh hưởng của hiệu ứng nocebo đến các vấn đề như ngứa và phản ứng của da. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các kỳ vọng tiêu cực có thể dẫn đến ngứa nhiều hơn hoặc kích thước mày đay lớn hơn ở những người khỏe mạnh.
III. KIỂM SOÁT DA NHẠY CẢM
*** TRÁNH CÁC YẾU TỐ KÍCH HOẠT
– Tránh các yếu tố gây kích ứng da nhạy cảm, các chất có khả năng gây kích ứng (axit alpha-hydroxy, propylene glycol, nước hoa có cồn, chất bảo quản, chất hoạt động bề mặt và những chất khác)
– Các yếu tố vật lý cũng thường được bệnh nhân tuyên bố là các yếu tố làm trầm trọng thêm hoặc kích hoạt da nhạy cảm: không khí ẩm ướt, sự thay đổi nhiệt độ, điều hòa không khí, nóng, không khí khô, lạnh, gió và nắng nên được tránh bằng cách điều chỉnh thói quen cuộc sống, nghề nghiệp và lúc nhàn rỗi.
– Các bệnh da nghề nghiệp như viêm da tiếp xúc kích ứng thường liên quan đến da nhạy cảm. Ở những bệnh nhân bị ảnh hưởng, việc phòng ngừa là một vấn đề quan trọng. Một số cách bảo vệ hàng rào bằng cách phòng ngừa đã được công bố, bao gồm bảo vệ da bằng cách đeo găng tay, sử dụng kem bảo vệ và dưỡng ẩm thường xuyên cho da. Điều này có thể ngăn chặn sự phát triển của da nhạy cảm.
*** CHẤT LÀM MỀM/ DƯỠNG ẨM
– Có báo cáo rằng chất làm mềm có thể làm giảm ngứa đáng kể ngay cả sau lần sử dụng đầu tiên, phục hồi chức năng hàng rào da và được coi là một cách tiếp cận đối với làn da nhạy cảm trong bệnh chàm.
– Sữa tắm và lotion có lipid tương tự của da được sử dụng kết hợp và được báo cáo là có khả năng phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da, tăng độ ẩm cho da và trở thành một lựa chọn dưỡng ẩm da hiệu quả cho bệnh nhân da khô dị ứng cũng liên quan đến da nhạy cảm.
*** CHỐNG NẮNG
– Tia cực tím (UVR) gây ra nhiều tác động có hại trên da, có thể làm tăng các triệu chứng của da nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ví dụ, UVR làm tăng giải phóng các neuropeptide từ các đầu dây thần kinh như chất P và peptit liên quan đến gen calcitonin. Cả hai đều được biết là gây giãn mạch, ngứa hoặc cảm giác đau rát và viêm thần kinh.
– Những đối tượng có làn da nhạy cảm nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tìm bóng râm khi ra ngoài, mặc quần áo chống nắng và đội mũ phù hợp như mũ rộng vành và thoa kem chống nắng. Bệnh nhân có làn da nhạy cảm nên thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng ít nhất là 30, loại kem chống nắng này cũng cung cấp khả năng chống nắng phổ rộng bao gồm tia UVA, vì những sản phẩm này giúp bảo vệ tốt hơn khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, cần nhớ rằng kem chống nắng cũng có thể là tác nhân gây ra da nhạy cảm.
*** ỨC CHẾ VIÊM THẦN KINH
– Các tác nhân chính gây ra chứng viêm thần kinh ở da nhạy cảm là rất nhiều. Các chất gây ngứa này nhắm mục tiêu vào các dây thần kinh bì và biểu bì, các dây thần kinh này có thể thay đổi hình thái các đầu tận với sự tăng động và viêm thần kinh sau đó.
– Liệu pháp laser / ánh sáng cường độ thấp và thành phần chống viêm thực vật đã cho thấy những tác dụng hữu ích trên da nhạy cảm.
*** HIỆU ỨNG PLACEBO (kỳ vọng tích cực)
– Mặc dù không có nghiên cứu trực tiếp tập trung vào vai trò của tác dụng giả dược đối với da nhạy cảm, nhưng có bằng chứng gián tiếp từ nghiên cứu về tác dụng của giả dược đối với chứng ngứa.
*** TIẾP CẬN TOÀN DIỆN
– Cơ chế bệnh sinh của da nhạy cảm chưa được hiểu rõ ràng và hầu hết có lẽ là do đa yếu tố, nên không có “tiêu chuẩn vàng” về điều trị cho da nhạy cảm.
– Bệnh nhân có làn da nhạy cảm cần một phương pháp tiếp cận được cá nhân hóa, có tính đến các yếu tố y sinh, thần kinh và tâm lý xã hội khác nhau. Tránh các yếu tố làm trầm trọng thêm, phục hồi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, bảo vệ khỏi ánh sáng và các yếu tố chống viêm cũng như các yếu tố tâm lý xã hội có thể gây ra cần được cân nhắc. Nhiều bệnh nhân cũng có lợi ích từ việc được hỗ trợ tâm lý, giúp họ đối phó với các vấn đề về da nhạy cảm.
Xem thêm: CẤP CỨU ĐIỆN GIẬT | Y Học Tổng Hợp | (yhoctonghop.vn)
Leave a Comment