CƠN ĐAU QUẶN THẬN
BSCKII.Phan Thị Tuyết – BV TW Huế
I. ĐẠI CƯƠNG
Cơn đau quặn thận là một cấp cứu thường gặp thuộc chuyên khoa nội thận, ngoại tiết niệu. Là tình trạng đau bụng cấp do dãn đột ngột bể thận mà nguyên nhân chủ yếu là tắc nghẽn bộ máy bài niệu. Cơn đau quặn thận nếu được chẩn đoán và xử trí kịp thời thường khỏi nhanh nhưng có thể tái phát nếu không giải quyết triệt để nguyên nhân.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của cơn đau quặn thận là có sự tắc nghẽn trên đường dẫn tiểu, sự tắc nghẽn này có thể nguyên nhân từ bên trong hoặc bên ngoài của đường dẫn tiểu. Vị trí tắc nghẽn thường gặp và điển hình của cơn đau quặn thận là do sỏi ở niệu quản.
– Tắc nghẽn trong lòng niệu quản
+ Sỏi niệu quản: là nguyên nhân thường gặp nhất, có thể là sỏi cản quang như sỏi canxi, sỏi oxalate, sỏi phốt phát, hoặc sỏi hỗn hợp… hoặc có thể là sỏi không cản quang như sỏi urate, sỏi xanthine, sỏi cystein…
+ Do cục máu đông.
+ Do những mảng hoại tử của nhu mô thận.
– Tắc nghẽn do nguyên nhân từ lớp cơ niệu quản
+ Hẹp bẩm sinh niệu quản.
+ Xơ hoá niệu quản, hậu phát sau viêm, nhiễm trùng kéo dài ở niệu quản.
– Tắc nghẽn từ bên ngoài niệu quản
+ Do xơ hoá sau phúc mạc.
+ Do các khối u sau phúc mạc.
+ Các khối u ở bộ máy tiêu hoá.
+ Do thai chèn ép.
+ Do khối u ở buồng trứng, tử cung chèn ép.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định cơn đau quặn thận.
Dựa vào đặc điểm lâm sàng điển hình của cơn đau quặn thận được mô tả như sau:
Cơn đau quặn thận điển hình thường xảy ra sau khi đi bộ xa, lao động gắng sức với một số đặc điểm sau:
– Đau ở vùng hố thắt lưng (phải hoặc trái).
– Hướng lan của cơn đau: đau dọc từ sau ra trước, từ trên xuống dưới và tận cùng ở bộ phận sinh dục ngoài, mặt trong đùi.
– Đau có tính chất từng cơn, mỗi cơn kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
– Trong cơn đau thường kèm theo bí tiểu, sau cơn đau có thể đái nhiều.
– Thường kèm theo những bất thường về nước tiểu như tiểu máu, tiểu mủ.
– Trong cơn đau quặn thận nặng có thể có nôn mửa, chướng hơi bụng do liệt ruột cơ năng.
– Trong cơn đau quặn thận người bệnh có thể lo âu, hốt hoảng nhưng toàn trạng không có thay đổi gì nhiều, không sốt (trừ trường hợp có nhiễm trùng đường tiểu kết hợp).
Xem thêm: Hội chứng gan thận cấp
Các xét nghiệm cận lâm sàng chủ yếu để tìm nguyên nhân, biến chứng của cơn đau quặn thận:
+ Siêu âm bụng: Dãn bể thận, ứ nước bể thận, phát hiện sỏi niệu quản. Siêu âm bụng rất có giá trị khi chụp phim thận không chuẩn bị không thấy sỏi.
+ Chụp phim thận không chuẩn bị: phát hiện được sỏi cản quang trên bộ máy bài niệu.
+ Xét nghiệm nước tiểu: tìm hồng cầu trong nước tiểu để phát hiện biến chứng tiểu máu. Tìm bạch cầu và nitrite niệu để phát hiện nhiễm trùng đường tiểu.
Công thức máu: khi cần.
Thông thường chẩn đoán cơn đau quặn thận không khó chỉ dựa vào lâm sàng, siêu âm thận, chụp phim thận không chuẩn bị.
2. Chẩn đoán phân biệt
– Ruột thừa viêm: Đau hố chậu phải, Mac Burney (+), đau liên tục, có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc.
– Thai ngoài tử
– Viêm tụy cấp.
– Thủng tạng rỗng.
– U nang buồng trứng xoắn…
II. XỬ TRÍ
– Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường.
– Uống ít nước trong cơn đau quặn thận.
– Cơn đau quặn thận không có biến chứng:
+ Kháng viêm không phải steroid như Voltarene 75mg x 1 ống tiêm bắp, rất có hiệu quả để cắt cơn đau quặn thận thông thường không có biến chứng.
+ Sau khi sử dụng bằng đường tiêm bắp để cắt cơn có thể duy trì bằng đường uống bằng: Voltarene 50 mg: 1-2 lần/ngày hoặc Spasfon 3-6viên/ngày.
– Cơn đau quặn thận phức tạp: có sốt > 38,5o C, cơn đau quặn thận 2 bên, sỏi trên một thận độc nhất, thì cân nhắc sử dụng morphine 0,1mg/kg tiêm tĩnh mạch.
– Cơn đau quặn thận kèm sốt cao nghi ngờ viêm thận bể thận cấp: Bắt buộc phải nhập viện và điều trị phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn bằng đường toàn thân.
– Điều trị ngoài cơn đau: tìm nguyên nhân tắc nghẽn và loại bỏ nguyên nhân này để dự phòng tái phát cơn đau quặn thận.
Leave a Comment