1. Định nghĩa
Áp xe nóng là một ổ mủ cấp tính khu trú, hình thành một bọng chứa mới tạo ra trong các phần mềm của cơ thể với bốn triệu chứng cơ bản: sưng – nóng – đỏ – đau.
2. Nguyên nhân
Áp xe nóng tạo ra do sự xâm nhập vào tổ chức dưới da của các vi khuẩn sinh mủ như:
– Thường gặp nhất là tụ cầu trắng hay vàng, liên cầu.
– Hiếm thấy hơn là: trực khuẩn Eberth, phế cầu (pneumocoque), lậu cầu (gonocoque) hay trực khuẩn coli (colibacille).
– Vi khuẩn kỵ khí (microbes anaérobies).
Ngoài ra, còn có thể gây ra áp xe nóng bằng một số hóa chất gây kích thích như tinh dầu nhưa thông, iot, nitrat bạc.
3. Sinh lý bệnh và giải phẫu bệnh
– Áp xe nóng là hậu quả của sự chống đỡ tại chỗ của cơ thể, thể hiện bằng ba loại phản ứng của hiện tượng viêm:
+ Dãn mạch tích cực kèm xuất huyết thanh dịch.
+ Xuyên mạch bạch cầu và thực bào để bao vây và tiêu diệt các vi khuẩn sinh mủ.
+ Tạo lập một hàng rào xơ hóa ở chu vi, giới hạn sự lan rộng của nhiễm trùng.
Như vậy, áp xe nóng là một phản ứng tốt và có hiệu quả của cơ thể, không cho nhiễm trùng lan rộng.
– Về cấu tạo, áp xe nóng có hai thành phần:
+ Vách ba: cấu tạo bởi ba lớp:
- Lớp trong: nơi tiếp xúc ổ mủ, là mạng lưới fibrin giam giữ các bạch cầu và vi khuẩn.
- Lớp giữa: tổ chức liên kết non, chỉ có những mạch máu mới tạo.
- Lớp ngoài: là một tổ chức xơ, một hàng rào ngăn cản giữa những mô nhiễm trùng và mô lành.
+ Bọng chứa: chứa mủ, tính chất tùy thuộc loại vi khuẩn:
- Mủ đặc dính, màu kem sữa, không mùi: Áp xe do tụ cầu
- Mủ loãng, mủ pha thanh dịch: Áp xe do liên cầu
- Mủ loãng xám bẩn, mùi thối: do vi khuẩn yếm khí.
4. Triệu chứng lâm sàng và tiến triển
Áp xe nóng tiến triển qua hai giai đoạn.
4.1. Giai đoạn viêm lan tỏa (thời kỳ khởi phát)
– Bệnh nhân đến khám vì đau nhức, liên tục tăng dần, khu trú ở một vùng của cơ thể (các phần mềm).
– Có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân: sốt, ớn lạnh, trạng thái uể oải, nhức đầu.
– Khám thấy một mảng có bốn triệu chứng cơ bản:
+ Cứng ở trung tâm và đóng bánh ở viền ngoài.
+ Nóng
+ Đỏ.
+ Đau khi sờ ấn.
– Kèm theo có thể phát hiện:
+ Một ngõ vào: là một vết thương nhỏ, một chỗ tiêm dưới da hay bắp thịt.
+ Những dấu hiệu lan tỏa: lằn đỏ của viêm bạch mạch, viêm hạch cấp tính.
+ Một bệnh tật sẵn có là yếu tố nặng thêm thường gặp nhất là đái tháo đường.
4.2. Giai đoạn tụ mủ (sau 5-7 ngày)
– Đau nhói buốt mất đi và đau tăng thêm có cảm giác nhịp đập theo mạch, làm bệnh nhân mất ngủ.
– Dấu hiệu toàn thân nặng hơn: sốt cao liên tục hay dao động, mệt mỏi nhiều hơn, thử máu thấy bạch cầu tăng, chủ yếu là bạch cầu đa nhân.
– Mảng cứng khu trú lại, giới hạn rõ dần, có dạng một khối u đóng bánh ở viền ngoài, bây giờ sờ thấy mềm ở trung tâm, có thể phát hiện dấu chuyển sóng (fluctuation): hai đầu ngón tay đặt cách nhau vài centimet ở hai cực của ổ mủ, khi ấn ở bên-này thì ngón tay bên kia bị xô đẩy. Dấu hiệu này có ở mọi hướng của ổ áp xe. Khác với cơ vùng đùi dấu hiệu này chỉ có khi tìm theo chiều ngang của thớ cơ thẳng đùi.
4.3. Cách tiến triển của áp xe nóng
– Nếu được phát hiện và rạch áp xe để tháo mủ, lấy mủ cấy vi trùng để làm kháng sinh đồ và dùng kháng sinh có hiệu lực, vết rạch sẽ lành sẹo trong vòng 5-7 ngày.
– Nếu không được rạch, áp xe nóng có thể tự phá vỡ ra da và rò mủ kéo dài. Tình trạng ứ mủ có thể gây ra biến chứng:
+ Tại chỗ và khu vực: viêm bạch mạch cấp tính, viêm hạch, viêm hạch mủ.
+ Toàn thân: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn mủ huyết.
+ Áp xe biến thành viêm tấy lan tỏa nếu bệnh nhân có thêm một bệnh mạn tính kèm theo như đái tháo đường, suy gan, suy thận. Ngược lại áp xe nóng có thể làm cho bệnh sẵn có nặng thêm, ví dụ bệnh đái tháo đường.
Ngoại Khoa Cơ Sở – Triệu Chứng Học Ngoại Khoa, NXB Y Học, 2013
Leave a Comment