2 CÂY CỔ THỤ TRONG LỊCH SỬ VI SINH HỌC

2 CÂY CỔ THỤ TRONG LỊCH SỬ VI SINH HỌC

Đến tận giữa thế kỷ 19, người ta vẫn cho rằng các dịch bệnh là từ khí trời, cho đến khi 2 nhà bác học chứng minh là chúng có nguồn gốc vi sinh vật, đó là Louis Pasteur người Pháp (1822–1895) và Robert Koch người Đức (1843-1910). Họ là 2 đại cổ thụ mở đường cho môn vi sinh trong y khoa.
Một điều ít người biết là cả hai sống qua cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (1870-71) ở 2 đầu chiến tuyến nên có ít nhiều các công kích lẫn nhau. Pasteur đã từng gọi trực khuẩn bệnh than là vi khuẩn của người Đức, còn Koch và đồng nghiệp của ông phủ nhận toàn bộ công trình của Pasteur về vắc-xin bệnh than. Ngay tên đặt môn học cũng khác nhau: microbiology (Pháp) và bacteriology (Đức). Hệ thống giáo dục y khoa Mỹ đầu thế kỷ 20 chịu nhiều ảnh hưởng trường phái Đức vì các giáo sư học từ bên Đức về (như hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Johns Hopkins là William H. Welch), các khái niệm về vi sinh của Pasteur ít được chú ý, vắc-xin BCG không hề phổ biến bên Mỹ. Một ứng dụng phổ biến tại Mỹ nhất là kỹ thuật thanh trùng sữa (pasteurization).
Koch nổi tiếng nhất qua kỹ thuật phân lập và cấy vi sinh vật (thí dụ như vi khuẩn lao, rất khó cấy thời bấy giờ) và định đề Koch. Định đề Koch (Koch’s postulates) như sau:
1. Vi sinh vật phải được tìm thấy trong cơ thể bệnh và không có trong cơ thể lành.
2. Vi sinh vật phải được phân lập từ cơ thể bệnh và tăng trưởng trong môi trường cấy.
3. Vi sinh vật tăng trưởng trong môi trường cấy đó sẽ sinh bệnh khi cho vào cơ thể lành.
4. Vi sinh vật sẽ được tái phân lập từ cơ thể mới bị nhiễm đó và giống y như trường hợp đầu tiên.
Chúng ta biết định đề Koch hiện nay kể là sai, vì thời của Koch chưa có ý niệm về đột biến (mutation). Khác biệt giữa Koch và Pasteur về vi sinh là Koch cho rằng đặc tính của một vi sinh vật cố định (sai) trong khi Pasteur cho rằng vi sinh vật có thể biến đổi (đúng). Điều đó cũng dễ hiểu vì Koch là BS điều trị, còn Pasteur là nhà sinh học, ông có nhiều nghiên cứu về men nên hiểu được tính linh hoạt của vi sinh vật. Nhận định của Pasteur đã được chứng minh qua sự biến chủng của virus cúm và đột biến từ thú qua người của các virus HIV, cúm gà, cúm lợn và virus corona 1 và 2 hiện nay.
Công trình của Pasteur lớn nhất có lẽ là về vắc-xin. Dù cha đẻ vắc-xin là ông Jenner khi phát hiện được chủng đậu bò dùng để ngừa bệnh đậu mùa (1796), nhưng ông không có ý niệm gì về vi sinh, cách cấy, và cách biến đổi vi sinh trong môi trường cấy. Chính Pasteur là người nghĩ ra các kỹ thuật ấy. Pasteur đã làm ra vắc-xin bệnh than, bệnh dại. Hai học trò của Pasteur là BS Calmette và BS Guérin đã dùng vi khuẩn lao bò để chế ra vắc-xin BCG (cuối thập niên 1920) mà đến nay vẫn còn sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam ta thừa hưởng 3 di sản từ Pasteur: viện Pasteur VN là viện Pasteur thành lập đầu tiên bên ngoài nước Pháp (1891); BS Albert Calmette, viện trưởng đầu tiên viện Pasteur VN, cha đẻ của thuốc chủng BCG; một học trò khác của Pasteur là BS Alexandre Yersin, người định danh vi khuẩn dịch hạch, hiệu trưởng đầu tiên của trường y sĩ Đông Dương (1902), là tiền thân của ĐH Y Hà Nội bây giờ.

Nguồn:

Rate this post
Nhung:
Related Post
Leave a Comment