thần kinh ngồi

Triệu Chứng Học Thần Kinh Ngồi – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

1. ĐẠI CƯƠNG

– Dây thần kinh ngồi hay còn gọi là thần kinh tọa do đám rối cùng sinh ra trong khung chậu từ sự hợp nhất của các thân thắt lưng-cùng (tạo nên từ nhánh trước của rễ L5 và nhánh nối đến từ L4), nhánh trước của rễ S1 và một phần các rễ S2, S3. Ở đùi cho các nhánh vận động nhóm cơ ụ ngồi-cẳng chân và các cơ khép lớn.

– Ở khoảng 1/3 dưới đùi chia thành hai nhánh: thần kinh mác chung và thần kinh chày.

+ Thần kinh mác chung:

  • Điều khiển vận động các cơ ở khu trước ngoài cẳng chân và cơ mu chân.
  • Phụ trách cảm giác vùng trước ngoài cẳng chân, mặt mu bàn chân (ở phía trong đường nối giữa khoang gian cốt bàn thứ 3 và mắt cá ngoài-trừ phía sau của bờ trong bàn chân) và mặt mu của các ngón 1, 2 và 3 trừ các đốt xa.

+ Thần kinh chày:

  • Điều khiển vận động các cơ phía sau cẳng chân và gan chân.
  • Phụ trách vùng cảm giác phần sau dưới cẳng chân, vùng gót, gan và bờ ngoài bàn chân, phía ngoài mu bàn chân từ khoang liên cốt thứ ba tới mắt cá ngoài, mặt gan của các ngón chân và mặt mu ngón 4, 5 và đốt xa của các ngón khác.

2. LIỆT THẦN KINH MÁC CHUNG

2.1. Lâm sàng

– Mất khả năng duỗi các ngón chân và duỗi bàn chân, ở tư thế ngồi chân buông thõng, bàn chân “rủ”, vòm bàn chân xoay trong, các ngón chân gấp lại. Khi đứng, vòm bàn chân phẳng, không “ngóc” đầu ngón chân lên được.

– Lúc đi, bước kiểu “chân ngựa”: gối được kéo mạnh lên sau đó “văng” cẳng chân ra phía trước để tránh các đầu ngón chân vướng vào mặt đất.

– Teo cơ ở khoang trước ngoài cẳng chân.

– Khảo sát chi tiết sức cơ cho thấy: (yếu) liệt các cơ trước ngoài cẳng chân. Bàn chân không thể “ngóc” lên, không dạng được các ngón do liệt cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài và cơ duỗi các ngón cái dài; bàn chân cũng không thể xoay vào trong được do liệt cơ chày trước tuy rằng động tác khép nhẹ bàn còn thực hiện được nhờ cơ cẳng chân sau: bàn chân không thể xoay ngoài do liệt các cơ mác.

– Giảm và mất cảm giác ở vùng do dây thần kinh chi phối.

2.2. Nguyên nhân

– Chấn thương: đứt dây thần kinh (vật sắc gây ra), gãy xương mác, bó bột quá chặt.

– Chèn ép ngoài cũng có thể gặp trong lúc ngủ bình thường hay bệnh lý (say rượu, ma túy), hôn mê, tư thế “bất thường” lúc gây mê, do cẳng chân ở tư thế bắt chéo hay gấp. Chèn ép thần kinh mác sâu liên quan tới sưng căng cơ chày trước do chấn thương, luyện tập quá sức hoặc tắc động mạch chày trước.

– Bệnh lý thần kinh do thiếu máu nuôi (viêm nút quanh động mạch, tiểu đường) hay nhiễm khuẩn (bệnh phong) cũng là nguyên nhân gây liệt.

3. LIỆT THẦN KINH CHÀY

3.1. Lâm sàng

3.1.1. Vận động

– Mất khả năng gấp bàn chân, các ngón chân.

– Khi ngồi buông thõng cẳng chân, bàn chân nghiêng ra ngoài (valgus). Khi đứng, bàn chân cũng có xu hướng nghiêng ra ngoài, không đứng trên mũi chân được. Khi bước đi, sức nặng đè vào bờ trong của bàn chân, không nhấc gót khỏi mặt đất được.

– Teo khoang sau của cẳng chân.

– Khảo sát chi tiết sức cơ cho thấy mất khả năng gấp bàn chân do liệt cơ tam đầu cẳng chân, mất vận động gấp ngón do liệt cơ gấp ngón chung, cơ gấp ngón cái và các cơ gấp bàn chân; mất khả năng cử động dạng và khép ngón do liệt cơ gian cốt mu và gan chân, các cơ dạng và khép ngón 1 và 5.

– Mất phản xạ gân gót (Achille).

3.1.2. Cảm giác

– Giảm (ít khi mất) cảm giác ở khu vực do dây thần kinh phụ trách: vùng gót, gan bàn chân, bờ ngoài bàn chân, mặt gan các ngón chân, và mặt mu của đốt xa. Đau (cảm giác chủ quan) cũng thường gặp.

– Phù, xanh tím và loét ở bàn chân.

3.2. Nguyên nhân

– Có thể do chấn thương trực tiếp, chèn ép do xương gãy, u hoạt dịch hoặc khối u vùng khoeo.

– Hội chứng ống cổ chân do chèn ép thần kinh chày ở phía sau và dưới mắt cá trong, biểu hiện bằng các cơn đau cháy bỏng hay giảm cảm giác ở gan bàn chân và các ngón. Cơn đau thường xuất hiện về đêm, khi gõ vào mắt cá trong làm xuất hiện hoặc đau tăng lên. Các triệu chứng này còn gặp sau chấn thương mắt cá chân, viêm gân, đau do loạn dưỡng, mất cân bằng của bàn chân.

4. LIỆT THẦN KINH NGỒI

4.1. Lâm sàng

– Là tổng hợp các triệu chứng của liệt thần kinh mác chung và thần kinh chày.

– Khi đứng thấy teo rõ ràng cẳng chân, nếp mông xệ.

– Bàn chân lỏng lẻo, nếu còn đi được thì có bước đi kiểu “chân ngựa”.

– Khảo sát chi tiết sức cơ thấy liệt hoàn toàn các cơ ở cẳng chân (điều khiển bởi các dây mác chung và chày). Giảm hoặc mất (hiếm khi) động tác gấp cẳng chân do liệt các cơ ở khoang sau đùi (chi phối bởi các nhánh bên).

– Mất phản xạ gân gót và đùi mác.

– Mất cảm giác da ở khu vực do hai dây mác chung và chày phụ trách. Đau (cảm giác chủ quan) lan theo hướng đi của dây thần kinh, thường kèm theo rối loạn dinh dưỡng.

– Teo cơ cẳng chân rõ kèm với phù và khô da.

4.2. Nguyên nhân

– Chấn thương: gẫy thấu khớp háng và chậu, do tiêm không đúng kỹ thuật hoặc do phẫu thuật ở khớp háng.

– Tụ máu, u mỡ hoặc phì đại cơ tháp.

– Chèn ép ngoài trong giấc ngủ bệnh lý (say rượu, ma túy), hôn mê, gây mê…

– Khối u vùng chậu (u sợi thận kinh, sarcom).

Rate this post

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*