Ngôi Vai – Phác Đồ Bộ Y Tế

1. KHÁI NIỆM

Ngôi vai là ngôi mà thai không nằm theo trục dọc mà nằm ngang trong tử cung. Trong ngôi vai, không phải lúc nào hai cực đầu và cực mông cũng đều ngang nhau mà một cưc ở hố chậu còn cực kia ở vùng hạ sườn. Khi chuyển dạ thực sự, vai sẽ trình diện trước eo trên. Mốc của ngôi vai là mỏm vai. Ngôi vai không thể đẻ được khi thai sống đủ tháng , nên không có cơ chế đẻ.

2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Khi chưa chuyển dạ

– Tiền sử sản khoa: chửa đẻ nhiều lần, đã có lần thai trước có ngôi vai

– Nhìn tử cung bè ngang

– Nắn cực dưới tiểu khung rỗng không thấy cực đầu hay mông. Nắn hai bên một bên thấy đầu (khối tròn, cứng, bập bềnh), ở mạng sườn hoặc hố chậu bên kia nắn thấy cực mông (khối tròn không đều, to hơn đầu, chỗ cứng chỗ mềm). Nắn giữa hai cực đầu và mông sẽ thấy lưng là một diện phẳng (nếu lưng ở phía trước) hoặc thấy lổn nhổn các chi (nếu lưng ở phía sau)

– Nghe tim thai: vị trí nghe tim thai tùy thuộc vào vị trí cực đầu, là nơi sờ thấy mỏm vai. Tim thai sẽ nghe rất rõ nếu lưng nằm ở phía trước

– Thăm âm đạo thấy tiểu khung rỗng

– Siêu âm thấy thai nằm ngang

2.2. Khi chuyển dạ

– Hỏi tiền sử, nhìn, sờ nắn như trong khi có thai, nhưng sờ nắn khó hơn do đã có cơn co tử cung.

– Thăm âm đạo:

+ Khi ối chưa vỡ thấy ối phồng, tiểu khung rỗng, cần thăm khám nhẹ nhàng tránh làm ối vỡ sớm

+ Khi ối đã vỡ, sờ thấy mỏm vai, các xương sườn và hố nách, vai ở bên nào tức đầu ở bên đó.

2.3. Chẩn đoán kiểu thế

Gồm: vai – chậu – trái – trước, vai – chậu – phải – trước, vai – chậu – phải – sau, vai – chậu – trái – sau.

– Chẩn đoán kiểu thế dựa vào hai yếu tố: đầu và lưng hay vai và lưng .Ví dụ đầu trái lưng trước thì kiểu thế là vai – chậu – trái – trước

– Trong trường hợp tay thai nhi sa ra ngoài âm đạo hay ngoài âm hộ, lúc đó dựa vào bàn tay để xác định kiểu thế. Dấu hiệu ngón tay cái: đặt bàn tay thai nhi ngửa, ngón tay cái chỉ vào đùi mẹ, nếu đùi mẹ là đùi trái thì tay thai nhi là tay trái, nếu đùi mẹ là đùi phải thì tay thai nhi là tay phải

2.4. Chẩn đoán phân biệt

– Ngôi đầu sa chi: ngôi đầu thường cao, khi sờ thấy tay thai nhi bị sa, phải tìm xem ở eo trên có đầu không. Với ngôi vai, không sờ thấy đầu thai nhi ở eo trên

– Ngôi ngược hoàn toàn: sờ thấy đỉnh xương cùng dễ nhầm với mỏm vai, nhưng không tìm thấy hỏm nách và các xương sườn như trong ngôi vai.

3. XỬ TRÍ

3.1. Trong khi có thai

Thai phụ phải được khám định kỳ trong 3 tháng cuối, khi phát hiện ngôi vai, cần khuyên thai phụ nằm nghỉ ngơi vào tháng cuối để đề phòng ối vỡ non, ối vở sớm.

3.2. Trong khi chuyển dạ

– Thai đủ tháng hoặc gần đủ tháng, còn sống: mổ lấy thai ngay để đề phòng vỡ ối sa dây rau, sa tay

– Nội xoay thai chỉ thực hiện ở những thai nhỏ, ngôi thứ hai của song thai

– Nếu thai đã chết: ngày nay chủ yếu là mổ lấy thai, chỉ cắt thai trong những trường hợp điều kiện thủ thuật thuận lợi.

4. PHÒNG BỆNH

– Khám thai và quản lý thai nghén tốt. Khi phát hiện ngôi vai phải chuyển thai phụ đến trung tâm sản khoa có thể mổ lấy thai được

– Khi thai đủ tháng nên mổ lấy thai chủ động để đề phòng các biến chứng cho mẹ và cho thai

– Những bác sỹ có kinh nghiệm mới nên mổ lấy thai trong ngôi ngang để tránh tai biến gãy tay, gãy chân thai nhi

Rate this post

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*